Vì sao chỉ đề xuất “mở cửa” làn buýt nhanh vào ban đêm?
Ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông đô thị Hà Nội – cho biết, đề xuất cho xe chạy chung đường xe buýt nhanh ( BRT) từ 23h đến 4h chỉ mang tính pháp lý bởi thời điểm đó buýt nhanh không hoạt động, mà xe vi phạm vẫn bị xử phạt thì không thỏa đáng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông đô thị Hà Nội ( Sở GTVT Hà Nội) – đã làm rõ những lý do vì sao bất ngờ đề xuất cho phương tiện giao thông sử dụng làn đường dành riêng xe buýt nhanh (BRT) trong khung giờ từ 23h đến 4h hàng ngày.
Vì sao ông bất ngờ nêu ra ý tưởng cho xe buýt thường và phương tiện khác đi vào làn đường dành riêng của buýt nhanh?
- Trong năm 2017, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội có giao nhiệm vụ cho chúng tôi nghiên cứu phương án xe buýt thường hoạt động trên làn buýt nhanh. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy việc này phù hợp, vì buýt thường hoạt động dọc tuyến BRT không nhiều.
Xe buýt thường và buýt nhanh chỉ hoạt động từ 4h sáng đến 23h đêm. Ngoài khung giờ đó các phương tiện khác vẫn có nhu cầu hoạt động. Do vậy, theo tôi có thể “mở” đường dành riêng xe buýt nhanh cho phương tiện khác vào hoạt động từ 23h đến 4h, chứ không nhất thiết phải cấm cả đêm.
Ý tưởng của tôi bắt nguồn từ hai vấn đề trên. Hiện chúng tôi đang cố gắng nghiên cứu, khảo sát các phương án hợp lý nhất để trong tháng 3 sẽ đề xuất thành phố xem xét.
Ông Hải cho biết, đề xuất của mình để tránh cho phương tiện khác bị phạt khi lấn làn buýt nhanh vào ban đêm.
Thực tế vào ban đêm (từ 23h đến 4h) cũng rất ít phương tiện hoạt động trên tuyến đường này. Do vậy, phương tiện khác cũng ít có nhu cầu sử dụng làn đường dành riêng cho BRT?
Video đang HOT
- Từ 23h đến 4h hàng ngày, xe buýt nhanh không hoạt động trên tuyến đường dành riêng. Còn các phương tiện khác vẫn lưu thông bình thường trên tuyến đường từ Yên Nghĩa đến Kim Mã. Khi buýt nhanh không hoạt động, xe khác đi vào làn đường buýt nhanh mà vẫn bị phạt khiến tôi thấy không thỏa đáng.
Việc Trung tâm chúng tôi đề xuất cho các phương tiện khác hoạt động trên tuyến đường BRT từ 23h đến 4h chỉ mang tính pháp lý. Điều đó để tránh cho các phương tiện bị lực lượng công an, thanh tra giao thông xử lý khi đi vào làn đường BRT từ 23h đến 4h.
Sau khung giờ cao điểm, nhiều thời gian trong ngày, dọc tuyến đường BRT hoạt động cũng thông thoáng. Vậy tại sao ông không đề xuất cho phương tiện giao thông khác hoạt động trên tuyến đường dành riêng cho BRT vào ban ngày?
- Không thể cho phương tiện khác hoạt động trên tuyến đường BRT vào ban ngày được. Vì nếu làm như vậy sẽ phá vỡ nguyên tắc tạo làn đường thông thoáng nhất để phương tiện vận tải công cộng hoạt động nhanh nhất. Có như vậy, phương tiện vận tải công cộng (BRT) mới phục vụ tốt nhất người sử dụng.
Còn nếu chúng ta cứ thấy tuyến đường BRT thông thoáng mà chèn phương tiện khác vào thì tính ưu việt của BRT sẽ giảm đi. Chúng tôi chỉ tính đến phương án cho xe buýt thường vào hoạt động ở tuyến BRT. Với phương tiện khác chúng tôi vẫn có chủ trương tách hẳn một làn đường riêng trong khung giờ xe buýt nhanh hoạt động.
Trung tâm Quản lý giao thông vẫn đang nghiên cứu phương án tăng tần suất xe buýt nhanh.
Nhiều người cho rằng việc tách phương tiện khác ra hẳn tuyến đường BRT sau giờ cao điểm là cứng nhắc, gây lãng phí, thưa ông?
