Vì sao ngân hàng dư tiền, doanh nghiệp vẫn ngại vay?
Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ có nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất nhưng lại rất ngại đi vay ngân hàng.
6 tháng đầu năm, vốn đầu vào của ngân hàng tăng cao trong khi đầu ra lại gặp khó
DN lớn, nhỏ đều ngại vay vốn ngân hàng
Khi nghe lãi suất giảm trong tình hình giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao, chị H., chủ một trang trại hơn nghìn con tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An quyết định vay hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế, chị H. thấy lãi suất cho vay vẫn như cũ, từ 0,67 – 0,68%/tháng. “Chưa hết ngân hàng còn đòi hỏi rất nhiều thủ tục mà một trại lợn như tôi khó có thể tiếp cận được”, chị H. than phiền.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp quy mô, các điều kiện tiêu chuẩn vay đều được đáp ứng song để “chốt hạ” với ngân hàng cũng không phải dễ. Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần G7 Taxi cho biết: Ngay sau khi kết thúc đợt dịch lần 1, G7 quyết định tái đầu tư với nhu cầu vay khoảng 30 tỷ đồng để mua thêm 100 xe mới. Không đủ điều kiện để tiếp cận gói vay ưu đãi, G7 buộc phải vay với mức lãi suất 8,5%/năm, mà theo ông Quân là quá cao.
Video đang HOT
“Không tính thời gian chuẩn bị hồ sơ dự án để vay vốn, tới nay đã hơn 1 tháng trôi qua vẫn chưa được ngân hàng thẩm định và phê duyệt. Việc chậm chễ này đã khiến chúng tôi lỡ mất cơ hội đầu tư. Tới nay khi dịch bệnh đã quy trở lại, chuyện đầu tư là rất khó. Nếu lãi suất có thể giảm xuống dưới 6%/năm thì doanh nghiệp sẽ tính toán mạnh dạn hơn”.
Không tính tới doanh nghiệp làm ăn cầm chừng, nhiều đơn vị có lãi hiện cũng không muốn tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng để phát triển sản xuất. Cụ thể, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho hay: “Thị trường thế giới đều đang chững lặng. Thuận Phước dù đang tăng trưởng nhưng thời gian tới thì không ai nói trước được. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng hạ theo cách nhỏ giọt, các điều kiện tiêu chuẩn cho vay vẫn giữ nguyên thì làm sao có thể vay được?”.
Trước tình hình trên, thay vì vay vốn ngân hàng, Thuận Phước đã phát hành cổ phiếu cho những cổ đông hiện hữu với giá trị khoảng 144 tỷ đồng. “Đây là cách huy động vốn an toàn, giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ uy tín để phát hành cổ phiếu ở thời điểm này”, ông Lĩnh chia sẻ.
Tương tự, ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Sài Gòn) cho hay, do sản lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm 50% vì thế công ty cũng không có nhu cầu vay vốn…
“Sẵn sàng bơm vốn cho DN làm ăn hiệu quả”
Qua 6 tháng đầu năm, hàng loạt ngân hàng công bố đạt chỉ tiêu tăng trưởng. Bơm vốn ra thị trường khó, nhưng đại diện các ngân hàng thương mại đều khẳng định không chỉ trông đợi vào việc cho vay. Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc tế (VIB) thừa nhận: Mọi hoạt động của ngân hàng đều bị ảnh hưởng bởi tác động dịch Covid-19.
Cùng với việc lãi suất huy động tăng cao hơn cho vay, những tháng qua VIB đã cắt giảm lãi vay cho khách hàng từ 0,5 – 2% và áp dụng giảm lãi cho các khách hàng đang vay có lãi cao hơn trung bình. Điều này cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. “Tuy nhiên, từ năm 2019 VIB đã đặt chỉ tiêu cho năm 2020 cao hơn mức công bố. Cụ thể, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay là 24%, dĩ nhiên tăng trưởng được bao nhiêu còn tùy thuộc vào phê duyệt về chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Thế nhưng cho đến hết quý II kế hoạch này đã đạt 55% và lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019 là hoàn toàn có thể đảm bảo”, ông Vỹ nói.
