Vì sao ngân hàng cần cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế?
Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, tất cả thông tin của người nộp thuế đều được cơ quan thuế bảo mật tuyệt đối, chứ không chỉ riêng liên quan đến thông tin tài khoản khách hàng.
Giải đáp thắc mắc cho người nộp thuế. Ảnh: TTXVN
Kể từ ngày 5/12/2020, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực; trong đó, có nội dung liên quan đến việc các ngân hàng phải cung cấp thông tin của người nộp thuế cho cơ quan thuế trong những trường hợp nhất định.
Điều này đang dấy lên lo ngại rủi ro rò rỉ thông tin khách hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây không phải là vấn đề mới mà là biện pháp cần thiết trong quá trình đôn đốc thu thuế trong một số trường hợp có dấu hiệu trốn thuế.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, việc các ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch cho cơ quan thuế theo quy định Nghị định 126 không phải là mới.
Xét theo thông lệ quốc tế, đã từ lâu các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của công dân Mỹ cho cơ quan thuế của Mỹ theo nội dung hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.
Hay trước đây, chúng ta vẫn nghe chuyện các ngân hàng Thụy Sĩ bảo mật tuyệt đối thông tin khách hàng. Thế nhưng gần đây Chính phủ nước này và cộng đồng Châu Âu đã đấu tranh và hiện các ngân hàng Thụy Sĩ phải cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu.
Do vậy, ông Minh cho rằng, việc các ngân hàng cung cấp thông tin cho các cơ quan thuế theo nội dung Nghị định 126 là phù hợp với thông lệ quốc tế và không có gì mới lạ. Đây cũng là trách nhiệm của ngành ngân hàng. Các ngân hàng không thể lấy lí do bảo mật thông tin khách hàng để né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin. Bởi lẽ, việc cơ quan quản lý thuế lấy thông tin giao dịch là để phục vụ công tác thu thuế, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, việc các ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch cho cơ quan thuế sẽ giúp cơ quan này nắm được dòng tiền của các trường hợp kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới. Nhất là khi càng có nhiều cá nhân nhận thu nhập khi kinh doanh qua các nền tảng như: Amazon, Google, Youtube… Từ đó động viên tuyên truyền các trường hợp này tự giác kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.
Đối với những lo ngại rò rỉ thông tin khách hàng, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, tất cả thông tin của người nộp thuế đều được cơ quan thuế bảo mật tuyệt đối, chứ không chỉ riêng liên quan đến thông tin tài khoản khách hàng. Vấn đề này đã được cơ quan thuế thực hiện rất tốt trong nhiều năm qua.
Diễn giải thêm nội dung này, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, cần hiểu đúng hơn về Nghị định 126. Việc ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch khách hàng cho cơ quan thuế không phải câu chuyện mới, mà chỉ luật hóa nội dung đã thực hiện từ trước.
Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng không có trách nhiệm cung cấp toàn bộ thông tin khách hàng mà chỉ cung cấp thông tin đối với những trường hợp cơ quan thuế có yêu cầu. Và thông thường, những đối tượng này cũng có vấn đề về thuế, cần các ngân hàng tham gia xác minh để hỗ trợ thu thuế theo quy định pháp luật.
Nội dung của Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của cơ quan thuế chỉ được phép sử dụng cho mục đích thu thuế, chứ không được phép sử dụng cho mục tiêu khác. Đồng thời, phải đảm bảo quy tắc bảo mật thông tin như quy định của nhà nước đối với cá nhân khách hàng.
Đối với một số ý kiến băn khoăn, nếu áp dụng theo Nghị định 126 sẽ xuất hiện tình trạng một số khách hàng chuyển sang thanh toán tiền mặt, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, không quá lo ngại về vấn đề này. Thực tế, những khách hàng đã thanh toán điện tử một cách công khai minh bạch thì đương nhiên không có vấn đề e ngại về thuế. Họ chẳng có lí do gì để quay lại thanh toán bằng tiền mặt.
Đối tượng còn lại thì không nhiều. Bởi lẽ, những trường hợp nợ đọng thuế thường phía cơ quan thuế đã có danh sách và lâu nay cũng áp dụng nhiều biện pháp truy thu thuế.
Do vậy, việc ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế thực chất là một công cụ để ngành thuế nắm dòng tiền của các đối tượng có nguy cơ “lọt” thuế. Từ đó, có biện pháp động viên người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật hiện hành.
