Vì sao Hải quân Mỹ ‘nể’ tàu ngầm tấn công mới của Nga?
Một trong những sĩ quan tàu ngầm hàng đầu của Hải quân Mỹ đã bày tỏ sự ấn tượng của mình đối với những tàu ngầm tấn công hạt nhân trong Dự án 885 mới của Nga.
Chuẩn Đô đốc Dave Johnson, sĩ quan điều hành chương trình tàu ngầm thuộc Bộ Tư lệnh Các hệ thống Biển của Hải quân Mỹ nói rằng ông có một mô hình tàu ngầm Severodvinsk nằm trong dự án trên của Nga, được đặt ở ngoài khu vực chung gần văn phòng của ông, nơi ông có thể nhìn thấy nó hàng ngày.
Tàu ngầm thuộc Dự án 885 của Nga chạy thử nghiệm trên biển.
“Chúng tôi sẽ phải đối mặt với những địch thủ tiềm năng có sức mạnh lớn. Đầu tiên đó là Severodvinsk, phiên bản của một tàu ngầm tên lửa dẫn đường hạt nhân (SSGN) của Nga. Tôi rất ấn tượng với chiếc tàu đó. Các nước khác trên thế giới chưa bao giờ đạt được khả năng này”, ông Johnson nói.
Video đang HOT
Tàu ngầm tấn công trên của Nga được xây dựng từ năm 1993 và chỉ được chạy thử nghiệm dưới biển năm 2011. Cuối cùng, nó cũng được đưa vào phục vụ đầu năm nay. Lý do cho sự trì hoãn này chính là những bất ổn sau sự kiện Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Severodvinsk là loại tàu ngầm có khả năng nhất của Nga từng được xây dựng và tích hợp nhiều công nghệ của Liên Xô trong những năm 1970 và 1980.
Mô hình tàu ngầm Severodvinsk của Nga được NAVSEA thiết kế.
Nặng 13.800 tấn, dài khoảng 120m, chiếc tàu này được tự động hóa cao với 32 sĩ quan cùng 58 nhân viên phục vụ. Nó cũng có độ ồn thấp hơn rất nhiều so với các tàu ngầm trước đây của Nga, đồng thời có tốc độ “yên tĩnh” tối đa khoảng 20 knot (10m/s).
Viện Hải quân Mỹ cho biết, một số báo cáo dự đoán rằng tàu ngầm này có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 35-40 knot. Tuy nhiên, hầu hết các báo cáo từ Nga nhận định Severodvinsk có tốc độ tối đa là 35 knot. Như tất cả các thiết kế tàu ngầm hạt nhân mới, lò phản ứng của Severodvinskđược thiết kế để kéo dài tuổi thọ cho tàu.
Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI), trong khi chiếc tàu ngầm trên của Nga có độ yên tĩnh hơn so với những tàu ngầm lớp Los Angeles được cải thiện, nó lại thua tàu ngầm lớp Seawolf hay Virginia về mặt này.
Hình ảnh đồ họa của tàu ngầm thuộc Dự án 885. Nguồn: RIA Novosti
Một đặc điểm nổi bật khác đối với tàu ngầm của Nga là nó được tích hợp một hệ thống cảm biến trên mũi tàu, được gọi là Irtysh-Amfora. Kết quả là, Severodvinsk có các ống phóng ngư lôi được đặt ở vị trí khoảng giữa tàu, giống như các tàu ngầm của Mỹ. Tàu ngầm này có 8 ống phóng ngư lôi với 4 ống phóng cỡ 650mm và 4 ống còn lại cỡ 533mm.
Severodvinsk được trang bị các tên lửa chống tàu hạng nặng, 24 ống phóng tên lửa có thể khai hỏa các tên lửa siêu âm supersonic NPO Mashinostroyeniya P-800 Oniks với khả năng đánh trúng mục tiêu cách xa khoảng 370km. Nó cũng có thể phóng tên lửa hành trình siêu âm tấn công mặt đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Novator RK-55 Granat, với tầm bắn khoảng 3.000km.
Ngoài ra, chiếc tàu này cũng có thể tấn công các mục tiêu với tên lửa chống tàu và tên lửa tấn công trên mặt đất 3M14 Kalibr, 3M54 Biryuza ở cự ly khoảng 550km. Bên cạnh đó, Severodvinskis còn được trang bị các hệ thống phòng thủ chống ngư lôi chủ động, và một số hệ thống phòng không.
Mỹ thường tự hào rằng hạm đội tàu ngầm của họ là tốt nhất và ứng dụng công nghệ cao nhất trên thế giới, tuy nhiên các phát triển mới nhất của Nga đã làm thay đổi quan điểm này. Tờ Sunday Times của Anh từng đưa tin với tàu ngầm hạt nhân đa năng Severodvinsk, Nga đã trở thành quốc gia có công nghệ hàng đầu thế giới về hạm đội tàu ngầm. Báo trên nhấn mạnh Severodvinsk hầu như không thể bị phát hiện trong các đại dương, khiến tàu này trở nên bất khả xâm phạm khi đối mặt với các hệ thống vũ khí chống hạm mới nhất.
Theo Công Thuận (U.S.N.I)
Báo Tin tức