Vì sao Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên mô hình 5 Tổng cục?
Bộ Tài chính đề xuất tổ chức lại Vụ Chính sách thuế thành Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; giữ nguyên mô hình 5 Tổng cục thuộc Bộ như hiện nay.
Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính đang được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ năm 2017 đến tháng 10/2021, cơ quan này đã cắt giảm 4.312 đầu mối đơn vị hành chính các cấp từ trung ương đến địa phương gồm: 3 đơn vị cấp phòng thuộc Vụ/Cục thuộc Bộ; 220 phòng thuộc Vụ/Cục thuộc Tổng cục; 394 đơn vị cấp chi cục và tương đương; 3.695 đơn vị cấp tổ/đội và tương đương.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, đã giảm 10 đơn vị do đã tổ chức lại, giải thể, dừng hoạt động.
“Với mô hình trên, Bộ Tài chính đã thực hiện tốt cơ chế quản lý, điều hành thống nhất, thông suốt, gắn kết linh hoạt giữa các công cụ tài chính (chính sách thuế, giá, dự trữ, hỗ trợ ngân sách…), không bị chồng chéo, trùng lấn giữa các ngành, lĩnh vực”- tờ trình của Bộ Tài chính cho hay.
Từ đó cơ quan này đề xuất giữ nguyên tổng số lượng Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra, Văn phòng và đơn vị sự nghiệp công lập là 29 đơn vị.
Trụ sở Bộ Tài chính tại Hà Nội (Ảnh: T.A).
Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực thuế được minh bạch, hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất tổ chức lại Vụ Chính sách thuế thành Cục quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.
Video đang HOT
Đồng thời đề xuất Chính phủ giữ nguyên mô hình 5 Tổng cục thuộc Bộ Tài chính như hiện nay gồm: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Các Tổng cục hiện nay có đối tượng quản lý lớn về chuyên ngành, lĩnh vực, tính chất phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội. Chuyên ngành, lĩnh vực quản lý cần tập trung, thống nhất ở trung ương và đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí thành lập Tổng cục theo quy định tại Nghị định 123/2016 và Nghị định số 101/2020.
“Trong thời gian tới sẽ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn đầu mối các tổ chức bên trong các Tổng cục theo tinh thần của các nghị quyết của Đảng, Chính phủ đảm bảo tiêu chí thành lập và phù hợp với đặc thù của ngành tài chính”- Bộ Tài chính cho hay.
Trong khi đó, góp ý về dự thảo nghị định trên, Bộ Nội vụ đề nghị nhập Vụ Thi đua-Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ do nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi đua- khen thưởng phải gắn với nhiệm vụ quản lý về công tác tổ chức, cán bộ.
Giải trình việc này, Bộ Tài chính cho biết Vụ Thi đua-Khen thưởng được giao 17 biên chế; nếu nhập vào Vụ Tổ chức cán bộ sẽ dẫn đến khối lượng công việc và số lượng biên chế tăng lên 69 người, bằng quy mô tối thiểu của 2 Cục.
Hơn nữa, phạm vi quản lý của Vụ Tổ chức cán bộ chỉ đối với các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Tài chính; còn phạm vi quản lý của Vụ Thi đua-Khen thưởng ngoài các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Tài chính còn có các đơn vị thuộc ngành tài chính (Sở Tài chính; các các nhân, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính gồm: chứng khoán, bảo hiểm, sổ xố, kế toán, kiểm toán…) trên phạm vi toàn quốc.
“Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ việc duy trì mô hình tổ chức Vụ Thi đua-Khen thưởng như hiện nay là phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và đặc thù của Bộ”- tờ trình dự thảo nghị định cho hay.
Tổng cục Hải quan được đề xuất giữ nguyên mô hình tổ chức như hiện nay (Ảnh: TCHQ).
