Vì sao nghệ sĩ Trung Quốc không còn ‘kéo quân, trẩy hội’ tại Cannes?
Thảm đỏ LHP Cannes từng là “thánh địa” của nghệ sĩ Trung Quốc. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, có ít ngôi sao gốc Hoa tham dự sự kiện.
Theo Tân Hoa Xã, Liên hoan phim Cannes (LHP Cannes) từng chứng kiến sự xuất hiện hùng hậu của nghệ sĩ Trung Quốc trên thảm đỏ. Có hơn 50 người nổi tiếng xứ tỷ dân đến Cannes trong mỗi kỳ tổ chức. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, sự kiện điện ảnh danh giá tại Pháp không còn là cuộc trẩy hội của giới sao Trung Quốc.
Thang Duy là ngôi sao gốc Hoa nổi bật nhất ở Cannes 2022. Ảnh: Sina.
“Ngày càng mờ nhạt và thưa thớt”, truyền thông đánh giá về tầm ảnh hưởng của showbiz Trung Quốc tại Cannes. Ở liên hoan phim lần thứ 75, Thang Duy, Minh Đạo, Ngô Ngạn Tổ, Trần Pháp Lai, vợ chồng nghệ sĩ Lưu Thi Côn – Tôn Dĩnh là những ngôi sao gốc Hoa hiếm hoi tham dự.
Sina có bài viết lý giải vì sao quân đoàn người nổi tiếng Trung Quốc không còn đổ bộ thảm đỏ Cannes trong vài năm trở lại đây.
Điện ảnh Hoa ngữ vắng bóng
Theo Sina, trong số những gương mặt nghệ sĩ gốc Hoa ít ỏi xuất hiện tại Cannes 2022, chỉ duy nhất Thang Duy có phim tranh giải. Tuy nhiên, tác phẩm Decision to Leave mà nữ nghệ sĩ tham gia diễn xuất thuộc về nền điện ảnh Hàn Quốc, do đạo diễn Park Chan Wook thực hiện.
Năm nay, ngành điện ảnh xứ tỷ dân không gửi bất kỳ tác phẩm nào đến Cannes tranh tài. QQ cho biết đây là lần hiếm hoi phim Hoa ngữ hoàn toàn “vắng bóng” trong danh sách 21 phim cạnh tranh ở hạng mục Cành cọ Vàng.
Niềm an ủi gỡ gạc cho họ là vẫn có Chương Tử Di được mời làm giám khảo. Người đẹp Ngọa hổ tàng long giữ nhiệm vụ đánh giá, chấm điểm các phim tranh giải Cannes XR – VeeR Future Award – hạng mục dành cho tác phẩm áp dụng công nghệ thực tế ảo.
Video đang HOT
Điện ảnh xứ tỷ dân có hồi ức huy hoàng tại Liên hoan phim Cannes. Ảnh: Toutiao.
Từ năm 1959, Trung Quốc có phim đầu tiên tham gia LHP Cannes. Nhưng phải đến năm 1993, câu chuyện về điện ảnh Trung Quốc tại giải thưởng hàng đầu thế giới mới rẽ sang chiều hướng khác. Tác phẩm Bá Vương biệt Cơ của Trần Khải Ca gây chấn động khi đoạt giải Cành cọ Vàng.
Tại Liên hoan phim Cannes 1994, Phải sống của Trương Nghệ Mưu được Giải thưởng lớn do ban giám khảo đánh giá. Bộ phim giúp Cát Ưu đi vào lịch sử điện ảnh Trung Quốc khi trở thành nghệ sĩ đầu tiên nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc. Năm 1997, Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ có tên trong đề cử Nam chính xuất sắc nhờ tác phẩm về tình yêu đồng tính Happy Love. Vương Gia Vệ giành giải Đạo diễn xuất sắc.
Tại Liên hoan phim lần thứ 53, ngành phim ảnh Hoa ngữ gây ấn tượng với cú hat-trick giải thưởng. Đạo diễn người Đài Loan Dương Đức Xương được vinh danh hạng mục Đạo diễn xuất sắc, bộ phim Quỷ dữ trước cổng của Khương Văn đoạt Giải thưởng lớn. Trong khi Lương Triều Vỹ được xướng tên ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc với tác phẩm Tâm trạng khi yêu.
Những năm sau, điện ảnh Trung Quốc tiếp tục có bước đột phá, trở thành thế lực nổi bật trên bản đồ phim thế giới. Có thể kể đến Trương Mạn Ngọc thắng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhờ tác phẩm Clean, đạo diễn Giả Chương Kha được trao giải Thành tựu trọn đời , Spring Fever hay A Touch of Sin giành giải Kịch bản hay nhất.
