Vì sao hồ nước thượng nguồn không làm mát lãi suất?
Đã nửa quý 2/2019 trôi qua nhưng lãi suất huy động VND tại các ngân hàng không hạ, sau khi tăng từ cuối 2018.
Nguồn tiền gửi vào hệ thống ngân hàng hiện nay không tăng trưởng mạnh như giai đoạn trước.
Trước thực tế trên, nhìn sang thị trường liên ngân hàng, tại một số thời điểm vẫn có câu hỏi đặt ra: vì sao nước ở hồ thượng nguồn này không chảy hẳn xuống các ruộng đồng để làm mát lãi suất?
Với góc nhìn trên, trực quan so sánh: lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng ổn định phổ biến chỉ trong 3 – 4%/năm, thậm chí qua đêm có những lúc chỉ hơn 2%/năm; trong khi đó lãi suất huy động VND các ngân hàng thương mại vẫn khá cao, từ 5 – 9%/năm…
So sánh đó cũng rõ hơn trong tuần này, khi lãi suất VND trên liên ngân hàng có xu hướng giảm mà Ngân hàng Nhà nước phải đẩy mạnh điều tiết qua tăng lượng phát hành tín phiếu hút tiền về, nhưng lãi suất huy động VND vẫn chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt.
BizLIVE tham vấn một lãnh đạo ngân hàng thương mại, góc nhìn và kỹ thuật của dòng chảy trên lại khác.
“Có thể với nhiều người, thông thường họ xem nguồn vốn và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng là thượng nguồn. Nhưng không phải vậy. Hai kênh khá độc lập, vì có vai trò và mục đích khá độc lập. Thậm chí, nếu nói hình ảnh như trên thì nguồn vốn huy động từ dân cư và lãi suất trên thị trường giao dịch với dân cư và tổ chức kinh tế mới là thượng nguồn”, vị lãnh đạo trên tư vấn.
Cụ thể, thị trường liên ngân hàng có chức năng điều hòa vốn ngắn hạn trong hệ thống, hỗ trợ thanh khoản với các kỳ hạn ngắn. Trong khi đó, thị trường giao dịch giữa ngân hàng với dân cư và tổ chức kinh tế rộng lớn hơn, còn gắn với tín dụng có cơ cấu trung dài hạn khá lớn (tỷ trọng trên 50%).
Vậy thì, không thể lạm dụng nguồn ngắn hạn để điều hòa, làm mát được nơi có tỷ trọng trung dài hạn lớn.
Thứ nữa, yếu tố nguồn qua quy mô giao dịch trên thị trường liên ngân hàng nhỏ hơn, chỉ khoảng vài trăm nghìn tỷ mang tính thời điểm, khó có thể tác động rõ nét đối với quy mô khoảng 7,4 triệu tỷ đồng tín dụng ở thị trường ngân hàng với dân cư và tổ chức, hay với hơn 8 triệu tỷ đồng nguồn vốn huy động.
“Nói một cách hình ảnh, một thùng nước nhỏ thì khó làm mát được một cỗ máy lớn đang căng guồng”, vị lãnh đạo trên nói.
Video đang HOT
Qua những phân tích trên, vị lãnh đạo ngân hàng này cho rằng, góc nhìn hợp lý hơn thì cần xem thị trường giữa ngân hàng với dân cư và tổ chức kinh tế mới chính là hồ nước thượng nguồn, có khả năng điều hòa lãi suất trên liên ngân hàng.
Theo đó, nếu ngân hàng huy động tốt nguồn tiền gửi dân cư và tổ chức, vốn khả dụng và thanh khoản tốt thì lãi suất trên liên ngân hàng khó mà dâng cao, do nhu cầu bù đắp thanh khoản hệ thống hạn chế đi.
Vấn đề chung trong câu chuyện “làm mát” lãi suất ở đây nằm ở chỗ: các ngân hàng có đang huy động tốt, thuận lợi và có tốc độ tăng trưởng cao từ nguồn dân cư và tổ chức không?
Khoảng một năm trở lại đây, tốc độ huy động vốn của hệ thống có dấu hiệu chậm hơn tăng trưởng tín dụng. Nguồn tiền gửi vào hệ thống ngân hàng không tăng trưởng mạnh như giai đoạn trước.
Vậy điều đó có bất lợi hay tiêu cực không?
Vị lãnh đạo trên cho đây là câu hỏi khó, vì tùy thuộc vào những cấu phần trên thị trường.
Đó là, nếu nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tốt, các thị trường hay các kênh khác như chứng khoán, bất động sản, thậm chí tự doanh… gia tăng động lực và thu hút nguồn vốn, kênh gửi vào ngân hàng bị chia sẻ. Nếu vậy, cân đối này trở nên tích cực, vì xét theo việc gửi vào ngân hàng là một trong những cách đơn giản và “dễ” nhất; và nguồn tiền đi theo gia tăng động lực các hoạt động trong nền kinh tế đó thì có thể giảm thiểu yếu tố và chi phí trung gian, có sức lan tỏa trực tiếp hơn tín dụng.
Nhưng nếu nhìn ở một cấu phần khác, nguồn vốn vào ngân hàng không tăng trưởng cao được như trước do các kênh khác thu hút như cho vay ngang hàng, trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí tín dụng đen, thì vẫn còn phân vân trong các quan điểm, nhất là nhìn về khía cạnh và mức độ rủi ro so với gửi ngân hàng.
“Tóm lại, trong nền kinh tế phần lớn nguồn tiền và dòng tiền vẫn nằm ngoài hệ thống ngân hàng. Để thu hút, khi mà có thêm cạnh tranh từ những kênh khác, các ngân hàng thường sử dụng công cụ lãi suất. Cạnh tranh và sự chia sẻ càng lớn, lãi suất huy động ngân hàng càng khó giảm”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.
Mặt khác, với nội tại hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc thù đáp ứng nhu cầu vốn trung dài hạn cho nền kinh tế khá lớn (tỷ trọng chiếm trên 50% tổng dư nợ), áp lực thanh khoản trong cân đối nguồn (do huy động vẫn chủ yếu nguồn ngắn hạn) cũng góp thêm yếu tố khiến lãi suất huy động khó giảm.
MINH ĐỨC
Theo bzlive.vn
Tăng trưởng tín dụng: Nỗi lo sớm mục tiêu 14%?
Tăng trưởng tín dụng đến thời điểm hiện tại mới đạt 1,25%, thấp hơn so với những năm trước, khiến một số câu hỏi đặt ra về áp lực tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Ngân hàng Nhà nước hút mạnh tiền về
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng đến thời điểm hiện tại đạt 1,25%.
Do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 2 giảm mạnh 17% so với tháng 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2019, sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 15% của cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, chỉ số PMI tháng 2 cũng giảm xuống mức thấp nhất (51,2 điểm) kể từ tháng 3/2016 cho thấy, khu vực sản xuất đang tăng chậm lại.
Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn do chịu ảnh hưởng tiêu cực của nhóm hàng điện tử, máy vi tính và quang học (chỉ tăng 5,2% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 38%); nhóm sản xuất thuốc và hóa dược (giảm 12,4% trong khi cùng kỳ tăng 12,7%)
Do vậy, không bất ngờ khi tiếp tục xu hướng của tháng 1, trong tháng 2/2019, tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) khá ảm đạm. Lượng DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục cao hơn so với DN đăng ký mới. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 13.519 DN, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, có 13.692 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 7.843 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018 để loại bỏ các DN đã thành lập trước đây nhưng trên thực tế không còn hoạt động. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 2 tháng đầu năm 2019 là 3.156 DN, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số DN tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản trong 2 tháng đầu năm 2019 lên tới 16.675 DN, bằng 104,36% DN thành lập mới.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, giám đốc tiền tệ một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: "Từ sau Tết âm lịch đến nay, hoạt động của Ngân hàng khá "bình bình" do DN chưa trở lại guồng hoạt động mạnh và Ngân hàng tập trung tăng trưởng các hoạt động dịch vụ, ngân hàng bán lẻ".
Đáng chú ý, tuần qua, NHNN đã quay trở lại phát hành tín phiếu sau gần 5 tháng không phát hành và hơn 2 tháng duy trì số dư tín phiếu bằng 0. Cụ thể, NHNN đã hút 17.000 tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3%/năm và hút ròng 6.374 tỷ đồng thông qua OMO, số dư OMO đang lưu hành giảm xuống chỉ còn 7.587 tỷ đồng. Tính chung, NHNN đã hút ròng 23.374 tỷ đồng và lượng tín phiếu lưu hành đã vượt trên lượng OMO lưu hành.
Dù NHNN đã liên tục hút ròng tới 162 nghìn tỷ đồng trong 5 tuần gần đây, nhưng lãi suất trên liên ngân hàng vẫn giảm không ngừng, đặc biệt là trong tuần vừa qua. Lãi suất kỳ hạn qua đêm hiện ở mức 3,3%/năm; 1 tuần ở mức 3,4%/năm; lần lượt giảm 68 điểm cơ bản và 65 điểm cơ bản so với cuối tuần trước.
Không tăng vốn, không tăng tín dụng
Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần khá "xông xênh" về dư địa tăng trưởng tín dụng (room tín dụng), thì các ngân hàng thương mại quốc doanh duy trì mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn. Ví dụ, BIDV và Vietcombank chỉ tăng trưởng theo đúng hạn mức được NHNN giao từ đầu năm, tức ở mức dưới 15%. VietinBank duy trì mức tăng trưởng tín dụng khá thấp là 7,7%, theo phương án xử lý nợ xấu đã được NHNN phê duyệt.
"Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tình trạng thiếu vốn hiện tại của các ngân hàng quốc doanh mới là yếu tố chính trong việc hạn chế tiềm năng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này", TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Minh chứng cho vấn đề này, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank thừa nhận, do tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank đã tới mức tối thiểu nên từ tháng 9/2018 tới cuối năm 2018, nên Ngân hàng không thể tăng trưởng tín dụng.
"Trong suốt 10 năm vừa qua, kể từ sau khi VietinBank cổ phần hóa năm 2008, Ngân hàng đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó quy mô về vốn tự có, tài sản đã tăng trên 6 lần. Cũng trong quãng thời gian này, VietinBank đã khai thác các nguồn lực về vốn từ cổ phần hóa và các cổ đông chiến lược nước ngoài để phục vụ cho sự phát triển, Nhà nước chưa phải đầu tư thêm khoản vốn nào cho VietinBank", ông Thọ cho biết.
Cũng theo ông Thọ, việc tăng vốn điều lệ cho VietinBank là để Ngân hàng có khả năng mở rộng huy động vốn, cấp tín dụng cho nền kinh tế, đáp ứng các nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân, phục vụ cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời bảo đảm tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật.
"Nếu VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, cũng như việc tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước, từ đó ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế và nguồn thu Ngân sách nhà nước do các DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng", ông Thọ nói.
Mức tăng 14% không phải là áp lực lớn
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng bằng 1/3 của cả năm. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2019, tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng hơn 4% trong 6 tháng đầu năm và gần 10% trong 6 tháng cuối năm. Đây là quy luật đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây.
Theo ông Nghĩa, nguyên do của việc tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ bằng 1/3 cả năm là bởi liên quan đến sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Về chính sách tài khóa, nửa đầu năm thường giải ngân rất chậm, tập trung vào các tháng cuối năm. Trong khi đó, vốn từ ngân sách và ngân hàng đều ở mức thấp khiến cho các hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn và hiệu quả sử dụng vốn rất thấp.
"Chỉ cần thay đổi cấu trúc về phân bổ ngân sách tương đối đồng đều cho cả năm sẽ làm tăng GDP và tương tự, hệ thống ngân hàng cũng sẽ đồng thời vận hành như vậy. Tuy nhiên, mức tăng 14% không phải là áp lực lớn", TS. Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, vốn tín dụng tăng 14% nhưng quan trọng hơn là 4 yếu tố: thứ nhất, tăng thực chất với dư nợ tốt; thứ hai, tăng từ đầu năm; thứ ba, tập trung các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; thứ tư, tăng tín dụng ngắn hạn, vòng quay tín dụng được gia tăng.
"Vòng quay vốn tín dụng quyết định lượng vốn bỏ ra cho nền kinh tế và gia tăng hiệu quả tín dụng, qua đó góp phần tăng trưởng GDP của đất nước. Do đó, vòng quay tín dụng được gia tăng là điều rất có ý nghĩa', ông Tú nói.
Nhuệ Mẫn
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Vì đâu lãi suất liên ngân hàng giảm rõ rệt? Sau hơn nửa năm tăng liên tục và duy trì ở mức cao, lãi suất liên ngân hàng đang có dấu hiệu giảm tại hầu hết các kỳ hạn. Vì đâu lãi suất liên ngân hàng giảm rõ rệt? Báo cáo cập nhật vĩ mô mới công bố của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra một nhận định đáng chú...