Vì sao các CEO của nhiều công ty lớn lại là người Ấn Độ?
CEO Sundar Pichai của Google ngồi uống trà chanh trên phố cổ với Nguyễn Hà Đông, “cha đẻ” của Flappy Bird (Nguồn: Twitter)
Công chúng thường nghĩ rằng Ấn Độ chỉ nổi tiếng với hoạt động xuất khẩu càri, yoga và các phim Bollywood. Nhưng có một sản phẩm khác của nước này mà ít người biết tới: các giám đốc điều hành của nhiều công ty đa quốc gia, trong đó có những doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ.
Người gần đây nhất gia nhập nhóm đang lên này là Sundar Pichai, Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn Google sau quá trình tái tổ chức gần đây. Anh đã gia nhập một danh sách gồm Satya Nadella, CEO của tập đoàn Microsoft, người đã đảm nhận công việc này vào năm ngoái. Ngoài ra, các CEO gốc Ấn Độ cũng điều hành nhiều công ty lớn như Citibank, MasterCard và PepsiCo.
Theo một nghiên cứu được thực hiện trên tờ báo Harvard Business Review, tính tới giữa năm 2013, Ấn Độ đã chiếm 30% tổng số CEO điều hành các công ty trong danh sách Fortune Global 500 (500 công ty lớn nhất thế giới). Tỷ lệ này khiến Ấn Độ ngang bằng với các quốc gia như Thụy Sĩ và Anh.
Video đang HOT
Đây là điều gây kinh ngạc. Cho tới gần đây, Ấn Độ vẫn được xem là đồng nghĩa với nghèo khổ, thiếu thốn và nay thì đang cho ra lò những vị CEO hàng đầu thế giới. Điều này rõ ràng đã khiến đất nước Ấn Độ tự hào.
Nhưng ngoài điểm chung là quê hương Ấn Độ, các nhân vật như Nadella và Pichai lại được đào tạo và rèn luyện trình độ quản lý ở những trường đại học, những công ty hàng đầu đang hoạt động tại Mỹ, chứ không phải Ấn Độ. Nói một cách khác thì sự thành công của các CEO sinh ra tại Ấn Độ có liên quan nhiều tới Mỹ hơn là Ấn Độ.
Ít nhất với những người Ấn Độ, đây là một trong những điểm để họ tự hào trước đối thủ Trung Quốc. Thực vậy, sau khi Nadella được bổ nhiệm tại Microsoft hồi tháng 2/2014, người Trung Quốc đã tự hỏi xem vì sao họ không làm được điều tương tự: theo dữ liệu thu thập từ giữa năm 2013, có 3 vị CEO gốc Ấn Độ đang điều hành các công ty dẫn đầu danh sách Fortune Global 500, hoạt động bên ngoài Ấn Độ.
Trong khi đó, Trung Quốc chẳng có vị nào góp mặt trong danh sách này. Những người Ấn Độ được nói tới ở trên là Lakshmi Mittal của tập đoàn thép ArcelorMittal, Anshu Jain của ngân hàng Deutsche Bank và Indra Nooyi của công ty PepsiCo. Nadella và Pichai đã đưa danh sách đó lên con số 5.
Có một số lý do đơn giải giải thích vì sao Trung Quốc lại có thành tích thấp. Thứ nhất, người Ấn Độ sau khi tốt nghiệp đại học thường nói tiếng Anh khá tốt và đã quen thuộc với văn hóa kinh doanh của Mỹ. Đây là những điều mà các đối thủ Trung Quốc không có được. Thứ hai là các công ty công nghệ như Microsoft hay Google có sự tương đồng với văn hóa công nghệ phát triển rất mạnh ở Ấn Độ, vốn đã tạo ra môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng các tài năng như Nadella và Pichai.
Nhưng có một nguyên nhân lớn hơn, khiến người Trung Quốc không chỉ nắm ít ghế CEO, mà còn cả các vị trí quản lý cao cấp nói chung trong nhiều công ty đa quốc gia phương Tây và người Ấn Độ không nên lấy làm mừng vì điều này. Đó là bởi nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển rất mạnh, với nhiều lĩnh vực mà Ấn Độ tụt hậu lại phía sau. Kết quả là nền kinh tế ấy sở hữu các công ty có sức hút ngang bằng với nhiều công ty lớn của phương Tây.
Ví dụ như các công ty lớn của Trung Quốc trả lương cho bộ máy lãnh đạo cấp cao gần như ngang bằng và trong một số trường hợp là còn vượt trội so với các công ty tương tự ở Mỹ. Trong khi đó, thu nhập của các quản lý ở Ấn Độ thấp hơn rất nhiều. Theo một nghiên cứu do công ty tư vấn Towers Watson thực hiện hồi năm 2014, sau khi quy đổi ra dollar, thu nhập trung bình của các quản trị viên hàng đầu tại Trung Quốc đã cao hơn gấp 2 lần các đồng nghiệp của họ ở Ấn Độ.
CEO của Microsoft Satyla Nadella tại một sự kiện công nghệ thông tin (Nguồn: Business Insider)
Điều gây ngạc nhiên là bất chấp những quan ngại về nạn ô nhiễm ở Trung Quốc, nước này vẫn vượt Ấn Độ trên phương diện thu hút người nước ngoài tới sinh sống. Cụ thể, trong cuộc khảo sát do HSBC thực hiện vào năm 2013, Trung Quốc đứng thứ 1 trong danh sách 37 quốc gia được người nước ngoài thích tìm tới sinh sống.
Trong thực tế, các công ty ở Ấn Độ dường như không có nhu cầu tìm kiếm những quản trị viên hàng đầu tại thị trường lao động quốc tế. Những công ty lớn ở Ấn Độ vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của các CEO người địa phương, thường là thành viên gia đình của ai đó trong ban quản lý.
Ngay cả các công ty đã toàn cầu hóa mạnh của Ấn Độ vẫn đề cao việc sử dụng nhân lực nội địa. Và có những lý do để việc này diễn ra.
Cách nay vài năm, khi Ratan Tata, lãnh đạo tập đoàn Tata, từ chức sau thời gian dài tìm kiếm người thay thế, nhân vật kế nhiệm ông rốt cục đã không phải người nước ngoài như dư luận đồn đoán. Người này là Cyrus Mistry, một thành viên trong gia tộc Tata.
Và như thế, ngay cả một tập đoàn đa quốc gia, có quan điểm hướng ra quốc tế nhất của Ấn Độ, cũng chỉ thích chọn một thành viên trong nhà, hơn là một quản trị viên ngôi sao từ thế giới. Nó cho thấy các công ty Ấn Độ vẫn rất đề cao sự hiểu biết về tình hình nội địa, bao gồm các mối quan hệ với những quan chức cao cấp trong chính quyền. Trên khía cạnh này, Ấn Độ giống Nhật Bản và Trung Quốc hơn là Mỹ và Anh.
Vì thế, trước khi người Ấn Độ ăn mừng do đã xuất khẩu thêm một quản trị viên ngôi sao nữa, họ nên băn khoăn tự hỏi vì sao điều này lại cho thấy sự thất bại của nước nhà. Câu hỏi được đặt ra ở đây là làm sao để Ấn Độ tạo ra một môi trường kinh doanh giúp nuôi dưỡng, mang tới cơ hội và lợi ích đủ để níu chân những tài năng như Nadella hay Pichai, qua đó cân bằng lại sân chơi với các công ty đa quốc gia? Thứ hai nữa là Ấn Độ phải làm cách nào để nuôi dưỡng một môi trường cạnh tranh và đề cao sáng tạo hơn, vốn đã sản sinh ra các công ty lớn như Microsoft và Google?
Và trong khi người Ấn Độ tự hào với việc một đồng hương được bổ nhiệm vào ghế CEO công ty lớn ở nước ngoài, người chiến thắng thực sự lại là cộng đồng người Mỹ gốc Ấn. Họ sẽ chứng kiến các hình mẫu mà mình tạo ra được nhân rộng mà không vấp phải bất kỳ bức tường vô hình nào – và sau rốt thì câu chuyện thành công của họ cũng hoàn toàn mang đậm chất Mỹ./.
Theo vietnamplus