Vì sao nhiều ca mắc Covid-19 của Đà Nẵng nặng hơn trường hợp phi công Anh?
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các bệnh nhân tại Đà Nẵng có bệnh lý nền nặng, biến chứng suy tim, suy thận… Vì thế, khả năng đáp ứng với điều trị của họ so với bệnh nhân 91 là rất kém.
Chiều 13/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã trao đổi báo chí về tình hình điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng.
Xin Thứ trưởng cho biết so với bệnh nhân 91 (phi công người Anh) mà chúng ta đã điều trị khỏi thì các ca Covid-19 tử vong và các ca nặng được điều trị tại Đà Nẵng có điểm gì khác biệt?
Việc cứu chữa bệnh nhân 91 là một kỳ tích trong công tác điều trị của ngành y tế nước ta. Tuy nhiên giữa bệnh nhân 91 và các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Đà Nẵng có nhiều điểm khác biệt.
Các bệnh nhân tại Đà Nẵng có bệnh lý nền nặng rất lâu và những bệnh nền đó đã gây ra những biến chứng như suy tim, suy thận, suy dinh dưỡng, suy kiệt cơ thể. Vì thế, khả năng đáp ứng với điều trị của các bệnh nhân tại TP Đà Nẵng so với bệnh nhân 91 là rất kém.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Cơ thể bệnh nhân đã bị giảm miễn nhiễm và với việc virus SARS-CoV-2 xâm nhập thì đây giống như “giọt nước làm tràn ly” khiến tình trạng của bệnh nhân trở nặng rất nhanh. Có những bệnh nhân mặc dù chúng ta đã nỗ lực cấp cứu, tận tình cứu chữa nhưng cũng không qua khỏi.
Vậy theo Thứ trưởng, bệnh lý nền nào khiến bệnh nhân Covid-19 dễ tử vong nhất?
Hiện chúng tôi đánh giá nhóm nguy hiểm nhất là các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, đặc biệt là những trường hợp chạy thận nhân tạo. Có những bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo hơn 10 năm dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch nhiều.
Bên cạnh đó, những biến chứng như suy tim, suy đa tạng ảnh hưởng đến chức năng gan, chức năng hô hấp tạo cơ hội cho virus xâm nhập cơ thể. Khả năng đáp ứng của cơ thể đã bị đè nén và không thể phản ứng lại được với sự xâm nhập của virus. Đây là cơ hội để virus làm tăng nặng những biến chứng của các bệnh lý nền. Mặc dù được sự hỗ trợ của các bác sĩ hồi sức, nhưng một số bệnh nhân đã tử vong vì những biến chứng đó.
Vì sao nhiều ca mắc Covid-19 của Đà Nẵng nặng hơn trường hợp phi công Anh?
Xin Thứ trưởng cho biết chúng ta đã rút được những kinh nghiệm gì trong việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch bùng phát lần này?
Kinh nghiệm lớn nhất mà chúng ta rút ra là không thể để tình trạng Covid-19 diễn ra trong những cộng đồng yếu thế như các bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các bệnh viện, những người cao tuổi, các bệnh nhân bị những bệnh lý nền như tiểu đường, suy thận. Đây là điểm dễ phát tán mầm bệnh đồng thời nó làm tăng gánh nặng cho việc điều trị cho bệnh nhân lẫn cho ngành y tế.
Bên cạnh đó, việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cần phải được phát hiện sớm, theo dõi và có những biện pháp xử lý càng nhanh càng tốt để hạn chế sự lan rộng của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể bệnh nhân, cũng như hạn chế những biến chứng do các bệnh lý nền hoặc do Covid-19 như trong trường hợp bệnh nhân 91.
Phác đồ điều trị Covid-19 từ giai đoạn 1 đến nay đã được chỉnh sửa 6 lần, bổ sung rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học, bổ sung rất nhiều thực tiễn. Tuy nhiên phác đồ chỉ là khung điều trị.
Đối với mỗi bệnh nhân Covid-19 thì bên cạnh hội chẩn của các chuyên gia hồi sức tại chỗ thì còn có hội chẩn quốc gia trực tuyến giữa các đơn vị điều trị Covid-19 và tổ chuyên môn tiểu ban điều trị để có thể tận dụng kinh nghiệm của tất cả các chuyên gia đầu ngành, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành. Đối với mỗi trường hợp bệnh đều được coi là những cá thể để có những quyết định điều trị phù hợp.
Đã qua đỉnh dịch ở Đà Nẵng?
Cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Y tế - trưởng đơn vị thường trực chống dịch tại Đà Nẵng Nguyễn Trường Sơn cho rằng đỉnh dịch tại Đà Nẵng có thể là cuối tuần này. Tuy nhiên số ca mắc trong 2 ngày gần đây có giảm so với những ngày trước đó.
Ngay từ đợt dịch đầu tiên, TP Đà Nẵng đã triển khai máy quét thân nhiệt từ xa tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Số ca mắc chỉ là một phần của các yếu tố khi đánh giá khả năng kiểm soát dịch, cơ sở quan trọng còn lại là hệ thống giám sát dịch và năng lực phòng chống.
Tại Đà Nẵng, các chuyên gia đều cho rằng đến thời điểm hiện nay là "không quá đáng lo".
Thời điểm dịch cao nhất ở Đà Nẵng đã qua?
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-8, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết về lý thuyết, nếu kiểm soát tốt, dịch sẽ được khống chế sau 14 ngày kể từ thời điểm Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội (từ ngày 28-7).
Trong thời gian này, các ca mắc sẽ "nổi" lên qua xét nghiệm phát hiện và thời điểm nổi nhiều nhất sẽ là 7 ngày kể từ khi giãn cách, tính cả thời gian xê dịch do các yếu tố khách quan. Chuyên gia này cho rằng thời điểm số mắc cao nhất ở Đà Nẵng sẽ khoảng ngày 8-8 trở về trước, tức là đến nay thời điểm dịch cao nhất đã qua.
Để có kết quả này, chuyên gia của Bộ Y tế phân tích là do những hoạt động giám sát và phát hiện dịch rất tích cực ngay từ đầu, cùng khả năng xét nghiệm được nâng cao tại khu vực Đà Nẵng (7.000 - 10.000 mẫu/ngày), xét nghiệm toàn bộ người có nguy cơ để phát hiện sớm ca mắc, giảm lây lan.
Các tỉnh thành lân cận, do dân số ít hơn, địa bàn rộng hơn, Quảng Nam cũng đã thực hiện giãn cách xã hội tương tự Đà Nẵng (ngoại trừ một số ít địa bàn), nên tình hình khả quan hơn.
Với các lý do này, chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng thời điểm dịch cao nhất ở Đà Nẵng đã qua. Trong những ngày tới, Đà Nẵng tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, số ca mắc sẽ vẫn gia tăng nhưng tốc độ đã và sẽ tiếp tục giảm xuống.
Địa bàn nào cần chú ý?
Ngày 9-8, trực ban trưởng sân bay Nội Bài (Hà Nội) đã nhận được thông tin về hành khách Đ.T.A., sinh năm 1991 ở Hà Nội, đi Nhật Bản từ sân bay Nội Bài, đã được phát hiện dương tính với COVID-19 và được đưa đi cách ly tại bệnh viện ở Nhật Bản. Hiện chưa xác định được tiền sử đi lại của bệnh nhân, nhưng có dấu hiệu đây là ca bệnh cộng đồng và chưa tìm được nguồn lây.
Tại Hà Nội, cho đến nay đã ghi nhận 7 ca bệnh (chưa tính bệnh nhân Đ.T.A. kể trên) và hiện đang tiến hành xét nghiệm lại bằng Realtime PCR với người đi về từ Đà Nẵng từ ngày 15-7. Tuy nhiên do số lượng đối tượng rất lớn, lên tới trên 74.000 người, Hà Nội ưu tiên xét nghiệm trước người mới ở Đà Nẵng về, người có dấu hiệu lâm sàng...
Tuy nhiên thời điểm phát hiện tốt nhất, theo cách tính của các nhà dịch tễ, là 10 ngày sau khi Đà Nẵng ghi nhận dịch, tức là lẽ ra nếu Hà Nội hiện đã hoàn tất xét nghiệm bằng Realtime PCR cho nhóm nguy cơ cao thì các đánh giá về chiều hướng của dịch sẽ chính xác hơn.
Còn hiện nay, có những dấu hiệu cho thấy xét nghiệm như vậy là chậm hơn yêu cầu về "thời điểm vàng". Vì vậy, các chuyên gia có lưu ý hơn ở Hà Nội và khuyến cáo người dân chú ý đeo khẩu trang, rửa tay sạch, giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc để phòng dịch.
Bệnh nhân thứ 16 tử vong do COVID-19, bệnh nhân 832 Bộ Y tế vừa thông báo bệnh nhân 832 tử vong do COVID-19 và bệnh nền. Đây là ca tử vong thứ 16 kể từ đầu mùa dịch. Chiều nay (11-8), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng đã thông tin về trường hợp...