Vì sao chỉ 10% học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề?
Nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những bất cập hiện nay dẫn tới tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Chiều 14/4, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Dạy nghề.
Tại phiên họp, một số đại biểu cho biết hiện nay chỉ có 10% học sinh tốt nghiệp phổ thông đi học nghề. Vì không có nhiều học sinh theo học nên các trường dạy nghề cũng hết sức khó khăn. Một nguyên nhân đưa ra là tâm lý coi trọng bằng đại học của xã hội.
Bộ trưởng Lao động – Thương binh- Xã hội – Phạm Thị Hải Chuyền trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội chiều 14/4 (Ảnh: Phạm Thịnh)
Video đang HOT
Vì vậy, các đại biểu cho rằng dự án luật cần có các quy định để khuyến khích xã hội, gia đình chung tay hướng nghiệp cho học sinh chọn vào đời bằng học nghề.
Tuy nhiên, hàng loạt các trường liên tục nâng cấp trong thời gian gần đây đã khiến xảy ra tình trạng lộn xộn giữa đào tạo “thầy và thợ”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển góp ý: “Bây giờ có tình trạng trường công nhân kỹ thuật cố gắng nâng lên thành trung cấp rồi cao đẳng, đại học. Cuối cùng mục tiêu của chúng ta là đao tạo công nhân lành nghề lại trở thành đào tạo thầy, lẫn lộn giữa đào tạo thầy và thợ. Cần quy định chặt chẽ, đào tạo nghề là đào tạo nghề. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Không phải con đường vào đại học là con đường vinh quang”.
Thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đã xảy ra nhiều năm nay và vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, việc đào tạo không theo nhu cầu thị trường và năng lực tay nghề dẫn đến chất lượng lao động qua đào tạo còn thấp.
Một nguyên nhân nữa cũng được nhiều đại biểu nhắc đến là việc hàng loạt các trường trung cấp, cao đẳng được nâng cấp lên thành đại học đã khiến cho học sinh ngày càng xa rời với các trường nghề.
Đại biểu Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị: “Tờ chính cần làm rõ, các chính sách sửa đổi có hướng đến việc nguồn nhân lực góp phần tạo đột phá đối với nguồn nhân lực trong 10 năm tới hay không, đặc biệt là trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Tôi đề nghị phải đưa vấn đề nâng cao chất lượng là mục tiêu hàng đầu đối với việc sửa đổi lần này, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường và tái cơ cấu nền kinh tế”.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra nguyên nhân của việc học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông chủ yếu thi vào các trường cao đẳng, đại học, đó là do thực trạng người dân chỉ muốn con em mình học đại học, cao đẳng; các cơ quan quản lý chưa thực sự quan tâm đến việc phân luồng học nghề.
Việt Nam hiện nay đang thiếu cả thầy và thợ
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần thay đổi nhận thức người dân; tạo cơ chế, chính sách để thực hiện phân luồng để người học nghề có cơ hội tìm được việc làm ngay, có thu nhập, bỏ tư duy học nghề chỉ là bất đắc dĩ.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu xây dựng dự án Luật cụ thể hơn nhất là về chính sách; làm rõ mối quan hệ giữa “phân luồng” và “liên thông,
Cho ý kiến vào dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng ban soạn thảo còn đang “xem nhẹ” các nội dung về chất lượng dạy nghề.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý giáo dục mầm non, tiểu học, trung học, nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, dạy nghề thuộc về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Vì vậy quy định của luật không chỉ quy định về trường, công cụ dạy nghề, mà còn phải quy định về giáo viên, học sinh và tổ chức để hình thành công tác dạy nghề.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhắc nhở, dự án luật cũng cần quan tâm, nghiên cứu các cơ chế, chính sách rõ ràng cho các đối tượng miền núi, vùng dân tộc, hải đảo theo tinh thần Hiến pháp đã quy định.
Theo VNE