Vì sao smartphone Trung Quốc “giá rẻ giật mình”?
Có bao giờ bạn tự hỏi: Vì sao điện thoại Trung Quốc lại rẻ đến vậy? Trước đây câu trả lời chỉ ngắn gọn là: Chất lượng tồi. Nhưng thời gian gần đây, có lẽ câu trả lời đã ko còn đơn giản như vậy nữa.
Có lẽ ít nhất 1 lần trong đời bạn sẽ tự đặt ra cho mình câu hỏi: Vì sao điện thoại có xuất xứ từ Trung Quốc lại có những cái giá rẻ tới giật mình? Cá nhân tôi, mỗi lần đứng trước những kệ điện thoại đẹp… long lanh có nguồn gốc từ anh bạn hàng xóm với cái giá chỉ bằng 1 nửa thậm chí là 1/3 so với các mẫu smartphone cùng tính năng từ các hãng lớn như HTC, Samsung, câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại.
Có điều kiện được tiếp xúc với rất nhiều sản phẩm “thượng vàng hạ cám”, tôi đã từng được sử dụng những mẫu smartphone đóng mác Huawei, ZTE, HKphone với cái giá chỉ 4 -5 triệu đồng nhưng hoàn toàn có đủ tư cách so sánh với Samsung Galaxy Ace hoặc Sony Ericsson X8 có giá hãng lên tới gần 8 triệu đồng.
Trước đây, khi nói tới cái sự rẻ của “đồ Tàu” người ta thường buông thõng 1 câu: của rẻ là của ôi. Và mới cách đây chỉ 2,3 năm thôi điều ấy hoàn toàn là sự thực, khi mà điện thoại Tàu có chất lượng gia công quá tệ, tính năng gì cũng có nhưng không có cái nào là hoàn chỉnh và người ta sử dụng chúng chỉ như những món đồ nhái rẻ tiền để lòe bịp người thiếu hiểu biết. Nhưng gần đây khi thị trường xuất hiện nhiều model sử dụng Android với tính năng tương đối hoàn thiện nhưng vẫn giữ được cái giá rất bình dân, “bí quyết dìm giá” của các hãng sản xuất Trung Quốc lại càng đáng quan tâm hơn bao giờ hết.
Trong bài viết này chúng ta sẽ đi tìm lời giải cho câu hỏi : “Tại sao smartphone “Tàu” lại rẻ đến vậy?”. Và câu trả lời, có lẽ sẽ khiến bạn thấy bất ngờ. Cũng xin lưu ý với bạn đọc rằng trong bài viết này chúng tôi không đề cập tới những hãng sản xuất không tên tuổi và các mẫu feature phone màu mè lòe loẹt với giá vài trăm tới 1,2 triệu đồng. Đối tượng mà bài viết này đề cập là các smartphone Android xuất xứ Trung Quốc ra đời từ các hãng tương đối có tên tuổi mà chúng ta vẫn gọi với cái tên “hàng Trung Ương”.
Linh kiện
Rất nhiều người có 1 quan niệm sai lầm rằng smartphone “Tàu” có giá rẻ là do sử dụng linh kiện kém phẩm chất. Sự thực là với hàng gia công ở các doanh nghiệp nhỏ lẻ và các dumb phone, feature phone màu mè lòe loẹt, điều này đúng. Nếu bạn từng cầm 1 chiếc feature phone của Trung Quốc với màn hình cảm ứng, không cài được ứng dụng, loa ngoài vừa to vừa rè, bạn sẽ cảm nhận rất rõ sự rẻ tiền của sản phẩm, bắt đầu từ vỏ máy cho tới màn hình.
Video đang HOT
Tuy nhiên nếu sử nhiều mẫu smartphone của Trung Quốc hiện tại, bạn sẽ cảm thấy với chất lượng với các smartphone đó , cả những người khắt khe nhất cũng khó có thể nhận định rằng chúng “rẻ tiền” được nữa. Cá biệt, 1 vài mẫu smartphone ăn theo thiết kế của iPhone 4 hiện có trên thị trường Việt Nam đạt chất lượng gia công có thể nói là ngang ngửa hàng chính hãng của Apple.
Chi phí linh kiện của iPhone 4S bản 16GB chỉ có 188$.
Sự thực linh kiện trong việc sản xuất ra 1 chiếc smartphone chỉ chiếm 1 phần chi phí rất nhỏ trong giá bán ra của nó. Một ví dụ trong việc này là nếu bạn còn nhớ cách đây mấy hôm GenK có đưa tin về giá linh kiện cần thiết để sản xuất ra iPhone 4S, cái giá mà người ta ước đoán dựa vào việc “mổ bụng” iPhone 4S 16GB là 188$. Trong khi giá bán lẻ bản quốc tế ở Mỹ của iPhone 4S là 600$. Và hầu hết các smartphone khác như Nexus One, N8… đều có 1 kịch bản giá tương tự với giá linh kiện chỉ chiếm khoảng trên dưới 30% giá thị trường của 1 sản phẩm.
