Vì sao bóng đá Việt Nam thường bị “đứt đoạn” nhân tài?
Sau lứa U23 Việt Nam gây tiếng vang ở Thường Châu, bóng đá Việt Nam đang khan hiếm những cầu thủ tài năng nổi bật.
Bóng đá Việt Nam đang thiếu những cầu thủ kế cận đội tuyển có trình độ tốt. Ảnh: VFF
Đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, dù công tác đào tạo trẻ vẫn đang được nhiều địa phương, nhiều CLB chú trọng?
Thầy Park đau đầu lo SEA Games
Trung tuần tháng 8/2020, HLV Park Hang-seo triệu tập đội tuyển U22 Việt Nam để sàng lọc lực lượng cho SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà vào năm sau. Đáng chú ý, ở lần hội quân này, ông Park điền tên tới 48 cầu thủ, số lượng đông nhất trong lịch sử các đội tuyển.
Với lứa U22 hiện tại, bóng đá Việt Nam không có nhiều cái tên xuất sắc, bởi vậy, ông Park buộc phải tuyển chọn trên diện rộng nhằm tìm được bộ khung ưng ý.
Một chi tiết nữa cũng cần được lưu tâm, một bộ phận không nhỏ cầu thủ lên tuyển U22 nhưng những động tác kỹ thuật cơ bản còn hạn chế, khiến ban huấn luyện khá vất vả căn chỉnh.
Thực tế, sau lứa U23 Việt Nam gây sốt ở giải U23 châu Á 2018 (diễn ra tại Thường Châu, Trung Quốc) và liên tiếp thành công trong hai năm qua, bóng đá Việt Nam gần như không giới thiệu được cái tên nào thực sự nổi bật.
Tại các giải trẻ khu vực cũng như châu lục, Việt Nam đều bị loại sớm, lối chơi nhạt nhòa. Hệ quả là hiện nay lớp kế cận cho đội tuyển Việt Nam đang rơi vào tình trạng đáng phải lo lắng.
Trong quá khứ, sau chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam cũng trải qua một thời gian dài khan hiếm tài năng và phải mất tới 10 năm (từ năm 2008 đến năm 2018) để có được thế hệ xuất sắc gồm những Quang Hải , Đình Trọng, Duy Mạnh , Công Phượng , Xuân Trường , Văn Đức… như hiện tại. Hai năm sau chiến tích tại giải U23 châu Á, dường như câu chuyện quá khứ đang lặp lại với bóng đá Việt Nam.
Nghịch lý ở chỗ, công tác đào tạo trẻ hiện nay đang nở rộ và rất được các địa phương, CLB, trung tâm chú trọng. Vậy tại sao bóng đá Việt Nam lại không thể liên tục giới thiệu các lớp cầu thủ vượt trội? Theo HLV Hoàng Anh Tuấn, người từng dẫn dắt lứa Quang Hải dự U20 World Cup, nhìn bề ngoài đào tạo trẻ đang phát triển nhưng thực tế thì sự đầu tư vẫn cục bộ.
“Trong bóng đá, không phải cứ đầu tư tốt, làm đào tạo tốt là sẽ ra được cầu thủ giỏi. Tuy nhiên, vẫn phải đầu tư mới ra được kết quả, còn chỉ trông chờ vào yếu tố tự phát thì rất khó. Tôi thừa nhận bóng đá trẻ Việt Nam đang được chú trọng nhưng chỉ ở một vài trung tâm lớn như: PVF, Viettel, HAGL JMG. Còn lại chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Phải tới khi nào có nhiều lò đào tạo hiện đại, chất lượng như những cái tên vừa nêu thì khi đó chúng ta mới mong có được nhiều cầu thủ giỏi”, ông Tuấn phân tích.
Đồng tình, HLV Dương Hồng Sơn (CLB Phú Thọ) nhấn mạnh, trong đào tạo trẻ, cơ sở vật chất hiện đại đóng vai trò tiên quyết. “Không phải bỗng dưng lứa đội tuyển hiện tại chủ yếu đều xuất thân từ HAGL, Viettel, Hà Nội FC, PVF… Họ có sân bãi tốt, thiết bị tập luyện, phục hồi hiện đại, dinh dưỡng tốt… nên cầu thủ phát triển toàn diện”, ông Sơn nói và phân tích thêm: “Bên cạnh cơ sở vật chất, con người làm đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam vẫn chưa chuẩn hóa, chưa được đào tạo bài bản và quan trọng hơn cả là thiếu định hướng”.
