Vì sao hàng nghìn sinh viên bị đuổi học ở Sài Gòn?
Mỗi năm, hàng nghìn sinh viên bị cảnh cáo học vụ, thậm chí phải thôi học ở Sài Gòn. Đây là vấn đề khiến một số trường đại học ở TP.HCM đau đầu.
Tư vấn ngành nghề cho học sinh phổ thông là việc cần thiết. Ảnh: Phước Tuần.
Cảnh cáo học vụ, đình chỉ học tập là chuyện “đặng chẳng đừng” đối với các trường đại học. Nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín của nhà trường với vấn đề giữ chân người học là bài toán không dễ với nhiều cơ sở giáo dục.
Điều đáng nói, không ít sinh viên bị xử lý học vụ từng học giỏi, xuất thân từ trường chuyên hoặc nằm trong diện tuyển thẳng. Số lượng sinh viên “rơi rụng” mỗi năm ở các trường khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng sinh viên và nguyên nhân của vấn đề.
‘Bảng phong thần’ mỗi năm học
Điểm sơ qua về con số sinh viên bị cảnh cáo học vụ hay buộc thôi học ở một số trường đại học tại TP.HCM khiến nhiều người giật mình. Trường ít nhất cũng vài trăm sinh viên trong một năm học, nhiều nhất lên đến cả nghìn sinh viên chỉ trong học kỳ.
Năm 2016, lãnh đạo ĐH Nông Lâm TP.HCM phải ký một lúc 946 quyết định buộc thôi học. Đây là những sinh viên không chịu học hành, bị cảnh cáo 3 lần liên tục.
Mỗi năm có hàng nghìn sinh viên bị xử lý học vụ. Ảnh: Anh Tuấn.
Hiện nay, bình quân mỗi năm ĐH Nông Lâm TP.HCM có khoảng 600 sinh viên bị cảnh cáo học vụ, dẫn đến bị buộc thôi học (cả tự nguyện và bắt buộc), chiếm tỷ lệ khoảng 4%-5% tổng số sinh viên đào tạo.
Đầu tháng 10/2017, ĐH luật TP.HCM cũng đưa ra danh sách 112 em bị buộc thôi học và cảnh cáo 66 trường hợp khác, do học lực quá kém cỏi hoặc không tham gia các học phần.
ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm học 2016-2017, buộc thôi học hơn 500 sinh viên, cảnh báo học vụ khoảng 600 em.
Tháng 4/2016, ĐH Sư phạm TP.HCM công bố danh sách 617 sinh viên các khóa (từ K37 đến K40) thuộc diện bị buộc thôi học và 666 sinh viên các khóa (từ K37 đến K41) bị cảnh báo học vụ.
Số liệu thống kê trong học kỳ I năm học 2016-2017 của ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng khiến nhiều người bất ngờ: 1.888 sinh viên bị cảnh cáo học vụ, trong đó rất nhiều em bị cảnh cáo đến lần 2. Nhà trường phải ký quyết định buộc thôi học đối với hơn 180 trường hợp chỉ trong một học kỳ.
Tương tự, hiện nay, số lượng bị xử lý học vụ của ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng khoảng 300 sinh viên/năm, tập trung sinh viên năm nhất.
Xem lại định hướng nghề nghiệp
Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng việc thôi học giữa chừng được hiểu theo hai nghĩa: Bị buộc thôi học và tự nguyện điều chỉnh của cá nhân.
Video đang HOT
Một số sinh viên đang học bình thường, thậm chí có kết quả tốt sau một thời gian lại “ngộ” ra ngành học không phù hợp, nên phải chuyển ngành hoặc trường.
Ông Lý cho rằng không riêng gì sinh viên ĐH Nông Lâm TP.HCM, hầu hết sinh viên thôi học giữa chừng thường xuất phát từ các nguyên nhân như kết quả học tập không đạt, bị kỷ luật do thái độ học tập không tốt hoặc quá thời hạn đào tạo.
Về phía trường, dù việc buộc thôi học đối với sinh viên là “cực chẳng đành”, các trường cũng muốn giữ và nâng cao chất lượng đào tạo nên phải làm quyết liệt.
Ở ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, số sinh viên bị kỷ luật học vụ chủ yếu rơi vào năm nhất. Nguyên nhân được ông Phạm Thái Sơn – Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh của trường, nhận định là các em chưa ổn định tâm lý khi học tập. Một số muốn thi lại vào ngành, trường khác. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề nằm ở công tác định hướng nghề cho học sinh phổ thông.
TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí – Chế tạo máy, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng gốc của vấn đề là định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Gần như học sinh cấp 3 không định hướng chính xác nghề nghiệp, họ không biết mình đam mê cái gì, có khả năng với ngành nghề nào”, ông Thịnh nói.
Cũng theo TS Thịnh, hiện nay, học sinh chọn ngành theo sự chỉ định của bố mẹ, theo bạn bè hoặc truyền thống gia đình mà bỏ qua việc xem xét khả năng của bản thân. Vào đại học, sinh viên bỡ ngỡ với cách học, phải thay đổi tư duy, phương pháp kiểm tra đánh giá. Do đó, nhiều em bị sốc.
Một nguy cơ khác cũng rất đáng lưu tâm là sinh viên bị cuốn vào làm thêm, bán hàng đa cấp. TS Nguyễn Trường Thịnh nhớ rất rõ trường hợp một nữ sinh có lực học tốt nhưng kiên quyết bỏ học giữa chừng vì chạy theo cái lợi trước mắt từ việc bán hàng đa cấp. Nhiều sinh viên nảy sinh tâm lý coi thường việc học khi đã kiếm được việc làm thêm với thu nhập cao, dẫn đến bỏ bê, trì trệ chuyện học.
Truyền lửa cho sinh viên
Để hạn chế tình trạng này, cách làm phổ biến ở các trường đại học hiện nay là gửi thông báo kết quả học tập hoặc kết quả xử lý học vụ đến phụ huynh, đồng thời nhắc nhở trên tài khoản của mỗi bạn.
Tuy nhiên, cách làm đó cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Cốt lõi là phải giúp sinh viên nhận ra và duy trì đam mê với ngành học và công việc sau này.
Ngoài các biện pháp quản lý, nhắc nhở cho sinh viên và gia đình, hiện nay, nhiều trường đại học bắt đầu chú trọng đến việc hướng dẫn phương pháp nghiên cứu cho tân sinh viên.
“Cách đây 5 năm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã đưa vào Nhập môn chuyên ngành nhằm giúp sinh viên hiểu được mình đang học cái gì, nghề nghiệp này ra trường làm gì, đặc tính công việc, cách học, nghiên cứu, cơ hội việc làm. Quan trọng là truyền lửa đam mê cho các bạn”, TS Nguyễn Trường Thịnh cho biết.
Ngoài ra, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho sinh viên chuyển ngành nếu cảm thấy chọn nhầm, tránh trường hợp bỏ học.
Để sinh viên không chọn nhầm ngành học, ĐH Nông Lâm TP.HCM chú trọng công tác tư vấn tuyển sinh cho học sinh các trường phổ thông.
Đồng thời, trường cũng tạo ra nhiều sân chơi học thuật, các buổi nói chuyện với diễn giả về ngành học, tạo hứng thú giữa việc học và hành, tư vấn đầu ra cho sinh viên…, thúc đẩy động lực học tập cho bạn trẻ.
Theo Giadinh.net
Dạy tư duy phản biện ở trường phổ thông - việc khó cần làm!
Trong quá trình đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm thì việc xây dựng tư duy phản biện cho học sinh phổ thông là điều rất cần thiết. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các thầy cô và chuyên gia giáo dục vẫn đang nỗ lực không ngừng để trang bị kỹ năng quan trọng này cho các em.
Học sinh ngày nay có thể dễ dàng tiếp cận thông tin từ sách vở, máy tính hay điện thoại thông minh giúp tăng cường tư duy phản biện
Kỹ năng quan trọng trong thời đại bùng nổ thông tin
Tư duy phản biện (Critical Thinking), hiểu một cách đơn giản nhất, đó là khả năng suy nghĩ và tư duy đa chiều, phản biện lại vấn đề, xem xét mọi khía cạnh để tìm ra chân lý chứ không dễ dàng chấp nhận mọi ý kiến ngay từ ban đầu.
Tư duy phản biện (TDPB) giúp con người vượt ra khỏi cách suy nghĩ theo khuôn mẫu, thói quen có sẵn; hướng đến cái mới, thoát khỏi những rào cản của định kiến, đưa ra nhiều phương án khác nhau và lựa chọn phương án tối ưu với những lập luận có cơ sở vững chắc đối với một vấn đề nào đó.
Việc xây dựng TDPB cho học sinh đang được nhiều quốc gia xem như tiêu chuẩn của nền giáo dục hiện đại, là động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn thể xã hội.
Đơn cử như tại Mỹ, các giáo viên thường cho học sinh sử dụng tư duy phản biện bằng cách thử thách khả năng đặt câu hỏi hay, suy nghĩ sâu sắc và bảo vệ quan điểm của các em về các vấn đề được dạy.