Và có 1 thực tế là chi phí dành cho phần cứng là chi phí khó “co dãn” nhất. Như bạn có thể thấy, chip nhớ 16GB sử dụng trên iPhone 4S chỉ đắt hơn chip nhớ 32 GB có 19,2 USD (400 ngàn). Trong khi 1 chiếc smartphone dù là đồ Tàu vẫn phải đầy đủ các hạng mục phần cứng như iPhone 4S, từ màn hình cảm ứng điện dung, màn hình hiển thị cho tới chip xử lý và bo mạch chủ… Nói không ngoa, nếu 1 chiếc iPhone 4S có giá 600$ mất 188$ chi phí linh kiện thì 1 chiếc smartphone “Tàu” với cấu hình thấp hơn có giá 200$ vẫn sẽ mất không dưới 100$ chi phí sản xuất. Hơn nữa chất lượng linh kiện của “hàng Trung Ương” có thể nói là cũng “một tám một mười” với các hãng lớn vì thực ra ngay cả Apple hay Samsung cũng sử dụng phần lớn linh kiện từ các nhà thầu Trung Quốc với 1 hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ hơn mà thôi.
Chi phí cho linh kiện nhìn chung rất khó tiết kiệm.
Vậy thì, nếu như chất lượng linh kiện không phải là lý do khiến điện thoại Trung Quốc rẻ đến vậy, thì vấn đề nằm ở đâu?
1 cổ nhiều tròng
Sẽ là rất sai lầm nếu chúng ta kết luận rằng: iPhone 4S có chi phí linh kiện 188$ và bán lẻ với giá 600$ thì Apple sẽ được “đút túi” phần còn lại tương đương với 412 USD. Sự thực là đằng sau chi phí sản xuất, 1 hãng lớn như Apple còn cần rất nhiều “phụ phí” nữa mới có thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Có thể kể tới các đầu chi phí lớn nhất như việc nghiên cứu, phát triển thiết bị, chi phí marketing, quảng cáo và cuối cùng là chi phí bảo trì và dịch vụ khách hàng. Đối với 1 hãng là đầu tàu sáng tạo của cả ngành công nghiệp như Apple, chi phí nghiên cứu, phát triển thiết bị có thể nói là 1 trong những chi phí quan trọng nhất nhưng lại ít được nhắc tới nhất. Mỗi sản phẩm mới ra đời đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu, từ việc thiết kế ngoại hình cho tới con chip và thậm chí cả iOS cũng đòi hỏi rất nhiều chi phí nghiên cứu, phát triển.
Chi phí nghiên cứu và phát triển chiếm khá tốn kém với các hãng lớn.
Có thể thấy rõ ràng với sự ra đời của Android và các SoC theo kiểu “mì ăn liền” từ Qualcomm, Mediatek… Các nhà sản xuất Trung Quốc gần như không phải chịu áp lực của chi phí nghiên cứu, phát triển. Trước đây, chỉ nội 1 việc thiết kế ra 1 cấu hình smartphone với sự kết hợp của RAM, ROM, CPU và GPU đã đòi hỏi các nhà sản xuất tốn hàng năm trời. Nhưng từ khi Qualcomm, MediaTek và 1 số công ty chuyên cung cấp giải pháp SoC (System on a Chip), phần việc thiết kế “nội thất” của 1 chiếc smartphone đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. 1 SoC bao gồm CPU, GPU, RAM, giao tiếp ngoại vi… trên 1 con chip duy nhất đảm bảo tính tương tích và khả năng làm việc chung của tất cả các thành phần. Giải pháp SoC trở thành món “mì ăn liền” dành cho các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc khi mà hầu như họ chỉ cần “chế” 1 bộ vỏ với màn hình, bo mạch để cắm SoC vào là có 1 model smartphone mới sẵn sàng xuất trận.
Vấn đề phần mềm trước đây cũng rất đau đầu với các hãng sản xuất khi làm sao để HĐH của thiết bị tương thích và hoạt động ổn định trên phần cứng. Nhưng khi Android ra đời với tư cách là 1 HĐH mã nguồn mở với khả năng tương thích phần cứng rộng rãi và đặc biệt là hoàn toàn miễn phí đã thực sự châm ngòi cho sự phát triển của smartphone Trung Quốc. Chi phí phát triển phần mềm được Google cáng đáng, kết quả là các hãng Trung Quốc được rảnh tay tập trung cho việc gia công thiết bị. Thậm chí thiết kế kiểu dáng của smartphone “Tàu” thường cũng được “mượn tạm” của các hãng lớn. Có thể nói sự ra đời của Android và SoC đã hoàn toàn giúp smartphone Trung Quốc thoát khỏi chi phí nghiên cứu phát triển góp phần giảm giá thành và nâng cao chất lượng của thiết bị.
Sau đó là chi phí quảng cáo và phân phối sản phẩm. Trong khi các hãng lớn như Samsung, Sony Ericsson, HTC phải “gánh” 1 bộ máy khổng lồ từ khâu sản xuất tới tiếp thị và tiêu thụ, các smartphone Trung Quốc do những hãng nhỏ như HKPhone, Q-Mobile lại có cơ cấu nhẹ nhàng hơn nhiều với việc cắt giảm hầu như toàn bộ các chi phí trung gian: Sản phẩm từ nhà máy hầu như chỉ đi qua tối đa là 2 cấp phân phối trước khi đến tay người tiêu dùng. Điều này khiến chi phí phân phối được giảm đi rất nhiều, góp phần giảm giá bán của thiết bị. Cá biệt có những hãng lớn chi phí quảng cáo đạt tới 10-15% giá bán sản phẩm. Vì vậy khi mua 1 smartphone của các hãng lớn, bạn phải hiểu rằng mình đang phải trả tiền cho những mẩu quảng cáo trên báo chí, truyền hình đã dẫn bạn tới cửa hàng.
Chi phí dịch vụ sau bán hàng và bảo hành. Đối với các thương hiệu lớn như Apple, HTC.. Việc đảm bảo quyền lợi sau mua của khách hàng tốn khá nhiều chi phí. Hãy tưởng tượng đến việc để bạn được cập nhật iOS 5 miễn phí, Apple sẽ phải tốn bao nhiêu tiền vào việc phát triển HĐH này và phân phối nó tới các dòng thiết bị cũ hơn. HTC cũng vậy, với giao diện Sense, mỗi lần cập nhật phiên bản Android mới cho khách hàng cũ, chắc chắn HTC sẽ mất rất nhiều chi phí chỉnh sửa để Sense hoạt động được.
Các smartphone Tàu vốn không có các bản cập nhật phần mềm sẽ không phải “gánh” chi phí này, và đây cũng là điều mà bạn sẽ phải chấp nhận khi sử dụng điện thoại Trung Quốc. Và chi phí bảo hành trước đây là chi phí khiến khoảng cách về chất lượng giữa smartphone Trung Quốc và “đồ hãng” xa nhau đến vậy. Với các hãng lớn, chi phí bảo hành và hỗ trợ khách hàng đã trở thành 1 trong những chi phí buộc phải có. Trong khi để giảm giá thành ban đầu, nhiều hãng điện thoại Trung Quốc cố tình cắt giảm chi phí này khiến “đồ Tàu” thường bị nhìn với con mắt thiếu thiện cảm vì chất lượng dịch vụ bảo hành không tốt.
Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất. Người ta cho rằng Apple “đút túi” tới gần 40% giá trị của mỗi chiếc iPhone được bán ra. Trong khi đó, trò chuyện với tôi, anh Đoàn Linh, chủ doanh nghiệp HKPhone, 1 hãng smartphone “thương hiệu Việt” tâm sự: 1 chiếc smartphone Android giá 4 triệu đồng bán ra có lẽ chỉ lãi chừng 2,3 trăm ngàn (dưới 10%). Tình trạng đó không phải chỉ riêng của HKPhone mà là nói chung cho hầu hết các doanh nghiệp phân phối thiết bị trong nước: “sẵn sàng ăn lãi ít đi so với những gã khổng lồ như Apple, HTC để bán được sản phẩm”. Và tôi cho rằng đó cũng là 1 yếu tố khiến giá cả của các smartphone Trung Quốc đôi khi được bán với những cái giá khiến chúng ta phải “giật mình”.
Kết luận
Cũng giống như tất cả những sản phẩm khác của Trung Quốc, từ thực phẩm tới may mặc, đồ gia dụng… Smartphone Trung Quốc đã và đang xâm nhập ngày 1 sâu vào thị trường trong nước. Đó là 1 thực tế không thể chối cãi được. Và chừng nào Việt Nam còn có những người có thu nhập trung bình chỉ 2 triệu đồng một tháng, thì những smartphone có giá 3-4 triệu đồng vẫn sẽ có đất để sống và tồn tại. Bạn có thể ghét chúng, có thể phản đối chúng hoặc thậm chí có thể phớt lờ chúng. Nhưng bạn không thể phủ nhận rằng chúng đã và đang đáp ứng nhu cầu của 1 thị trường có thật và thậm chí là rất lớn mà các hãng có tên tuổi không thể tiếp cận được vì lý do giá cả.
Cũng nên nhắc lại rằng trong khi ngành công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam còn yếu kém, việc các doanh nghiệp trong nước dám tham gia vào công nghiệp smartphone bắt đầu bằng nhận phân phối lại các sản phẩm của Trung Quốc để tích lũy vốn, kinh nghiệm chờ khi công nghiệp trong nước tiếp kịp nhu cầu tự sản xuất là 1 điều cần thiết. Nếu chúng ta hoàn toàn bỏ ngỏ thị trường đợi tới khi tự sản xuất được 1 chiếc điện thoại “made in Việt Nam” thì mới tham gia vào cuộc chơi, có lẽ lúc đó mọi chuyện đã là quá muộn.
Sẽ cần 5 năm, 10 năm hoặc có thể lâu hơn nữa để Việt Nam có thể tự sản xuất được 1 chiếc smartphone “nội địa” theo đúng nghĩa. Nhưng nếu không có những bước đi từ ngày hôm nay, bắt đầu từ việc phân phối lại “smartphone Tàu”, chúng ta sẽ mãi mãi đứng ngoài nhìn vào 1 ngành công nghiệp chuyển động không ngừng.
Theo ICTnew