Vì sao người Việt vẫn “khoái” dùng Windows không có bản quyền?
Khi Microsoft càng ngày càng “dễ tính”, số người sử dụng hệ điều hành Windows không có bản quyền cũng tăng lên.
Trên thực tế, đa số người dùng máy tính Việt Nam đều cài đặt Windows phiên bản “lậu”. Số ít còn lại chủ yếu sử dụng laptop có cài sẵn Windows dưới dạng OEM hoặc có tài khoản lập trình viên đối tác của Microsoft. Vì giá thành quá cao cộng thêm các nguyên nhân được đề cập tại đây, khiến cho việc mua và sử dụng Windows có bản quyền trở nên xa xỉ và xa lạ với người Việt.
Bên cạnh đó, dĩ nhiên nhiều người cũng mong muốn được sử dụng phần mềm bản quyền để được cung cấp những tính năng, trợ giúp tốt nhất. Tuy nhiên, đối nghịch với điều trên thì có quá nhiều lý do khiến người dùng tự cho mình quyền “hãy cứ sử dụng phần mềm lậu”.
Microsoft càng ngày càng nhẹ tạy với Windows lậu
Có một sự thật rằng Microsoft càng ngày càng nhẹ tay với việc “xử lý” các phiên bản Windows lậu bị phát hiện. Điều này dường như là nghịch lý nhưng sự thật lại đang xảy ra khá rõ ràng. Để thấy rõ điều này, các bạn hãy so sánh việc sử dụng Windows XP trước đây và Windows 7 hiện nay.
Video đang HOT
Tất cả đều biết khi bị phát hiện Windows lậu, ngoài việc nhận thông báo liên tục như “bạn có thể là nạn nhân của phần mềm vi phạm bản quyền” thì đôi khi, máy sẽ tự động restart sau một khoảng thời gian nhất định (thường là một đến hai giờ). Ngoài ra, còn một số “hình phạt” khác Microsoft dành cho người dùng phần mềm bẻ khóa.
Tuy nhiên, đến Windows 7, mọi việc dường như đã khác. Ngoài một thông báo nhỏ khi khởi động cộng thêm dòng chữ thông báo (cũng) nhỏ phía góc màn hình, người dùng phần mềm lậu hầu như không chịu tác động lớn nào khác.
Ngoài ra, hãng cũng giảm dần nỗ lực phát hiện các phiên bản phần mềm lậu. Nếu như trước đây, Microsoft tìm mọi cách để phát hiện các phần mềm lậu (dò tìm trong quá trình sử dụng, “cài” phần mềm kiểm tra vào hầu hết các phần mềm miễn phí mới của hãng như: Windows Media Player, Internet Explorer…). Nhưng hiện nay, hãng đã không quá khắt khe khi giảm lượng phầm mềm “tích hợp” với phần kiểm tra (điển hình nhất là IE 8, 9 đã không còn).
Ngay cả trong quá trình cài đặt, Microsoft cũng “thoáng” hơn khi không yêu cầu điền key kích hoạt ngay lúc cài đặt (Windows XP bắt buộc), đồng thời cho dân công nghệ tới 30 ngày dùng thử… Hàng loạt chính sách của hãng đang chứng tỏ rằng Microsoft ngày càng “buông lỏng” việc quản lý phần mềm không bản quyền.
Không khác gì so với bản “xịn”
Rõ ràng các hacker càng ngày càng có trình độ cao hơn. Phiên bản Windows “lậu” ngoài việc thiếu đi tính năng tự cập nhật thì không ai có thể cảm nhận sự khác biệt và khó khăn nào khi sử dụng. Nếu như trước đây, cài Windows lậu, bạn phải thực hiện đủ thứ thao tác như ngắt kết nối mạng… thì đến giai đoạn cuối của Windows XP và đặc biệt là Windows 7, việc cài đặt trở nên quá dễ dàng và hoàn hảo.
Điều này cộng thêm với nguyên nhân đến từ việc Microsoft giảm thiểu các biện pháp kiểm tra bản quyền, khiến người dùng không gặp khó khăn gì khi sử dụng hệ điều hành “hàng gốc”. Rõ ràng, một khi “ông trùm” hệ điều hành không gắn bộ kiểm tra bản quyền vào các chương trình nữa thì cũng hiếm có hãng nào đủ độ “liều” để tiến hành kiểm tra.
Ngoài ra, tính năng Windows Update – điểm khác biệt nhất giữa HĐH bản quyền và không bản quyền thật sự không quá cần thiết. Chẳng phải vô cớ mà GenK.vn từng khuyên các bạn Đừng nên update Windows.
Không có sự trợ giúp tốt nhất
Một trong số những quyền lợi của người dùng Windows chính hãng tại các nước phát triển là họ nhận được sự hỗ trợ 24/24 từ phía Microsoft. Các vấn đề về lỗi phát sinh Windows, các phần mềm sử dụng kèm đều được giải đáp thông qua điện thoại. Đây là một trong những lý do cực kỳ quan trọng khiến họ chọn dịch vụ của hãng thay vì các phần mềm khác.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hãy quên điều này đi! Bạn cũng có thể nhận được sự hỗ trợ này nếu như bạn chịu khó… gọi sang Mỹ hay các nước được hỗ trợ. Rõ ràng, điều này khá phức tạp và không tiện dụng cho người dùng bản quyền Windows tại nước ta. Thật ra, cũng khó có thể trách Microsoft được bởi doanh số bán hàng của họ tại Việt Nam là rất nhỏ, không đáng để lập văn phòng hỗ trợ (chủ yếu tại nạn vi phạm bản quyền).
Như vậy, sử dụng Windows không có bản quyền tại Việt Nam dường như là lựa chọn phổ biến bởi về căn bản nó… không khác gì Windows bản quyền. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng tôi khuyến khích các bạn sử dụng phần mềm lậu bởi đó là hành động tương tự việc lợi dụng chất xám của một tập thể. Tôn trọng bản quyền phần mềm cũng như công sức của những người tạo ra HĐH cho chúng ta không bao giờ là sai.
Theo PLXH