Vì sao nhiều trường đại học lớn nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn?
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố mức điểm tối thiểu đảm bảo ngưỡng xét tuyển đầu vào hay còn gọi là điểm “sàn” nhận hồ sơ xét tuyển hệ đại học (ĐH) chính quy 2015, tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 70 trường ĐH trên cả nước chính thức đưa ra ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào. Trong đó, đại đa số các trường ĐH đều lấy mốc xét tuyển bằng với điểm sàn mà Bộ GD&ĐT quy định là từ 15 điểm trở lên.
Ngày 31/7, ĐH Sư phạm Hà Nội đã công bố điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển ĐH năm 2015. Theo đó, yêu cầu thí sinh tốt nghiệp THPT và có hạnh kiểm các kỳ đều đạt loại khá trở lên; tổng điểm 3 môn theo tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt từ 16 điểm trở lên. Tương tự, Trường ĐH Thương mại Hà Nội cũng chính thức đưa ra điều kiện xét tuyển nguyện vọng 1 ĐH chính quy năm 2015 với thí sinh đạt 17 điểm trở lên.
Trước đó, Học viện Ngân hàng cũng đã thông báo đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ chính quy đợt 1 năm 2015. Theo đó, Học viện nhận hồ sơ xét tuyển với thí sinh có kết quả thi PTTH quốc gia đạt cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bậc ĐH do Bộ GD&ĐT công bố từ 2 điểm trở lên.
Video đang HOT
Tham khảo điểm chuẩn các năm trước là một trong những kênh quan trọng của thí sinh trước khi nộp hồ sơ.
Mức điểm “sàn” để nhận hồ sơ xét tuyển thí sinh ở đợt 1 của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội từ 20 đến 22 điểm tùy từng khối thi. ĐH Y Hà Nội cũng chỉ nhận hồ sơ xét tuyển đối với các thí sinh có điểm thi từ 20 trở lên; ĐH Kinh tế quốc dân là 17 điểm và ĐH Bách khoa Hà Nội là 18 điểm trở lên…
Ngoại trừ các trường ĐH trên, đa phần các trường ĐH còn lại như ĐH Luật Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông, ĐH Nông nghiệp, ĐH Công nghiệp, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Mỏ – Địa chất, ĐH Thủy lợi… đều xét tuyển nguyện vọng 1 vào ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015 đối với thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2015 tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì với điểm xét tuyển từ 15 điểm trở lên. Cùng với tiêu chí điểm thi THPT quốc gia, nhiều trường ĐH còn thêm các tiêu chí phụ để xét tuyển như xét điểm học bạ của 3 năm THPT, xét tuyển theo các khu vực và vùng miền đối với một số ngành nghề ưu tiên.
Trao đổi với PV Báo CAND, TS. Nguyễn Hóa, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Thương mại Hà Nội cho biết: Ngưỡng điểm tối thiểu để xét tuyển vào ĐH Thương mại năm 2015 là 17 điểm. Đây là mức cao so với mặt bằng chung vì nhiều trường năm nay lấy điểm xét tuyển đầu vào là 15 điểm trở lên, bằng điểm sàn mà Bộ GD&ĐT quy định. Cũng theo ông Hóa, do hiện nay các trường đều rất “tù mù” vì không biết thí sinh của mình hiện đang ở đâu, có số lượng bao nhiêu nên phải lấy điểm xét tuyển thấp để đảm bảo an toàn cho nguồn tuyển.
“Năm nay Trường ĐH Thương mại có khoảng 3.800 chỉ tiêu. Khi bước vào giai đoạn xét tuyển chính thức, nhà trường sẽ lấy từ cao xuống thấp, cho đến lúc đủ chỉ tiêu. Cứ khoảng 3 ngày, trường sẽ cập nhật số liệu mới một lần về số lượng thí sinh đăng ký. Do vậy, sau khi nộp hồ sơ, thí sinh cần phải theo dõi thông tin thường xuyên trên website của trường để biết khả năng mình có trúng tuyển nguyện vọng 1 hay không. Nếu khả năng trúng tuyển thấp thì nên rút hồ sơ để xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường khác”, ông Hóa cho biết.
Cũng theo ông Hóa, điểm chuẩn năm 2014 của ĐH Thương mại là 18-21 điểm. Năm nay, do phổ điểm cao nên dự kiến mức điểm chuẩn vào trường có thể cao hơn năm 2014. “Thí sinh nào có điểm thi THPT cao hơn điểm chuẩn vào trường năm 2014 khoảng 2 điểm trở lên thì có thể yên tâm nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Thương mại”, ông Hóa đưa ra lời khuyên.
Bà Nguyễn Thị Thìn, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngoại giao thì bức xúc cho biết: “Học viện Ngoại giao không quy định mức điểm “sàn” cụ thể để nhận hồ sơ xét tuyển ĐH năm 2015. Tuy nhiên, không hiểu sao lại có thông tin trên mạng cho rằng điểm “sàn” để nộp hồ sơ vào trường năm nay là 15, bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT quy định”. Cũng theo bà Thìn, để tránh rủi ro, thí sinh nên tìm hiểu kỹ và tham khảo điểm chuẩn các năm trước của trường để từ đó “lượng” sức mình trước khi nộp hồ sơ. Điểm chuẩn của Học viện Ngoại giao năm 2014 là 21 điểm.
Chia sẻ với PV Báo CAND, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho biết: “Một điều dễ nhận thấy là năm nay hầu hết các trường ĐH top giữa, kể cả các trường top đầu như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương… đều lấy điểm “sàn” nhận hồ sơ xét tuyển ở mức thấp hơn so với dự đoán của dư luận và thấp hơn so với phổ điểm. Nếu so với điểm chuẩn của năm 2014 thì mức điểm “sàn” này thấp hơn rất nhiều, trường tối thiểu khoảng 2 điểm và tối đa có thể lên tới 10 điểm.
Điều này cũng dễ hiểu bởi đến thời điểm này, các trường chưa có bất kỳ dữ liệu cụ thể nào về số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình nên đều chọn giải pháp an toàn bằng cách đặt ra mức “sàn” nhận hồ sơ xét tuyển thấp hơn so với thực tế để tăng nguồn tuyển”. Cũng theo phân tích của PGS Trần Xuân Nhĩ, sau khi thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1, bắt đầu từ 1 đến 20/8, căn cứ trên chỉ tiêu mà Bộ GD&ĐT giao hằng năm, các trường sẽ lựa chọn thí sinh bằng cách lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Do vậy, sau khi nộp hồ sơ, thí sinh cần phải theo dõi và cập nhật thông tin liên tục, thường xuyên để xác định khả năng trúng tuyển của mình.
“Trong trường hợp không trúng tuyển nguyện vọng 1, ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh nên nộp cả 3 phiếu báo dự thi còn lại vào 3 trường khác nhau để tăng thêm cơ hội trúng tuyển”- PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết.
Theo cand.com.vn