Vì sao học sinh thi tốt nghiệp điểm cao vẫn học nghề?
Đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 và có thể đỗ vào các trường đại học top đầu, thế nhưng nhiều bạn trẻ đã quyết định chọn học trường nghề.
Nhận được kết quả thi tốt nghiệp THPT với 25,5 điểm, Đào Văn Thụy, ở Quỳnh Phụ, Thái Bình đã quyết định nộp hồ sơ tuyển sinh vào khoa Công nghệ ô tô, Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Với số điểm thi này, Đào Văn Thụy hoàn toàn có cơ hội vào trường đại học top đầu nhưng vì sao không vào đại học?
Đào Văn Thụy cho biết, do hoàn cảnh gia đình không quá khá giả, nên mong muốn sớm có việc làm, thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống. Vì vậy, Đào Văn Thụy đã quyết định tìm hướng đi mới, vừa thỏa đam mê từ nhỏ, vừa yên tâm về cơ hội việc làm rộng mở khi tốt nghiệp sau thời gian 3 năm học.
Các sinh viên đang theo học tại Trường cao đẳng Công nghiệp Hà Nội.
“Sau khi tham khảo qua internet, em thấy học nghề có ưu điểm và lợi thế riêng, như tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, có cơ hội việc làm lớn. Em chọn công nghệ ô tô, vì em có đam mê ngành này từ lâu, bên cạnh đó với nhu cầu xã hội hiện nay, cơ hội việc làm sau này lớn”- em Thụy chia sẻ.
Còn Nguyễn Tiến Dũng, ở Gia Lâm, Hà Nội được sự tư vấn của người thân, gia đình nên đã tham gia học trường nghề để có việc làm ngay sau khi ra trường với mức lương tương đối ổn định. Vì vậy, dù nhận được kết quả thi tốt nghiệp THPT là 26,6 điểm, nhưng Nguyễn Tiến Dũng vẫn quyết định nộp hồ sơ đăng ký học ngành công nghệ ô tô, Trường cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội. Nguyễn Tiến Dũng tham gia Chương trình liên kết đào tạo giữa trường cao đẳng nghề và VinFast với mong muốn sau khi ra trường được vào làm việc tại tập đoàn.
Video đang HOT
“Em tham gia vào chương trình của Vinfast thì sẽ được ra Hải Phòng để học chương trình của Vinfast. Em muốn học ngành ô tô để sau này sẽ được làm việc ở đó”- Dũng nói.
Những năm trở lại đây, việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế cùng với cam kết có việc làm ngay sau khi ra trường đã thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh. Theo bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội, các chính sách của nhà nước và doanh nghiệp đối với các lao động học nghề giúp định hướng cho học sinh, sinh viên quyết định học nghề thay vì học đại học. Đặc biệt, khi học nghề có nhiều lợi thế như thời gian học ngắn, học phí thấp. Đồng thời, các trường dạy nghề liên kết với doanh nghiệp, cam kết sinh viên được giải quyết việc làm. Thậm chí, các doanh nghiệp đầu tư đưa đi học ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Những chính sách thực tế này đã hút lượng lớn sinh viên chất lượng cao về học tại các trường nghề.
“Trong thông báo tuyển sinh, chúng tôi cam kết hỗ trợ sinh viên việc làm và chúng tôi tôi làm được. Với các bạn sinh viên đến năm thứ 3, hầu hết các doanh nghiệp đã đến xin tuyển dụng, sau khi tốt nghiệp ra trường các bạn có thể làm ngay. Nhà trường đáp ứng không bạn nào phải lo ra trường không có việc làm. Đến thời điểm này trường đã tuyển hơn 1.000 sinh viên, cả 2 hệ, gần 800 sinh viên học cao đẳng, gần 200 sinh viên học 9 cộng song bằng. Kết quả tăng hơn so với năm trước khoảng 300 học sinh hệ cao đẳng”- bà Phạm Thị Hường cho biết.