Lý giải việc giữ cấp phòng trong Vụ
Trước đề nghị của Bộ Nội vụ về việc bỏ cấp phòng trong Vụ, Bộ Tài chính phân tích: Trong một Vụ có số lượng công chức lớn (40-60 biên chế), có nhiều mảng công việc tương đối độc lập, nếu không tổ chức phòng thì khối lượng công việc sẽ tập trung rất lớn vào 4 lãnh đạo Vụ, gây khó khăn trong việc kiểm soát công việc về tiến độ cũng như chất lượng.
Các Vụ thuộc Bộ Tài chính đều đảm bảo tiêu chí để tổ chức phòng thuộc Vụ theo quy định tại khoản 5 điều 1 Nghị định 101/2020 của Chính phủ: “Không tổ chức phòng trong Vụ. Trường hợp Vụ có nhiều mảng công tác và khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 30 biên chế công chức trở lên được cấp có thẩm quyền giao thì có thể thành lập phòng và số lượng phòng trong Vụ thuộc Bộ (nếu có) phải được quy định tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ”.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, nếu không tổ chức phòng trong Vụ tại cơ quan này sẽ tác động tiêu cực đến việc tổ chức quản lý, thiếu sự chuyên sâu và liên kết giữa các mảng công việc.
Vì vậy Bộ này báo cáo Chính phủ tiếp tục duy trì mô hình tổ chức phòng trong Vụ thuộc Bộ Tài chính. Trong đó, Vụ Ngân sách nhà nước có 5 phòng, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp có 4 phòng, Vụ Đầu tư có 4 phòng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính có 4 phòng, Vụ Pháp chế có 5 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ có 5 phòng, Vụ Hợp tác quốc tế có 4 phòng.
Theo dự thảo nghị định, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và danh sách các tổ chức sự nghiệp khác thuộc Bộ.
Tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện chế độ kế toán hành chính sự nghiệp
Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư 107/2017/TT-BTC.
Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan để xin ý kiến về những nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bộ Tài chính (Ảnh: M.P)
Ngày 2/11, tại Hà Nội, Câu Lạc bộ kế toán trưởng toàn quốc và Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề "Trao đổi vướng mắc trong quá trình thực hiện Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư 107/2017/TT-BTC".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý kế toán (QLKT) (Bộ Tài chính) chia sẻ, ngày 10/10/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 107/2017/TT-BTC về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Sau 4 năm thực hiện, Thông tư 107/2017/TT-BTC đã bộc lộ một số vướng mắc cần sửa đổi để phù hợp với các cơ chế tài chính mới ban hành; thực tế về yêu cầu quản lý, nhu cầu về thông tin, số liệu tại các đơn vị và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập và năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành 5 chuẩn mực kế toán công đầu tiên, tạo ra các khuôn mẫu, mực thước để chế độ kế toán trong đó có chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, đòi hỏi cần có những điều chỉnh để đảm bảo phù hợp.
"Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư 107/2017/TT-BTC. Ngày 19/4/2021, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan để xin ý kiến về những nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 107/2017/TT-BTC. Đến nay, đã nhận được gần 60 ý kiến tham gia của các đơn vị là Sở Tài chính đại diện cho các đơn vị kế toán tại các địa phương và gần 20 ý kiến của các Bộ, ngành. Các ý kiến phản ánh vướng mắc về một số nội dung cụ thể tại Thông tư 107/2017/TT-BTC và phản ánh nhu cầu cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Thông tư này." - ông Vũ Đức Chính cho hay.
Tại Hội thảo lần này, Ban tổ chức sẽ tập trung trình bày các vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 107 và dự kiến hướng sửa đổi, bổ sung; đưa ra các yêu cầu về cơ chế tài chính mới ban hành liên quan đến kế toán hành chính sự nghiệp và liên quan trực tiếp đến việc sửa đổi Thông tư 107. Đồng thời, dành thời gian báo cáo về các nội dung liên quan đến chuẩn mực kế toán công.