Đâu là giải pháp?
Nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam chưa thể liên tục “xuất xưởng” những cầu thủ tài năng đã được chỉ ra. Nhưng làm sao để khắc phục được những hạn chế trên thì không hề dễ dàng. HLV Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trước mắt đào tạo trẻ phải được phủ sóng trên diện rộng rồi mới tính đến làm theo chiều sâu.
“
Việt Nam tuy có sự đầu tư mạnh cho bóng đá trẻ nhưng nếu so với các quốc gia trên thế giới , ngay cả với một vài quốc gia Đông Nam Á thì vẫn chưa bằng. Trong tương lai, VFF vẫn dồn trọng tâm vào công tác đào tạo trẻ nhằm xây chân đế vững chắc cho bóng đá Việt Nam.
Ông Trần Quốc Tuấn (Phó chủ tịch thường trực kiêm Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam – VFF)
“
“Rất nhiều địa phương có tiềm năng nhưng họ không đủ khả năng tài chính để đầu tư. Ví dụ như Đồng Tháp, thời kỳ nào họ cũng có những cầu thủ trẻ tốt nhưng càng lên cao thì lại càng hụt hơi. VFF nên nghiên cứu tạo ra một nguồn quỹ xã hội hóa để hỗ trợ các địa phương, nhằm phủ rộng đào tạo trẻ. Khi có nhiều lò đào tạo tốt thì đương nhiên sẽ có nhiều cầu thủ để lựa chọn”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, HLV Dương Hồng Sơn nêu quan điểm, ngoài việc đầu tư hơn nữa vào cơ sở vật chất, bóng đá Việt Nam cần tận dụng chất xám từ chuyên gia nước ngoài trong đào tạo trẻ, song song với đó cần chú trọng vạch ra lộ trình cụ thể: “Các chuyên gia nước ngoài sẽ đem đến những làn gió mới, cách làm mới. Họ tới từ những nền bóng đá phát triển nên đương nhiên phương pháp của họ cũng hiện đại, hợp xu thế hơn. Song song với đó, các trung tâm đào tạo cần có chiến lược đào tạo theo từng giai đoạn. Chỉ như vậy chúng ta mới mong có được nhiều lứa cầu thủ giỏi hơn nữa nhằm hướng tới mục tiêu vươn tầm châu lục”.
Về phần mình, Phó chủ tịch thường trực kiêm Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam – VFF nhấn mạnh, đào tạo trẻ quan trọng nhất là phải kiên trì, bền bỉ mới có thành quả tốt.
“Một lứa cầu thủ không phải cứ xuất phát điểm tốt là sẽ tốt, các em phải trải qua rèn rũa, đào thải suốt thời gian dài. Lứa Quang Hải từng nhiều lần thất bại trước khi đi tới World Cup và giờ các em đều là trụ cột của đội tuyển. Nói vậy để thấy định hướng của chúng ta vẫn phải là tạo thêm sân chơi để cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội cọ xát, trưởng thành. Thứ nữa, không thể thấy có một, hai lứa tốt là dừng lại, vẫn phải tiếp tục đào tạo trẻ bởi đó là gốc rễ của mỗi nền bóng đá”, ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, VFF trong thời gian tới sẽ chú trọng tới việc tạo ra một lớp HLV làm bóng đá trẻ, Giám đốc kỹ thuật ở các CLB, các địa phương nhằm đảm bảo sự thống nhất và hướng tới sự chuyên nghiệp, chuyên biệt trong đào tạo trẻ của cả nền bóng đá.
“Đó là động cơ để VFF bổ nhiệm Giám đốc kỹ thuật Yusuke Adachi và có những điều khoản chi tiết trong hợp đồng với ông ấy về phát triển bóng đá trẻ”, ông Tuấn kết lại.
Nỗi lòng của thầy Park!
