Vì sao một số trường tư không còn ở ‘chiếu dưới’?
Mùa tuyển sinh vào các trường đại học năm 2019 cho thấy khó khăn không còn nằm hoàn toàn ở các trường ngoài công lập như các năm trước.
Đ.N.THẠCH
Điểm chuẩn nhiều trường cao hơn trường công
Ngày 16.8, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM công bố sẽ không xét tuyển nguyện vọng bổ sung theo phương thức điểm thi THPT quốc gia; trong khi một số trường công lập, đặc biệt là các trường địa phương vẫn thiếu chỉ tiêu.
Điểm chuẩn nhiều ngành của hai trường này công bố trước đó còn cao hơn điểm chuẩn cùng ngành tại một số trường ĐH công lập. Trong khi nhiều trường công lập lấy điểm chuẩn nhiều ngành 14 – 15 điểm thì các ngành tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dao động từ 16 – 22 điểm. Trong đó, ngành dược học có điểm chuẩn cao nhất với 22 điểm (điểm sàn theo khối sức khỏe của Bộ GD-ĐT là 20), kinh doanh quốc tế 20 điểm (tăng 2 điểm so với điểm sàn xét tuyển), marketing 19 điểm (tăng 3 điểm). Nhiều ngành khác lấy 18 điểm, tăng 1 – 2 điểm so với điểm sàn.
Mức điểm chuẩn các ngành tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM còn cao hơn, từ 17 – 21 điểm. Ngành quan hệ quốc tế có mức điểm chuẩn cao nhất là 21. Các ngành ngôn ngữ Nhật, luật quốc tế có mức điểm chuẩn là 20. Quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, ngôn ngữ Hàn Quốc 19 điểm; các ngành còn lại từ 17 – 18 điểm.
Hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng khá cao. Năm nay, ngành y khoa tại trường này lấy đến 23 điểm, cao hơn điểm sàn khối ngành sức khỏe của Bộ GD-ĐT 2 điểm.
Năm nay, một số ngành của Trường ĐH Văn Hiến thu hút nhiều thí sinh (TS) nên có mức điểm cao khá cao. Cụ thể, mức điểm chuẩn ngành Việt Nam học là 18, ngôn ngữ Pháp là 17,2 và văn hóa học là 17.
Nhiều ý kiến cho rằng mức điểm chuẩn ở các trường ngoài công lập khá cao là do các trường dành nhiều chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác như học bạ, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, thi riêng… Tuy nhiên, theo đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trường này dành 65% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Tương tự, chỉ tiêu dành cho phương thức này của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM là 70%.
Xã hội thay đổi cách nhìn hay trường quảng bá thương hiệu tốt ?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết thời gian qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo thông qua đội ngũ giảng viên, nhiều trường ĐH tư thục cũng nghiêm túc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, chú trọng phát triển các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, các hình thức chăm sóc sinh viên. Hơn nữa, hầu hết TS hiện nay có điều kiện tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn, đa chiều, đa dạng nên có cái nhìn khách quan hơn, không còn quá quan trọng công lập hay ngoài công lập, mà xem xét môi trường học tập phù hợp để quyết định lựa chọn trường học.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng nhận định năm nay một số trường tư thục ( ảnh) rất khởi sắc trong tuyển sinh. Thứ nhất là điểm chuẩn cao, thứ hai là tuyển đủ, không xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Đây là tín hiệu đáng mừng cho hệ thống ĐH tư thục vì đã tạo được uy tín nhất định.
Theo ông Nghĩa, các trường này thành công trong tuyển sinh là vì thực hiện tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp, quảng bá thương hiệu rất tốt, đưa hình ảnh, thông tin của trường đến với TS. Đó là quá trình nhiều năm các trường dày công vừa quảng bá thương hiệu, hình ảnh, đồng thời nâng cao chất lượng. Những trường ít tham gia tư vấn thì tuyển được không nhiều. Nếu không có TS đăng ký thì sẽ không có TS xét tuyển. Đó là hệ quả khiến nhiều trường ĐH đưa ra điểm sàn thấp, điểm chuẩn cũng thấp vì không có nguồn TS đăng ký xét tuyển.