Theo Sina, dấu ấn của ngành điện ảnh xứ tỷ dân tại Cannes chấm dứt kể từ sau năm 2015. Vài năm qua, số lượng tác phẩm Hoa ngữ góp mặt tranh giải ở sự kiện bị đánh giá rải rác, không để lại ấn tượng với giới chuyên môn. Năm 2019, bộ phim Gặp gỡ ở nhà ga phía nam do Hồ Ca, Quế Luân Mỹ, Liêu Phàm, Vạn Thiến đóng chính tranh giải Cành cọ Vàng chỉ nhận 2,7 điểm chất lượng trong thang điểm 4.
Theo Sina, điện ảnh Trung Quốc đang sa sút vị thế ở các liên hoan phim lớn. Những năm qua, họ giảm đáng kể số lượng phim nghệ thuật, nhưng lại thừa mứa phim thương mại. Những dự án được sản xuất với mục đích kiếm tiền, phục vụ thị hiếu cho thị trường tỷ dân không đáp ứng chuyên môn nghệ thuật để tranh giải ở Cannes.
Vì vậy, ba năm trở lại đây, QQ cho biết Cannes trở thành sân chơi cọ xát của đạo diễn trẻ Trung Quốc. Những phim mang mác “Made in China” được công chiếu tại sự kiện phần lớn mang tính quảng bá. Năm 2020 và 2021, Trung Quốc mang đến liên hoan phim Striding into the Wind, Streetwise, Ripples of Life của Ngụy Thư Vận và Na Gia Hựu. Các tác phẩm này đều chiếu ở bên ngoài trung tâm hội nghị Le Palais.
Đại dịch và thiếu sao đẳng cấp quốc tế
Theo Sina, để sở hữu tấm vé đến Cannes không phải chuyện khó với người Trung Quốc. Trang tin cho biết có bốn hình thức để nghệ sĩ xứ tỷ dân danh chính ngôn thuận xuất hiện trên thảm đỏ LHP danh giá.
Đầu tiên là có tác phẩm điện ảnh tranh giải hoặc được công chiếu như trường hợp của Củng Lợi, Chương Tử Di, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc. Thứ hai là được ban tổ chức mời với danh xưng khách mời danh dự như Phạm Băng Băng, hay thuộc thành phần ban giám khảo điển hình là Trương Chấn, Giả Chương Kha.
Nếu không thuộc hai diện “có giá” trên, nghệ sĩ sẽ thông qua thương hiệu đại diện để lấy vé mời. Đây là cách nhiều ngôi sao xứ tỷ dân sử dụng để đến Cannes, có thể kể đến Dương Mịch, Cổ Lực Na Trát, Lý Vũ Xuân, Côn Lăng, Lưu Đào. Trên thảm đỏ Cannes ngày 24/5, Minh Đạo thừa nhận được dự sự kiện nhờ sắp xếp của nhãn hàng anh làm đại diện.
Nghệ sĩ xứ tỷ dân như Phạm Băng Băng, Trương Hinh Dư, Trương Vũ Kỳ khuấy đảo thảm đỏ Cannes. Ảnh: Sohu.
Số khác là đa phần sao kém tiếng bỏ tiền túi mua vé dự thảm đỏ với giá hàng nghìn USD. Nữ diễn viên Lữ Giai Dung, Trương Hinh Dư, Thi Dư Phi, Triệu Hân từng thừa nhận có suất dự Cannes nhờ chịu chi. Theo Sina, nghệ sĩ dự Cannes không có phim tranh giải luôn bị chê cười, mỉa mai.
Sau LHP Cannes lần thứ 72 (2019), giới sao Hoa ngữ vắng bóng trên thảm đỏ sự kiện. Theo Sina, đại dịch Covid-19 nguyên nhân chủ yếu khiến nghệ sĩ xứ tỷ dân ngại dự liên hoan phim quốc tế. Biện pháp chống dịch nghiêm ngặt theo chiến lược “Zero Covid” cản bước các ngôi sao dự Cannes.
Theo quy định, nếu nhập cảnh từ nước ngoài vào Trung Quốc, họ buộc trải qua 14 ngày cách ly y tế trước khi tham gia sinh hoạt bình thường tại Đại lục. Việc phải cách ly nửa tháng làm xáo trộn công việc, thậm chí có thể gây thiệt hại kinh tế với nghệ sĩ. Vì vậy, giới sao Hoa ngữ sẽ không vì vài ngày dự Cannes lấy tiếng mà hy sinh một tháng lịch trình hái ra triệu USD tại Trung Quốc.
QQ cho biết nguồn cung vé tài trợ Cannes từ những thương hiệu lớn hiện nay tập trung chủ yếu ở showbiz Đại lục. Khi giới sao thuộc thị trường giải trí hùng mạnh nhất Trung Quốc từ chối tham gia, thảm đỏ liên hoan phim danh giá hiển nhiên vắng vẻ đại diện gốc Hoa.