Dưới góc độ của ngân hàng, ông Đàm Hồng Tiến, Giám đốc khối bán lẻ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam ( Vietinbank) cũng xác nhận, việc ngân hàng cung cấp dữ liệu thông tin giao dịch khách hàng đến cơ quan thuế cũng đã có từ lâu. Trong một số trường hợp nhất định, khi cơ quan thuế có văn bản yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng thì ngân hàng buộc phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, với các quy định mới trong Nghị định 126, các ngân hàng vẫn đang chờ cơ quan có thẩm quyền ban hành Thông tư hướng dẫn việc thực hiện nội dung này; đồng thời, các ngân hàng cũng đang chuẩn bị các phương án để đáp ứng yêu cầu theo quy định pháp luật.
Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện tốt nội dung này của Nghị định 126, cần có cơ chế liên thông giữa cơ quan thuế và hệ thống ngân hàng để việc trao đổi thông tin dữ liệu được thuận lợi hơn. Cả hai bên cần xác định rõ đối tượng, tiêu chí khách hàng nào phải cung cấp thông tin, từ đó xác định phương thức cung cấp cũng như chuyện cam kết bảo mật thông tin phải được thực hiện như thế nào…
“Bước đầu việc triển khai Nghị định 126 có thể sẽ gặp khó khăn một phần nào đó liên quan đến vấn đề thông tin, chia sẻ dữ liệu… nhưng đây là việc cần thiết vì lợi ích toàn cục của nền kinh tế cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế. Tất nhiên, hai bên thuế và ngân hàng cần phải ngồi lại với nhau để xác lập tiêu chí và cách làm cụ thể, tránh tạo ra thủ tục hành chính quá phức tạp cồng kềnh và tốn kém”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực lưu ý./.
Ngân hàng cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để làm gì?
Tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 5/12 sắp tới quy định, Ngân hàng sẽ phải cung cấp cho cơ quan thuế các thông tin như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch của khách hàng.
Ngân hàng sẽ phải cung cấp cho cơ quan thuế các thông tin tài khoản, số dư, số liệu giao dịch của khách hàng
Theo đó, tại điểm a.5 Khoản 2, Điều 26 Nghị định số 126 quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan quản lý nhà nước nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được NHNN Việt Nam cấp phép trong việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân và phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế.
Bên cạnh đó, NHNN có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong việc thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới trong thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Việc thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài khi có giao dịch thanh toán giữa nhà cung cấp ở nước ngoài với người mua hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam và cung cấp thông tin khác theo quy định tại Luật Quản lý thuế và pháp luật có liên quan.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Điều 30, Nghị định số 126 quy định: NHTM có trách nhiệm cung cấp các thông tin theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, NHTM cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: Tên chủ tài khoản; Số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp; Ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản. Việc cung cấp thông tin về tài khoản theo quy định trên được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực; việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp; phương thức cung cấp thông tin được thực hiện dưới hình thức điện tử.
NHTM cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan.
Trường hợp người nộp thuế có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế nhưng người nộp thuế không nộp đúng thời hạn thì ngân hàng bảo lãnh phải chịu trách nhiệm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước thay cho người nộp thuế trong phạm vi bảo lãnh. Trường hợp quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp tiền thuế nợ theo văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế chưa nộp đủ vào ngân sách nhà nước thì bên bảo lãnh bị cưỡng chế đối với số tiền trong phạm vi bảo lãnh theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Tổng cục Thuế cho biết, mục đích của nội dung này nhằm giúp cơ quan Thuế có thể phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng để chống thất thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Nghị định được thực thi sẽ là chế tài giúp cơ quan nhà nước quản lý, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hiện gặp nhiều khó khăn. Qua đó, cơ quan quản lý thuế có thể theo dõi các giao dịch ngân hàng, từ đây sẽ có cách quản lý thuế hiệu quả.
BAC A BANK tăng vốn điều lệ lên 7.085 tỷ đồng Mới đây, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) đã thông báo tăng vốn điều lệ từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng, tăng thêm 585 tỷ đồng. BAC A BANK tăng vốn điều lệ lên 7.085 tỷ đồng. Trước đó, BAC A BANK đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ theo văn bản số 5456/NHNN-TTGSNH....