Vì sao cần có chiến lược riêng cho từng ngành khi ứng tuyển đại học Mỹ?
Ngoài những thành phần như điểm chuẩn hóa, hoạt động ngoại khóa,…việc lựa chọn ngành học và xây dựng chiến lược hồ sơ từng ngành chính là yếu tố quan trọng để đem về học bổng “tiền tỉ” từ các trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ.
Đây chính là lời khuyên của các diễn giả trong “ Triển lãm du học Mỹ theo ngành” diễn ra vào ngày 29/7 tại Hà Nội cho các bạn trẻ có mục tiêu chinh phục học bổng Mỹ.
Tiềm năng của các ngành học
Ngành STEM (Science – Khoa học, Technology – Công nghệ, Engineering – Kỹ thuật và Mathematics – Toán học) đang là một trong những ngành học “hot” nhất tại Mỹ, thu hút số lượng rất lớn sinh viên theo học trong thời điểm hiện nay.
Theo số liệu thống kê của Bộ thương mại Hoa Kỳ 2018, nhu cầu về nhân lực ngành STEM tăng hơn 24% trong 10 năm qua. Từ năm 2009 đến năm 2015, số lượng việc liên quan đến ngành học STEM tăng 10.5% so với mức tăng trưởng 5.2% của các ngành khác. Đặc biệt thị trường nghề của ngành STEM được dự tính là sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời kỳ từ 2014 đến 2024.
Các nghiên cứu chỉ ra 93 trên 100 các nghề ngành STEM có mức lương trên mức trung bình của nước Mỹ. Đồng thời Hoa Kỳ có chính sách chiêu mộ nhân tài ngành STEM nên sinh viên quốc tế tốt nghiệp ngành STEM sau khi ra trường có cơ hội việc làm tốt tại Mỹ nếu đủ năng lực.
Du học sinh Việt đang học tại Mỹ (áo vàng) chia sẻ bí quyết giành học bổng cho người tham dự triển lãm.
Báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ 2018 cho thấy rằng khối ngành Business (Thương mại) được quan tâm nhiều do thị trường tuyển dụng đa dạng trong hai năm trước. Tuy nhiên, số liệu của 2 năm trở lại đây cho thấy rằng khối ngành STEM đã đuổi kịp thành công Business (Thương mại) về số lượng học sinh ứng tuyển và đang dần có xu hướng dẫn đầu do cơ hội việc làm và thu nhập cao sau khi ra trường.
Khối ngành STEM được hầu hết các em học sinh và các bậc phụ huynh lựa chọn nhưng chính vì thế lại gây bất lợi trong việc nhận học bổng từ các trường đại học. Trong khi đó, khối ngành Social Science (Khoa học xã hội) có cơ hội nhận học bổng và hỗ trợ tài chính cao hơn so với các khối ngành cạnh tranh.
Các bậc phụ huynh và các em học sinh dành nhiều sự quan tâm cho triển lãm.
Hiểu về mình, chọn đúng ngành
Khi ứng tuyển vào đại học nước ngoài, các ứng viên cần hiểu được những ưu thế, bất lợi của ngành học đó và thể hiện mình là một thí sinh có tố chất cho ngành học.
Video đang HOT
Em Phạm Phú Cường đang theo học ngành Khoa học máy tính của trường Đại học Case Western Reserve (Mỹ) cho biết,hồ sơ lí tưởng cho ngành STEM là ứng viên cần phải có bảng điểm xuất sắc, các hoạt động ngoại khóa không cần nhiều nhưng phải thể hiện được niềm đam mê với ngành học.
Điểm GPA của Phú Cường luôn đạt 9.4 trở lên, IELTS 7.5, ACT 33, SAT II (Toán, Lý: 800; Hóa: 790).
Trong bài luận cá nhân, Cường kể lại những khó khăn khi em đi dạy tiếng Anh bằng chữ nổi cho học sinh mù của trường Nguyễn Đình Chiểu và em mong muốn được sử dụng kiến thức về khoa học máy tính để khắc phục những điều đó. Ngoài ra, em có gửi cho trường một ứng dụng giúp mọi người đam mê học Toán do em thiết kế.
Theo Cường, nhiều bạn tham gia hoạt động ngoại khóa là bắt buộc nhưng hoạt động ngoại khóa phải chính là những điều mình thích và bộc lộ được các tính cách phù hợp với ngành học như chăm chỉ, kiên trì, thông minh.
Em Lê Minh Hà đang theo học ngành Truyền thông tại trường Loyola University Chicago chia sẻ: “Với ngành Business (Thương mại), thế mạnh của bộ hồ sơ thể hiện ở sự đa dạng các hoạt động ngoại khóa và tính cách cá nhân. Ứng viên phải cho nhà tuyển sinh thấy bản thân là người có tố chất lãnh đạo, truyền cảm hứng cho nhiều người, liều lĩnh và chủ động.