Quá trình học tập tại các trường nghề, các sinh viên không chỉ được tới các doanh nghiệp thực tập nhiều hơn học lý thuyết. Những sinh viên xuất sắc đã được các doanh nghiệp lựa chọn, đầu tư hàng trăm triệu đồng đưa đi đào tạo tại nước ngoài, như trường hợp của Nguyễn Văn Hưng, ở Sóc Sơn, Hà Nội.
Sau quá trình phấn đấu học tập và tham gia thi đạt giải nhất Kỳ thi tay nghề quốc gia vào năm thứ 2, Nguyễn Văn Hưng đã được tập đoàn Samsung đầu tư gần 1 tỷ đồng đưa đi đào tạo, học tập tại Hàn Quốc để tham gia cuộc thi tay nghề thế giới và đã đạt giải cao tại kỳ thi này.
“Đến giờ em cảm thấy chọn đúng hướng đi. Bởi ngay sau khi ra trường em có thể tự tin cầm bằng đi xin việc. Nếu muốn học đại học, em có thể trau dồi thêm để học tiếp lên đại học. Giữa tháng 10 em sẽ ra trường và chắc em sẽ nộp đơn vào Samsung làm việc, bởi ở đó sẽ đúng chuyên ngành và họ cũng là nhà đầu tư của em. Đặc biệt là em cũng có cơ hội làm việc ở gần nhà”- Hưng chia sẻ.
Lựa chọn học nghề thay vì học đại học cho thấy tư duy chọn học để làm “thợ” thay vì làm “thầy” đang dần phổ biến hơn, bởi đích đến của các bạn trẻ là việc làm, là cơ hội khởi nghiệp rộng mở hơn. Tuy nhiên, để học sinh có lựa chọn nghề phù hợp, bên cạnh việc các cơ sở đào tạo nghề đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập, tăng cường liên kết đào tạo và giải quyết việc làm, thì công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông cần thực sự đúng và trúng để khi lựa chọn học nghề, người học yên tâm và được đảm bảo về đầu ra./.
Chàng trai từ trường nghề bước ra thế giới
Là một trong 3 thí sinh giành giải cao nhất vòng chung kết quốc gia cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa thế giới 2020, Bùi Đình Duy sẽ tham gia tranh tài tại vòng chung kết thế giới ở Mỹ vào tháng 8 năm sau.
Bùi Đình Duy mong đưa sản phẩm Việt ra thế giới thông qua các thiết kế truyền thông - ẢNH: MINH ĐỨC
"Chiến thuật" giành chiến thắng
Vòng chung kết quốc gia cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa thế giới 2020 (ACAWC) diễn ra cuối tháng 7, được phối hợp tổ chức bởi T.Ư Đoàn và Bộ LĐ-TB-XH, có sự tranh tài của 154 thí sinh được tuyển chọn từ các đội tuyển của gần 30 trường ĐH, CĐ và THPT trên toàn quốc.
Bùi Đình Duy (21 tuổi), sinh viên Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, đã giành giải nhất bảng B và được tham dự vòng chung kết thế giới tổ chức vào tháng 8.2021 tại Florida, Mỹ. ACAWC có quy mô toàn cầu, được tổ chức thường niên bởi một tập đoàn của Mỹ từ năm 2013, thu hút hàng trăm ngàn thí sinh của gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với mục tiêu tìm ra những chuyên gia thiết kế hàng đầu sử dụng các phần mềm như Adobe Photoshop, Adobe Illustrator và Adobe Indesign.