Tương tự, đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông tin, ngay khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào tháng 2, VPBank đã xây dựng và đưa ra những kịch bản kinh doanh nhằm đa dạng hóa nguồn thu. Nhờ đó, nguồn thu lãi thuần từ phí dịch vụ của ngân hàng mẹ đã tăng trưởng gần 42% so với nửa đầu năm 2019, đạt hơn 1.400 tỷ đồng, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ lãi suất. “Ngân hàng cũng nỗ lực đồng hành cùng các doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp tốt, ngân hàng sẵn sàng bơm vốn với hỗ trợ tối đa như giảm lãi, cơ cấu nợ… để vực dậy tăng trưởng”, vị đại diện cho biết.
Ở một khía cạnh khác, trong suốt thời gian qua thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ đẩy vốn từ ngân hàng vào trái phiếu Chính phủ… Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong tháng 6/2020, đã có 16 đợt đấu thầu huy động được tổ chức với tổng cộng 32.594 tỷ đồng trái phiếu, tăng 77,2% so với tháng trước.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh lo ngại dịch bệnh, sức cầu trên thị trường giảm sâu, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ giảm, đồng thời kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh cũng sẽ thay đổi, không còn như trước.
“Dịch bệnh chưa dừng lại mà còn nguy cơ bùng phát mạnh hơn trước. Vì vậy, sẽ không loại trừ trường hợp doanh nghiệp trước đây đang ăn nên làm ra vẫn có thể bị thua lỗ. Vì thế, bên cạnh hạ lãi suất, khoanh nợ… ngân hàng cần phải hợp tác với với tổ chức tư vấn để cập nhật vào hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp xem thực trạng thế nào. Có doanh nghiệp khó khăn chỉ là tạm thời nhưng cũng có trường hợp ở giai đoạn cuối của sự phát triển. Do đó, việc thận trọng trước khi bơm vốn ra thị trường là cần thiết để tránh phát sinh nợ xấu sau mùa dịch”, TS. Doanh nói.
Theo số liệu của NHNN, tính từ đầu năm đến ngày 20/5, số tiền huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của các ngân hàng ước đạt khoảng 162.700 tỷ đồng, bình quân đạt hơn 1.160 tỷ đồng/ngày. Trong khi cho vay chỉ đạt đạt khoảng 108.200 tỷ đồng, tương đương 773 tỷ đồng/ngày, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tại TP HCM cho hay, tính đến ngày 17/7, đơn vị đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ đạt 71.069 tỷ đồng, miễn giảm lãi với dư nợ đạt 53.634 tỷ đồng. Tuy nhiên cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay chỉ khoảng 349.401 tỷ đồng.
Đường dây nóng xử lý vướng mắc cơ cấu nợ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thiết lập đường dây nóng để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư số 01/2020 của NHNN (quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ... hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19); thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi các hiệp hội doanh nghiệp (DN) trên địa bàn để DN, người dân biết.
Ngoài ra, cơ quan này cũng yêu cầu thành lập bộ phận thường trực tại NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của DN, người dân qua đường dây nóng. Giám đốc NHNN chi nhánh trực tiếp chỉ đạo xử lý cụ thể và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN nếu không giải quyết thỏa đáng, kịp thời các phản ánh, kiến nghị, đề xuất liên quan đến Thông tư 01/2020 trên địa bàn. Đồng thời, xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho DN, người dân dẫn đến các thắc mắc, khiếu kiện.
NHUNG NGUYỄN
Doanh nghiệp ngóng giảm lãi suất khoản vay cũ Thời gian qua nhiều ngân hàng (NH) đã tung ra các gói cho vay lãi suất ưu đãi nhưng đa phần dành cho các khoản vay mới. Một số NH cho biết sẽ thực hiện cơ cấu nợ, giảm lãi suất vay nhưng chỉ ưu tiên những DN có "khả năng phục hồi". Hoạt động nghiệp vụ tại VPBank. Ảnh: Việt Dũng Không...