Vì sao nợ thuế ở TP Hồ Chí Minh tăng vọt hơn 40%?
Khoản nợ tiền sử dụng đất của 2 doanh nghiệp trúng thầu đất Thủ Thiêm là một những lý do chính khiến số tiền thuế nợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gia tăng mạnh trong nửa đầu năm nay.
Theo thông tin từ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 5/2022, tổng số tiền nợ thuế trên địa bàn là 55.369 tỷ đồng, tăng 40,9% so với thời điểm 31/12/2021. Lượng nợ thuế tăng chủ yếu ở khối chi cục thuế, khi tăng tới 150%, tương ứng 23.964 tỷ đồng, trong khi Văn phòng Cục Thuế giảm 35,21%, tương ứng 8.212 tỷ đồng.
Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh tư liệu: Trần Xuân Tình/TTXVN
Trong số trên 55.000 tỷ đồng thuế nợ, có 27,8% là các khoản nợ khó thu; 17,5% nợ đang khiếu nại; 2,9% là các khoản nợ đang xử lý. Còn lại, phần lớn là các khoản nợ trên dưới 90 ngày.
Đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều nguyên nhân làm tăng số nợ thuế trong những tháng đầu năm nay; trong đó, có khoản nợ tiền sử dụng đất 7.636 tỷ đồng của 2 doanh nghiệp trúng đầu giá khu đất Thủ Thiêm.
Được biết, tính đến ngày 29/6/2022, cả Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega vẫn chưa nộp tiền trúng đấu giá. Ngày 6/7 tới đây sẽ là thời hạn 180 ngày kể từ ngày cơ quan thuế có thông báo thuế, nếu cả 2 công ty này vẫn không nộp đủ tiền thì sẽ bị hủy kết quả trúng thầu trước đó.
Mặt khác, cũng theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, nợ thuế năm nay tăng vì có khoản nợ sai của Công ty TNHH Mica Kim Vân 125 tỷ đồng, do công ty kê khai sai tờ khai giá trị gia tăng. Hiện công ty này đã điều chỉnh và nộp lại tờ khai bổ sung.
Đồng thời, còn có khoản nợ sai do ứng dụng thông tin quản lý thuế tập trung không tự động sinh ra chứng từ P4 đề bù trừ nợ cho trụ sở chính và cách tính nợ không căn cứ theo chứng từ nộp tiền dẫn đến tiền chậm nộp sai; tiền chậm nộp nhóm nợ khó thu tính lại từ các kỳ trước…
Video đang HOT
Kể từ đầu năm đến nay, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã công khai 3 đợt nợ thuế. Trong lần gần đây, vào giữa tháng 6/2022 cơ quan này đã công khai danh sách 69 người nộp thuế với tổng số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp hơn 3.926 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 5, đơn vị này cũng đã ban hành trên 6,6 triệu thông báo nợ thuế, tăng 467.239 thông báo; trong đó, chưa bao gồm số liệu của Chi cục Thuế Thành phố Thủ Đức, do dữ liệu quá lớn nên ứng dụng thông tin quản lý thuế tập trung báo lỗi.
Song song đó, cơ quan thuế đã ban hành 36.017 quyết định cưỡng chế thuế, tương ứng 61.200 tỷ đồng tiền thuế nợ; tăng 16,47% về quyết định cưỡng chế và tăng 130,34 % về tiền thuế nợ so với cùng kỳ.
Với các biện pháp nghiệp vụ quyết liệt, trong 5 tháng đầu năm, ngành thuế TP Hồ Chí Minh đã xử lý, thu hồi 10.949 tỷ đồng nợ thuế, tăng 40% so với cùng kỳ – tương đương với mức tăng của thuế nợ trong thời gian này; trong đó, thu nợ năm 2021 chuyển sang là 5.244 tỷ đồng, tăng 38%; thu nợ mới phát sinh trong năm 2022 là 5.704 tỷ đồng, tăng 47% và xử lý bằng biện pháp quản lý nợ là 400 tỷ đồng, tăng 178% so với cùng kỳ.