Các bài học được các em chuẩn bị trước tại nhà và mang đến lớp thảo luận, tranh biện sôi nổi. Người thầy sẽ đóng vai trò định hướng, giải thích và đúc kết lại chân lý vào cuối buổi học.
PGS-TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng: "Trong thời đại ngày nay khi khối kiến thức càng lúc càng trở nên khổng lồ, con người có nhiều cơ hội để tiếp cận tri thức thì việc biết cân nhắc, suy xét, lựa chọn, lọc để biết, hiểu và ứng dụng trở nên rất quan trọng. Đó chính là tư duy phản biện và sức mạnh của nó trong thực tiễn...".
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn hướng dẫn về Phương pháp dạy học tích cực
Nhiều khó khăn trong việc dạy học sinh TDPB
Hiện tại ở Việt Nam, để giáo dục TDPB một cách hoàn chỉnh cho học sinh phổ thông là chuyện không hề đơn giản. Theo các chuyên gia trong ngành giáo dục, rào cản đầu tiên là vấn đề văn hóa.
Việc dạy học ở nước ta trong nhiều năm qua chịu ảnh hưởng rất lớn của Nho giáo, "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy", chưa thật sự chú trọng đến tính tích cực trong hoạt động giáo dục của học sinh.
Điều đó góp phần làm học sinh trở nên thụ động, lười biếng trong suy nghĩ, tìm kiếm dẫn chứng, cơ sở để phản biện kiến thức của giáo viên truyền thụ.
Cô Lại Thị Phương Ánh, giáo viên môn sinh vật ở Trường THPT Lê Hồng Phong (TPHCM) nhận định: "Việc dạy TDPB cho học sinh cấp 3 là rất khó, bởi lẽ các em đã quen với lối tư duy một chiều, thụ động từ các lớp cấp dưới, mất dần sự tò mò và thói quen đặt câu hỏi.
Ở mức độ này, giáo viên chỉ có thể điều chỉnh, định hướng và khơi lại niềm vui học hỏi cho các em chứ không thể xây dựng kỹ năng TDPB cho học sinh một cách hoàn chỉnh".
Hơn nữa, không ít giáo viên cũng tỏ ra lúng túng với việc đào tạo TDPB bởi lẽ chính họ cũng là sản phẩm của giáo dục truyền thống. Thầy Nguyễn Duy Khang, công tác tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long cho rằng phần đông người dạy học hiện nay còn hiểu chưa đúng về giáo dục TDPB.
Không nhiều thầy cô giáo có đủ kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng để giải đáp mọi thắc mắc của các em. Ngoài ra, thời lượng lên lớp hạn chế cũng là một nguyên nhân khiến các giáo viên ngại sử dụng phương pháp giáo dục phản biện cho học sinh.
Tất cả khiến trình độ TDPB của học sinh ở Việt Nam hiện nay là còn khá hạn chế. Về điểm này, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn nhận xét: "Các em cũng có TDPB song khả năng vận dụng kỹ năng này chưa cao, chỉ ở mức trung bình.
Nhiều em có thể phát hiện vấn đề một cách chủ động nhưng vẫn còn bỏ sót một số trường hợp có vấn đề cần phản biện. Học sinh biết tập hợp các bằng chứng, sử dụng các lý lẽ để lập luận một cách hợp lý nhưng chưa triệt để.
Các em cũng có kỹ năng phán đoán nhưng các kết luận thường thiếu cơ sở, chưa chính xác, do các em vẫn giữ thói quen đồng ý nhanh, chấp nhận dễ. Có những trường hợp cảm thấy không thuyết phục nhưng vẫn không dám biểu đạt ý kiến, dễ bị lôi kéo bởi một tuyên bố hay một câu nói xuất phát từ người thầy..."
Thầy Lê Bá Bát Trân, giáo viên dạy sử tại Trường THPT Hòa Bình, TPHCM ghi nhận: Học sinh phổ thông hiện tại vẫn có TDPB nhưng không hoàn chỉnh. Có trường hợp các em phản biện vượt khung hoặc phản biện máy móc, không dùng tư duy để phân tích đúng sai mà sa vào phản đối, chê trách và phủ nhận mọi vấn đề được đưa ra.
Nhiều sáng kiến hay nhưng vẫn cần một sự thay đổi đồng bộ và toàn diện
Trước tình trạng này, nhiều giáo viên đã chú ý chỉnh sửa, định hướng lại TDPB cho các em thông qua việc đổi mới và sáng tạo trong cách dạy. Đơn cử như ở môn lịch sử, thầy Lê Bá Bát Trân luôn chủ động cho các em tiếp cận thêm các nguồn thông tin, kiến thức khác ngoài sách giáo khoa để tham gia bàn luận về bài học.
