Vì một hành tinh khoẻ mạnh
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa biết khi nào mới kết thúc, thế giới vẫn đối mặt với tình trạng ô nhiễm, còn số người mắc các căn bệnh như ung thư, hen suyễn, tim mạch tiếp tục tăng, một Trái Đất mà ở đó từ không khí đến nước và thực phẩm đều sạch, mang lại sức khỏe và hạnh phúc cho tất cả mọi người, chính là mong muốn của bất kỳ ai.
Cảnh khô cạn tại hồ Penuelas ở Valparaiso, Chile. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lựa chọn chủ đề “Hành tinh của chúng ta, Sức khỏe của chúng ta” cho Ngày Sức khỏe thế giới (7/4) năm nay, với hy vọng có thể thu hút sự chú ý của toàn cầu vào các hành động khẩn cấp nhằm giúp hành tinh và con người cùng tồn tại một cách khỏe mạnh, qua đó kiến tạo các xã hội tập trung vào sức khỏe và hạnh phúc cho người dân.
Mỗi năm hơn 13 triệu người trên thế giới tử vong do các tác động môi trường mà lẽ ra nếu có sự hợp sức cùng nhau thì hoàn toàn có thể tránh được, trong đó có tình trạng biến đổi khí hậu. WHO khẳng định khủng hoảng khí hậu chính là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng khí hậu cũng chính là cuộc khủng hoảng sức khỏe.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, thế giới liên tục chứng kiến các hiện tượng khí hậu cực đoan, từ nắng nóng đến bão lũ, gây ảnh hưởng đến sinh kế và cuộc sống của người dân trên khắp thế giới, đẩy hàng triệu loài động thực vật trước nguy cơ tuyệt chủng, kéo theo sự sụp đổ của hệ sinh thái, mất an ninh lương thực. Báo cáo mới đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo nếu tình trạng ấm lên toàn cầu không được kiểm soát ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp thì Trái Đất sẽ đến bên bờ vực bị phá hủy và nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C, số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần.
Hiện hơn 1 tỷ người sinh sống ở các vùng ven biển trên thế giới đối mặt với nguy cơ ngập lụt do biến đổi khí hậu vào giữa thế kỷ này. Trái Đất ấm lên cũng tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, nảy nở, truyền bệnh nhanh và rộng hơn bao giờ hết. Chưa dừng lại ở đó, thế giới sẽ chứng kiến thêm khoảng 250.000 người thiệt mạng mỗi năm cũng do biến đổi khí hậu. Thực trạng này khiến Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres quan ngại thế giới “đang trên đà đi nhanh” tới thảm họa.
Video đang HOT
Rác thải nhựa trên bãi biển Đảo Cocos, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, ô nhiễm nhựa đang chạm tới mọi ngõ ngách của hành tinh, từ đáy đại dương sâu nhất, tới những ngọn núi cao nhất, xâm nhập vào chính chuỗi thức ăn của con người. Các hệ thống sản xuất thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến cao, không lành mạnh đang thúc đẩy làn sóng béo phì, tăng số người mắc ung thư và bệnh tim, đồng thời chiếm tới hơn 30% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Các xã hội khỏe mạnh chủ yếu dựa vào các hệ sinh thái hoạt động tốt để cung cấp không khí sạch, nước ngọt, thuốc men và an ninh lương thực, qua đó giúp hạn chế dịch bệnh và ổn định khí hậu. Thế nhưng, hiện ô nhiễm không khí đang được coi là rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, là nguyên nhân chính cướp đi sinh mạng của 7 triệu người trên thế giới mỗi năm.
Thống kê của WHO cho thấy hơn 90% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm vượt giới hạn an toàn, trong đó người dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình phơi nhiễm ô nhiễm không khí hơn cả. Báo cáo của IPCC cho thấy lượng khí thải carbon độc hại trong giai đoạn 2010-2019 ở mức cao chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Giới chuyên gia khẳng định ô nhiễm không khí là yếu tố hoàn toàn có thể tránh được nếu có các biện pháp quản lý tốt và chính sách phát triển hợp lý. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động, do hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, việc sử dụng nhiên liệu rắn. Kết quả là ngày càng nhiều người trên thế giới bị đột quỵ, mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, ung thư, phổi cùng các bệnh về hô hấp.
Khí thải bốc lên từ nhà máy ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của khoa học. Chưa bao giờ, con người lại có thể tìm ra các loại vaccine cùng các phương pháp điều trị khống chế virus nhanh đến vậy, nhưng cùng với đó đại dịch đã “phơi bày” những điểm yếu trong mọi lĩnh vực của xã hội. Thế giới không chỉ ghi nhận tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vaccine, “người thừa, kẻ thiếu”, mà còn khiến bất bình đẳng giới gia tăng. Báo cáo về khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy thế giới mất tới 136 năm thay vì 100 năm để thu hẹp khoảng cách giới.
