Vì sao Nga chưa thể vươn tầm ảnh hưởng tới toàn cầu?
Mục tiêu vươn tầm ảnh hưởng tới toàn cầu của Nga đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cả về phương diện quân sự và kinh tế.
Theo bài phân tích trên trang mạng New Eastern Europe, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã phải trải qua giai đoạn suy giảm sự hiện diện quân sự ở nước ngoài, chỉ có thể duy trì tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Để có thể trở thành một cường quốc trong thế giới đa cực ngày nay, Moscow cần phải xây dựng lực lượng quân đội và nền kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, lệnh cấm vận từ phương Tây cũng như giá dầu thế giới giảm đã khiến cho kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn.
Trong lĩnh vực quân sự, Moscow đang cố gắng xây dựng mạng lưới quân sự ở nước ngoài dù gặp phải không ít hạn chế.
Sau khi đóng cửa căn cứ quân sự cuối cùng ngoài khu vực CIS ở Syria năm 2013, Nga đã bày tỏ sự trở lại ở khu vực Địa Trung Hải bằng thỏa thuận hợp tác quân sự với Cộng hòa Síp hồi đầu năm nay.
Bên cạnh đó, Nga cũng bày tỏ mong muốn duy trì sự hiện diện quân sự trở lại trên toàn cầu.
Theo Điện Kremlin, Nga cũng đang hướng sự chú ý đến Bắc Cực không chỉ bởi mục đích phòng thủ mà còn nhằm bảo vệ chủ quyền của Moscow tại khu vực giàu tài nguyên này.
Hợp tác với Cuba và Việt Nam
Cuba luôn là quốc gia đóng vai trò chiến lược đối với tàu chiến và tàu ngầm Nga. Bên cạnh hải cảng lớn, quân đội Nga đã phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho các binh sĩ và thân nhân trong quá khứ.
Khoảng cách chỉ 250 km đến lãnh thổ Mỹ là cơ hội để Nga duy trì cơ sở thu thập thông tin liên lạc trong khu vực và từ Mỹ đi châu Âu.
Nga đã bày tỏ mong muốn trở lại Cuba bằng một thỏa thuận giữa Moscow và Havana trong chuyến thăm của Tổng thống Putin năm 2014. Thỏa thuận này cho phép lực lượng hải quân Nga bao gồm tàu tình báo Victor Leonov neo tại cảng Cuba
Kể từ năm 1979, hải quân Liên Xô neo tại cảng Cam Ranh của Việt Nam, giúp duy trì sự hiện diện ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư. Năm 2002, ông Putin ra lệnh rút lực lượng khỏi Cam Ranh sau khi hai bên chấm dứt hợp đồng. Ngày nay, Việt Nam duy trì chủ trương không cho nước ngoài thuê căn cứ quân sự và chỉ cho phép Nga sử dụng cảng Cam Ranh vì mục đích hậu cần.
Video đang HOT
Hiện tại, không quân Nga có thể sử dụng căn cứ không quân Việt Nam ở Cam Ranh cho các máy bay Il-78. Các máy bay này có nhiệm vụ tiếp nhiên liệu cho máy bay ném bom chiến lược Tu-95 hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương và ngoài bờ biển phía tây của Mỹ.
Mặt trận mới ở Bắc Cực
Tháng 12/2013, Tổng thống Nga Putin tuyên bố sự hiện diện của quân đội Nga ở Bắc cực phải là ưu tiên hàng đầu. Để đảm bảo khả năng kiểm soát khu vực giàu tài nguyên này, Nga có kế hoạch xây dựng ít nhất 13 căn cứ không quân, 10 căn cứ radar trong khu vực.
Hiện tại Nga đang vận hành hai căn cứ không quân tại đảo New Siberian và nhóm đảo Franz Joseph Land. Quá trình xây dựng 6 căn cứ khác đã được tiến hành vào năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2017.
