Vì sao có những hiệu trưởng khiến giáo viên ngán ngẩm?
Một số người tham lam, hống hách, độc quyền khiến cho giáo viên chán ngán và họ mong những lãnh đạo của mình ra đi càng sớm càng tốt.
Có những hiệu trưởng khi về hưu hay bị điều chuyển sang trường khác công tác nhưng vẫn luôn để lại sự lưu luyến, tiếc nuối cho giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Tuy nhiên, cũng có những hiệu trưởng đang công tác trong trường mà không nhận được sự đồng thuận, cảm phục của đội ngũ thuộc quyền. Có những hiệu trưởng để lại nỗi ngao ngán cho giáo viên, nhân viên nhà trường.
Bởi, suốt quá trình tại vị thì họ thường có những quyết định độc đoán. Một số người tham lam, hống hách, độc quyền khiến cho giáo viên chán ngán và họ mong những lãnh đạo của mình ra đi càng sớm càng tốt.
Giáo viên rất mong có một môi trường tốt để làm việc, cống hiến (Ảnh minh họa: TTXVN)
Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh khá nhiều về những trường hợp hiệu trưởng độc quyền, tham lam, xem nhà trường là nơi để mình ra oai, thể hiện.
Nhiều người lợi dụng vị trí công tác của mình để trục lợi cho bản thân. Họ chạy việc cho giáo viên, họ để xảy ra tình trạng lạm thu trong mỗi khi bước vào đầu năm học, họ không đứng lớp vẫn nhận tiền đứng lớp, họ bớt xén tiền ăn, chế độ của học trò.
Quy chế dân chủ trong một số đơn vị bị mai một, lu mờ và thực hiện hình thức. Chính vì thế, có những trường, giáo viên, nhân viên cảm thấy ngột ngạt trong môi trường làm việc.
Nhưng, họ phải im lặng vì nếu phát biểu, nếu nêu ý kiến sẽ bị trù dập, bị đưa vào danh sách đen để gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Lâu dần, một số hiệu trưởng trở thành những ông vua con trong nhà trường và xây dựng cho mình một ê kíp thân tín và đội ngũ này trở thành tai mắt của hiệu trưởng.
Những người nịnh bợ, tâng bốc hiệu trưởng thì được hưởng lợi, được lưu tâm, được đặt vào một số vị trí chức tước trong nhà trường. Những người dám nói, có chính kiến dần dần lui vào một vị trí đơn độc.
Chính vì thế, một số giáo viên ít quan tâm đến việc nội bộ của nhà trường, ai làm gì cũng kệ mặc miễn sao đảm bảo được tiền lương hàng tháng cho họ. Họ đến lớp khi có giờ, khi hội họp và tức thì ra về khi hết nhiệm vụ của mình.
Theo quy định hiện nay thì hiệu trưởng không được tại vị quá 2 nhiệm kỳ/ 1 đơn vị nhưng 2 nhiệm kỳ cũng đã tương đương 10 năm trời.Tuy nhiên, vẫn có những đợt sóng ngầm trong trường xảy ra bởi họ không bằng lòng và dần dần mất niềm tin vào lãnh đạo nhà trường. Họ mong cho hết nhiệm kỳ, mong cho hiệu trưởng của mình ra đi càng sớm càng tốt.
Nếu hiệu trưởng mà trách nhiệm, cảm thông với công việc của cấp dưới, biết chia sẻ, động viên và cùng tháo gỡ những khó khăn với cấp dưới thì đó là điều hạnh phúc cho giáo viên và nhân viên trong trường.
Nhưng, thực tế thời nay không nhiều những hiệu trưởng như thế. Vậy nên, nói 2 nhiệm kỳ có lẽ thấy ít nhưng 10 năm ấy cũng gây ra nhiều chán ngán cho nhiều giáo viên trong nhà trường.
Video đang HOT
Con giun xéo lắm cũng phải oằn
Có một thực tế bây giờ là các cơ quan quản lý thường xuyên nhận được những đơn thư tố cáo hiệu trưởng của giáo viên, nhân viên ở nhiều trường học. Những người tố cáo có thể là giáo viên nhưng cũng có những người được xem là thân tín của các hiệu trưởng.
Họ có thể là phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn…mới đau. Bởi, chỉ những người này thường hiểu được cặn kẽ những sai phạm của hiệu trưởng nhà trường.
Mảng mà hiệu trưởng hay bị tố cáo nhiều nhất là quản lý, chi tiêu tài chính, quản lý về nhân sự.
Ngoài ra cũng có những đơn thư nặc danh của các giáo viên trong các nhà trường họ bất mãn vì cách quản lý của hiệu trưởng, họ chán nản vì sự tham lam của hiệu trưởng trường mình nên làm đơn gửi cấp trên.
Và, chúng ta cũng đã thấy nhiều hiệu trưởng bị mất chức, bị kỷ luật, bị điều chuyển công tác, thậm chí bị truy tố vì những đơn thư của cấp dưới.
Hãy vì nhà trường, vì mọi người
Hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của giáo viên là được cống hiến, được chi trả chế độ lương, thưởng, được bình đẳng trước tập thể.Trước khi làm lãnh đạo thì hiệu trưởng đã từng là giáo viên nhiều năm, họ cũng hiểu được nỗi bất công, hiểu được nỗi vất vả “trên đe dưới búa” của người giáo viên đứng lớp.
Thế nhưng, chỉ một vài năm lên làm lãnh đạo thì nhiều người quên mất điều này. Nhiều hiệu trưởng bắt đầu thể hiện sự tham lam vô lối của mình. Cái gì có thể ra tiền là họ sẵn sàng làm cả.
Từ tờ giấy kiểm tra của học trò, từ những chiếc áo đồng phục, từ tin nhắn điện tử đến mua sắm, sửa chữa hàng năm. Cái gì cũng có hoa hồng, cũng có tiền chênh lệch. Khi giáo viên lên tiếng thì họ trù dập cho không ngóc đầu dậy được.
Những mối quan hệ với cấp trên của hiệu trưởng ngày càng nhiều, nên có nơi, có lúc những sai trái của hiệu trưởng vẫn nhận được sự bao che của cấp trên. Nhiều khi đơn thư gửi lên thì hiệu trưởng đã biết để chuẩn bị.
Khi thanh tra về trường thì mọi thứ đã sẵn sàng để đối chứng. Vì thế, người tố cáo, người khiếu nại lại thành người có tội, người gây mất đoàn kết nội bộ trong nhà trường.
Song, điều đáng mừng là những năm gần đây đã có nhiều hiệu trưởng sai phạm phải đứng trước vành móng ngựa mà mới đây nhất là trường hợp bà Lê Thị Thu Thủy, cựu Hiệu trưởng trường Tiểu học Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng) vừa phải nhận 66 tháng tù.
Hy vọng, từ những “tấm gương” như thế này sẽ giúp cho môi trường giáo dục dưới cơ sở sẽ được lành mạnh hơn, không còn những trái ngang, bất công ở các trường học như một số trường mà chúng ta đã thấy trong thời gian qua.
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Gặp hiệu trưởng biết luật vẫn làm bừa
Tại sao em vẫn phân công trực hè cho giáo viên ư? Cả tỉnh đều làm thế, một mình em không làm, cũng không được.
LTS: Đưa ra những góc nhìn của mình về vấn đề giáo viên trực trường ở một số trường hiện nay, thầy Sơn Quang Huyến tiếp tục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Theo thông tư 15/2017/TT-BGDĐT - Sửa đổi Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT Quy định ở Điểm a, khoản 3, Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)".
Như vậy, trong suốt thời gian hè là thời gian nghỉ ngơi của giáo viên, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, giáo viên cũng không phải tham gia trực trường.
Thế nhưng, không ít nơi, Hiệu trưởng vẫn điều động giáo viên đến trực trường trong kì nghỉ hè, điều đáng nói giáo viên "được" cử đi trực hè không được thanh toán tiền làm thêm giờ theo quy định hiện hành.
Giáo viên có bắt buộc phải đi trực trường? (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).
Sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Đã có luật, tại sao có hiệu trưởng vẫn làm bừa" ngày 09/06/2019 đã nhận được phản hồi của không ít thầy cô giáo trên cả nước.
Bạn TH. HÙNG phản ánh: "Lịch trực trường do chủ tịch Công Đoàn xếp, Hiệu trưởng kí duyệt, mấy chục năm nay vậy mà. Ai không trực cắt thi đua". (Đồng Tháp).
Bạn NGUYỄN THẢO: "Trường tôi cũng phải trực hè này. Mấy năm trước thì phải đóng tiền trả bảo vệ trực thay. Sau này có chi theo nghị quyết 03 của Thành phố Hồ chí Minh để chấm thi đua thì bắt buộc mỗi giáo viên phải trực ít nhất 1 ngày trong tháng. Không trực cắt hết".
Bạn có bí danh GIAO VIEN: "Trường mầm non Bãi Tranh, Như Xuân,Thanh Hóa. Hiệu trưởng bắt giáo viên trực hè để làm các công việc như tưới cây, trồng cây, nhổ cỏ, quét dọn vệ sinh. Nhà báo cho số điện thoại để tôi cung cấp thêm thông tin. Cảm ơn".
