Vì sao học sinh không thích môn Sử?
Lần đầu tiên, thực trạng dạy học môn lịch sử trong trường phổ thông được phân tích cặn kẽ bởi chính những người trong cuộc – các giáo viên dạy sử và các nhà nghiên cứu lịch sử – ở một diễn đàn chính thức do Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử VN tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 18, 19/8.
Khi học sinh phải học sử người lớn thu nhỏ
Theo một khảo sát nhỏ với một nhóm 210 học sinh ở Hà Nội do các giảng viên trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia HN thực hiện, hầu hết học sinh không hứng thú với môn sử, trong đó hơn 1/3 trả lời là không thích.
Hầu hết các em coi môn sử là môn phụ không cần học, nếu học chỉ để cho đủ điểm, không cần đọng lại gì trong đầu.
Kết quả khảo sát này cũng phù hợp với phản ánh của các giáo viên dạy sử trên mọi miền đất nước.
Tại các thảo luận nhóm cũng như bên hành lang hội thảo, tất cả các giáo viên đều bày tỏ cảm xúc bi quan về thái độ học sử của học sinh.
Thiếu câu chuyện, thiếu nhân vật, môn sử hấp dẫn làm sao được. Ảnh: Blog Nguyen Cong.
Khi phân tích nguyên nhân học sinh sợ và ghét học sử, các đại biểu tham gia hội thảo đều dễ dàng thống nhất rằng, do chương trình – sách giáo khoa (SGK), giáo viên, điều kiện dạy học, nhận thức của xã hội về môn sử cách học ứng thí. Yếu tố nào cũng nhặt ra được cơ man “tội”.
Theo đề xuất phương án đổi mới của Viện Khoa học GD VN, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng một chương trình quốc gia, trên cơ sở đó biên soạn một số bộ SGK mà nội dung phải phù hợp trình độ của chương trình học dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo. Hình thức SGK phải đẹp, hấp dẫn và phù hợp tâm lý học sinh.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN cho rằng SGK lịch sử phổ thông gần như tóm tắt sách sử của người lớn để bắt học sinh học, vì vậy nội dung SGK vừa thừa, vừa thiếu.
Ủng hộ quan điểm này, GS Đỗ Thanh Bình, trường ĐH Sư phạm Hà Nội liệt kê nhiều bài học trong SGK được viết với dung lượng kiến thức “nặng”, dàn trải, khô cứng, những diễn biến chi tiết phức tạp.
“Các em nhớ được từng ấy chi tiết thì quá tài, mà cũng chẳng để làm gì vì quên ngay”, GS Bình nói.
TS Lê Vinh Quốc, trường ĐH Sư phạm TPHCM nhận xét các bài viết trong SGK chứa đựng rất nhiều sự kiện nhưng hiếm có bài nào tường thuật sự kiện một cách cụ thể sinh động với những nhân vật được khắc họa đầy đủ.
Kiến thức liên quan kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp, SGK chỉ dạy nhiều về thiệt hại của địch. Những mất mát, hy sinh, bi hùng lại bị bỏ qua. Lịch sử không chỉ có một chiều – PGS Nguyễn Quốc Hùng, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội nói.
Cần giáo dục lịch sử qua các nhân vật lịch sử
Kể về một ký ức tuổi học trò, cô giáo Trần Thị Lệ Thủy đến từ trường THPT Nguyễn Du, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng nhắc đến cuốn “Những vì sao đất nước” được xuất bản ở miền Nam trước năm 1975.
“Hồi đó mới giải phóng, tôi còn là học sinh cấp II nhưng cảm hứng yêu thích lịch sử dân tộc đã đến với tôi từ các nhân vật Trần Quốc Tuấn, Yết Kiêu, Dã Tượng… được kể trong cuốn sách ấy. Đó cũng là nguyên cớ dẫn dắt tôi trở thành giáo viên dạy lịch sử”, cô Thủy nói.
Video đang HOT
Theo các nhà nghiên cứu, mục tiêu quan trọng hàng đầu của hoạt động giáo dục lịch sử ở trường phổ thông chính là hình thành, bồi đắp tình cảm yêu mến lịch sử dân tộc trong quá trình hoàn thiện nhân cách học sinh.
Hiệu quả giáo dục lịch sử thông qua các nhân vật lịch sử là điều mà chuyên gia nào cũng nhận thấy rõ nhưng SGK lịch sử không lĩnh hội được tinh thần này.