Chia sẻ về chiến thắng này, Bùi Đình Duy cho biết: "Đề bài yêu cầu thiết kế sản phẩm để quảng bá cho một kỳ thi về tiếng Anh. Em đã dành tới... 4 tiếng để đọc đề. Trong thời gian này, em nắm bắt kỹ yêu cầu, tư duy, hình thành ý tưởng và bắt tay vào thiết kế trong vòng 2 tiếng thì xong. Em làm theo cách làm dàn bài ngữ văn, tóm tắt rồi tìm ý chính, sau đó thiết kế sẽ nhanh hơn. Có được phương pháp này là do em rèn luyện rất nhiều trong thời gian thực tập năm cuối".
Duy kể hằng ngày trên đường đi, rất hay để ý các bảng quảng cáo hai bên đường, nắm bắt được một số mẫu thiết kế thường thấy ở các trung tâm dạy tiếng Anh. Từ đó, bài thi của Duy hoàn thiện theo các tiêu chí như bố cục hợp lý, màu sắc phù hợp, nhưng vẫn phải ấn tượng để thu hút, nội dung đầy đủ để chuyển tải thông điệp. Duy cũng từng cộng tác với nhiều dự án ở các hội chợ và xúc tiến thương mại Á châu, thiết kế hình ảnh triển lãm... nên có vẻ chiến thắng này nằm trong tầm tay.
Đúng hay sai đều là trải nghiệm quý giá
Những tưởng chàng trai đam mê đồ họa này ngay sau khi tốt nghiệp THPT đã lựa chọn thiết kế đồ họa làm ngành học cho mình, nhưng Duy bật mí từng trượt cả 6 nguyện vọng ĐH cách đây 3 năm. Lúc đó Duy không tự định hướng được cho mình nên chọn khối thi không phải sở trường để đăng ký vào các ngành thuộc nhóm khoa học xã hội.
"Sau khi trượt ĐH, em và bạn tìm hiểu ngành thiết kế đồ họa và nộp hồ sơ vào Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội. Càng học em càng phát hiện ra đây chính là sở trường của mình, nó đã nhen nhóm từ những năm tiểu học mà trước đó em không nhận thức được một cách đầy đủ", Duy chia sẻ.
Duy kể từ hồi tiểu học rất mê vẽ và được ông nội dạy vẽ động vật, phong cảnh đồng quê. "Thế mạnh của em là vẽ, vậy mà em lại không nhận ra để xét tuyển vào một ngành liên quan đến thiết kế hay mỹ thuật. Tuy nhiên, em không bao giờ hối tiếc. Tất cả những sự lựa chọn dù đúng hay sai sẽ đều cho mình một trải nghiệm quý giá, để nếu lỡ sai thì sau đó mình sẽ càng biết như thế nào để đúng hơn. Học ĐH cũng tốt, mà học CĐ cũng không tệ, tất cả đều nằm ở chính người học chứ không phải là bậc học nào", Duy thổ lộ.
Hiện Duy vừa tốt nghiệp CĐ được 2 tuần. Trong quá trình chờ đợi tham gia vòng chung kết thế giới, Duy sẽ đi làm và tự học thêm tiếng Anh vì theo Duy nghề này mà thiếu tiếng Anh thì khó tiếp cận các thiết kế từ các quốc gia khác, chưa nói đến có bắt kịp xu hướng hay không.
"Em sẽ thiết kế một hồ sơ thật ấn tượng với các danh mục theo phong cách của mình, trưng bày các dự án em đã thực hiện để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Khi đi làm rồi thì em sẽ quyết tâm với nghề mình chọn. Đối với em, thành tựu hay đỉnh cao mà em mong muốn đạt được không có gì ghê gớm. Chỉ là làm sao để mỗi sản phẩm của mình truyền tải được thông điệp thông qua hình ảnh và thu hút được người khác thì đó chính là đỉnh cao rồi".
Học nghề - tại sao không? Theo các trường nghề, thực tế cho thấy nhu cầu tuyển dụng người học CĐ, học nghề rất lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của nhiều trường đào tạo chất lượng. Ảnh minh họa Thông tin từ Ban tổ chức cho biết, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11- năm 2020 đang diễn ra có 32 nghề chính thức...