Vì sao bằng cấp cao khó tìm việc?
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trao đổi về thực trạng thất nghiệp và những bất cập trong thị trường lao động nước ta hiện nay.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, qua số liệu của Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2015, xét theo chiều người học hàn lâm (học chuyên nghiệp), học càng lên cao thất nghiệp càng nhiều. Trong khi đó, xét theo chiều người học nghề, học càng cao thất nghiệp càng ít, do người học nghề lên cao được chuẩn bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng nên tìm việc dễ hơn.
“Đây là những cảnh báo để xã hội chuyển đổi nhận thức, định hướng lại con đường học tập giữa học đại học và học nghề. Nếu cứ theo đuổi học hàn lâm thì càng học cao càng khó tìm việc. Hiện cũng có nhiều em dù đỗ đại học vẫn từ chối cơ hội đó để học nghề, đây là bước chuyển đổi ban đầu về nhận thức của xã hội”, ông Diệp nói.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp. Ảnh: Tiền Phong.
Hậu quả của “sính” bằng cấp
- Một số ý kiến cho rằng, hậu quả trên một phần do tâm lý “sính” bằng cấp của xã hội, ông có nghĩ vậy?
- Không phải một số, mà rất nhiều người nói về điều này, vì xã hội chúng ta là xã hội coi trọng bằng cấp. Những báo cáo, số liệu đã công bố phần nào đó giúp chuyển đổi nhận thức xã hội, xóa dần tâm lý sính bằng cấp. Giá trị mỗi người nằm ở đóng góp của anh cho xã hội, không phải ở bằng cấp anh cao hay thấp.
Việc định hướng con đường học đúng trước hết có ích cho mỗi người, vì anh có việc làm, có thu nhập, sau đó có ích cho gia đình và cả cộng đồng.
- Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng học càng cao thất nghiệp càng nhiều?
- Nguyên nhân có nhiều, các chuyên gia thế giới và trong nước cũng đã cảnh báo không ít lần. Chúng ta đang có khoảng cách giữa kiến thức, kỹ năng các trường dạy với đòi hỏi của thị trường lao động. Nhiều người nói hệ thống giáo dục của chúng ta đang tạo ra sản phẩm dở dang, không hoàn chỉnh, nên thị trường khó chấp nhận. Đồng thời, con đường vào đại học dễ quá nên ít người chọn học nghề.
Ngoài ra, giáo dục của ta đào tạo cả ngành không có nhu cầu, không tương lai, như 10 sinh viên vào đại học có 3 em học kế toán – tài chính, thử hỏi được mấy doanh nghiệp tuyển tới 3-4 nhân viên kế toán tài chính.
Chúng ta đang vấp 2 nghịch lý: Sản xuất ra sản phẩm dở dang và dư thừa, thị trường không chấp nhận. Vì vậy, không khó giải thích việc học cao càng dễ thất nghiệp. Chúng ta kỳ vọng tương lai sẽ thành trung tâm sản xuất và chế tạo của thế giới. Tuy nhiên, có được như vậy không khi nguồn nhân lực như hiện nay? Nếu lao động kỹ thuật không có, chắc chắn điều đó chỉ là ước mơ.
- Cũng có ý kiến rằng, việc lấy điểm vào đại học quá thấp đã “vợt” hết thí sinh của trường nghề, ông nghĩ sao?
Video đang HOT
- Điều này trong các báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đề cập. WB nhận xét, ở Việt Nam vào đại học dễ quá, nên số lượng học nghề rất ít. Học nghề ít sẽ khó chuẩn bị đủ nguồn nhân lực cho đà phát triển của Việt Nam những năm tới.
Biểu đồ số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật quý 2 và quý 3/2015. Nguồn: Viện Khoa học Lao động và Xã hội.
Bớt đi tham quan nước ngoài, dành tiền cho dự báo
- Là Bộ quản lý chuyên ngành về lao động, theo ông biện pháp cần làm hiện nay là gì để thay đổi thực tế buồn đó?
- Chúng ta nói phải đào tạo theo tín hiệu và nhu cầu thị trường, vậy việc tổ chức thông tin thị trường hiện nay đã ổn chưa? Hàng quý chúng ta điều tra lao động việc làm, và chúng tôi xuất bản bản tin cập nhật thị trường lao động. Tuy nhiên, những kết quả điều tra chỉ chụp lại diễn biến thị trường trong quý đã qua, không nhìn được tương lai sẽ thế nào.
