Vì sao buổi thực nghiệm vụ bé 6 tuổi trường Gateway tử vong lại bị hoãn?
Buổi thực nghiệm điều tra lần 2 vụ bé Lê Hoàng L. (6 tuổi, học sinh lớp 1 Tokyo trường Gateway) tử vong sáng 11/9 được thông báo hoãn vì vắng người liên quan.
Nhiều vệ sỹ trước cổng phụ trường Gateway sáng 11/9. Ảnh: N.T
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đinh Minh Tảo – Viện trưởng KSND quận Cầu Giấy xác nhận, theo lịch sáng 11/9, Cơ quan CSĐT – Công an quận Cầu Giấy sẽ tổ chức buổi thực nghiệm điều tra lần 2 vụ bé Lê Hoàng L. (6 tuổi, học sinh lớp 1 Tokyo trường tiểu học Gateway) tử vong, xảy ra hơn 1 tháng trước. Viện KSND quận Cầu Giấy cử đại diện có mặt cùng các bị can, luật sư và gia đình bị hại.
Trong khi đó, luật sư Lê Minh – Văn phòng luật sư Thanh Sơn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, dù được cấp phép tham gia bào chữa cho bị can Nguyễn Bích Quy (SN 1964), người đưa đón trong vụ án nhưng không được Cơ quan CSĐT thông báo dự buổi thực nghiệm.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm 7h cùng ngày, tại cổng phụ trường tiểu học Gateway có nhiều vệ sỹ bảo vệ trước cổng. Một số luật sư tham gia trong vụ án cũng có mặt tuy nhiên, buổi thực nghiệm sau đó được thông báo hoãn.
Theo nguồn tin riêng của báo Tiền Phong cho biết, lý do hoãn buổi thực nghiệm điều tra do vắng một số người liên quan trong vụ án.
Bị can Doãn Quý Phiến trong buổi thực nghiệm điều tra lần 1.
Trước đó, sáng 6/8, bà Nguyễn Bích Quy (người đưa đón) được ông Doãn Quý Phiến (SN 1966, tài xế) lái ô tô BKS 29B-069.56 chở đi đón 13 học sinh, trong đó có bé Lê Hoàng L. Theo bà Quy, khi được đón, bé L. khỏe mạnh, mặc áo phông đỏ và ngồi ở ghế thứ 4 sau ghế lái. Phía cuối ô tô, có ba học sinh khác ngồi.
“Tới trường, học sinh tự xuống xe, tôi ngó vào trong xe và không phát hiện còn ai bên trong hay quên đồ đạc gì rồi một tay bế, một tay dắt hai cháu buổi đầu đi lớp cùng đưa tất cả học sinh vào trường”, bà Quy nói.
Video đang HOT
Bà Quy cũng chia sẻ khi vào trường, bà đưa các cháu vào căng-tin trên tầng 2 để các cháu ăn sáng. Bà trực tiếp lấy xôi và sữa cho hai cháu mình bế và dắt theo sau đó mới xuống tầng một để ký sổ bàn giao. Thời điểm ký sổ, không có bất cứ giáo viên, người phụ trách nào của trường tiếp nhận. Bà làm giống như những người đưa đón học sinh khác làm rồi kết thúc buổi làm việc sáng lúc gần 8h. Trong cả ngày, bà Quy không được ai thông báo việc gì xảy ra.
Đến khoảng 16h cùng ngày, bà Quy trở lại đón 13 học sinh sau giờ tan lớp nhưng không thấy bé Long. Mở cửa ô tô, bà Quy phát hiện bé Long nằm bất động trong ô tô, sau ghế lái. Trong ô tô rèm được phủ kín, có quả bóng bay không giống với thời điểm buổi sáng đón.
Ngày 27/8, Viện KSND quận Cầu Giấy phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Quy.
Chiếc ô tô BKS 29B-069.56 đưa đón 13 học sinh trong vụ án tại buổi thực nghiệm lần 1 ngày 30/8.