Lịch sử VN hiện đại được tạo nên bởi những người con nằm trong hơn 3.000 nghĩa trang khắp cả nước những bà mẹ VN anh hùng một lần tiễn con đi không bao giờ gặp lại những người nông dân một nắng hai sương sẵn lòng vét đến hạt thóc cuối cùng cho chiến trường…, nhưng hình ảnh những người làm ra lịch sử trong SGK rất mờ nhạt.
“Lịch sử là phải có con người, nhưng trong SGK từ lớp 9 đến lớp 12 đều thiếu vắng con người”, GS Nguyễn Thị Côi, trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói.
Đề xuất thiết kế chương trình cho cấp THCS và THPT, một số người cho rằng, nên gói gọn thông sử trong chương trình THCS, còn THPT chỉ dạy theo chủ đề.
Một số ý kiến khác, chẳng hạn như PGS Đào Tuấn Thành, trường ĐH Sư phạm Hà Nội lại kiến nghị, nên kết thúc phần thông sử Việt Nam cũng như thế giới ở lớp 11, từ lớp 12 chỉ dạy theo các chuyên đề đề cập các vấn đề cốt lõi của lịch sử dân tộc từ cổ điển đến hiện tại.
Không chỉ khắc họa các nhân vật lịch sử mà việc giáo dục lịch sử học sinh thông qua các câu chuyện cũng là ý kiến được hầu hết các diễn giả tán thành, đặc biệt là với đối tượng học sinh bậc tiểu học.
Nhiều đại biểu đề xuất, nếu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn chương trình – SGK mới thì nên thiết kế theo hình thức “đường thẳng”, tránh lối “đồng tâm” xơ cứng và nhàm chán như hiện nay (học sinh THPT tiếp tục học kiến thức đã được dạy ở THCS tiếng là mở rộng, nâng cao nhưng thực chất chỉ là học đi học lại).
Với tiểu học nên bỏ dạy thông sử (lịch sử kinh tế, chính trị, văn hóa… từ cổ tới kim của một đất nước) như hiện nay. “Ở lứa tuổi còn phải “dỗ dành ăn ngủ” này thì đưa ra chương trình giáo dục lịch sử nhẹ nhàng, thể hiện trong SGK bằng những câu chuyện lịch sử, ngắn gọn, hấp dẫn”, GS Đỗ Thanh Bình đề xuất.
Theo tiền phong
Học sinh chán Sử là do người lớn
Lớp trẻ chán ôn Sử chủ yếu là do người lớn, trong đó có những nhà khoa học lịch sử, nhưng trước hết là cơ quan quản lý chức năng về ngành Sử, GS.NGND Phan Huy Lê nói.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê.
GS.NGND Phan Huy Lê nói: Chúng ta đã vượt qua ngưỡng thu nhập thấp để trở thành nước có thu nhập trung bình từ 2008. Đây là thời kỳ chúng ta phải đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh như vậy mà không trang bị cho công dân hiểu biết lịch sử, niềm tự tin ở đất nước và dân tộc mình, không có một bản lĩnh của con người Việt Nam thì hội nhập kiểu gì đây?
Có những nền văn minh, nền văn hóa để lại các công trình kỳ vĩ. Tiếp xúc với các nền văn hóa đó, nếu bạn trẻ không được trang bị một vốn kiến thức cần có về lịch sử nước nhà, các em dễ rơi vào trạng thái mặc cảm, tự ti. Từ chỗ tự ti tới thiếu bản lĩnh.
Điều này rất nguy hiểm với mỗi cá nhân vì nó sẽ làm mất định hướng cho cả cuộc đời. Cho nên, chúng ta phải giúp lớp trẻ ra đời hội nhập có được niềm tự tin chính đáng, thấy được cái hay, cái đẹp nhưng cũng thấy được các mặt hạn chế của đất nước, trên cơ sở đó đặt ra trách nhiệm của thế hệ trẻ phải đóng góp xây dựng đất nước thế nào, bảo vệ đất nước trong bối cảnh mới thế nào.
Niềm tự tin đó được tạo lập bởi sự góp phần của nhiều môn học trong nhà trường phổ thông, nhưng môn Sử là một trong những môn cơ bản nhất.
Tuy nhiên, môn Sử hiện nay lại bị học sinh nói chung cũng như nhiều giáo viên xem là môn phụ?
Từ nhiều năm nay, dư luận rất lo lắng về chất lượng dạy và học môn Sử trong trường phổ thông. Nhưng mọi bàn luận mới chỉ dừng ở mức chung chung, cảm tính.
Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải đặt lên bàn các cơ quan có trách nhiệm vấn đề nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan thực trạng dạy và học Sử hiện nay.
Không phải là không có những người vẫn cố tình bào chữa, cho rằng việc dạy và học môn Sử vẫn đạt được nhiều tiến bộ.
Tiến thì có thể có tiến, nhưng những học sinh thích môn Sử vẫn là thiểu số. Số coi môn Sử là môn học thuộc lòng, của trí nhớ để từ đó thờ ơ với nó vẫn là phổ biến.
Điều đó không chỉ thể hiện trong kết quả các kỳ thi chính thức do ngành GD&ĐT tổ chức mà còn thể hiện trong những cuộc thi ngoài xã hội.
Chẳng hạn, trong những games show trên truyền hình, có những câu hỏi rất sơ đẳng, rất cơ bản về lịch sử và văn hóa Việt Nam nhưng thí sinh không trả lời được.
Thực tế trên là kết quả của một hệ thống các sai lầm, trong đó cơ bản nhất là sự nhận thức về vị thế của môn Sử trong giáo dục phổ thông. Vị thế đó như thế nào? Chúng ta chưa rõ.
Chúng ta chỉ nhìn thấy môn Sử bị đối xử như là môn phụ, thi cũng được, không thi cũng được. Năm nào không thi thì bị nhiều nơi dồn kiến thức cả năm thành một học kỳ cho các em học.
Lễ tuyên dương và trao thưởng cho 211 em đoạt giải học sinh giỏi môn lịch Sử cấp quốc gia được tổ chức ngày 14/4/2012 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Sử cho trẻ con không có nghĩa là tóm tắt sử người lớn
Theo nhiều học sinh, không chỉ vì cơ chế thi cử mà các em thờ ơ với môn Sử mà cái chính là vì môn này quá khó...
Vấn đề ở chỗ chúng ta chưa biết dạy cho hấp dẫn. Sử học rất đa dạng, nội dung rất phong phú. Nhưng cái khó của chúng ta là chưa trả lời được câu hỏi này một cách khoa học: Dạy Sử ở phổ thông là nhằm vào cái gì? Trả lời được câu hỏi đó rồi thì ta mới tìm ra được nội dung vừa hứng thú vừa cần thiết cho xã hội.
Dạy ở phổ thông hiện nay gần như là tóm tắt lịch sử của người lớn và bắt trẻ con phải học, các em chán nản là phải thôi.
Sử học thì mênh mông và liên tục cập nhật. Dạy cái gì? Dạy để làm gì? Dĩ nhiên không phải là dạy tất cả các sự kiện lịch sử. Những cái đó các em có thể tra cứu. Với thời đại internet bây giờ, tìm trên Google có đủ hết cả.
Cái quan trọng là dạy Sử không phải chỉ dạy các chứng cớ lịch sử mà là khắc vào tình cảm, trong tâm khảm các em niềm yêu thích lịch sử của đất nước mình, dân tộc mình, niềm tự tin, sự hiểu biết những giá trị tiêu biểu hình thành nên tính cách, bản lĩnh của con người Việt Nam. Và các em có trách nhiệm kế thừa và phát huy tất cả những cái đó.
Cái mà tôi đặc biệt quan tâm là phương pháp dạy Sử. Phải làm sao để học sinh tự nguyện, say mê và phải kích thích được trí thông minh, sáng tạo của các em.
Phải đối xử với các em với tư cách là chủ thể nhận thức về Sử một cách say sưa và chủ động chứ không phải là áp đặt.
Lễ tuyên dương học sinh giỏi quốc gia môn Sử được tổ chức cuối tuần qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là lễ vinh danh đầu tiên ở quy mô quốc gia những em học giỏi và yêu thích môn Sử. Phải chăng đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt về nhận thức của xã hội đối với môn Sử?
Truyền thống quý báu của người Việt Nam là yêu lịch sử. Nhưng tại sao lớp trẻ của chúng ta không yêu Sử? Rõ ràng không phải tự môn Sử, tuyệt nhiên càng không phải là lỗi của các em học sinh.
Lỗi chính là ở người lớn, trong đó có cả lỗi từ các nhà khoa học lịch sử, nhưng trước hết lỗi là ở các cơ quan chức năng quản lý ngành sử, quản lý việc dạy và học Sử trong nhà trường.