Song song với thu hồi nợ, ngành thuế TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện khoanh nợ cho 102.914 lượt người nộp thuế với số tiền thuế đã khoanh nợ là 4.539 tỷ đồng, đạt 91,3%; miễn tiền chậm nộp cho 582 lượt người nộp thuế với số tiền chậm nộp đã miễn là 49,9 tỷ đồng.
Trước tình hình nợ thuế gia tăng, lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tập trung triển khai một số giải pháp quản lý nợ như: giao chỉ tiêu thu nợ cho từng từng đơn vị, từng công chức; thực hiện giám sát, đôn đốc các đơn vị thu nợ đúng quy trình, quy định; ban hành 100% thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp; rà soát 100% các khoản nợ thuế, phân loại nợ thuế, thường xuyên đối chiếu nợ nhằm xác định đúng số nợ.
Cơ quan thuế cũng sẽ tiếp tục công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thông báo những người nộp thuế cố tình dây dưa nợ thuế, nợ thuế lớn, thời gian nợ thuế kéo dài; đồng thời, tiếp tục triển khai khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết 94/2019/QH14…
Đảm bảo tính khả thi đấu giá quyền sử dụng đất - bài học nhìn từ vụ Thủ Thiêm
Cơn "sang chấn tâm lý" giá đất Thủ Thiêm cao ngất ngưởng (2,45 tỷ đồng/m2) trong phiên đấu giá vừa qua đã tạm lắng nhưng dư âm và hệ lụy thì vẫn còn âm ỉ.
Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh tư liệu: Quang Nhựt/TTXVN
Điều quan trọng qua sự vụ trên là việc nhận diện và rút ra bài học để việc tổ chức đấu giá lại các khu đất bị bỏ cọc hoặc tổ chức đấu giá mới các khu đất còn lại tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được diễn ra đúng quy định, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với quy hoạch đô thị cũng như vì sự phát triển bền vững của TP Hồ Chí Minh.
Minh bạch dòng tiền, năng lực nhà đầu tư
Tại tọa đàm "Bài học kinh nghiệm rút ra từ đấu giá đất Thủ Thiêm và những khuyến nghị về thể chế" do Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua đã tạo ra tranh luận nhiều chiều, khi nhà đầu tư trả giá lên tới 24.500 tỷ đồng cho một khu đất có diện tích 10.000 m2 (tương đương 2,45 tỷ đồng/m2).
Đây là mức giá được các chuyên gia đánh giá là quá cao so với các khu vực đô thị trung tâm TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó là việc doanh nghiệp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá gây tâm lý không tốt trên thị trường bất động sản.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, qua vụ đấu giá đất Thủ Thiêm cho thấy, cần xác định dòng tiền của người tham gia đấu giá; đánh giá xem có lợi ích nhóm hay không, có tình huống nhà đầu tư vay tiền để đấu giá đất rồi dùng tài sản này đi thế chấp hay không. Vừa qua, nhà đầu tư đưa ra mức giá cao (2,45 tỷ đồng/m2) buộc cơ quan Nhà nước phải đi tìm nguồn gốc, mục đích, động cơ của doanh nghiệp. Phải chăng đó là cách doanh nghiệp kích hoạt giá đất ở các nơi xung quanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm và đó mới chính là nơi sinh lời chứ không phải khu đất trúng đấu giá.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, dư luận đặt vấn đề từ vụ đấu giá rồi bỏ cọc vừa qua tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, doanh nghiệp tham gia đã đánh bóng cổ phiếu, đánh bóng giá trị thương hiệu, phát hành trái phiếu, huy động vốn xã hội... Rất may là Trung ương và TP Hồ Chí Minh đã sớm vào cuộc, nếu không sẽ gây thiệt hại khôn lường.
Trong phiên đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua, các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu người tham gia đấu giá viết bản cam kết về nguồn vốn, triển khai dự án theo quy hoạch... nhưng như vậy cũng chưa đủ pháp lý ràng buộc, dẫn tới việc doanh nghiệp chỉ mới thành lập, chưa có kinh nghiệm trong đầu tư dự án bất động sản nhưng vẫn tham gia đấu giá rồi bỏ cọc.