Sự thống trị của Nga cũng được đảm bảo trên biển thông qua các mạng lưới căn cứ hải quân và tàu ngầm. Lớp tàu ngầm Borei đang được chế tạo với khả năng phóng tên lửa đạn đạo ngay ở dưới lớp băng, nơi mà rất khó thể phát hiện tàu ngầm.
Nga tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực.
Moscow cũng đang lên kế hoạch “đề án 22220″ nhằm xây dựng một hệ thống tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mới. Tàu đầu tiên trong lớp này mang tên Arctica dự kiến sẽ được hạ thủy vào năm 2017.
Hạn chế của Nga
Mặc dù Nga đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự toàn cầu, Điện Kremlin phải đối mặt với nhiều hạn chế và chướng ngại. Một trong những vấn đề đó là yếu tố tài chính. Nền kinh Nga hiện tại đang gặp nhiều khó khăn và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu quốc phòng.
Trong giai đoạn đầu năm 2015, Nga hiện đang duy trì mức chi tiêu quân sự khoảng 9%, gấp đôi con số dự tính. Như vậy, Nga đã chi tiêu một nửa ngân sách quốc phòng hàng năm chỉ trong quý I năm 2015. Mặc dù chi tiêu quân sự của Nga ở mức cao so với GDP nhưng con số này cũng chỉ đạt 84,5 tỷ USD so với 610 tỷ USD của Mỹ (chiếm 3,4% GDP năm 2014).
Một yếu tố quan trọng khác đó là lực lượng hải quân nước xanh với khả năng hoạt động tại các đại dương và vùng nước sâu. Hiện tại, Moscow không có đủ số lượng tàu chiến để hoạt động tác chiến xa bờ.
Vấn đề cuối cùng là khả năng của ngành công nghiệp quân sự Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực đóng tàu. Hải quân Nga dựa nhiều vào nguồn cung cấp động cơ từ Ukraine và chỉ có hải cảng ở St. Petersburg là đáp ứng kỳ vọng của Điện Kremlin.
Nền công nghiệp quốc phòng Nga cũng chịu nhiều nhiều hạn chế bởi vấn đề chảy máu chất xám. Nhiều người dân Nga có học vấn và năng lực đang mở đầu xu hướng di dân khỏi Nga trong nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba của ông Putin. Điều này về lâu dài sẽ có tác động rõ rệt tới nền kinh tế Nga.
Như vậy, không thể phủ nhận tiềm lực, sức mạnh quân sự Nga nhưng Moscow nhiều khả năng chưa thể vươn tầm ảnh hưởng tới toàn cầu trong tương lai gần.
Đăng Nguyễn
Theo_Người Đưa Tin
Chậm ứng phó khủng hoảng nhập cư, châu Âu đối mặt với nguy cơ bạo lực
Ngày 15/8 đã xảy ra bạo lực ở đảo Kos, Hy Lạp khi những người nhập cư giành giật nước và lương thực viện trợ do các binh sỹ mang đến.
Tức giận trong sự cùng quẫn, khoảng 50 người nhập cư từ Afghanistan, Pakistan và Iran đã ném đá vào trụ sở cảnh sát của đảo Kos.
Khung cảnh hỗn loạn này làm dấy lên những lo ngại về cách giải quyết chậm chạp của Chính phủ Hy Lạp nói riêng và các nước châu Âu nói chung trước cuộc khủng hoảng người nhập cư trầm trọng nhất tại "lục địa già" kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Người nhập cư Syria đặt chân lên đảo Kos, Hy Lạp. Ảnh Guardian
Khu trại tạm cho người nhập cư trên đảo Kos của Hy Lạp hiện do tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) điều hành. Tại đây có những cơ sở vật chất cơ bản như nệm, nhà vệ sinh di động. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho biết, họ đang phải vật lộn để đáp ứng số người nhập cư ngày một tăng nhanh.
Từ đảo Kos có thể nhìn thấy bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, nơi đây đã trở thành tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khi hàng trăm con thuyền cao su chở người nhập cư cập bến mỗi ngày.
