Vì sao IS chặt đầu học giả giữ bí mật kho báu
Việc IS hành hình nhà khảo cổ Syria biết nơi giấu kho báu khảo cổ không chỉ là hành vi tội ác đơn thuần, mà được tin là dấu hiệu cho thấy nhóm này đang chuyển sang tập trung vào việc bán cổ vật để kiếm tiền.
Khaled al-Asaad, nhà khảo cổ bị IS chặt đầu. Ảnh: The Guardian
Khaled al-Asaad, nhà khảo cổ người Syria, nhất quyết không tiết lộ cho nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) biết kho cổ vật La Mã của thành phố Palmyra được cất giấu đi đâu trước khi nhóm cực đoan chiếm đóng nơi này. IS hôm 18/8 chặt đầu và treo thi thể ông lên trên một trong những cột trụ có từ thời La Mã mà ông từng dày công bảo vệ.
Việc ông al-Asaad dám bất tuân các tay súng IS có vẻ đủ để lí giải vì sao ông phải hứng chịu hành động trả thù tàn bạo. Tuy nhiên, vụ hành quyết một học giả dũng cảm, người không ngại nguy hiểm tính mạng để bảo vệ những cổ vật vô giá, cũng hé lộ những dịch chuyển trong nguồn tài chính của tổ chức khủng bố này, các chuyên gia về tài trợ khủng bố nhận định.
“Có thể nói rằng IS đang chú trọng hơn tới việc buôn lậu cổ vật, trong bối cảnh các nguồn thu khác đang ngày một khó khăn hoặc cạn kiệt”, ông Colin Clarke, chuyên gia về khủng bố và nguồn thu của phiến quân nhận định.
“Chúng ta có thể hình dung IS bắt giữ ông Asaad và nói: ‘chúng tôi cần những cổ vật đó, chúng tôi sẽ tìm ra chúng, và nếu ông tìm cách cản trở thì sẽ phải trả giá’”, tiến sỹ Clarke nói tiếp.
IS thường được biết đến với các hành vi phá hoại như cho nổ tung các di tích khảo cổ, dùng búa đập tan các cổ vật có giá trị lịch sử và văn hóa quý giá, nhằm xóa sạch những gì nhóm này xem là vết tích của nền văn minh “ngoại đạo” tại những khu vực nhóm này chiếm đóng.
Video đang HOT
Các học giả về cổ vật trong vài tháng qua đã lo lắng IS có thể phá hủy hoàn toàn thành phố Palmyra nhằm thực thi cái gọi là chiến dịch tẩy uế của nhóm này. Tuy vậy, ít nhất đến nay, thành phố này vẫn chưa bị “tận diệt”, và thực tế đó khiến các nhà phân tích IS cho rằng nhóm này có ý định buôn bán bất kỳ cổ vật nào chúng tìm được.
“IS đã lên kế hoạch sử dụng Palmyra một cách chiến lược sau khi chiếm được địa điểm này”, chuyên gia về Syria, Andrew Tabler, từ Viện chính sách Cận Đông Washington nhận định. Ông tin rằng các tay súng đang rà soát xem mình có gì trong tay và sẽ còn tìm kiếm thêm nhiều cổ vật nữa.
“Điều này cho thấy cổ vật không chỉ là vấn đề văn hóa, nó còn là vấn đề kinh tế”, ông Tabler nhận định.
IS được tin là thu về khoảng hơn một triệu USD/ngày, chủ yếu từ buôn bán dầu phi pháp, thu thuế và tống tiền tại các vùng đất nhóm này kiểm soát, cũng như bắt cóc để đòi tiền chuộc. Tuy vậy, những nguồn thu chính này đang suy giảm. Đơn cử như việc buôn lậu dầu đã trở nên khó khăn hơn khi Mỹ và liên minh chống IS đẩy mạnh các cuộc không kích. Do đó, nhóm khủng bố này phải tìm cách bù đắp sự sụt giảm doanh thu bằng các hoạt động khác.
“Ngay từ khi ra đời, IS đã dựa vào các hoạt động theo kiểu mafia để tạo nguồn tài chính cho mình”, ông Clarke phân tích. “Nhóm này đã đi khá xa trong việc bù đắp nguồn thu đang giảm sút bằng cách chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác”, ông nói thêm.
Chuyên gia này tin rằng hoàn toàn hợp lý “khi nhóm này thấy nguồn thu từ dầu mỏ gặp khó khăn, họ sẽ nhìn lại danh mục các hoạt động và tìm cách chuyển hướng. Và các cổ vật có thể nằm trong sự dịch chuyển đó”.