Ngoài vấn đề đại dịch Covid-19, showbiz Trung Quốc hiện nay khan hiếm nghệ sĩ mang đẳng cấp quốc tế. Phạm Băng Băng lao dốc danh tiếng và hình ảnh sau bê bối trốn thuế năm 2018, nhóm minh tinh và tài tử hàng đầu như Châu Tấn, Chương Tử Di, Lương Triều Vỹ, Củng Lợi, Lý Băng Băng… người rẽ hướng đóng phim thương mại theo xu thế thị trường, người tạm dừng diễn xuất. Vì vậy, ban tổ chức Cannes cũng không còn quá nhiều sự lựa chọn với tấm vé mời danh dự cho sao Trung Quốc.
Biểu tượng sắc đẹp Tần Di qua đời
Tần Di được đánh giá là một trong những nữ nghệ sĩ thành công nhất ở Trung Quốc. Bà từng được coi là biểu tượng nhan sắc của xứ tỷ dân với vẻ đẹp nền nã, thanh lịch.
Ngày 9/5, Sina đưa tin Tần Di, biểu tượng diễn xuất và nhan sắc của điện ảnh Trung Quốc, qua đời ở tuổi 100. Gia đình xác nhận tin buồn với truyền thông, và cho biết ngôi sao gạo cội mất vì tuổi cao sức yếu. Trên mạng xã hội Weibo, nghệ sĩ và khán giả bày tỏ sự tiếc thương, tri ân cống hiến của Tần Di cho ngành nghệ thuật xứ tỷ dân.
Theo Thepaper, Tần Di sinh năm 1922, bước chân vào showbiz từ năm 16 tuổi. Trước khi mất, bà có hơn 80 năm bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực diễn xuất, được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Trên màn ảnh, bà nổi tiếng với hình tượng người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ. Các tác phẩm tiêu biểu của Tần Di có thể kể đến Tình yêu xa xôi, Bài ca thanh xuân, Những phụ nữ đó, Yêu miêu truyện, Dương Quý Phi. Tần Di từng giành danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Kim Ưng 1983, Thành tựu trọn đời ở liên hoan phim Kim Kê, Bách Hoa.
Tần Di nổi tiếng với phong thái đoan trang, thanh lịch. Ảnh: Sina.
Không chỉ là báu vật diễn xuất, Tần Di còn nằm trong danh sách biểu tượng sắc đẹp ở showbiz Trung Quốc thời kỳ đầu. "Trang nhã" là từ mà truyền thông xứ tỷ dân nhận xét về cố nghệ sĩ. Phong cách thời trang thanh lịch, sự nhã nhặn trong cử chỉ và lời nói của bà là hình mẫu cho nhiều thế hệ nghệ sĩ.
Vào tháng 1, khi Tần Di đón sinh nhật 100 tuổi, cây bút Trần Thần của Thepaper viết: "Cuộc đời Tần Di gắn liền hai từ xinh đẹp. Vẻ đẹp của bà không dừng lại ở bề ngoài hay diễn xuất. Cuộc đời bà đẹp còn vì thái độ sống lạc quan, mạnh mẽ đối mặt và vượt qua những thăng trầm".
Đạo diễn Trần Khải Ca cho biết ấn tượng khó quên khi gặp Tần Di là ở bà toát ra thần thái sang trọng, đoan trang dù ở độ tuổi xuân sắc hay về già. Trong khi Âu Dương Phấn Cường gọi Tần Di là "Nữ thần của mọi thế hệ", đi hết trăm năm đời người một cách thanh lịch, nhẹ nhàng.
Theo tờ Thành Đô, Tần Di có đời tư gặp nhiều trắc trở, đau khổ. Bà kết hôn lần đầu năm 17 tuổi, nhưng bị người chồng nghiện rượu nặng bạo hành. Sau khi sinh con đầu lòng, bà quyết định ly hôn. Đến năm 1947, Tần Di tái hôn với nam diễn viên Kim Diễm, sinh con trai Kim Tiệp.
Thập niên 1960, nghệ sĩ mắc bệnh ung thư đại trực tràng, phải phẫu thuật. Trong lúc bản thân bệnh tật, chồng bà cũng gặp vấn đề sức khỏe, nằm liệt giường. Tần Di sau đó trở thành trụ cột trong gia đình khi vừa chăm chồng, chăm con trai bị tâm thần phân liệt, vừa ra ngoài xã hội làm việc để gồng gánh kinh tế. Năm 2007, bà chịu cú sốc con trai Kim Tiệp qua đời.
Thang Duy khác biệt ở Cannes 2022 Xuất hiện trên thảm đỏ Liên hoan phim Cannes, Thang Duy gây chú ý với bộ váy lãng mạn, bay bổng nhưng đi giày thể thao. Ngày 24/5, Sina đưa tin nữ diễn viên Thang Duy và đoàn phim Decision to Leave (Quyết tâm chia tay) tiếp tục tham gia các hoạt động tại Liên hoan phim Cannes 2022. Thang Duy là nữ...