Ngày 30/8, Cơ quan CSĐT thực nghiệm điều tra lần 1 để làm rõ nhiều tình tiết liên quan tới tài xế Doãn Quý Phiến. Buổi thực nghiệm tái hiện quá trình xe di chuyển từ ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền tới cổng trường Gateway. Trong buổi thực nghiệm, tài xế Phiến lái xe nhưng không có mặt bà Quy.
Đến ngày 3/9, Viện KSND quận Cầu Giấy khởi tố bị can, cho tại ngoại đối với ông Phiến để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Theo nguồn tin của Tiền Phong, theo lịch sáng nay 11/9, Cơ quan điều tra sẽ thực nghiệm điều tra đối với bà Quy để làm rõ quá trình đưa đón, bàn giao học sinh và một số tình tiết được cho là bất thường. Tuy nhiên, do vắng một số người liên quan, buổi thực nghiệm điều tra được hoãn.
Theo NGUYỄN HOÀN (Tiền Phong)
Vụ bé trai Trường Gateway: Điều khó chấp nhận
Theo luật sư Nam, việc nhà trường không có hợp đồng với người đưa đón, không giám sát việc ký sổ bàn giao là điều khó chấp nhận.
Vụ bé trai L.H.L. (6 tuổi, học sinh lớp 1 Trường Gateway) tử vong trên xe đưa đón của Trường Gateway vẫn đang khiến dư luận xôn xao. Ngoài những tình tiết liên quan đến rèm cửa ô tô, quả bóng hay việc thay đổi màu áo của cháu, quy trình làm việc của phía nhà trường đang đặt dấu hỏi lớn cho công luận.
Theo như những thông tin bà Nguyễn Bích Quy (55 tuổi, trú tại Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, người đưa đón học sinh Trường Gateway) trình bày trước đó, bà chưa được ký hợp đồng với phía nhà xe cũng như chưa có hợp đồng với nhà trường.
Điều đáng nói, bà không được hướng dẫn về cách đưa đón học sinh. Hôm sự việc xảy ra, phía nhà trường cũng không có ai đứng ra ký nhận hay giám sát việc ký sổ bàn giao học sinh của người đưa đón.
Bình luận về vấn đề này, sáng ngày 31/8, trao đổi với báo Đất Việt, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, những trường học tư nhân được mở ra giống như một tổ chức kinh doanh về đào tạo, kinh doanh về giáo dục, mối liên hệ giữa nhà trường với gia đình là một giao dịch dân sự.
"Nhà trường nhận đưa đón học sinh tại nhà, bởi vậy, kể từ khi gia đình giao con mình cho người đưa đón thì nhà trường phải có nghĩa vụ bảo đảm sự an toàn cho những học sinh đó. Phía gia đình chỉ biết xe đưa đón của nhà trường đến đón con họ là đại diện của nhà trường chứ người ta không biết những người đó làm theo hợp đồng hay chưa có hợp đồng", luật sư Nam cho biết.
Theo luật sư Nam, người đưa đón học sinh là người đại diện cho nhà trường. Bởi vậy, những người này phải được tập huấn, hướng dẫn quy trình đưa đón và cách xử lý những tình huống trên xe. Mặt khác, những người này cũng phải được ký kết hợp đồng với bên phía nhà trường hoặc bên phía nhà xe.
"Đối với một trường gắn mác quốc tế mà không thực hiện đầy đủ những quy trình đó thì chẳng khác nào lừa dối khách hàng khi họ phải bỏ một số tiền rất lớn ra để đóng cho con em mình vào học dưới những mái trường như thế.
Công việc của người đưa đón là công việc đặc thù, liên quan đến tính mạng của con người nên việc ban hành ra những quy trình đó phải được thực hiện một cách nghiêm túc, chuẩn chỉ để tránh xảy ra những sự cố đau lòng như trường hợp của bé trai L.H.L.
Trong khi Trường Gateway còn chưa ký hợp đồng với người đưa đón, cũng như chưa ban hành ra các nội quy, quy định và tập huấn việc đưa đón, ký nhận thì cần phải xem xét lại", luật sư Trần Thu Nam phân tích thêm.