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, đất đai là hàng hóa đặc biệt, không "đẻ" ra được và không thể đem ra đấu giá như một căn hộ, máy móc hay tấn gạo. Tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thay vì đấu giá quyền sử dụng đất thì phải đấu thầu dự án đầu tư, chọn nhà đầu tư đủ năng lực nhằm đạt được mục đích cuối cùng là phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm như quy hoạch và kỳ vọng.
Nhanh chóng sửa luật
Để khắc phục tình trạng "đua giá", bỏ cọc như vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua (hiện có 2/4 doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc), ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho hay, Luật Đấu giá tài sản hiện nay áp dụng chung cho việc đấu giá tài sản của cả nhà nước và tư nhân nhưng không phân biệt việc đấu giá đối với 1 lô đất để phát triển dự án bất động sản như ở nước ngoài. Đồng thời, không có quy định người tham gia đấu giá phải có thẩm định, đề xuất dự án sẽ triển khai tại lô đất sau khi trúng đấu giá.
Đáng chú ý, trong phiên đấu giá 4 lô đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa qua áp dụng Điều 41 là "Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá" mà không áp dụng Điều 42 "Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá", Điều 43 "Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp" là chưa phù hợp với việc đấu giá lô đất làm dự án bất động sản. Điều 41 Luật Đấu giá chỉ có thể áp dụng đối với việc đấu giá tài sản nhỏ lẻ như bức tranh, bình gốm...
"Trước mắt, để đảm bảo tính khả thi, thành công như mong muốn trong những phiên đấu giá quyền sử dụng đất tiếp theo tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố cần áp dụng Điều 42, Điều 43 Luật Đấu giá tài sản. Về lâu dài cần bổ sung, điều chỉnh quy định Luật Đấu giá tài sản và các quy định liên quan về đấu giá, nhằm tạo sự thống nhất. Đồng thời, để tăng tính khả thi kết quả các phiên đấu giá, cần có quy định cụ thể tiêu chuẩn người tham gia đấu giá cũng như cần có quy định đánh giá dự án đề xuất của nhà đầu tư đối với khu đất sau khi trúng đấu giá, sau đó mới tiếp tục các thủ tục đấu giá tiếp theo", ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Đấu giá tài sản không phân chia tài sản nhỏ lẻ, tài sản lớn, nhất là tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Vì thế Luật Đấu giá tài sản cần đưa ra một số khái niệm chuyên biệt, thậm chí có quy định cụ thể về đất đai và tài sản trên đất làm tài sản đấu giá. Cùng đó, cần có quy định kiểm soát năng lực người tham gia đấu giá bằng việc xác lập hồ sơ nộp năng lực cho cơ quan có chức năng cũng như kiểm soát dòng tiền và thẩm định dự án đề xuất của người tham gia khi trúng lô đất đấu giá.
Trong khi đó, bàn về vấn đề giá trúng đấu giá và bỏ cọc, ông Nguyễn Thế Phượng, giảng viên Trường Đại học Tài chính Marketing đề xuất, ngoài việc mất cọc cần bổ sung chế tài phạt nhà đầu tư bỏ cọc để ràng buộc trách nhiệm. Mức phạt có thể từ 10- 20% mức trúng đấu giá.
Còn theo Thạc sĩ Lê Mộng Triết, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm có nhiều hệ lụy và làm mất tính nghiêm trang của buổi đấu giá khi doanh nghiệp đua giá rồi bỏ cọc. Vì thế, cơ quan nhà nước cần lựa chọn hình thức đấu giá phù hợp với từng loại tài sản để tránh tình trạng "đua giá" như vừa qua.
TPHCM khẳng định cuộc đấu giá đất liên quan Tân Hoàng Minh "đúng quy định" Trong văn bản vừa gửi tới Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp TPHCM khẳng định cuộc đấu giá đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm liên quan đến Tân Hoàng Minh được thực hiện đúng quy trình, thủ tục. Theo nguồn tin của PV Dân trí, Sở Tư pháp TPHCM vừa có văn bản gửi tới Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ...