Vì sao Hà Nội bất nhất trong việc tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng?
Dù Chủ tịch UBND TP.Hà Nội thông báo chính thức trước HĐND thành phố về việc sẽ tuyển dụng đặc cách giáo viên có hợp đồng từ 5 năm trở lên, nhưng Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội lại có chỉ đạo khác hẳn.
Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), mới đây đã nhận quyết định chấm dứt hợp đồng sau 17 năm đứng trên bục giảng – Ảnh NVCC
Cụ thể, thông báo kết luận mới nhất của Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, qua rà soát của các quận, huyện, thị xã, không ai trong số 2.923 giáo viên của Hà Nội đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại khoản 7 điều 2 Nghị định 161/2018.
Tất cả các giáo viên hợp đồng này không được xét tuyển đặc cách do không đủ điều kiện: “Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”, theo quy định tại Nghị định 161/2018.
Như vậy, số giáo viên trên sẽ phải trải qua kỳ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục bằng 2 hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển như các ứng viên khác, dù trước đó đích thân Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã 2 lần cho biết sẽ xét tuyển số giáo viên hợp đồng này nếu họ đáp ứng đủ 3 tiêu chí: có hợp đồng từ 5 năm trở lên, có đủ sức khỏe và có chuyên môn phù hợp với vị trí cần tuyển dụng.
Với cách làm bất nhất của UBND TP.Hà Nội, trong mấy tháng gần đây, các huyện của Hà Nội đã dần chấm dứt hợp đồng với các giáo viên thuộc diện này, gồm cả những người đã ký hợp đồng 20 năm.
Trao đổi với Thanh Niên, thầy giáo Nguyễn Viết Tiến (đã bị chấm dứt hợp đồng từ ngày 31.5, dù đã là giáo viên hợp đồng 17 năm) cho biết do Trường THCS Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), nơi thầy Tiến công tác, thiếu giáo viên nên thầy Tiến được ký hợp đồng thỉnh giảng đến 27.12.2019.
Nhiều thầy cô giáo hợp đồng khác ở thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì cũng chịu cảnh tương tự.
Vì sao Hà Nội bất nhất trong việc thi tuyển hay xét tuyển, để các giáo viên hy vọng rồi lại thất vọng? Vấn đề chính nằm ở Nghị định 161/2018. Tại thông báo kết luận lần này, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu vẫn chỉ đạo phải tuyển dụng theo Nghị định 161, mà nếu như vậy thì ngay từ đầu thành phố không cần đến mấy tháng để “rà soát” cũng rõ ngay là không giáo viên nào được xét tuyển đặc cách, vì Nghị định 161 chỉ cho phép đặc cách với nhân viên hợp đồng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, mà cả thành phố chỉ có một số ít trường đáp ứng được.
Theo một chuyên gia trong ngành Nội vụ, các địa phương có thẩm quyền trong việc tuyển dụng viên chức và không nhất thiết phải áp dụng Nghị định 161. Một số địa phương khác đã linh hoạt để giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng đã tồn tại từ lâu. Bộ Nội vụ cũng đã 1 lần có văn bản trả lời Hà Nội về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng tại cuộc họp hồi tháng 4 nhằm giải quyết kiến nghị của các giáo viên hợp đồng, thì Hà Nội “gần như” là địa phương đầu tiên áp dụng Nghị định 161 và có vẻ ý chí của lãnh đạo thành phố là muốn giữ “danh hiệu” đó.
Chiều 13.9, phóng viên Thanh Niên đã liên hệ với tân Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà và được bà Hà cho biết thành phố cũng đang yêu cầu Sở Nội vụ tổng hợp để báo cáo. Vậy quyết định cuối cùng của UBND TP.Hà Nội là gì? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả sau khi có câu trả lời từ các cơ quan chức năng.
Theo Thanh niên
Gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không ai đủ điều kiện xét đặc cách
Theo báo cáo của các Quận, huyện, thị xã, không có ai trong số gần 3000 giáo viên hợp đồng lâu năm có đủ điều kiện để xét đặc cách.