Cũng theo luật sư Nam, không những cần ban hành nội quy cho người đưa đón mà phía nhà trường cũng cần tuyển dụng những người đưa đón có chuyên môn nghiệp vụ về y tế bởi khi lên xe, có thể có những trường hợp học sinh bị chóng mặt, buồn nôn, vì thế người đưa đón cũng cần biết cách xử lý.
Nói về việc nhà trường không cử người giám sát việc ký nhận, bàn giao học sinh, luật sư Nam cho rằng, điều này thể hiện sự tắc trách của phía nhà trường.
"Việc bàn giao học sinh này tôi nghĩ cần phải được bàn giao tay ba, có chữ ký của tài xế, người đưa đón và giáo viên chủ nhiệm, chứ không thể có chuyện khi bàn giao học sinh, phía nhà trường không có ai ở đó là điều khó chấp nhận được", luật sư Nam chia sẻ.
Trường Gateway sau vụ học sinh tử vong nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón Ảnh: NLĐ
Cũng chia sẻ với PV về việc này, bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội cho rằng, đây là điều không thể tin được và đang đặt ra một dấu hỏi lớn về sự tắc trách, thiếu chặt chẽ trong việc kiểm soát học sinh khi đến và khi về của nhà trường.
"Đây là một vấn đề đáng được lưu tâm bởi không thể để một người chưa ký hợp đồng lao động, chưa phải người của nhà trường đưa đón học sinh như thế được.
Chưa hết, ở vụ việc này cũng cần đặt ra một dấu hỏi lớn, từ lúc cháu bé bị bỏ quên trên xe đến lúc phát hiện cháu tử vong, nếu không có ai tiếp xúc với cháu, không có ai lên xe thì tại sao lại có những thay đổi như chiếc rèm cửa, quả bóng... Những tình tiết đó, cơ quan tố tụng phải làm cho rõ", bà Thu Ba phân tích.
Một điểm đáng lưu ý nữa là về chiếc xe bỏ quên cháu L, trước đó, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, chủ nhân đứng tên đăng ký chiếc xe đó là ông Doãn Quý Phiến.
Tuy nhiên qua kiểm tra, Sở GTVT Hà Nội cho biết, quá trình truy xuất dữ liệu trên hệ thống giám sát hành trình, không có thông tin về chiếc xe này, tiến hành kiểm tra thủ tục đăng ký kinh doanh cũng không có hồ sơ về xe này.
Như vậy, tuy được Trường Gateway ký hợp đồng đưa đón học sinh nhưng chiếc xe này hoạt động chui.
Theo thông tin với báo chí, ông Đặng Văn Chung, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, theo nghị định 86, xe chở học sinh của các trường học đều thuộc diện xe hợp đồng chở khách. Do vậy, lái xe hợp đồng có trách nhiệm nắm được số lượng khách trên xe, phải kiểm tra khi xe tới điểm đến.
Ông Chung nói rõ, trong trường hợp cháu bé bị bỏ quên trên xe, có trách nhiệm của giáo viên, nhưng cũng có trách nhiệm của chính lái xe.
Theo quy định tại nghị định 86, với xe hợp đồng chở khách có tải trọng thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị/chủ xe kinh doanh phải thông báo tới Sở GTVT hành trình, số lượng khách, điểm đưa đón, trả khách. Đặc biệt, xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình để các cơ quan chức năng nắm lộ trình xe.
Thanh Giang
Theo baodatviet
Nóng: Đang thực nghiệm hiện trường vụ cháu bé 6 tuổi tử vong tại trường Gateway Chiều nay (30/8/2019), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy tiến hành thực nghiệm hiện trường tại trường Tiểu học Gateway để điều tra nguyên nhân tử vong của cháu bé 6 tuổi. Công an quận Cầu Giấy đang tiến hành thực nghiệm hiện trường vụ bé trai 6 tuổi tử vong, nghi bị bỏ quên trên ô tô...