Theo thanhnien
Lấy quy hoạch để áp chỉ tiêu tuyển sinh, rất nhiều trẻ em Thủ đô sẽ thất học
Trường công tuyển cả nghìn học sinh, sĩ số 69, 70 em một lớp thì không thấy phòng giáo dục mang quy hoạch ra xem, nhưng lại dùng quy hoạch bắt chẹt trường tư.
Dân số tăng cơ học và sự chậm chễ, lạc hậu của quy hoạch mạng lưới trường lớp đang làm tăng áp lực lên hệ thống trường phổ thông công lập thủ đô.
Quá tải sĩ số đẻ ra rất nhiều hệ lụy. Phát triển hệ thống trường phổ thông tư thục là giải pháp khả dĩ, hiệu quả nhất hiện nay để khắc phục hạn chế của quy hoạch.
Nhưng trên thực tế các trường tư thục lại đang bị một số cán bộ / chuyên viên trong cơ quan quản lý giáo dục hành lên hành xuống bằng quy hoạch mỗi mùa tuyển sinh.
Video đang HOT
Sĩ số quá đông lấy đâu ra chất lượng, nếu mỗi thầy cô không phải là một "lò dạy thêm"? Ảnh minh họa: fr.dangcongsan.vn.
Sở dĩ có hiện tượng tiêu cực này vì hiện nay vẫn còn cơ chế xin - cho chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển sinh lại là sinh mạng của các trường tư thục.
Nắm được điều này nên người ta không lo thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học bằng việc thúc đẩy xây trường mới, mà dùng quy hoạch như cây gậy để buộc các trường phải chạy chọt, lo lót mỗi mùa tuyển sinh.
Trường công vỡ quy hoạch không sao, quy hoạch là cây gậy bắt chẹt các trường tư thục
Báo cáo số 41/BC-HĐND ngày 23/6/2017 về kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND của hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về quy hoạch hệ thống, mạng lưới trường học, cho biết:
Quận Cầu Giấy có 14 trường mầm non công lập bình quân 60,89 trẻ / nhóm lớp, bình quân diện tích đất 5,46 m2/trẻ, diện tích đất còn thiếu 28.421 m2;
11 trường tiểu học công lập sĩ số bình quân 55,95 học sinh / lớp, bình quân diện tích đất 3,45 m2/học sinh, diện tích đất còn thiếu 98.219 m2;
Quận Hoàng Mai có 17 trường tiểu học công lập, bình quân sĩ số 51,6 học sinh/lớp, bình quân 51,6 học sinh/lớp, bình quân diện tích đất 3,3 m2/học sinh.
Quận Đống Đa bậc mầm non diện tích đất bình quân 3,7 m2/học sinh, bậc tiểu học 3 m2/học sinh, bậc trung học cơ sở 4,8 m2/học sinh.
Tình trạng quá tải này đã tăng lên đáng kể vào mùa tuyển sinh năm ngoái, sĩ số ở không ít trường tiểu học các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân... lên tới 60 học sinh/lớp.
Cá biệt có trường tiểu học 9 lớp 1 thì 7 lớp sĩ số 69 học sinh, 2 lớp 68 học sinh.
Những trường tiểu học công lập tuyển hàng ngàn học sinh lớp 1 như thế này bất chấp điều kiện cơ sở vật chất đã quá tải, không ai mang quy hoạch ra để xem các trường có làm đúng không.
Nhưng chúng tôi được biết, mùa tuyển sinh năm nay nhiều trường tư thục đang bị hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh thấp hơn nhiều so với năng lực nhà trường đáp ứng nhu cầu của dân, xét cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên.
Một trong các công cụ mà cán bộ / chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo quận / huyện phụ trách tuyển sinh đưa ra để hành các trường là "quy hoạch".
Rất nhiều trường phải "chạy" mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp. "Chạy đủ độ" thì không thấy cán bộ tuyển sinh nhắc gì đến quy hoạch, "chạy chưa tới" thì lại bị đem quy hoạch ra hành.