Video đang HOT
Giáo viên hợp đồng không ai đủ điều kiện được xét đặc cách
Theo thông báo mới nhất của Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội: Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố tại hội nghị về công tác tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân các Quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố năm 2019, trong tổng số gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không có ai có đủ điều kiện để xét đặc cách.
Căn cứ theo khoản 7, điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, tiêu chí để loại giáo viên hợp đồng không được xét đặc cách yêu cầu: Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.Nội dung thông báo có ghi: Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, các Quận, huyện, thị xã đã rà soát và khẳng định không có giáo viên đủ tiêu chuẩn để xét tuyển đặc biệt (xét đặc cách) vào viên chức theo quy định tại khoản 7, điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018.
Trong khi đó nghịch lý ở đây là hầu hết số giáo viên hợp đồng lâu năm đều đang giảng dạy trong những trường công lập không tự chủ tài chính.
Điều này dẫn đến sự hụt hẫng rất lớn dành cho số giáo viên hợp đồng này.
Như báo chí đã đưa tin, ngày 28/6/2019, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 1 và Khoản I phần B.
Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 7/3/2019 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Điểm nổi bật trong quyết định này: Thành phố giao cho các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng giáo viên hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn để xem xét thực hiện việc tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định điều kiện được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp đặc biệt.
Không có giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện để xét đặc cách (Ảnh:V.N)
Sau từng ấy thời gian chờ đợi (gần 3 tháng), Ủy ban Nhân dân Thành phố trả lời rằng: Không có trường hợp nào đủ điều kiện để xét đặc cách.
Vấn đề là, trước khi ra Quyết định số 1076/QĐ-UBND, Thành phố Hà Nội có nhận định được: Sẽ không có trường hợp giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện xét đặc cách? Những lời hứa của Hà Nội đã đi về đâu?
Một số thông tin về kỳ thi viên chức sắp tới: Theo thông báo của Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.
Về hình thức tuyển dụng: Ủy ban Nhân dân các Quận, huyện, thị xã đề xuất, báo cáo và phối hợp với Sở Nội vụ để tổ chức thực hiện.
Đối với các đơn vị tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển: Giao Sở Nội vụ hướng dẫn các đơn vị thống nhất thực hiện theo kế hoạch ban hành kèm theo quyết định 1076 ngày 7/3/2019 của Ủy ban Nhân dân Thành phố.
Đối với các đơn vị tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển: Giao cho Sở Nội vụ xây dựng, ban hành kế hoạch xét tuyển viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân các quận huyện thị xã để các đơn vị làm căn cứ triển khai các bước theo quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Nội vụ, đảm bảo đúng quy định.
Thời gian thực hiện tuyển dụng trước 15/11/2019 (Ảnh:V.N)
Về chế độ Bảo hiểm xã hội cho giáo viên: Giao Bảo hiểm xã hội Thành phố phối hợp, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các Quận, huyện, thị xã, các đơn vị sử dụng lao động rà soát, thực hiện đúng quy định của Luận Bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (đối với đối tượng là giáo viên hợp đồng) để không xảy ra khiếu nại.
Trước những thông tin này, nhiều giáo viên hợp đồng tỏ ra rất buồn và hụt hẫng.
Cô giáo Nguyễn Thị Thơm, giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn bày tỏ:
"Gần 6 tháng qua, chúng tôi đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình, cho những nạn nhân lịch sử bị bỏ quên.
Chúng tôi đã từng rất hy vọng và ủng hộ những phát biểu, lời hứa nhân văn của lãnh đạo Thành phố và cũng rất tin tưởng và chủ trương, chính sách của cấp trên.
Nhưng đến thời điểm này thông báo trên coi như đã dập tắt mọi hi vọng của chúng tôi.
Những đồng nghiệp ở các huyện khác của tôi người mất việc, người không được đóng bảo hiểm, phải làm thuê để bươn trải...rất khổ sở. Mong lãnh đạo có cơ chế tháo gỡ hợp tình, hợp lý".
Nghịch lý trong tuyển dụng giáo viên hiện nay
Trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phải xử lý triệt để tình trạng giáo viên hợp đồng để trong tương lai không có những vụ việc tương tự xảy ra.
Dưới góc độ quản lý, nhiều chuyên gia cho rằng những bất cập trong công tác tuyển dụng giáo viên đã gây ra tình trạng sử dụng thì thừa, bỏ đi thì thiếu.
Nhiều nơi nhận hợp đồng một cách ồ ạt dẫn đến tình trạng dư thừa, không đồng đều. Thực tế, trong một thời gian dài các địa phương không có chiến lược, quy hoạch và tuyển dụng giáo viên một cách khoa học và bài bản.
Do đó có tình trạng vì sao có những huyện lại có trường hợp giáo viên 10 năm, 20 năm hợp đồng.
Hà Nội cần giáo viên, giáo viên cần việc làm. Bên cạnh đó số lượng giáo sinh ra trường mỗi năm cũng tương đối nhiều chưa kể đến tỷ lệ thất nghiệp.
Bây giờ không còn là câu chuyện ai đúng, ai sai. Bởi tất cả đều là nạn nhân lịch sử, tuy nhiên thành phố Hà Nội nên có một cơ chế ưu tiên cho giáo viên hợp đồng lâu năm có trình độ, chuyên môn, phẩm chất tốt như xét tuyển, cộng điểm hoặc bỏ 1 số vòng thi.
Trên thực tế, đội ngũ giáo viên này vẫn cần thiết cho sự nghiệp giáo dục. Nếu trừ đi con số gần 3000 giáo viên hợp đồng Hà Nội sẽ mất công tuyển dụng, đào tạo lại số giáo viên khác mà chưa chắc đã đáp ứng được chuyên môn.
Hà Nội cần giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng càng sớm càng tốt (Ảnh:V.N)
Thành phố Hà Nội và gần 3000 giáo viên hợp đồng đang đứng giữa lằn ranh của lịch sử khi hướng tới đạt chuẩn trình độ đào tạo giáo viên trong thời gian tới.
Hình thức thi viên chức được coi là để chuẩn hóa lực lượng giáo viên này. Tuy nhiên điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và công việc của nhiều giáo viên hợp đồng. Vì thế cần có những chính sách tháo gỡ, hài hòa đôi bên.
Ngoài ra, Giáo sư Phạm Tất Dong còn chỉ ra một nghịch lý trong việc tuyển dụng viên chức giáo dục.
Thầy Dong nói: "Việc tuyển dụng giáo viên hiện nay đang có một sự vênh nhau giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ. Điều này dẫn đến tình trạng có nơi giáo viên thiếu, có nơi giáo viên thừa.
Các tính chỉ tiêu, biên chế của Bộ Nội vụ dựa trên số lượng học sinh để đưa ra số lượng giáo viên. Ví dụ mỗi đơn vị học sinh sẽ tương ứng với 1 giáo viên từ đó nhân lên.
Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo là nơi chịu trách nhiệm về đào tạo giáo viên, nắm được nhu cầu giáo viên của từng trường, từng bộ môn lại không được quyền quyết định chỉ tiêu, biên chế giáo viên.
Một anh nắm rõ nhu cầu giáo viên nhưng lại không được quyền tuyển giáo viên mà lại giao cho 1 anh khác".
Trong thời gian tới hy vọng Thành phố Hà Nội sẽ có những bước đi, chính sách thấu tình đạt lý đối với gần 3000 giáo viên hợp đồng lâu năm.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Sẽ có cơ chế tuyển dụng đặc biệt đối với một số giáo viên hợp đồng lâu năm UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 3455/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu ký ban hành về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 1 và Khoản I Phần B Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 7-3-2019 của UBND TP Hà Nội. Theo đó, Quyết định 3455 đã sửa đổi bổ sung Khoản...