Vì sao nhiều trường đại học công lập tăng học phí?
Nhiều trường đại học công lập công bố mức học phí áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2020 tăng mạnh so với trước, khiến thí sinh và phụ huynh bất ngờ.
Học phí này được các trường công bố trong đề án tuyển sinh năm 2020 theo quy định của Bộ GD-ĐT. Học phí tăng mạnh do các trường đang và sẽ áp dụng cơ chế tự chủ.
Học phí ĐH công lập tăng sốc: Vô lý!
GS.TSKH Phạm Phố cho biết, học phí các trường đại học công lập tăng cao ngất ngưởng sẽ đẩy thí sinh nghèo học giỏi ra khỏi cổng trường đại học.
Ảnh minh họa
Trong đề án tuyển sinh năm 2020, nhiều trường đại học công lập công bố mức học phí tăng mạnh so với các năm trước khiến thí sinh và phụ huynh choáng váng.
Video đang HOT
Đơn cử, học phí Trường ĐH Y dược TP.HCM hiện nay thu theo quy định trong nghị định Chính phủ với tất cả các ngành là 13 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, trường vừa công bố học phí khóa năm 2020 từ 30-70 triệu đồng/năm tùy theo ngành.
Cụ thể, ngành răng hàm mặt 70 triệu đồng, y khoa 68 triệu đồng, kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng, dược học 50 triệu đồng... Các ngành có mức học phí thấp nhất là 30 triệu đồng. Nhà trường cũng cho biết mức học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%.
Trong khi đó, khoa y - ĐH Quốc gia TP.HCM, ngành răng hàm mặt học phí 88 triệu đồng/năm học, y khoa 60 triệu đồng và dược học 55 triệu đồng.
Các trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM... cũng tăng mức học phí cho khóa tuyển sinh năm 2020.
Lý do học phí tăng mạnh được các trường lý giải là đã và đang thực hiện cơ chế tự chủ.
Trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn gọi mức học phí lên tới gần 90 triệu đồng/năm là mức trên trời, đồng thời thẳng thắn cho rằng, lấy cái cớ tự chủ để tự do đẩy học phí lên cao ngất ngưởng là hết sức sai lầm và không chấp nhận được.
Theo giải thích của GS Phố, các trường công lập được Nhà nước lo cho cơ sở hạ tầng, thiết bị, không phải đóng thuế..., các trường thu học phí, được chi tiêu tất cả nhưng không hoàn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị... cho Nhà nước.
"Có sự khác biệt rất lớn giữa trường công và trường tư. Nhìn vào thống kê mức học phí của các trường, có thể thấy có trường công học phí còn cao hơn cả trường tư. Trong khi đó, trường tư phải tự lo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phải đóng thuế..., không có lý nào học phí trường công lại cao hơn cả trường tư. Đó là sự bất công, và sau cùng người chịu đựng gánh nặng này là thí sinh và phụ huynh", GS.TSKH Phạm Phố nói và cho rằng, phát biểu của một số trường rằng mức học phí công bố vẫn thấp hơn chi phí đào tạo không có nghĩa là không có giới hạn. Thậm chí, ông còn lo ngại một số trường sẽ "té nước theo mưa", nhân đà này cũng tăng học phí lên.
Học phí dự kiến của các ngành tại ĐH Y Dược TP.HCM. Ảnh chụp màn hình.
"Hẳn các trường sẽ cam kết không để xảy ra trường hợp thí sinh nghèo, học giỏi thi đậu nhưng không thể học ở trường vì học phí cao, thế nhưng các phương án giải quyết thế nào? Trong 100 em thu học phí có 1 em nghèo học giỏi, trường có giảm đến 50% học phí thì 50% còn lại vẫn là quá cao", GS Phố không mấy lạc quan.
Với trường tư Nhà nước không can thiệp vào vấn đề học phí, nhưng đối với trường công lập, vị chuyên gia cho rằng Nhà nước bắt buộc phải can thiệp vì đây là các trường của Nhà nước.