Cây gậy "quy hoạch" phát tác mùa tuyển sinh
Tìm hiểu thực tế tuyển sinh đầu cấp của các trường tư thục, chúng tôi ghi nhận nhiều chia sẻ từ lãnh đạo các trường tư về những khó khăn khi cán bộ thụ lý hồ sơn vin vào quy hoạch để làm khó các trường.
Họ vặn vẹo đủ thứ, và mỗi lần lên gặp nhân viên / cán bộ phụ trách chỉ chỉ ra một thứ giấy tờ, thủ tục phải hoàn thiện.
Chật vật mãi cũng lo xong đủ thứ giấy tờ theo yêu cầu của phòng giáo dục, vẫn có thể bị vặn mà không thể kêu ai.
Trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, lọt thỏm dưới chân các tòa chung cư. Ảnh: Thái Hiền / Báo Hà Nội Mới.
Khi chúng tôi đề nghị nhà trường cung cấp thông tin về sự gây khó dễ của cấp phòng, vị hiệu trưởng này từ chối với giải thích:
"Họ cắt chỉ tiêu trường tư nào là trường ấy loạn ngay lập tức em ạ. Hàng tỷ đồng đổ vào trường là mồ hôi, nước mắt của nhiều người, nên bọn mình phải im lặng.
Cấp trung học phổ thông trực thuộc Sở đỡ hơn rất nhiều, càng xuống dưới càng nhũng nhiễu, biết vậy nhưng không dám kêu vì chỉ tiêu tuyển sinh hiện nay như là sinh mạng của trường tư.
Bọn mình làm giáo dục ở cơ sở chỉ ước bỏ những cấp quản lý trung gian như phòng giáo dục, để sở quản lý sẽ đỡ hơn rất nhiều.
Nói gì thì lãnh đạo sở cũng vẫn tạo điều kiện cho các trường phát triển, chứ không o ép như ở dưới phòng, một chuyên viên mới vào cũng có thể hành lên hành xuống các trường."
Tìm hiểu thực trạng tuyển sinh tại một số trường tư thục khác, cho dù năng lực cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên còn rất lớn, nhu cầu của dân muốn gửi con em theo học rất cao, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh phòng cấp lại rất hạn chế.
Phòng giáo dục cấp chỉ tiêu tuyển sinh cho trường này dựa trên quy hoạch thửa đất xây dựng trường từ hàng chục năm về trước, khi khu vực này còn rất thưa dân.
Hiện nay các tòa chung cư mọc lên san sát, nhiều khu đô thị mới được quy hoạch đất xây trường nhưng đến khi dân về ở, đất xây trường vẫn là những bãi đất trống.
Dân không cho con em học ở các trường tư thục lân cận, chẳng lẽ để chúng thất học?
Trong khi năng lực tuyển sinh của nhà trường tốt, nhu cầu gửi con theo học của dân cao, nhưng chỉ tiêu phòng cấp thì vẫn phải theo "quy hoạch".
Ví dụ như tại quận Bắc Từ Liêm, khu đô thị Thành phố giao lưu có quy hoạch xây dựng 3 ngôi trường. Đến nay dân đã về ở khá đông, 2700 căn hộ, nhưng trường học quy hoạch vẫn chưa thấy đâu.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với khu đô thị Đoàn ngoại giao, khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh...
Trường Tiểu học Xuân Đỉnh được xây dựng trên diện tích 15.070 m2, các năm trước đã phải gánh khoảng 500 học sinh mỗi khối, nhưng năm ngoái đã phải tuyển gần 1 ngàn học sinh lớp 1.
Mục tiêu và vai trò đầu tiên của quy hoạch mạng lưới trường lớp là phải đáp ứng nhu cầu của dân.
Khu vực nào đông dân mà ít / không có trường công, phải giải phóng năng lực tuyển sinh cho các trường tư thục để giải quyết chỗ học cho con em.
Hơn nữa, các trường tư thục tuyển sinh không theo tuyến hay địa bàn, mà có thể tuyển sinh trên toàn thành phố, thậm chí cả nước.
Về mặt quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, các cơ quan chức năng quản lý giáo dục chỉ nên tập trung vào sĩ số bình quân, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thông qua thanh kiểm tra định kỳ cũng như đột xuất.