IS tháng trước phá hủy bức tượng sư tử cổ lớn đặt bên ngoài bảo tàng Palmyra, nơi ông al-Asaad làm việc suốt 50 năm. Tuy vậy, hàng nghìn vật trưng bày trong bảo tàng cũng như các địa điểm khảo cổ khác đã bị đưa đi cất giấu trước khi IS chiếm được thành phố này hồi tháng 5.
Thông tin về nơi cất giữ những cổ vật này chính là điều IS đang muốn, nhưng rõ ràng ông al-Asaad không chịu đầu hàng.
Tuy nhiên, dù có hay không những vật trưng bày trong bảo tàng, thì Palmyra vẫn là một “kho” cổ vật. Theo chuyên gia Tabler, rất có thể trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều bảo vật tại đây được tuồn ra chợ đen. “IS sẽ còn chiếm đóng nơi này thêm một thời gian nữa, ít nhất là trong tương lai gần. Vì vậy, có thể chúng ta mới chỉ đang chứng kiến điểm khởi đầu trong chiến lược tập trung vào cổ vật của họ”.
Ông Clarke thì tin rằng, việc hành hình công khai ông al-Asaad rất có khả năng mang một hàm ý khác, đó là IS sẽ đè bẹp mọi sự phản kháng quyền lực của nhóm này. “Hành động đó mang ý nghĩa biểu tượng, nó phát đi một thông điệp rõ ràng tới bất kỳ ai có ý định chống lại IS là ‘chúng tao không đùa đâu’”, ông Clarke nhận định.
“IS làm điều đó với phương pháp đặc biệt tàn bạo”, Clarke nói. “IS muốn nói rằng ‘miễn là các người làm những điều chúng tôi quy định, và không ngu ngốc đến mức chống lại nhóm, thì các người có thể sống yên ổn dưới sự cai trị của chúng tôi’”.
Hoàng Nguyên
Theo CS Monitor
IS chặt đầu giáo sư Syria vì không tiết lộ kho báu khảo cổ
Các tay súng Nhà nước Hồi giáo chặt đầu một nhà khảo cổ nổi tiếng người Syria ở thành phố Palmyra rồi treo xác nạn nhân giữa quảng trường chính vì ông này từ chối tiết lộ nơi cất giấu những cổ vật quý giá cho chúng.
Ông Khaled al-Asaad, giáo sư khảo cổ người Syria. Ảnh: Guardian
Ông Khaled al-Asaad, 81 tuổi, giáo sư khảo cổ người Syria, bị Nhà nước Hồi giáo (IS) giam giữ ở thành phố Palmyra trong khoảng một tháng, theoBBC. Gia đình al-Asaad thông báo tin ông bị IS giết hại cho Giám đốc phòng Bảo tàng và Di tích Syria Maamoun Abdulkarim từ hôm 18/8. Ông al-Asaad bị IS xử tử vì không chịu tiết lộ địa điểm cất giấu những kho báu cổ vật của Palmyra.
Abdulkarim miêu tả ông al-Asaad "là một trong những người tiên phong quan trọng nhất của nền khảo cổ Syria thế kỷ 20". Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) gọi việc sát hại giáo sư al-Asaad là "một hành động khủng khiếp" của những kẻ cực đoan.
"Chúng giết ông vì ông đã không phản bội lại Palmyra", Giám đốc UNESCO Irina Bokova cho biết trong một thông cáo. "Thành tựu của ông sẽ sống dài lâu, vượt xa những gì mà quân khủng bố có thể đạt được", bà nói. "Chúng có thể giết chết một người đàn ông vĩ đại nhưng không thể khiến lịch sử im lặng".
Ông al-Asaad dành gần như toàn bộ cuộc đời mình để cống hiến cho công việc bảo tồn thành phố cổ Palmyra, di sản thế giới được UNESCO công nhận. Ông từng hợp tác với nhiều chuyên gia đến từ Mỹ, Pháp, Đức hay Thụy Sĩ trong các nhiệm vụ khai quật và nghiên cứu những di tích cổ xưa có giá trị văn hóa ở thành phố này.
Từ khi tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo, IS liên tục mở rộng phạm vi hoạt động và phá hủy nhiều di tích lịch sử ở Iraq và Syria. Giới quan sát lo ngại Palmyra khó có thể đứng vững trước sức tàn phá của IS.
Vũ Hoàng
Theo VNE
IS hành quyết hơn 30 người, Libya cảnh báo thảm sát Các phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết hơn 30 người tại tỉnh Sirte, Libya, và quan chức cấp cao nước này kêu gọi quốc tế can thiệp trước nguy cơ thảm sát. Các thành viên thuộc lực lượng chống lại IS ở Libya đang chuẩn bị đợt tấn công mới. Ảnh: AFP Sau cuộc giao tranh ở Sirte...