Làm thế nào để thu hút sự quan tâm của xã hội vào sử, khích lệ học sinh tìm đến môn Sử, yêu mến môn Sử là trăn trở của chúng tôi, những nhà nghiên cứu lịch sử.
Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam ra đời với một trong những hoạt động vinh danh học sinh giỏi Sử là một công cụ giúp chúng tôi có điều kiện khuyến khích, cổ vũ tinh thần học Sử của các em học sinh.
Tất nhiên, tôi không bao giờ có ảo tưởng cho rằng chỉ bằng hình thức vinh danh nào đó mà thay đổi được căn bản và toàn bộ chất lượng giáo dục môn Sử ở nhà trường phổ thông hiện nay.
Hai điều kiện
Theo giáo sư, đâu là giải pháp thay đổi căn bản và toàn bộ chất lượng giáo dục môn Sử ở nhà trường phổ thông?
Muốn giải quyết vấn đề chất lượng dạy và học sử cần phải có hai điều kiện. Một là phải có giải pháp toàn bộ với cả hệ thống giáo dục phổ thông. Như chúng ta đã biết, Đại hội Đảng lần thứ XI vừa qua đưa ra yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng đang nghiên cứu để đưa ra một kế hoạch có thể nói là thực chất là cải cách GD&ĐT. Trong cải cách giáo dục đó dĩ nhiên là cả môn Sử.
Hai là với môn Sử cũng phải giải quyết một cách toàn bộ và có hệ thống. Từ nhận thức về vị thế của môn Sử, yêu cầu của môn Sử ở phổ thông là cái gì, từ đó mới đi vào xây dựng chương trình, biên soạn SGK, rồi đào tạo giáo viên Sử, phương pháp dạy Sử.
Tôi rất mừng vì vừa rồi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã ký với Bộ GD&ĐT một bản ghi nhớ trong đó xác định trách nhiệm của hai bên là cùng nhau nghiên cứu hết sức có trách nhiệm tìm cho ra nguyên nhân sa sút của môn Sử hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp, giải pháp toàn bộ để khắc phục tình trạng này.
Tất nhiên, con đường đó không thể một hai năm mà thay đổi được. Nhưng phải tiến hành ngay lộ trình này, không thể chậm trễ.
Tôi rất tin, nếu có sự quan tâm của các cơ quan chức năng quản lý và được sự tham gia của giới sử học, của thầy giáo, cô giáo, của giới chuyên gia rất tâm huyết với môn Sử và sự quan tâm của xã hội thì không có lý do gì chúng ta không khắc phục được tình trạng dạy học Sử như thế này.
Chúng ta sẽ chấn hưng môn Sử, đưa môn Sử về đúng vị trí, chức năng của nó, nhất là trong bối cảnh hiện nay của đất nước.
Cảm ơn giáo sư.
Bản thân tôi lúc đầu cũng không định lập nghiệp bằng Sử. Tôi nghĩ mình có sở trường về Toán, Lý. Sau khi học phổ thông, tôi học dự bị đại học, lúc đó, cơ sở đào tạo đặt ở Thanh Hóa. Từ Hà Tĩnh ra Thanh Hóa đi bộ mất 7 ngày đêm, khi tôi ra đến nơi chậm mất 3 ngày, môn Toán, Lý hết chỗ. Số học sinh đến chậm đều được nhà trường cho học Văn, Sử. Nhưng học Sử rồi thì tôi nhận thấy đó là một môn học rất hấp dẫn. Thật ra, môn nào cũng có vị trí của nó trong xã hội. Vấn đề là mình nhận thức được ý nghĩa của nó, vai trò của nó trong cuộc sống hiện nay như thế nào. Đến nay, nếu cho tôi chọn lại từ đầu, tôi dứt khoát chọn môn Sử, không phải vì mình nhỡ đường mà bởi mình tìm thấy trong đó sự hứng thú rất lớn là được tìm hiểu về lịch sử, về văn hoá đất nước, về lịch sử các nền văn minh thế giới. Từ quá khứ mình hiểu thêm hiện tại, có niềm tin ở tương lai -GS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Theo Quý Hiên
Tiền Phong
Bài học từ thầy giáo dạy môn Giáo dục công dân Trong quãng đời học sinh, tôi coi môn Công dân là một môn phụ nên không cần học bài nhiều, tôi hầu như không tập trung vào môn này. Tôi học môn này chỉ mong sao đủ điểm không bị mất danh hiệu HS giỏi thôi. Nhưng... Một năm xa trường tôi bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm cũ, kỉ niệm của...