Theo ông Vũ Đức Chính, dự kiến đến năm 2024, sẽ ban hành 21 chuẩn mực kế toán công - đây các chuẩn mực cơ bản, có tác động trực tiếp đến công tác kế toán cũng trình bày thông tin trên báo cáo tài chính của đơn vị và báo cáo tài chính của Chính phủ. Những nội dung của chuẩn mực là các khuôn mẫu, mực thước để điều chỉnh các chế độ kế toán đảm bảo phù hợp. Trong các chuẩn mực này, có thể có những nội dung không phù hợp, không giống các quy định của cơ chế tài chính, Bộ Tài chính coi rằng đây là những định hướng để cơ chế tài chính có thể vận dụng, sửa đổi để phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế đang áp dụng."
Cục trưởng Cục QLKT đề nghị các đại biểu tham dự tham gia ý kiến để làm rõ hơn các vướng mắc thực tế khi thực hiện Thông tư 107 tại đơn vị mình; trong đó, nêu rõ khó khăn, đề xuất nếu Bộ Tài chính ban hành Thông tư mới sửa đổi Thông tư 107 thì đơn vị có thể sẽ gặp khó khăn, vướng mắc nào. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, nghiên cứu, đưa ra phương án sửa đổi, ban hành Thông tư thay thế hoặc sửa đổi một phần, hoặc bổ sung một phần Thông tư 107/2017/TT-BTC một cách phù hợp nhất, vừa đảm bảo công tác quản lý, vừa đảm bảo tính khả thi cho các đơn vị trong quá trình thực hiện.
Theo bà Hồ Thị Vinh, Phòng quản lý giám sát kế toán nhà nước, Cục QLKT, qua quá trình tổng hợp ý kiến từ các đơn vị liên quan, khi thực hiện Thông tư 107/2017/TT-BTC các đơn vị gặp vướng mắc trong việc hạch toán tài sản cố định; hạch toán chi thu nhập tăng thêm, chi bổ sung thu nhập; hạch toán nguồn cải cách tiền lương; hạch toán hoạt động liên doanh, liên kết; báo cáo kết quả hoạt động và báo cáo lưu chuyển tiền tệ;...Đơn cử, nguồn cải cách tiền lương được hình thành từ nhiều nguồn (nguồn thu sản xuất kinh doanh, dịch vụ; từ dự toán mà đơn vị phải tiết kiệm chi thường xuyên; từ nguồn thu phí được khấu trừ, để lại; từ các nguồn hoạt động khác phải quyết toán) nhưng theo quy định hiện tại, mỗi nguồn lại được quản lý, hạch toán vào các tài khoản khác nhau. Do đó, vấn đề đặt ra khi sửa đổi Thông tư 107/2017/TT-BTC là đưa ra cách hạch toán thống nhất, phù hợp. Ngoài ra, một số nội dung quan trọng cũng chưa được hướng dẫn trong Thông tư 107/2017/TT-BTC như: việc hạch toán dự phòng; hoạt động mang tính chất sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở cơ quan nhà nước (như bán ấn chỉ); việc xử lý các nguồn thu được để lại; hướng dẫn hoàn thuế thu nhập cá nhân; hạch toán ngoại tệ;...đòi hỏi khi sửa đổi, bổ sung Thông tư 107/2017/TT-BTC cần có hướng quy định cụ thể hơn.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe đại diện các đơn vị chuyên môn của Cục QLKT trình bày những nội dung hướng dẫn tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập có ảnh hưởng trực tiếp đến việc sửa đổi Thông tư 107/2017/TT-BTC; một số nội dung dự kiến hướng dẫn chuẩn mực kế toán công Việt Nam....
Đã kí hợp đồng mua hơn 75,4 nghìn tấn gạo hỗ trợ các tỉnh phía Nam Trả lời phóng viên TTXVN, lãnh đạo Tổng cục Dự trữ nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 24/9, Tổng cục đã kí hợp đồng mua hơn 75,4 nghìn tấn gạo để hỗ trợ người dân 9 tỉnh phía Nam trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, đã có 3 doanh nghiệp trúng thầu lần lượt 2 gói 25 nghìn tấn gạo...