- Làm như vậy không lãng phí, vì chúng tôi vẫn có định hướng tăng tần suất xe buýt nhanh hoạt động trên tuyến đường này để phục vụ hành khách tốt nhất. Còn cứ thấy thông thoáng mà đưa phương tiện khác vào thì sẽ giảm tính ưu tiên, tạo điều kiện để tăng tần suất xe buýt hoạt động đi rất nhiều.
Từ giữa năm 2017, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã giao Sở GTVT nghiên cứu phương án thí điểm đưa xe buýt thường vào hoạt động ở làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh. Vậy tại sao đến thời điểm này phương án đó vẫn chưa được thực hiện?
- Phương án đó chưa được thực hiện vì trong năm 2017, Sở GTVT có chương trình điều chỉnh quy định quản lý phương tiện trên địa bàn thành phố. Sau khi hoàn thiện quy định này, sang tháng 3 tới chúng tôi dự kiến đề xuất thành phố phương án cho xe buýt thường và phương tiện khác hoạt động ở làn đường BRT khung giờ nhất định trong ngày.
Sau một năm đi vào hoạt động, quan sát cho thấy vào một số khung giờ trong ngày, buýt nhanh vẫn “ế” khách. Ông có giải pháp gì khắc phục tình trạng này?
- Cung ứng vận tải công cộng sẽ có biến động số lượng hành khách khác nhau trong ngày. Tức là xe buýt có lúc đông khách nhưng cũng có lúc rất vắng khách. Cái đó là thực tiễn của vận tải hành khách công cộng của toàn thế giới. Thế nhưng vào khung giờ nào cũng phải duy trì đều đặn tuần suất xe buýt thì mới hấp dẫn được hành khách.
Xin cảm ơn ông!
Theo Quang Phong (Dân Trí)
Hà Nội có thể cho các loại xe khác đi vào làn buýt nhanh
Các loại phương tiện có thể được đi vào làn riêng của xe buýt nhanh trong thời gian nửa đêm về sáng.
Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) vừa có đề xuất về việc sử dụng làn đường ưu tiên của xe buýt nhanh (tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa) cho các phương tiện khác hoạt động.
Sau hơn một năm hoạt động, TP Hà Nội dự kiến cho các phương tiện khác đi vào làn xe buýt nhanh. Ảnh minh họa: Bá Đô.
Cụ thể, Trung tâm đề xuất các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 4h đến 23h hàng ngày; các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h00 đến 4h00 ngày hôm sau.
Ngoài ra, để giảm khoảng cách đi bộ của hành khách trung chuyển của BRT với xe buýt thường, cải thiện hạ tầng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn tiếp cận nhà chờ BRT, 10 điểm dừng xe buýt thường được đề nghị di chuyển đến vị trí mới.
Trung tâm cũng đề nghị tiếp tục bố trí dải phân cách cứng giữa làn BRT và làn đường giao thông chung, để hạn chế tình trạng các phương tiện khác đi lấn vào làn đường BRT, đảm bảo điều kiện vận hành của tuyến...
Tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động từ 1/1/2017. Khoảng 4 tháng sau, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng lượng hành khách trung bình mỗi xe buýt nhanh chỉ 34 người, cao nhất chưa tới 48 khách trong khi sử dụng làn riêng là chưa hợp lý nên đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn đường ưu tiên của BRT; sau đó nghiên cứu mở rộng thêm một số phương tiện khác.
Hà Nội cũng từng công bố việc thành phố sẽ mở tuyến BRT thứ 2 (lộ trình Kim Mã - Hòa Lạc) trên cơ sở rút kinh nghiệm vận hành tuyến BRT số 1. Gần một năm sau (ngày 21/12/2017), một tuyến buýt được khai trương với điểm cuối là khu công nghệ cao Hòa Lạc, tuy nhiên đó chỉ là tuyến buýt thường.
Tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD cho quãng đường khoảng 14,7 km từ Kim Mã xuống Yên Nghĩa. Dọc tuyến buýt có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt cho người đi bộ ra giữa đường đón xe.
Xe BRT gồm 35 chiếc (mỗi chiếc trên 5 tỷ đồng) sức chứa 90 hành khách (vận doanh 22 xe ngày bình thường và 16 xe ngày chủ nhật).
Theo Võ Hải (VNE)
Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Hà Nội tối ưu hóa hiệu quả tuyến buýt BRT Chiều 2/10, đoàn chuyên gia và lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) do ông Franz Drees-Gross, Giám đốc chuyên ngành giao thông và Công nghệ thông tin toàn cầu dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về hiệu quả một số dự án giao thông trọng điểm tại Thủ đô. Xe buýt BRT...