Ví dụ như thay vì kiểm tra theo kiểu học thuộc lòng, thầy cho các em tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của các nước trong khu vực rồi liên hệ với nước ta để rút ra kết luận về các giai đoạn lịch sử.
Giao việc tìm hiểu và kiểm chứng các thông tin, kiến thức lại cho các em; đến cuối buổi, thầy mới đánh giá, sửa chữa và hệ thống lại bài học cho các em. Về phần mình, thầy cũng liên tục nâng cấp, bổ sung thêm kiến thức để có thể giải đáp tốt các thắc mắc, phản biện mà các em đưa ra.
Cô Nguyễn Ngọc Vân Anh, giáo viên môn hóa của Trường THPT Long Thới, TPHCM cùng cậu học trò Phạm Hoàng Ân có sáng kiến "Áp dụng hình thức debate (tranh biện) quốc tế vào hoạt động dạy và học ở trường THPT". Theo đó, trước tiết học giáo viên sẽ chuẩn bị các kiến giải, bài tập, phân chia công việc và hỗ trợ hướng dẫn cho các nhóm học sinh.
Sau khi chuẩn bị, các em sẽ tiến hành tranh biện với nhau để trả lời vấn đề giáo viên đưa ra, giải quyết mâu thuẫn quan điểm và rút ra những bài học cụ thể. Mô hình này đã nhận được giải khuyến khích trong cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2017 vừa qua.
Những mô hình như của thầy Trân, cô Vân Anh hay của nhiều giáo viên khác tại các Trường Lê Hồng Phong, Trần Khai Nguyên, Marie Curie... (TPHCM) đang áp dụng đã phần nào giúp các em học sinh lấy lại được niềm đam mê tìm hiểu kiến thức và thói quen đặt câu hỏi, vận dụng tư duy để giải quyết vấn đề, tìm ra chân lý.
Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây mới chỉ là những hoạt động đơn lẻ có quy mô nhỏ. Để học sinh nước ta có kỹ năng TDPB thật sự, cần phải có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.
Cô Lại Thị Phương Ánh cho rằng: "Học sinh nước ta thông minh, nhạy bén không kém học sinh nước nào. Chỉ cần cả ngành cùng chung tay, cùng một đội ngũ giáo viên đủ năng lực, chúng ta hoàn toàn có thể giúp học sinh làm quen và hình thành TDPB sau một thời gian nhất định".
Nếu nhìn vào việc các học sinh, sinh viên Việt Nam thay đổi về mặt tư duy thế nào sau vài tháng du học tại các quốc gia phát triển giáo dục phản biện như Mỹ, Úc, Israel... có thể thấy nhận định của cô Phương Ánh là hoàn toàn có cơ sở thực tế.
Để làm được điều này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết: "Trước hết, các nhà giáo tương lai phải được đào tạo bằng phương pháp dạy học tích cực, chú trọng phát triển năng lực cho học sinh. Bởi vì chỉ có trải nghiệm thì sinh viên sư phạm mới có thể cảm được phương pháp dạy học này, từ đó áp dụng vào công tác giảng dạy của chính bản thân mình trong tương lai. Một khi thay đổi phương pháp giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm, đề cao tính chủ thể, tính tích cực của học sinh thì sẽ tạo tiền đề tốt cho việc dạy kỹ năng TDPB cho học sinh".
"Cần khẳng định, chính giảng viên, giáo viên phải là người có TDPB và là người trước tiên có sự thay đổi cái nhìn của mình về vấn đề này. Trong trường đại học, các khóa học về TDPB là vấn đề mà nhà trường ưu tiên cho giảng viên. Khóa học một số giảng viên tham gia ở Đà nẵng vào tháng 12-2017 vừa qua trong chương trình ETEP là một sự đầu tư nguồn. Và tài liệu TDPB sẽ là vấn đề chúng tôi quan tâm trong thời gian sớm nhất" PGS-TS Huỳnh Văn Sơn
Theo Giaoducthoidai.vn
Lò đào tạo nhân tài nước Mỹ Basis Scottsdale - trường công tốt nhất nước Mỹ là nơi ươm mầm ứng viên tiềm năng cho khối đại học Ivy League. Năm 2017, trường Basis Scottsdale (bang Arizona) được US News and World Report xếp hạng là trường công tốt nhất nước Mỹ. Theo Business Insider, về bản chất, Basis Scottsdale là trường công đặc cách (charter school), loại hình trường...