Còn với ngành Social Science (Khoa học xã hội) thì các ứng viên phải thể hiện được sự sáng tạo, lòng nhân ái và suy nghĩ sâu sắc.
Em đam mê viết nhưng đồng thời thích sân khấu và điện ảnh. Em quay phim và làm video từ khi 12 tuổi, lớn lên cùng âm nhạc và trình diễn. Lúc đầu, em chọn ngành Tâm lí học bởi sự hiếu kì với việc nghiên cứu não bộ con người.
Nhưng sau em lại nhận ra đam mê thực sự với các phương thức giao tiếp, với việc tìm hiểu và gắn kết những con người xung quanh để tìm ra cách kể những câu chuyện rất riêng của họ. Vì thế, em chọn học ngành Truyền thông”.
Phụ huynh hỏi du học sinh Việt tại Mỹ về kinh nghiệm chọn ngành học.
Với câu hỏi của phụ huynh về mục đích của việc xác định ngành học trước khi chọn trường, các diễn giả cho rằng, trước tiên nó sẽ tăng khả năng nhận học bổng cao từ các trường phù hợp. Thứ hai, hạn chế việc ứng viên phải đổi ngành trong bốn năm học đại học. Thứ ba, nó sẽ cho ứng viên cơ hội bộc lộ tính cách, gây ấn tượng với nhà tuyển sinh về sự nghiêm túc với ngành học.
Hồng Vân
Theo Dân trí
Muốn xin nhiều học bổng nhất vào ĐH Mỹ, nên nộp hồ sơ ở thời điểm nào?
Nộp hồ sơ vào Mỹ có nhiều đợt như RD/ED/EA/Rolling Admission... và thường được chia làm 3 vòng chính. Mỗi vòng có những đặc thù riêng, ứng viên tùy khả năng và mục đích để lựa chọn phù hợp.
Nội dung trên được các diễn giả giải đáp trong phòng tham vấn "Bí quyết săn học bổng và hỗ trợ tài chính khi du học Mỹ" tại triển lãm hơn 50 trường đại học danh giá nhất Mỹ được tổ chức ngày 1/7 ở Hà Nội.
Các diễn giả chia sẻ chiến lược nộp hồ sơ nhằm tối ưu hóa khả năng giành học bổng.
Theo chia sẻ của diễn giả Lê Diệu Linh (một trong những học sinh Việt Nam đầu tiên được học bổng toàn phần vào ĐH Williams, Mỹ), ở đại học Mỹ ,có 3 vòng nộp hồ sơ.
Vòng nộp hồ sơ sớm gồm Early Decision (ED - nộp hồ sơ sớm có ràng buộc) và Early Action (EA - nộp hồ sơ sớm không ràng buộc) xảy ra vào tháng 11.
ED là vòng tuyển sinh có ràng buộc, ứng viên chỉ được nộp duy nhất một trường đại học, nếu được nhận vào trường đó thì cam kết đi và rút đơn ở tất cả các trường khác.
EA cũng là vòng nộp hồ sơ sớm nhưng không ràng buộc. Hạn nộp thường trong tháng 11 hoặc 12 và nhận kết quả vào tháng 1 hoặc 2. Tuy nhiên, vòng này không ràng buộc như ED. Ứng viên có thể chọn ra một trong nhiều trường đại học nhận mình để theo học và đưa ra quyết định cuối cùng về trường mình chọn trước 1/5.
Hầu hết các ứng viên nộp đơn ở đợt sớm có ràng buộc xác định đóng mức chi phí cao để tăng cơ hội được nhận học vào 1 trường đại học họ yêu thích nhất.
Tỉ lệ trúng tuyển của ứng viên nộp vòng này cũng cao hơn so với các vòng sau. Tuy nhiên, hồ sơ của ứng viên nộp vòng này cũng cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng, có sự nổi trội xuất sắc trong thành tích học tập cũng như hoạt động ngoại khóa.
Diễn giả Lê Diệu Linh, tốt nghiệp Đại học Williams - top 1 đại học khai phóng Mỹ.
Thứ hai, vòng thông thường (Regular Decision- RD) diễn ra vào tháng 1 năm sau. Đây là vòng nộp hồ sơ phổ biến nhất và cũng cho nhiều học bổng/hỗ trợ tài chính nhất.
Do vậy, nếu ứng viên nào muốn tối ưu hóa khả năng xin học bổng (xin nhiều học bổng/ hỗ trợ tài chính) thì nên nộp hồ sơ ở đợt này và đợt nộp RD, ứng viên được phép nộp đơn cho nhiều trường khác nhau.
