Vì sao bóng đá Việt Nam thường bị “đứt đoạn” nhân tài?
Sau lứa U23 Việt Nam gây tiếng vang ở Thường Châu, bóng đá Việt Nam đang khan hiếm những cầu thủ tài năng nổi bật.
Bóng đá Việt Nam đang thiếu những cầu thủ kế cận đội tuyển có trình độ tốt. Ảnh: VFF
Đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, dù công tác đào tạo trẻ vẫn đang được nhiều địa phương, nhiều CLB chú trọng?
Thầy Park đau đầu lo SEA Games
Trung tuần tháng 8/2020, HLV Park Hang-seo triệu tập đội tuyển U22 Việt Nam để sàng lọc lực lượng cho SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà vào năm sau. Đáng chú ý, ở lần hội quân này, ông Park điền tên tới 48 cầu thủ, số lượng đông nhất trong lịch sử các đội tuyển.
Với lứa U22 hiện tại, bóng đá Việt Nam không có nhiều cái tên xuất sắc, bởi vậy, ông Park buộc phải tuyển chọn trên diện rộng nhằm tìm được bộ khung ưng ý.
Một chi tiết nữa cũng cần được lưu tâm, một bộ phận không nhỏ cầu thủ lên tuyển U22 nhưng những động tác kỹ thuật cơ bản còn hạn chế, khiến ban huấn luyện khá vất vả căn chỉnh.
Video đang HOT
Thực tế, sau lứa U23 Việt Nam gây sốt ở giải U23 châu Á 2018 (diễn ra tại Thường Châu, Trung Quốc) và liên tiếp thành công trong hai năm qua, bóng đá Việt Nam gần như không giới thiệu được cái tên nào thực sự nổi bật.
Tại các giải trẻ khu vực cũng như châu lục, Việt Nam đều bị loại sớm, lối chơi nhạt nhòa. Hệ quả là hiện nay lớp kế cận cho đội tuyển Việt Nam đang rơi vào tình trạng đáng phải lo lắng.
Trong quá khứ, sau chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam cũng trải qua một thời gian dài khan hiếm tài năng và phải mất tới 10 năm (từ năm 2008 đến năm 2018) để có được thế hệ xuất sắc gồm những Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Đức… như hiện tại. Hai năm sau chiến tích tại giải U23 châu Á, dường như câu chuyện quá khứ đang lặp lại với bóng đá Việt Nam.
Nghịch lý ở chỗ, công tác đào tạo trẻ hiện nay đang nở rộ và rất được các địa phương, CLB, trung tâm chú trọng. Vậy tại sao bóng đá Việt Nam lại không thể liên tục giới thiệu các lớp cầu thủ vượt trội? Theo HLV Hoàng Anh Tuấn, người từng dẫn dắt lứa Quang Hải dự U20 World Cup, nhìn bề ngoài đào tạo trẻ đang phát triển nhưng thực tế thì sự đầu tư vẫn cục bộ.
“Trong bóng đá, không phải cứ đầu tư tốt, làm đào tạo tốt là sẽ ra được cầu thủ giỏi. Tuy nhiên, vẫn phải đầu tư mới ra được kết quả, còn chỉ trông chờ vào yếu tố tự phát thì rất khó. Tôi thừa nhận bóng đá trẻ Việt Nam đang được chú trọng nhưng chỉ ở một vài trung tâm lớn như: PVF, Viettel, HAGL JMG. Còn lại chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Phải tới khi nào có nhiều lò đào tạo hiện đại, chất lượng như những cái tên vừa nêu thì khi đó chúng ta mới mong có được nhiều cầu thủ giỏi”, ông Tuấn phân tích.
Đồng tình, HLV Dương Hồng Sơn (CLB Phú Thọ) nhấn mạnh, trong đào tạo trẻ, cơ sở vật chất hiện đại đóng vai trò tiên quyết. “Không phải bỗng dưng lứa đội tuyển hiện tại chủ yếu đều xuất thân từ HAGL, Viettel, Hà Nội FC, PVF… Họ có sân bãi tốt, thiết bị tập luyện, phục hồi hiện đại, dinh dưỡng tốt… nên cầu thủ phát triển toàn diện”, ông Sơn nói và phân tích thêm: “Bên cạnh cơ sở vật chất, con người làm đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam vẫn chưa chuẩn hóa, chưa được đào tạo bài bản và quan trọng hơn cả là thiếu định hướng”.