HLV Park Hang-seo đồng thời dẫn dắt tuyển quốc gia và U23, nên giới bóng đá Việt Nam hay ví von ông chẳng khác gì "vừa xay gạo, vừa bế em".
Ông thầy người Hàn từng mong muốn chỉ nắm 1 trong 2 đội để toàn tâm toàn ý hơn trong thực hiện tham vọng quan trọng nhất, một phần vì lý do sức khỏe, nhưng rồi ông đã tạm gác ý muốn đó nhằm thỏa mãn bản hợp đồng 3 năm được ký tiếp tục với VFF.
HLV Park Hang-seo kiên nhẫn thị phạm và uốn nắn từng động tác cho các học trò trẻ. Ảnh: ANH HUY
Nghĩa là, ông Park phải hiện thực hóa 4 mục tiêu lớn cho bóng đá Việt Nam. Với đội tuyển quốc gia thì phải vượt qua vòng loại thứ hai World Cup 2022, vô địch AFF Cup 2020 (đều bị dời sang năm 2021); còn đội trẻ U23 phải thắng vòng loại U23 châu Á và đăng quang SEA Games 31 (cuối năm 2021).
Bên cạnh chỉ tiêu lấy vé chơi vòng loại cuối cùng cúp thế giới đồng thời có một suất chơi vòng chung kết Asian Cup 2023 là mới được định ra, còn lại 3 mục tiêu cũ, nhưng độ khó thì cao hơn. Chẳng hạn, ông Park sẽ vượt qua vòng loại U23 châu Á và bằng mọi giá phải vô địch SEA Games 31 trong bối cảnh những người cũ từng vô địch không còn lại bao nhiêu. Điều đó khiến cho vị HLV Hàn Quốc phải dốc sức nhiều hơn, như việc chuẩn bị mọi thứ từ hơn một năm trước, khi cả làng bóng Đông Nam Á đều cảm thấy chưa cần thiết.
Có thể ông Park đã nhìn thấu và thấy rõ hạn chế của những cầu thủ mà ông đang có trong tay, nên mới vận hành cách làm khác biệt và hiếm thấy là triệu tập gần như tất cả cầu thủ dưới 22 tuổi của các CLB đang thi đấu ở tất cả các giải lên tuyển thử việc. Điều này nói thay cho sự khó khăn của thầy Park và các cộng sự: thay vì chỉ việc đi đến các giải đấu chọn người tài, thì bây giờ phải làm thay phần việc của CLB. Ban huấn luyện đã phải dạy lại học trò từ chuyên môn trên sân cỏ cho đến cách ăn uống, ứng xử trong sinh hoạt.
Lẽ ra ông Park sẽ huấn luyện các tuyển thủ quốc gia trước cho các đấu trường vòng loại thứ hai World Cup 2022 và AFF Cup 2020 có thời gian gần hơn, nhưng rồi ông đã không an tâm với lứa trẻ. Nhìn vào việc đội tuyển Việt Nam đang dẫn đầu bảng G tại vòng loại cúp thế giới và hiện là đương kim vô địch AFF Cup, thì nhiệm vụ của các đội tuyển có vẻ dễ hơn với ưu thế tâm lý. Tuy nhiên, để tiếp tục gặt hái thành công là không đơn giản, khi các đối thủ ngày càng hiểu rõ thầy trò ông Park hơn, trong thời điểm nhân tài ngày càng ít ỏi.
Tương tự, thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á càng làm ông Park lo lắng và thận trọng hơn cho cuộc chinh phục vào cuối năm sau. Cả "xay gạo và bế em", việc nào với HLV Park Hang-seo cũng khó mà ông không có quyền từ chối.
Sạch bóng lứa U22 VN Á quân châu Á, HLV Park Hang Seo còn cửa vô địch SEA Games? U22 Việt Nam hôm nay đã sạch bóng những con người từng làm nên kỳ tích ở Thường Châu, nên HLV Park Hang Seo gần như phải làm lại từ đầu. 1. Khi phóng viên đặt câu hỏi: " Liệu Văn Hậu có được sử dụng ở kỳ SEA Games tới? ", HLV Park Hang Seo bật cười. Còn quá sớm để nói...