Một vị hiệu trưởng trường tư thục chia sẻ:
"Trường tư có đặc thù khác hẳn trường công, là dựa trên sự thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, cho nên mọi thứ đều phải công khai, minh bạch.
Chúng tôi không có bất kỳ công cụ nào để kéo học sinh vào, ngoài chất lượng giáo dục và dịch vụ, uy tín cũng như sự minh bạch. Cho nên mỗi một cha mẹ học sinh là một người giám sát, đặc biệt là cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Hàng năm sau mỗi mùa tuyển sinh là lại rộ lên câu chuyện trường này lạm thu, trường kia tiêu cực, nhưng nếu để ý các bạn sẽ thấy không có trường tư thục nào lạm thu hay mập mờ tài chính.
Cho nên chúng tôi rất mong mỏi, hy vọng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xem xét bãi bỏ cơ chế cấp chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường tư, mà tập trung vào thanh tra hậu kiểm sĩ số, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường.
Được như thế áp lực mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp với các trường, với cha mẹ học sinh và với cả cơ quan quản lý sẽ giảm rất nhiều, mọi thứ sẽ dần đi vào nề nếp, đặc biệt là tiêu cực, lạm quyền của các cán bộ / chuyên viên ở cơ sở, các phòng giáo dục mới được hạn chế."
LTS: Tình trạng quá tải sĩ số các trường công lập nội đô Hà Nội đã kéo dài nhiều năm, các trường tư thục đã chia sẻ gánh nặng với Nhà nước, chấp nhận bỏ rất nhiều tiền của và công sức để đầu tư vào giáo dục thay vì các ngành nghề khác dễ sinh lời, làm giảm biên chế, giảm đầu tư ngân sách và đáp ứng nhu cầu rất đa dạng của nhân dân về chỗ học của con em.
Những nhà đầu tư giáo dục, những cơ sở giáo dục tư thục có đóng góp như vậy rất cần được bảo vệ, tạo môi trường phát triển lành mạnh và tôn vinh xứng đáng.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ rõ:
Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao. [1]
Trong quá trình tìm hiểu thực trạng các rào cản hành chính và tệ sách nhiễu các trường ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục tỏ ra rất dè dặt vì lo sợ bị cắt chỉ tiêu nên không dám cung cấp thông tin cho báo chí.
Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố Hà Nội không bao giờ bao che, dung túng cho những hành vi sách nhiễu các trường tư thục làm ăn chân chính.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cam kết kiên trì đóng góp sức mình vào việc làm trong sạch môi trường quản lý giáo dục, để giáo dục nước nhà nói chung, giáo dục Thủ đô nói riêng có thể đổi mới căn bản, toàn diện và bứt phá.
Vì vậy chúng tôi hy vọng nhận được sự cộng tác, chia sẻ thông tin và bằng chứng về các giấy phép con, các thủ đoạn hành vi sách nhiễu từ một số cá nhân nằm trong cơ quan quản lý nhà nước, để cùng đưa ra ánh sáng và loại khỏi bộ máy những con sâu làm rầu nồi canh giáo dục Thủ đô.
Mọi thông tin, bằng chứng về các vấn đề nói trên, mong quý thầy cô, quý lãnh đạo các trường tư thục cùng tất cả những ai quan tâm đến giải pháp chính sách cho giáo dục Thủ đô, giáo dục nước nhà, xin vui lòng gửi về Tòa soạn theo địa chỉ:
toasoan@giaoduc.net.vn.
Tất cả các thông tin liên quan đến cá nhân quý vị, Tòa soạn cam kết bảo mật tuyệt đối. Trân trọng!
[1]https://dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/chi-tiet-van-ban/id/3635.html
Hồng Thủy
Theo giaoduc.net.vn
Ngôi trường nào là lò đào tạo ngôi sao nổi đình đám khắp miền Nam, nơi sản sinh ra Hari Won, Lan Khuê, Orange? Nhìn qua danh sách những sao nữ đình đám showbiz Việt dưới đây mới thấy quả không ngoa tí nào khi gọi trường Nhân Văn là "nữ nhi quốc" của miền Nam! Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) từ lâu đã nổi tiếng là ngôi trường dẫn đầu toàn...