Đâu là giải pháp?
Nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam chưa thể liên tục “xuất xưởng” những cầu thủ tài năng đã được chỉ ra. Nhưng làm sao để khắc phục được những hạn chế trên thì không hề dễ dàng. HLV Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trước mắt đào tạo trẻ phải được phủ sóng trên diện rộng rồi mới tính đến làm theo chiều sâu.
“
Việt Nam tuy có sự đầu tư mạnh cho bóng đá trẻ nhưng nếu so với các quốc gia trên thế giới, ngay cả với một vài quốc gia Đông Nam Á thì vẫn chưa bằng. Trong tương lai, VFF vẫn dồn trọng tâm vào công tác đào tạo trẻ nhằm xây chân đế vững chắc cho bóng đá Việt Nam.
Ông Trần Quốc Tuấn (Phó chủ tịch thường trực kiêm Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam – VFF)
“
“Rất nhiều địa phương có tiềm năng nhưng họ không đủ khả năng tài chính để đầu tư. Ví dụ như Đồng Tháp, thời kỳ nào họ cũng có những cầu thủ trẻ tốt nhưng càng lên cao thì lại càng hụt hơi. VFF nên nghiên cứu tạo ra một nguồn quỹ xã hội hóa để hỗ trợ các địa phương, nhằm phủ rộng đào tạo trẻ. Khi có nhiều lò đào tạo tốt thì đương nhiên sẽ có nhiều cầu thủ để lựa chọn”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, HLV Dương Hồng Sơn nêu quan điểm, ngoài việc đầu tư hơn nữa vào cơ sở vật chất, bóng đá Việt Nam cần tận dụng chất xám từ chuyên gia nước ngoài trong đào tạo trẻ, song song với đó cần chú trọng vạch ra lộ trình cụ thể: “Các chuyên gia nước ngoài sẽ đem đến những làn gió mới, cách làm mới. Họ tới từ những nền bóng đá phát triển nên đương nhiên phương pháp của họ cũng hiện đại, hợp xu thế hơn. Song song với đó, các trung tâm đào tạo cần có chiến lược đào tạo theo từng giai đoạn. Chỉ như vậy chúng ta mới mong có được nhiều lứa cầu thủ giỏi hơn nữa nhằm hướng tới mục tiêu vươn tầm châu lục”.
Về phần mình, Phó chủ tịch thường trực kiêm Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam – VFF nhấn mạnh, đào tạo trẻ quan trọng nhất là phải kiên trì, bền bỉ mới có thành quả tốt.
“Một lứa cầu thủ không phải cứ xuất phát điểm tốt là sẽ tốt, các em phải trải qua rèn rũa, đào thải suốt thời gian dài. Lứa Quang Hải từng nhiều lần thất bại trước khi đi tới World Cup và giờ các em đều là trụ cột của đội tuyển. Nói vậy để thấy định hướng của chúng ta vẫn phải là tạo thêm sân chơi để cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội cọ xát, trưởng thành. Thứ nữa, không thể thấy có một, hai lứa tốt là dừng lại, vẫn phải tiếp tục đào tạo trẻ bởi đó là gốc rễ của mỗi nền bóng đá”, ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, VFF trong thời gian tới sẽ chú trọng tới việc tạo ra một lớp HLV làm bóng đá trẻ, Giám đốc kỹ thuật ở các CLB, các địa phương nhằm đảm bảo sự thống nhất và hướng tới sự chuyên nghiệp, chuyên biệt trong đào tạo trẻ của cả nền bóng đá.
“Đó là động cơ để VFF bổ nhiệm Giám đốc kỹ thuật Yusuke Adachi và có những điều khoản chi tiết trong hợp đồng với ông ấy về phát triển bóng đá trẻ”, ông Tuấn kết lại.
Trăn trở nỗi lòng ông Park
Trong 3 ngày hội quân cùng đội U22, HLV Park Hang-seo phải thị phạm từng động tác kỹ thuật, dù là cơ bản cho những cầu thủ chuẩn bị cho SEA Games 31.
HLV Park Hang-seo trên sân tập, thị phạm cho các cầu thủ trẻ. Ảnh: VFF.
