Vì sao Đại học Quốc gia Hà Nội “khởi động lại” kỳ thi đánh giá năng lực?
Kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 sẽ được sử dụng chỉ như một phương án xét tuyển bổ sung, song song với phương thức xét tuyển khác.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, với những thay đổi trong Luật Giáo dục đại học, việc tuyển sinh được giao tự chủ cho các trường đại học. Hiện nay tuyệt đại đa số các trường đại học chủ yếu vẫn sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông để xét tuyển đại học.
Về cơ bản kỳ thi trung học phổ thông hướng tới mục tiêu chỉ phục vụ tốt nghiệp trung học phổ thông, do đó về lâu dài các trường đại học phải chủ động có phương án tuyển sinh riêng của mình. Đặc biệt với các trường đại học lớn, lâu đời, có uy tín và xếp hạng cao, có nhiều ngành nghề có sức hút thí sinh và tính cạnh tranh cao thì rất cần một kỳ thi để phân loại, tuyển chọn được những sinh viên có chất lượng đầu vào tốt.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh: Thúy Nga)
“Với truyền thống, đội ngũ, kinh nghiệm sẵn có, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ động khởi động lại kỳ thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông với nhiều mục đích, trong đó có mục tiêu trước mắt sử dụng kết quả kỳ thì này như bổ sung thêm một phương án tuyển sinh đại học, song song với sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông và các phương thức tuyển sinh khác như đã được triển khai trong những năm vừa qua.
Mặt khác, bài thi đánh giá năng lực kết quả học tập bậc trung học phổ thông còn phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như: Đánh giá năng lực của học sinh trung học phổ thông theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới;
Định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng kiến thức và năng lực cá nhân; Kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội, tư duy, kỹ năng, thái độ của người học;
Các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước tham khảo phục vụ công tác tuyển sinh đại học, đào tạo nghề phù hợp; Đánh giá chung về kết quả học tập bậc trung học phổ thông và phân tích, dự báo kết quả học tập bậc đại học của người học;
Làm một trong những căn cứ quan trọng để xếp loại các trường trung học phổ thông, Góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách quốc gia về giáo dục đào tạo.
Video đang HOT
Việc hoàn thiện và duy trì bài thi đánh giá năng lực nằm trong chiến lược lâu dài của Đại học Quốc gia Hà Nội”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết.
Những nội dung dự kiến đổi mới trong kỳ thi đánh giá năng lực 2021
Cũng theo thầy Đức, về mục đích thì kỳ thi đánh giá năng lực năm 2015, 2016 của Đại học Quốc gia Hà Nội là để tuyển sinh đại học. Kỳ thi đánh giá năng lực lần này được đổi mới, phù hợp với những điều chỉnh mới trong chương trinh giáo dục phổ thông, đồng thời có thể sử dụng nhằm đa mục đích khác nhau đã đề cập ở trên.
Trên cơ sở kế thừa ma trận đề thi, mô hình triển khai thi năm 2016, bài thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông năm 2021 sẽ được điều chỉnh, dự kiến gồm 03 phần: Tư duy định tính (50 câu hỏi, 60 phút), Tư duy định lượng (50 câu hỏi, 75 phút), Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút).
Về cơ bản cấu trúc bài thi kế thừa trên 90% dạng thức bài thi của năm 2016, có 3 điểm mới:
- Phần Lựa chọn Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội sẽ gộp lại thành 1 phần Khoa học (bắt buộc) với thời gian 60 phút, 50 câu hỏi.
- Tổng điểm bài thi là 150 điểm. Điểm bài thi gồm điểm tổng và 3 đầu điểm thành phần: Tư duy định tính, Tư duy định lượng, Khoa học. Mỗi phần 50 điểm.
- Năm 2021 tăng số câu hỏi điền đáp án thêm 3 câu ở phần Khoa học (để giảm khả năng đoán mò của thí sinh). Tổng số câu hỏi điền đáp án là 18 câu.
Bài thi đáng giá năng lực học sinh trung học phổ thông vẫn là thi trên máy tính, và được gán mã Q00. Về phương thức chấm điểm như cũ, mỗi câu đúng được 1 điểm, câu sai không được điểm.
Dự kiến sẽ có nhiều đổi mới trong kỳ thi đánh giá năng lực 2021 của Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh: VNU)
Đặc biệt cách thức tổ chức thi có nhiều cải tiến mới. Cụ thể, năm 2021, dự kiến sẽ tổ chức thi cho 1.000 – 2.000 thí sinh/đợt với khoảng 4-5 đợt/năm tùy thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký.
Ngoài ra, cách thức tổ chức thi có nhiều cải tiến mới: Thí sinh tự chọn ngày thi, giờ thi, ca thi, Thí sinh được thay đổi ca thi trước 14 ngày dự thi. Thí sinh tra cứu thông tin dự thi, kết quả thi trên tài khoản của thí sinh tại Cổng thông thi Khảo thí. Năm 2021 dự kiến chỉ thi ở Trung tâm Khảo thí và địa điểm thứ hai là Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội,
Thời gian làm bài thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông dự kiến là 195 phút. Mỗi thí sinh sử dụng 1 mã đề thi độc lập. Thí sinh hoàn thành bài thi đánh giá năng lực trong một buổi thi của mỗi đợt thi; quá trình đăng ký dự thi, phân phòng thi và tổ chức các đợt thi vận hành chuyên nghiệp.
Ngân hàng đề thi được thay đổi
Còn về các câu hỏi sử dụng cho bài thi đánh giá năng lực thì Trưởng ban Đào tạo – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết sẽ được tinh chỉnh, lựa chọn theo khối kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành tương ứng với 3 nhóm năng lực xác định: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; Tự học, khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên – xã hội).
So với đề thi đánh giá năng lực năm 2016, cấu trúc đề thi dự kiến 2 phần Toán và Ngữ văn sẽ được giữ nguyên và tinh chỉnh cho tốt hơn về chất lượng và tăng số lượng câu hỏi; phần 3: Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội như của năm 2016 được tinh chuyển thành phần thi Khoa học (gồm cả tự nhiên và xã hội).
Số lượng câu hỏi cho ngân hàng đề thi dự kiến đạt 15.500 câu và với đội ngũ ra đề có kinh nghiệm, chuyên nghiệp. Đại học Quốc gia Hà Nội cố gắng cao nhất để có được bộ đề nguồn chất lượng cao (kỳ vọng sẽ chất lượng và phân loại tốt hơn năm 2015/2016).
Cũng theo thầy Đức, khác với năm 2015, 2016 chỉ xét tuyển bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực. Lần này, kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được sử dụng chỉ như một phương án xét tuyển bổ sung, song song với phương thức xét tuyển theo điểm của kỳ thi trung học phổ thông và các phương thức khác đã được Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai trong năm 2020.
Thí sinh được quyền lựa chọn để có thể đăng ký tuyển sinh vào đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực trong số chỉ tiêu được phân bổ tuyển theo phương thức này.
Số lượng chỉ tiêu xét tuyển theo điểm của bài thi đánh giá năng lực do các cơ sở đào tạo đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét quyết định, và sẽ được công bố công khai trong Đề án tuyển sinh đại học 2021 của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức lại kỳ thi đánh giá năng lực
Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay đơn vị này đang chuẩn bị tổ chức lại kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào, sử dụng điểm kỳ thi này để xét tuyển nhằm tiết kiệm nguồn lực.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay trường này đang chuẩn bị tổ chức thi đánh giá năng lực trở lại để tuyển sinh đầu vào.
"Sắp tới, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ họp và đưa ra quyết định thống nhất để có thể triển khai ngay năm 2021," giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết.
Tại Hội nghị Giáo dục Đại học năm 2021 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức gần đây, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã đề nghị Bộ ủng hộ chủ trương này của Đại học Quốc gia Hà Nội và ủng hộ sự tham gia của các đơn vị khác trong việc sử dụng điểm kỳ thi này để xét tuyển nhằm tiết kiệm nguồn lực.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay, theo Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh nằm trong quyền tự chủ của các đại học.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường tổ chức theo nhóm, kết quả sử dụng chung cho nhiều trường để thí sinh không phải dự nhiều kỳ thi. Điều này giúp tiết kiệm nguồn lực, thời gian và chi phí cho cả thí sinh và các trường," Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Mùa tuyển sinh đại học năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên cả nước tổ chức thi riêng với bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào (kể từ năm 2002, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi đại học theo hình thức ba chung: chung đề, chung đợt, chung kết quả thi). Kỳ thi được tổ chức hoàn toàn trên máy tính, thí sinh biết điểm ngay sau khi làm bài xong.
Dù là đơn vị đi tiên phong với rất nhiều khó khăn nhưng kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được thí sinh và các chuyên gia đánh giá cao về chất lượng. Năm 2017, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia với cơ cấu đề thi có nhiều điểm tương đồng với bài thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo dừng tổ chức kỳ thi này và chỉ xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức./.
Phụ huynh Hà Nội đội nắng đưa con đi thi vào lớp 6 chuyên Ngữ Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn phụ huynh, thí sinh đã có mặt ở khu vực thi trường THCS Ngoại ngữ để chuẩn bị cho kỳ đánh giá năng lực vào lớp 6 với tỷ lệ "1 chọi 20". Đúng 6h30 sáng nay 27/6, chị Hương Quỳnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vội vã gửi xe máy rồi đưa con vào phòng thi...