Bạn GIÁO TRƯỜNG LÀNG: "Tôi dạy một trường trung học phổ thông ở Tiền Giang. Hàng năm, đến hè vẫn được phân công trực trường, lễ Tết cũng vậy. Nhằm đảm bảo "cơ quan an toàn". Nhưng hỏi về phụ cấp thì...".
Bạn có bí danh XIN GIẤU TÊN: "Em đang trực trường đây, em biết là hiệu trưởng sai nhưng không dám nói, cả trường không ai dám nói, công đoàn... có như không.
Viết thư không đề tên phản ánh với phòng... cũng không được. Có giáo viên gửi báo, khi phóng viên về hỏi không ai dám nói bị điều động, mà nói tình nguyện vì yêu trường lớp. PHÁP LUẬT THUA HIỆU TRƯỞNG THẦY ƠI!"
Có phải tại hiệu trưởng, chính sách nghỉ hè của giáo viên bị xâm hại không?
"Tôi hỏi thầy có biết luật không? Biết chứ, nói không thì xấu hổ quá, em cũng từng là giáo viên mà.Đích mục sở thị, người viết gặp một hiệu trưởng nhà trường, có phân công giáo viên trực hè để nghe tâm sự:
Tại sao em vẫn phân công trực hè cho giáo viên ư? Cả tỉnh đều làm thế, một mình em không làm, cũng không được.
Mà phân công giáo viên trực, cũng có cái lợi, trường luôn có giáo viên trực, cấp trên hay khách đến có giáo viên tiếp, mình cũng yên tâm.
Những năm trước, có "sếp" về trường nọ chỉ đạo "Sao trường vắng như chùa Bà Đanh thế này?" Hiệu trưởng trường nọ phân bua..., nhận được lời chỉ đạo "Phân công cho giáo viên, hè trực vài ngày, quét dọn trường cho sạch, có ai từ chối đâu".
Từ đó đến nay thành lệ, hè giáo viên phải trực.
Em "dân chủ", cho giáo viên đăng ký thời gian thích hợp, chọn cặp với nhau hoặc cho trực thay, trực giúp, không yêu cầu đóng tiền".
Đúng là "oan" cho hiệu trưởng, thành thật xin lỗi! Lỗi giáo viên trực trường trong hè, không có chế độ, có thể thuộc về cấp cao hơn.
Chế độ nghỉ hè, giáo viên còn bị xâm hại như thế, những chế độ khác bị xâm hại chắc cũng là chuyện... thường ngày ở huyện.
Nguyên nhân ư, người viết xin trích dẫn lời của bạn đọc: "Em đang trực trường đây, em biết là hiệu trưởng sai, nhưng không dám nói, cả trường không ai dám nói, công đoàn... có như không.
Tiền trách kỉ, hậu trách nhân, chỉ có thể tự trách mình trước!Viết thư không đề tên phản ánh với phòng... cũng không được. Có giáo viên gửi báo, khi phóng viên về hỏi không ai dám nói bị điều động, mà nói tình nguyện vì yêu trường lớp".
Như vậy, dù đã có luật, thế nhưng giáo viên vẫn chịu thiệt thòi, vì không dám bảo vệ quyền lợi của mình, các tổ chức trong trường học không nắm luật, không thực hiện chức trách của mình.
Dân ta có câu "con khóc mẹ mới cho bú", để thực hiện đúng luật, không gì hơn, giáo viên phải "khóc".
Gửi ý nguyện của mình lên trưởng Phòng, Giám đốc Sở. Tôi tin rằng, những người đứng đầu Phòng giáo dục, Sở giáo dục thừa hiểu luật, chỉ đạo cấp dưới làm cho đúng luật, thể hiện trách nhiệm, hiểu biết, tâm và tầm của một lãnh đạo.
Việc một số địa phương, giáo viên chịu thiệt thòi trực hè, do yếu tố "lịch sử" để lại, những người đứng đầu đương nhiệm, "bận trăm công, nghìn việc", không biết nỗi khổ của giáo viên mà thôi.
Nếu biết giáo viên dưới các cơ sở đang phải trực hè, trưởng Phòng, Giám đốc Sở không chỉ đạo "bỏ trực hè cho giáo viên" ngay, thực ra họ đang thú nhận mình đang ngồi sai ghế.
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net
Hiệu trưởng tố bị giáo viên đe dọa tính mạng nói gì? Ông Hoàng cho rằng, kết quả đánh giá xếp loại công chức được ông làm rất công tâm, minh bạch, không có gì khuất tất. Xung quanh xôn xao vụ Hiệu trưởng tố bị giáo viên đe dọa tính mạng vì xếp hạng thi đua, ngày 4/6, trao đổi với báo Đất Việt, ông Nguyễn Công Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí...