Vì sao học sinh lớp 6 đã học xong chương trình lớp 12?
Thầy Trần Quốc Anh (Hà Nội) đã chỉ ra mặt trái của học sinh giỏi như trào lưu học trước quá nhiều, dẫn đến việc các em thụ động ngay cả trong kiến thức dễ.
Nhiều người nghĩ dạy học sinh giỏi khó. Tôi thì lại thấy thực sự dễ. Bởi một đội tuyển học sinh giỏi thực chất có 5-7 thầy dạy, lại toàn bạn thông minh vốn có. Tôi thường nghĩ vui, mình chả dạy các em cũng đỗ, có khi còn đỗ cao hơn ấy.
Học sinh giỏi dễ bị chủ quan, ảo tưởng
Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, tôi nhận thấy với những giáo viên thường xuyên cải thiện phương pháp, nâng cao chuyên môn thì việc dạy học sinh giỏi thực sự dễ.
Vì thực ra, thành tích của nhóm đối tượng này phụ thuộc vào năng lực bản thân của các em nhiều hơn là năng lực các thầy. Mức độ hiểu bài cũng như khả năng tự học của các em khiến cho việc truyền đạt kiến thức của người giáo viên trở nên dễ dàng và hiệu quả.
Thế nên, cái khó duy nhất khi đi dạy chỉ là kiến thức của người thầy sao cho học sinh nể phục. Tuy nhiên, với thời đại Internet hiện nay, việc bổ sung kiến thức thực sự dễ dàng.
Chỉ cần có tâm cầu tiến, mọi giới hạn về không gian, tuổi tác… đều có thể được xóa bỏ. Giáo viên có thể dạy tốt hơn, cũng như học sinh sẽ không ngừng tiến bộ.
Thầy giáo Trần Quốc Anh. Ảnh: NVCC.
Có một sai lầm phổ biến nhiều học sinh khá giỏi cũng như phụ huynh các em hay mắc phải, đó là quan niệm “Học giỏi là biết nhiều”, “Học trước thì mới tự tin”. Điều này khiến các em trở nên thụ động ngay cả với những phần kiến thức dễ, chỉ cần hơi “lạ” chút đã có thể gặp khó khăn.
Việc “học trước”, “học lướt” quá nhiều cũng khiến một số em hình thành tâm lý chủ quan, ảo tưởng về bản thân.
Tôi từng gặp những học sinh cấp 2 được nhiều huy chương ở những kỳ thi quốc tế. Có bạn lớp 6, lớp 7 qua những “lò luyện thần đồng”, hay gia sư ở nhà, đã được học hết kiến thức lớp 9, thậm chí lớp 12.
Chính nhờ việc học trước đó nên các bạn đi thi có giải. Khi đã có giải, nhiều bạn không chú tâm vào việc học ở trường, nhiều lỗ hổng kiến thức bắt đầu phát triển. Đến cuối lớp 9, khi nền tảng mọi học sinh được trang bị như nhau, kết quả thi vào lớp 10 của nhóm này thường không được như mong muốn.
Video đang HOT
Nên biết trước vừa đủ
Vẫn biết bố mẹ nào cũng lo cho con, việc định hướng sớm là điều cần thiết. Thế nhưng, làm thế nào để học sinh có năng khiếu Toán được phát triển tự nhiên, toàn diện? Sau đây, tôi xin chia sẻ một câu chuyện nhỏ để mỗi người có thêm những góc nhìn, từ đó tìm ra câu trả lời phù hợp cho riêng mình.
Năm ngoái, một trong những học trò xuất sắc của tôi là Phan Hữu An – Lớp 7, THCS Nguyễn Trường Tộ – đạt thủ khoa ký thi MYTS (Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ). Trong kỳ thi, giải nhất có thể nhiều nhưng thủ khoa chỉ có một. Điều thú vị là những bạn cùng trang lứa dự thi cùng An, có tới trên 90% là “học trước”.
Trải qua 10 năm đi dạy, tôi nhận ra phần lớn học sinh cấp 2 của Hà Nội (kể cả học sinh giỏi hay xuất sắc) thường không có thói quen quan sát và định hướng khi giải Toán. Lời giải của các em phần lớn thiên về tư duy thói quen, hay năng lực cảm tính. Chính vì thế, đứng trước một bài toán lạ, các em thường lúng túng, có bạn giải được cũng mất nhiều thời gian và rất lòng vòng.
Cậu học trò Phan Hữu An của tôi cũng vậy. Những ngày đầu, An có nhiều lời giải thú vị nhưng thường phức tạp, khiến cho việc trình bày, diễn giải ý tưởng của em gặp nhiều khó khăn.
Tôi thường góp ý với An về cách quan sát những dấu hiệu để khám phá ra những lời giải ngắn gọn hơn. Ngoài ra, tôi tặng nhiều cuốn sách quý và bổ ích để em tự đọc ở nhà.
Mỗi ngày, cứ chỉnh sửa một chút như vậy và thành công của An không khiến tôi bất ngờ. Đối với người thầy, chẳng gì vui hơn khi thấy trò của mình đạt kết quả cao mà vẫn có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hài hòa, không căng thẳng, mệt mỏi vì đi học thêm quá nhiều như số đông còn lại.
Điều thú vị nhất của việc dạy học sinh giỏi, đó là thấy các em khéo léo vận dụng kiến thức đúng chương trình để giải bài tập khó, giống như “những cây rau hoang sơ, được chăm sóc hàng ngày mà không dùng thuốc kích thích”.
Có một chân lý giản đơn tôi tin nhiều người sẽ công nhận, đó là “Nhà càng cao, móng càng phải sâu”. Thay vì chạy theo đám đông hỗn loạn, chúng ta nên tĩnh hơn, hướng các con theo phương pháp học kỹ – học hiểu. Biết trước vài bài là đủ, đừng nên biết trước quá nhiều.
Việc tiếp thu kiến thức của các con sẽ nặng nề như vác gạo vào kho, hay nhẹ nhàng như mở cửa đón bình minh buổi sớm? Điều này phụ thuộc nhiều vào phương pháp tư duy cũng như quan điểm giáo dục của thầy cô và cha mẹ.
Thầy Trần Quốc Anh là cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, hiện luyện thi Toán tại Hà Nội.
Quốc Anh từng xuất bản sách tại nước ngoài, là tác giả của hơn 10 đầu sách tham khảo dành cho học sinh THPT.
Thầy giáo trẻ 8X thường xuyên tham gia giảng dạy đội tuyển Toán cho nhiều trường chuyên tại Hà Nội, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Theo Zing
Nam sinh khuyết tật xin dùng máy tính thi học sinh giỏi
Dù chân bước không vững, tay không thể cầm bút, Nguyễn Đức Thuận, học sinh lớp 7 trường THCS Đại Xuân, Bắc Ninh, vẫn quyết tâm đi học. Em khao khát con chữ và muốn tự lập.
Ngày 26/4 vừa qua, một phụ huynh chạy xe máy, đưa con đến tận phòng thi học sinh giỏi cấp huyện, xin phép thầy giám thị cho nam sinh ngồi cạnh ổ điện. Yêu cầu kỳ lạ này khiến thầy ngỡ ngàng nhưng khi hiểu rõ nguyên nhân, thầy không khỏi nghẹn ngào, cảm phục.
Thí sinh đặc biệt đó là Nguyễn Đức Thuận, học sinh lớp 7 trường THCS Đại Xuân, Bắc Ninh. Thuận khuyết tật bẩm sinh, không thể cầm bút. Gia đình đã xin phép Phòng giáo dục huyện cho phép em sử dụng máy tính. Người mẹ sợ máy hết pin khi con đang làm bài nên mới mở lời với giám thị.
Thuận tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn Toán hôm 26/4.
Do căn bệnh bẩm sinh, Thuận không thể cầm bút và gặp khó khăn trong đi lại và phát âm. Tuy nhiên, nam sinh không đầu hàng bệnh tật. Thuận vẫn đến trường như các bạn và đạt được thành tích đáng tự hào.
Năm lớp 5, em giành giải ba Toán qua mạng, giải khuyến khích Tin học trẻ. Lên lớp 6, nam sinh tiếp tục gặt hái thành công trong kỳ thi Toán qua mạng. Trong kỳ thi học sinh giỏi vừa qua, em đoạt giải khuyến khích. Gần đây nhất, Thuận mang thêm một giải nhì Tin học trẻ về cho gia đình và nhà trường.
Nói chuyện với Nguyễn Đức Thuận, điều làm người khác cảm phục không chỉ có thành tích học tập, mà hơn cả là tinh thần lạc quan, yêu đời, có ước mơ, hoài bão của em. Dù phát âm không rõ, Thuận vẫn vui vẻ chia sẻ về quãng thời gian đến trường, những khó khăn của mình.
Đi lại, cầm bút khó khăn, em vẫn cố học tập để theo kịp các bạn. Thuận học tốt môn Toán, Tin học và tiếng Anh, đồng thời rất thích môn Lịch sử, Địa lý.
Khi được hỏi về những trở ngại em gặp phải, Thuận không đề cập nhiều. "Em chỉ gặp khó khăn vì không thể cầm bút viết và đi lại như các bạn thôi. Nhưng thầy cô và bạn bè giúp đỡ em nhiều lắm. Em đi lại không tiện nên mẹ chở mỗi ngày. Trời mưa cũng không sợ vì em có áo mưa rồi", thiếu niên ham học nói.