Theo đó, ông đề nghị Nhà nước phải hạn chế ngưỡng tăng cao của học phí bằng cách đưa ra mức trần cho từng ngành.
"Bộ GD-ĐT biết rõ ngành nào đầu tư ra sao, tiền đầu tư đó có thể thu hồi trong bao nhiêu năm, trên cơ sở mỗi năm đào tạo bao nhiêu sinh viên, mỗi sinh viên chịu được mức bao nhiêu, trả lương cho GS, PGS, giảng viên một năm bao nhiêu..., tính toán là biết. Việt Nam còn nghèo, không thể chạy đua về học phí với thế giới được", GS.TSKH Phạm Phố nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng cần thiết phải có sự phân luồng đối với một số ngành đặc thù. Chẳng hạn, đối với ngành y, Nhà nước cần có chính sách đối với các sinh viên tốt nghiệp và cam kết trong vòng 5 năm đầu sẽ làm việc cho tuyến dưới, những vùng sâu, vùng xa, khó khăn, thiếu bác sĩ.
Ở Mỹ, theo GS Phố, học phí trường tư cao nhưng trường công lại đảm bảo mức độ tối đa sinh viên có thể chịu được, đồng thời khi sinh viên cam kết về làm ở những vùng khó khăn, xa xôi như vùng sa mạc thì không những trường không thu học phí mà sau này còn tăng lương gấp mấy lần.
Sau cùng, vị chuyên gia nhấn mạnh, phải cân bằng giữa trường công và trường tư. Trường tư phải chịu nhiều áp lực mà vẫn phải đảm bảo chất lượng đào tạo, không thể có chuyện học phí trường công cao hơn trường tư dù với danh nghĩa tự chủ.
Trước việc ĐH Y Dược TP.HCM công bố mức học phí dự kiến từ 30-70 triệu đồng/năm, trao đổi trên Zing, ông Ngô Vũ Thắng - Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế - cho biết, Vụ đã làm công văn yêu cầu đơn vị báo cáo, giải trình cụ thể việc tăng học phí.
Theo ông Thắng, việc xây dựng học phí cần xin ý kiến bộ, ngành về thẩm quyền tăng học phí như thế nào. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần xem mức thu ĐH Y Dược TP.HCM xác định trên cơ sở nào.
Trong khi đó, trên báo Tuổi trẻ, PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM khẳng định, không phải tự dưng trường đưa ra mức học phí mới mà có sự chuẩn bị từ lâu, tính toán kỹ dựa trên nhiều cơ sở và các cơ quan quản lý trực tiếp nhà trường đều biết việc này.
"Cách đây 2 năm chúng tôi đã chuẩn bị xây dựng đề án tự chủ. Trường đã tổ chức hai hội nghị lớn để bàn về vấn đề tài chính, trong đó có việc xây dựng mức học phí. Trong các hội nghị này trường đều có mời đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT...", ông Tuấn thông tin.
Nói về cơ sở tính toán mức học phí mới, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, nhà trường tính toán để đảm bảo chất lượng đào tạo. Đây là chiến lược phát triển của trường cho hiện tại và tương lai với mong muốn cuối cùng chất lượng đầu ra phải an toàn cho người bệnh, nên không thể thu phí thấp.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa các trường trong khối trường công, với trường tư và với cả trường trong khu vực đang rất dữ dội. Nếu không khéo, thầy cô giỏi ở trường công sẽ bị kéo sang hết các trường tư khi trường tư đang sẵn sàng trả vài trăm triệu đồng/ 1 tháng.
Học phí đại học công lập có ngành lên gần 90 triệu/năm, vì sao? 'Tôi có nghe thông tin các trường đại học sẽ tăng học phí sau từng năm, nhưng bất ngờ tăng học phí lên hàng chục triệu đồng thì sốc quá', một phụ huynh chia sẻ. Trường ĐH Y dược TP.HCM tư vấn chính sách hỗ trợ học phí cho tân sinh viên khóa 2019 - Ảnh: TR.HUỲNH Nhiều trường đại học công lập...