Tuy nhiên, đây là vòng đông đảo thí sinh chọn nộp hồ sơ dự tuyển và có thêm thời gian để hoàn thiện hồ sơ hơn 2 vòng trước nên mức độ cạnh tranh cao hơn. Tỷ lệ trúng tuyển một số trường ở đợt này thấp hơn so với hai vòng trước (vòng ED và EA).
Thứ ba, vòng nộp hồ sơ cho đến khi đủ chỉ tiêu (Rolling Admission - RA). Ở vòng này, trường sẽ nhận học sinh cho đến khi đủ chỉ tiêu, thường rơi vào tháng 5 hoặc 6. Tiêu chí xét duyệt hồ sơ đơn giản hơn các vòng khác. Tỷ lệ nhận học ở vòng này cao, nhất là với ứng viên có khả năng tài chính tốt. Song ở vòng này, trường thường ít xét hỗ trợ tài chính/học bổng cho ứng viên.
"Thông thường, các bạn xin học bổng cần tận dụng hết mức đợt nộp hồ sơ sớm. Vì ở vòng này, các thí sinh sẽ giảm vì không có nhiều thí sinh có thể nộp hồ sơ ở đợt sớm như vậy. Thứ hai, với yêu cầu nộp hồ sơ ràng buộc, thí sinh không được nộp quá nhiều trường. Lượng thí sinh giảm thì chúng ta sẽ giảm được sự cạnh tranh, hơn nữa lúc này ngân sách của trường còn nhiều.
Trong 2 năm gần đây, chúng tôi nhận thấy càng những bạn nộp hồ sơ sớm thì xác suất được nhận và học bổng được nhận sẽ cao hơn rất nhiều", cô Lê Diệu Linh lưu ý.
Có chiến lược kỹ lưỡng
Theo các chuyên gia, ứng viên cũng nên biết rõ thực sự tài chính gia đình mình có thể đóng góp được là bao nhiêu để có lựa chọn vòng nộp hồ sơ phù hợp nhất. Có nhóm trường đại học không quan tâm học sinh đóng bao nhiêu tiền thường là nhóm Ivy League, tuy nhiên nhóm trường này đòi hỏi học sinh có hồ sơ rất nổi bật.
Ngoài ra, nhóm đại học Mỹ top 40-100, cũng có chất lượng tốt, để có kết quả tối ưu nên có dữ liệu hệ thống các trường đại học tại Mỹ.
Nói về chiến lực phù hợp để tối ưu hóa khả năng giành học bổng ở Mỹ, em Vũ Tuấn Minh (Sinh viên Việt tại Đại học Rice, Mỹ) cho rằng: "Nên hỏi những anh chị đi trước đã từng học ở trường về cách trường cấp học bổng/ hỗ trợ tài chính như thế nào".
Em Phạm Tuấn Bảo Châu, sinh viên Việt tại Đại học Yale, Mỹ (ngồi giữa) chia sẻ kinh nghiệm bản thân.
Em Phạm Tuấn Bảo Châu (sinh viên Việt tại Đại học Yale, Mỹ) chia sẻ: "Nộp hồ sơ vào Mỹ có nhiều đợt, thường đợt Early Decision hoặc Early Action sẽ có nhiều học bổng hơn. Theo em, nên chọn các trường vừa khả năng tài chính của mình hoặc trường mình thích.
Ngoài ra còn có đợt Restrictive Early Action (REA), chỉ cho nộp hồ sơ vào một trường, những trường sử dụng đợt này thường xét hồ sơ không nhìn vào khả năng chi trả của mình để quyết định xem mình có hợp hay không mà họ chỉ nhìn vào hồ sơ học thuật, độ xuất sắc của ứng viên. Những trường này không có nhiều, trước đây em cũng nộp vòng này vào ĐH Yale".
Tóm lại, để chinh phục thành công đại học Mỹ, ứng viên cần chuẩn bị sớm, xây dựng hồ sơ tương đối mạnh về học tập, hoạt động ngoại khóa và quan trọng không kém là chọn đúng trường, đánh giá đúng tương quan của hồ sơ của mình so với trường.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Du học sinh Việt định cư ở Mỹ: Ở đâu quen đấy, đánh đổi để nhận về Người Việt định cư ở Mỹ, đối với cánh đàn ông có lẽ sẽ khó khăn hơn vì bạn bè, nhậu nhẹt, "bù khú" sẽ ít hơn... Du học rồi sau đó nỗ lực kiếm được việc làm và "thẻ xanh" định cư tại Mỹ, các bạn trẻ Việt đã chấp nhận cùng lúc cơ hội, thách thức và nhiều đánh đổi. "Cơ...