Dự báo thị trường lao động rất khó, vì luôn biến động cùng công nghệ sản xuất, có nghề hôm nay tồn tại nhưng ngày mai không còn nữa. Ví dụ điển hình là nghề đánh máy, trực điện thoại, trước đây có nhưng nay ai cũng có máy tính, điện thoại nên không cần tới những nghề đó nữa. Do đó, các kế hoạch dài hạn nếu quá cứng nhắc sẽ không bao giờ hiệu quả. Thông thường, các nước cũng chỉ dự báo thị trường lao động trong khoảng 3-5 năm, tương ứng với số năm học cao đẳng, đại học của mỗi người.
Chúng ta có thể chi hàng nghìn tỷ đồng cho giáo dục đào tạo, nhưng chúng ta chi rất ít tiền, thậm chí không bố trí vốn cho hệ thống nắm bắt thông tin thị trường lao động. Vì vậy, nếu chưa biết tín hiệu thị trường lao động ra sao vẫn đào tạo, câu chuyện hiệu quả đào tạo thấp là đương nhiên.
Chúng ta cũng có những đề án đồ sộ để đào tạo cho hội nhập. Có lẽ, thay vì việc đưa các đoàn tham quan, học hỏi rộng rãi ở nước ngoài, chúng ta hãy lựa chọn các chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực để làm tốt việc dự báo thị trường nhân lực.
Tôi không phủ nhận việc tổ chức các đoàn học kinh nghiệm nước ngoài giúp có những chuyên gia thật sự. Tuy nhiên, việc đi nước ngoài học hỏi trong thời gian ngắn (chỉ vài ngày – PV) như vậy kết quả thu được cũng không nhiều. Đã tới lúc cần dành nguồn ngân sách thỏa đáng cho công tác dự báo thị trường lao động.
- Vậy, theo ông trách nhiệm dự báo thuộc đơn vị nào?
- Nhu cầu lao động xuất hiện từ các doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp, hiệp hội cũng cần thấy trách nhiệm trong cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng trong tương lai. Từ thông tin doanh nghiệp, các cơ quan quản lý biết nhu cầu thị trường để phân bổ nguồn lực cho đào tạo, định hướng nghề nghiệp, qua đó đáp ứng đúng nhu cầu thị trường và giảm thất nghiệp.
Công việc dự báo, định hướng nghề nghiệp không thể tách rời các bộ quản lý chuyên ngành, như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan thống kê… và sự chia sẻ của doanh nghiệp. Một đất nước không ai muốn người dân không có việc làm.
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2015 vừa được Bộ LĐ-TB&XH công bố, trong quý cả nước có hơn 1,1 triệu lao động thất nghiệp. Trong đó, có hơn 483.000 người thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật (có bằng cấp).
Đặc biệt, cả nước có tới 403.000 người học chuyên nghiệp (từ trung cấp trở lên) thất nghiệp, cao gấp gần 7 lần người học nghề (với 57,6 nghìn người từ chứng chỉ nghề tới cao đẳng nghề) thất nghiệp. Trong đó, người có bằng đại học trở lên thất nghiệp chiếm số lượng lớn nhất, với 225,5 nghìn người (tăng 26,1 nghìn người so với quý 2/2015); xếp sau là người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, với 117,3 nghìn người thất nghiệp (tăng 24,1 nghìn người so với quý trước).
Với người học nghề thất nghiệp, người có trình độ sơ cấp thất nghiệp khoảng 33,6 nghìn người; giảm còn 23.000 người khi có trình độ trung cấp; và còn 15,1 nghìn người khi có trình độ cao đẳng nghề.
Theo Lê Hữu Việt/Tiền Phong
Nghịch lý Việt Nam: Bằng cấp càng đẹp, thất nghiệp càng cao
Các nhà quản lý về lao động cho rằng không nên chọn phương án học thạc sĩ, khi chính họ không có mục tiêu rõ ràng.
Tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong quý I.2015 là nhóm có trình độ đại học và trên đại học với gần 178.000 người trong tổng số hơn 1 triệu người thất nghiệp.
Trước thông tin trên, ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách kinh tế Tổng Liên đoàn Lao động VN cho rằng, do nhiều trường đại học được thành lập, số sinh viên ra trường tăng cao.
Hơn nữa, ông nhận định: "Doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông, qua các trường đào tạo nghề và phần lớn các doanh nghiệp muốn sử dụng lao động giá rẻ của Việt Nam để giảm chi phí giá thành. Nên lao động có trình độ đại học và trên đại học khó tìm được việc".
Ông Điều chia sẻ, sinh viên ra trường thường thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, nên cần tìm công việc, chỗ làm tương xứng năng lực của mình, như vậy tỉ lệ xin được việc sẽ cao hơn.
"Không nên chọn phương án học thạc sĩ, khi chính họ không có mục tiêu rõ ràng", ông Điều nói.