Rõ ràng, khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng về sức khỏe và thế giới cần một chiến lược khẩn cấp trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, những hiểu biết của con người nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe và cách thức bảo vệ sức khỏe con người, đặc biệt là những người phải chịu tác động của biến đổi khí hậu vẫn còn những lỗ hổng đáng kể. Đó là chưa kể, mô hình của nền kinh tế hiện nay vẫn bộc lộ nhiều bất cập, dẫn tới phân phối thu nhập, của cải không công bằng, khi còn một lượng lớn người dân vẫn sống trong cảnh nghèo đói và bất ổn.
Thông qua chủ đề Ngày Sức khỏe thế giới 2022, WHO đã phát động chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, thúc đẩy hành động làm cho môi trường sạch hơn, hệ sinh thái bền vững hơn, qua đó có thể tạo dựng một hành tinh khỏe mạnh, là chỗ dựa vững chắc của mọi hoạt động của con người, từ sinh hoạt cho đến phát triển một nền kinh tế thịnh vượng. Khi hành tinh khỏe mạnh, cuộc sống của con người cũng sẽ hạnh phúc hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn và hành động của tất cả các chính phủ cũng như sự tham gia của người dân trên thế giới.
LHQ khẳng định thế giới dồn lực cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Ngày 14/2, Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) Hoesung Lee khẳng định nỗ lực của các nước trên thế giới nhằm làm chậm lại tốc độ nóng lên của Trái Đất, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay.
Cảnh khô cạn tại hồ Penuelas ở Valparaiso, Chile. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trong video gửi đến hội nghị trực tuyến với sự tham gia của đại diện hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ông Hoesung Lee cho rằng hơn bao giờ hết các nước cần chú trọng đến những nội dung sẽ được nêu trong bản đánh giá thứ hai mà IPCC sẽ công bố trong ngày 28/2. Đây là phần thứ hai trong báo cáo IPCC về tác động của tình trạng biến đổi khí hậu trong quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai.
Thế giới đang chứng kiến nhiều giống loài tuyệt chủng hoặc bên bờ tuyệt chủng, hệ sinh thái sụp đổ, các dịch bệnh truyền nhiễm bắt nguồn từ côn trùng, các đợt nắng nóng gây hậu quả thảm khốc, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt và giảm năng suất mùa màng xảy ra ngày càng tồi tệ do nhiệt độ Trái Đất tăng.
Năm 2021 ghi nhận những hình thái thời tiết cực đoan như siêu bão gây lũ lụt trên diện rộng, sóng nhiệt và cháy rừng nghiêm trọng chưa từng thấy ở cả 4 lục địa. Phần thứ 2 của báo cáo do IPCC thực hiện dự báo tất cả những hình thái thời tiết này đều tăng trong những thập kỷ tới kể cả khi vấn nạn ô nhiễm khí thải carbon, vốn đang chi phối tình trạng biến đổi khí hậu, được các nước tập trung giải quyết và đạt hiệu quả.
Hãng tin AFP của Pháp dẫn một phần nội dung đánh giá mà IPCC chuẩn bị công bố, trong đó có đoạn nhấn mạnh tính cấp thiết của việc con người cần chuẩn bị "thích ứng" với những thay đổi khí hậu, đồng nghĩa rằng phải chuẩn bị cho những hậu quả thảm khốc khó tránh khỏi như những ngày nắng nóng vượt ngưỡng chịu đựng, lũ quét và bão lũ đe dọa sự tồn vong của con người.
Giám đốc phụ trách chính sách năng lượng và khí hậu của Liên minh Các nhà khoa học Mỹ, bà Rachel Cleetus, đánh giá hiện là thời điểm hết sức đặc biệt, không phải chỉ vì ngày càng nhiều dự báo khoa học cảnh báo một tương lai ảm đạm mà còn vì thế giới đã và đang trải qua những hình thái thời tiết cực đoan, những đợt thiên tai có sức tàn phá lớn xuất hiện ngày càng nhiều. Giám đốc Chương trình Môi trường LHQ Inger Andersen lưu ý rằng biến đổi khí hậu có nguy cơ trở thành nguyên nhân chính làm giảm số lượng các loài trên Trái Đất.
Đây là bản báo cáo đánh giá thứ 6 mà IPCC công bố kể từ năm 1990. Báo cáo gồm 3 phần và mỗi phần do một nhóm chuyên gia gồm hàng trăm nhà khoa học trên thế giới tự nguyện tham gia nghiên cứu. Hồi tháng 8/2021, IPCC đã công bố phần đầu tiên trên cơ sở nghiên cứu khoa học vật lý chỉ ra rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng vượt mức 1,5 độ C (so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp) trong vòng một thập kỷ tới và bề mặt Trái Đất đã nóng lên 1,1 độ C so với mức ghi nhận vào thế kỷ 19.
Điều này chỉ ra rằng mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015 sẽ khó đạt được. Theo đó, các nước cam kết cắt giảm khí thải để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 2 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, lý tưởng nhất là ở 1,5 độ C.
Những người từng mắc COVID-19 có nguy cơ gặp các vấn đề về tim mạch Theo kết quả phân tích dữ liệu y tế ở Mỹ do các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) thực hiện, những người từng mắc COVID-19 có nguy cơ gặp phải các bệnh về tim mạch cao hơn, thậm chí sau một năm kể từ khi nhiễm bệnh. Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Nature Medicine số ra...