Bà Hoài - mẹ Thuận - kể, gia đình khó khăn nhưng vẫn cố gắng thu xếp để Thuận được đến trường. Thời gian đầu, người mẹ phải bên cạnh giữ con trong suốt giờ học vì người Thuận mềm oặt. Trong 3 năm con học mẫu giáo và hai năm đầu tiểu học, bà Hoài bỏ việc nhà để giúp con thực hiện khao khát đến trường.
Năm lớp 3, Thuận mới tự lên lớp, gia đình phải đóng thêm chỗ kê chân để em ngồi vững. Đến lớp 6, em chủ động đề nghị nhà trường cho phép sử dụng máy tính trong quá trình ghi chép bài ở lớp.
Đồng hành cùng con trong hơn 7 năm đến trường, bà mẹ ấy chứng kiến những khoảnh khắc xúc động không cầm nổi nước mắt.
"Hồi đầu, bạn học và giáo viên hết lòng giúp đỡ con. Lớp ở tầng hai, tôi đưa cháu đến trường, hai bạn khác dìu Thuận lên, trong khi một bạn khác xách cặp hộ. Đến cấp hai, nhiều bạn nghịch hơn, thường xuyên chọc ghẹo, bắt lỗi Thuận. Nghe các bạn nhỏ nói, nhiều khi tôi cũng thấy chạnh lòng", người mẹ tâm sự.
Nguyễn Đức Thuận đoạt giải nhì Tin học trẻ năm 2016. Ảnh: NVCC.
Năm ngoái, Thuận và gia đình phải trải qua quãng thời gian đặc biệt khó khăn. Em chưa thể hòa nhập với môi trường mới, thêm căn bệnh bẩm sinh khiến nam sinh khó kiểm soát, thường bật cười khi bị kích thích, dễ bị các bạn hiểu nhầm em đang khiêu khích. Đây là lý do chính khiến em gặp rắc rối. Chứng kiến con như vậy, tháng nào, bà Hoài cũng khóc và nhiều khi muốn từ bỏ.
Năm nay, tình hình được cải thiện, bạn bè, thầy cô hiểu rõ hơn hoàn cảnh của Thuận.
Trao đổi về lý do gia đình quyết định cho con đến trường dù việc này có vẻ quá sức cậu bé, bà Hoài cho biết, từ nhỏ, Thuận đã tỏ ra rất nghị lực và khao khát đi học. Trong chuyện học hành, thi cử, em luôn tích cực, chủ động.
Năm lớp 5, Thuận chủ động xin giáo viên cho phép em thi học sinh giỏi. Em cũng là người đề xuất việc sử dụng máy tính thay vì ghi chép vào vở. Ở nhà, chỉ năm lớp 1 Thuận cần mẹ cầm tay hướng dẫn viết, còn lại luôn tự giác học bài. Người nhà chỉ cần hỗ trợ trong sinh hoạt, động viên con.
"Thời gian đầu, tôi cũng ngại lắm. Đưa con đến trường, thấy phụ huynh, học sinh khác nhìn chằm chằm con, tôi vừa đau lòng vừa lo con xấu hổ. Nhưng bây giờ, chứng kiến con kiên cường mỗi ngày, tôi cũng thoải mái hơn, không còn quá để ý đến ánh mắt thương hại hay kỳ thị của những người xung quanh", bà Hoài tâm sự.
Thuận hy vọng có thể trở thành nhân viên công nghệ thông tin. Gia đình cũng rất ủng hộ ước mơ của con trai.
Khi được đăng tải trên mạng xã hội, câu chuyện này khiến nhiều người cảm phục nghị lực của cậu học trò nhỏ.
"Đọc bài viết này, mình thật xúc động và nghẹn ngào. Đây là tấm gương để cho tất cả thế hệ con em chúng ta noi theo. Cô chúc con đạt kết quả cao trong học tập và trên con đường tương lai của con sau này...", bạn Bùi Thị Út gửi lời động viên đến Đức Thuận.
Với nhiều người, câu chuyện còn là nguồn cảm hứng, tấm gương cho thế hệ trẻ. Một người dùng mạng bình luận: "Rất khâm phục em và đặc biệt là gia đình đã đặt niềm tin, vun đắp em thành người. Em học để hiểu biết, đóng góp cho xã hội phát triển hơn. Em học để các em ngoài kia nhìn vào rồi noi theo, để chính chúng ta nhìn và soi lại bản thân mình".
Theo Zing
Cho 10 điểm tất cả các môn vì đi thi học sinh giỏi Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP HCM) đã cho những em lớp 12 tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi cấp thành phố điểm 10 ở tất cả các môn học mà không cần làm bài kiểm tra. Ngày 28/3, bảng điểm phiếu liên lạc đợt 2 - học kỳ 2 của một học sinh lớp 12 trường THPT Hùng Vương...