Cùng nhận định, ông Mai Kim Hoàng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư tài chính dầu khí của Tập đoàn Dầu khí VN chia sẻ, nhiều sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, học lý thuyết nhiều hơn thực hành.
Trong khi các doanh nghiệp muốn tìm người có kinh nghiệm, có thể sử dụng ngay thay vì đào tạo lại.
"Doanh nghiệp quan tâm người lao động đã làm việc ở đâu, làm được bao năm và qua những công ty nào hơn việc người lao động học cái gì, bằng cấp nào", ông Hoàng nói.
Tỷ lệ thất nghiệp nhiều ở bậc Đại học là do không có mục tiêu rõ ràng
Chỉ rõ thực trạng, bà Nguyễn Thu Hương, Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Công ty Tìm việc nhanh đưa ra nguyên nhân: "Chính bản thân sinh viên khi ra trường đặt kỳ vọng quá cao về bản thân. Tâm lý thanh niên "sính" bằng cấp và nghĩ rằng công việc này không phù hợp hoặc không đáp ứng với bằng cấp đã được đào tạo".
Phải xác định rõ mục tiêu: Ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn là hãy làm nghề hợp pháp mà có tiền sống. Mục tiêu dài hạn là bạn đi theo đam mê của mình. Nó phải được xác định dựa trên sở thích, phong cách, kỹ năng, trình độ cũng như hoàn cảnh cụ thể mỗi người.
Trước đó, trao đổi với Đất Việt, lý giải nguyên nhân về sự việc, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch, Tổng giám đốc Smartcom, cho biết: "Nguyên nhân của vấn đề này do cả chủ quan và khách quan. Về khách quan mà nói, nền kinh tế Việt Nam trải qua một thời kỳ khủng hoảng kéo dài, và gần đây mới có chút dấu hiệu hồi phục.
Chưa kể, sức sản xuất của nền kinh tế suy giảm, kéo theo sức cầu đối với lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề chuyên nghiệp cũng tụt xuống thấp.
Những năm gần đây, những sản phẩm đó đã tốt nghiệp và ra nhập thị trường lao động, thì họ trở thành những người thất nghiệp "đã qua đào tạo" chứ không phải là những người thất nghiệp "không được đào tạo" như ở thời kỳ còn thắt chặt đối với đào tạo đại học, cao đẳng và thạc sĩ.
Chính vì thế, tỉ lệ thất nghiệp của người có trình độ cao đẳng trở lên tăng cao hơn so với tỉ lệ người không có bằng cấp, chứng chỉ là hệ quả của chính sách cởi mở trong tuyển sinh cao đẳng, đại học và cao học mà thôi".
Một vấn đề khác, ông Trần Phương - Phó giám đốc thường trực Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng chỉ rõ: "Ở nước ngoài họ không quan niệm mình là TS hay có bằng cấp, mà chỉ xác định đi làm thêm có thu nhập, có thể là trực ca đêm, công việc liên quan đến cơ bắp.
Cũng có nhiều người nghĩ rằng, sau những giờ làm công việc trí tuệ giảng đường ĐH căng thẳng, muốn hài hòa đảm bảo sức khỏe, tập luyện thể thao, nhận công việc chân tay kể cả bồi bàn phục vụ.
Còn ở VN thì khác, tôi là thạc sĩ mà đi phục vụ bàn hay đứng nấu bếp, vô tình ai nhìn thấy thì ngượng, cả dư luận XH theo định hướng như vậy. Rõ ràng đội ngũ có bằng cấp vô cùng ngại và khó khăn khi lựa chọn công việc".
Để giải quyết thực trạng này, theo ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Alphabook cho hay: "Tôi nghĩ các cơ sở đào tạo cần gần và sát hơn với thực tế, nên tham vấn hoặc mời doanh nhân, nhà quản lý trực tiếp tham gia hoạch định chương trình đào tạo mới là giải pháp hiệu quả nhất.
Giai đoạn nào cũng có sự vênh này nhưng nhờ kinh tế thị trường và sự tự do rộng rãi hơn về thông tin và học thuật, nên sự gần gũi và gắn kết giưa các chính sách của nhà nước - doanh nghiệp - hệ thống giáo dục - người lao động gần hơn và nhanh điều chỉnh hơn chúng ta".
Sơn Ca(Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Bắt giữ đối tượng làm giả giấy tờ...có cả giấy đăng kí kết hôn Sau khi bắt giữ Thắng về hành vi "làm giả giấy tờ", cơ quan chức năng khám xét khẩn cấp nhà Thắng và phát hiện các bằng cấp, chứng chỉ, đăng kí xe ôtô...trong đó có cả giấy đăng kí kết hôn...giả. Cơ quan chức năng CATP Hải Phòng vừa khám phá vụ án làm giấy tờ giả số lượng lớn. Trong đó...