Thiếu nước và lương thực, những người nhập cư chen chúc trong cái nóng thiêu đốt giữa mùa hè dưới những căn lều tạm hay đôi khi chỉ là những hộp carton.
Một người nhập cư từ Pakistan chia sẻ: "Tôi đã ở đây 7 ngày và bạn tôi đã ở đây 20 ngày nhưng không có thức ăn, không có nước, những thứ khác cũng không. Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm".
Với nguồn lực ít ỏi cùng với gánh nặng nợ hiện nay, chính quyền Hy Lạp không thể nào hỗ trợ thức ăn, phúc lợi và kiểm soát an ninh cho lượng người khổng lồ này.
Điều phối viên chiến dịch viện trợ của Tổ chức Bác sỹ không biên giới trên đảo Kos, cô Julia Kourafa cho biết: "Chúng tôi đang đề nghị chính quyền giúp đỡ bằng việc cung cấp thêm không gian cho chúng tôi hoạt động. Hiện chúng tôi vẫn đơn độc.
Chúng tôi không thể hoạt động và không thể giữ chân họ ở đây đến 20 ngày mà vẫn đủ viện trợ. Đến thời điểm này chúng tôi không thể cung cấp thêm sự giúp đỡ nữa vì có quá nhiều người nhập cư".
Chính quyền đảo Kos đang triển khai xử lý và thu xếp chỗ ở tạm cho những người Syria cập bến vào đây vì coi họ là những người tị nạn đang chạy trốn chiến tranh ở quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, công dân những nước khác như Pakistan, Iraq và các nước châu Phi vẫn được coi là người nhập cư nên thứ tự ưu tiên và xử lý thủ tục sẽ khác.
Hy Lạp là nơi cập bến phổ biến nhất của mọi chuyến tàu vận chuyển người nhập cư qua Địa Trung Hải. Ngày 14/8, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã phải yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ vì nước này không thể tiếp nhận nổi hơn 1.000 người tị nạn mỗi ngày.
Từ đầu năm đến nay đã có hơn 100.000 người tị nạn và người nhập cư đã đến Hy Lạp. Con số này ở Italy là khoảng 80.000 - 90.000 người.
Hy Lạp và Italy là 2 điểm nóng của cuộc khủng hoảng người nhập cư ở châu Âu. Thế nhưng cuộc khủng hoảng này không thể được giải quyết triệt để nếu như chỉ dựa vào các tình nguyện viên và nguồn lực của hai quốc gia có nền kinh tế bị tổn thương và nợ nần nhiều nhất, nhì châu lục.
Tháng 7 vừa qua, Liên minh châu Âu cũng hứa hẹn sẽ nhận thêm 40.000 người tị nạn từ Hy Lạp và Italy trong thời gian hai năm tới, một con số chẳng thấm vào đâu so với gần 200.000 người tị nạn đang "ùn ứ" tại hai quốc gia này.
Theo số liệu phân tích của Liên Hợp Quốc, nếu tính thêm cả những người nhập cư đến từ Darfur, Iraq, Somali và Nigeria, tổng số người đủ điều kiện được xem xét cho tị nạn chính trị chiếm đến gần 70% tổng số người nhập cư đổ vào châu Âu hiện nay.
Thế nhưng, đến nay Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu vẫn chưa thể nào thống nhất về việc san sẻ gánh nặng này. Càng chậm giải quyết cuộc khủng hoảng này, châu Âu sẽ càng nuôi lớn nguy cơ bất ổn ở biên giới với hàng trăm nghìn người nhập cư đã bị bần cùng hóa và không còn gì để mất./.
Diệu Hương Tổng hợp
Theo_VOV
Đa Chiều: Kế hoạch Vành đai, Con đường của TQ có thể tắt tạm thời Trung Quốc đang đứng trước thách thức nhằm triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Theo Đa Chiều, phương Tây đang ngày càng chìm sâu vào nợ nần. Nhiều quốc gia ở Nam Âu có thể theo bước Hy Lạp, vốn đang có nguy cơ bị khai trừ khỏi...