U22 Việt Nam hội quân từ ngày 1/7 và có một trận đấu tập nội bộ. Tuy nhiên, hình ảnh đáng chú ý nhất trong trận đấu ấy không phải những miếng phối hợp mà lại là việc HLV Park Hang-seo chạy xuống sân, kéo người học trò cũ Trần Bảo Toàn vào một góc và thị phạm lại cách xử lý trái bóng khi bị vây ở biên. Ông còn nói rõ với người từng cùng mình chinh chiến tại U23 châu Á 2020 rằng, thay vì cố rê dắt, hãy mở góc thoáng và đưa bóng tới vị trí tốt nhất có thể.
Một câu chuyện nghe có vẻ đơn giản nhưng lại để lại nhiều suy nghĩ. Trong lứa cầu thủ chuẩn bị cho SEA Games 31, Bảo Toàn được xem là giàu kinh nghiệm thi đấu nhất. Cùng với Quang Nho, Thiện Đức, anh nằm trong số ít từng được thầy Park trực tiếp chỉ dạy, nhưng trong vòng một năm qua, kỹ chiến thuật của Bảo Toàn hầu như chưa được cải thiện. Cách xử lý bóng của anh dựa nhiều vào ngẫu hứng, giống như tình huống cố vượt qua 2 hậu vệ khi bị bám sát bị ông Park nhắc nhở. Pha bóng ấy rất khó thành công, nếu đặt trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, nơi hậu vệ đá rát, không ngần ngại phạm lỗi.
Lực lượng tinh nhuệ hàng đầu đã thế, những nhân tố còn lại trong nhóm 28 cầu thủ được triệu tập đầu tháng 7 chẳng khá khẩm hơn. Phát biểu sau đợt tập trung ngắn hạn, nhà cầm quân người Hàn Quốc than phiền: "Các cầu thủ trẻ hiện có quá ít cơ hội thi đấu ở V-League cũng như giải hạng Nhất. Không tìm được nhân tố mới nào ở CLB, tôi mới gọi họ lên tập trung đợt này để trực tiếp kiểm tra. Tôi rất mong có cơ chế, tạo thêm sân chơi cho cầu thủ trẻ".
Hai năm trước, ông Park may mắn được làm việc với lứa cầu thủ trẻ nhưng dạn dày kinh nghiệm thi đấu. Nhóm Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh thi đấu V-League từ những năm 2014, khi mới ở tuổi U19. Nhóm Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Hùng Dũng rèn giũa vài năm ở Sài Gòn, dưới dạng cho mượn từ Hà Nội. Thành thử khi lên đội U23 và sau đó là đội tuyển, họ không hề bị khớp và chơi rất chững chạc. Trong những thời khắc cân não, như các trận loại trực tiếp, họ thể hiện được bản lĩnh và sự lạnh lùng khó tin ở tuổi của mình.
Dù vậy, những cầu thủ ấy vẫn là số ít. Cũng trong những ngày đầu ấy, ông Park phải chỉ lại cho Bùi Tiến Dũng cách ném biên, hay sau này là dặn thủ môn Y Eli Nie đứng bắt bóng sao cho chuẩn. Ở lứa U22 hiện tại, nhiều cầu thủ đuối thể lực, có dấu hiệu căng cơ thậm chí chấn thương, dù mỗi hiệp chỉ 40 phút. Rõ ràng, đó là điểm trừ lớn của họ trong mắt ông Park, khi mà ông nhấn mạnh rằng "Nền tảng thể lực là yếu tố tiên quyết cần được đảm bảo".
Bóng đá muốn thành công và lên tới đỉnh cao cần được tổ chức thành một hệ thống chặt chẽ, bài bản. Lâu nay, chúng ta thường quy nhiệm vụ ấy gói gọn cho liên đoàn hay HLV đội tuyển, các lò đào tạo hoặc các CLB chuyên nghiệp. Nhưng thực tế, hệ thống ấy phải là cả xã hội. Chỉ khi nào quyền lợi cho cầu thủ và các bên liên quan đủ tốt, họ mới có thể yên tâm cống hiến.
HLV Park Hang Seo: Mong V-League có cơ chế để cầu thủ trẻ ra sân HLV Park Hang Seo cho rằng cần có cơ chế để các cầu thủ ở lứa tuổi U22 có cơ hội ra sân nhiều hơn. HLV Park Hang Seo vừa có buổi chia sẻ ngắn với báo chí ở đợt tập trung 3 ngày của U22 Việt Nam. Chiến lược gia người Hàn Quốc gọi những gương mặt trẻ ít được ra sân...