Vết thương của ngành giáo dục
Trong lúc vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình nóng trở lại với kết luận điều tra của các cơ quan hữu trách thì xảy ra vụ nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn học đánh hội đồng, như xát thêm muối vào vết thương chưa lành của ngành giáo dục.
Ảnh minh họa
Em N.T.H.Y, học sinh lớp 9A Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) bị bạn học cùng lớp bắt nạt đã lâu. Lý do: Khi thì vì không chép bài giúp bạn, lúc thì bởi quên đem mũ cho bạn… Người nhà em Y. kể em đã vài lần bị bạn đánh bầm tím mắt. Vụ hôm 22-3 là cao trào, cuối giờ học, Y. bị đám bạn chặn lại, 5 nữ sinh cùng lớp đã tấn công Y., lột hết quần áo của em và thay nhau đánh đấm, giẫm đạp vào mặt và đầu, chửi mắng Y. Nạn nhân chỉ biết ngồi ôm đầu chịu đòn và hét lên trong đau đớn. Clip bắt nạt em Y. được nhóm hành hung quay lại và đến ngày 29-3 thì đăng lên mạng xã hội, gây phẫn nộ trong dư luận. Trong khi đó, em Y. đã phải nhập viện điều trị tâm thần.
Từ đây mới lòi ra chuyện cô giáo chủ nhiệm lớp của N.T.H.Y có biết Y. bị chúng bạn thường xuyên bắt nạt; vụ em bị lột truồng và bạo hành tại lớp hôm 22-3 cô cũng biết, trước đó cô từng được báo em Y. bị nhiều bạn trong lớp hành hung nhưng chẳng có động thái bảo vệ, can ngăn nào…
Đây là vụ việc nghiêm trọng. Nghiêm trọng không phải nằm ở mức độ thương tích trên thân thể em Y. mà nghiêm trọng vì nó xảy ra ngay trong lớp học; đối tượng ra tay hành hung là các nữ sinh cuối cấp THCS, có hiểu biết nhất định về lối sống và pháp luật; đồng thời, nạn nhân bị ăn đòn trong thời gian dài nhưng im lặng chịu đựng giữa sự vô cảm của nhà trường (bạn học không trình báo, cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn không ai quan tâm, ban giám hiệu nhà trường cũng chẳng hay biết).
Được tin về vụ bạo hành này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên, Phòng GD-ĐT huyện Ân Thi vào cuộc. Trước mắt, thầy hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng bị đình chỉ công việc 15 ngày. Cô giáo chủ nhiệm bị điều chuyển công việc. Năm nữ sinh bạo hành em Y. bị đình chỉ học tập 1 tuần.
Video đang HOT
Vụ này có dấu hiệu hình sự khá rõ, về tội “Làm nhục người khác” theo điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo điều 134 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Dù rằng sẽ rất khó hình sự hóa vụ này vì các nữ sinh hành hung còn dưới 16 tuổi và xử lý về mặt hành chính – dân sự là khả dĩ nhưng phải áp dụng mức trừng phạt cao nhất mới đủ sức răn đe. Cô chủ nhiệm phải chịu mức kỷ luật nặng hơn, như nhiều người nói buộc thôi việc cũng là thỏa đáng. Còn đối với các nữ sinh bạo hành em Y. dữ tợn như vậy, đừng lấy lý do “đang học cuối cấp” mà nương nhẹ. Nương cho các em này thì ai nương cho nạn nhân và biết bao hậu họa khác? Hôm nay đang tuổi ăn tuổi học đã ra tay tàn độc như vậy mà không bị nghiêm trị thì mai kia làm sao nên người, đó là chưa nói sẽ dễ dàng phạm tội.
Bạo lực học đường xảy ra rất nhiều. Những vụ trò đánh trò, trò đánh thầy, cô tát trò… liên tục tái diễn. Vì sao vậy? Nguyên nhân cơ bản là vì hầu hết các vụ bạo hành đều được che giấu hoặc xử lý chiếu lệ, giơ cao đánh khẽ. Dễ dãi, dung dưỡng hành vi sai trái thì ngành GD-ĐT phải tự chịu lấy tiếng xấu về mình!
An Bang
Theo nld.com.vn
Bữa ăn bán trú an toàn - Bài 1: Kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm
Việc đảm bảo an toàn từ nguồn thực phẩm đến khâu chế biến cho bữa ăn bán trú là điều đặc biệt quan trọng.
Bếp ăn Trường mầm non Bình Trị Đông (quận Bình Tân). Ảnh: TTXVN phát
Nguồn gốc thực phẩm rõ ràng
Trường Mầm non Bình Trị Đông (quận Bình Tân) đang tổ chức bếp ăn bán trú tại trường với khoảng 430 suất cho trẻ mỗi ngày. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, cô Nguyễn Thị Thanh Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bếp ăn được tổ chức theo đúng quy trình một chiều, từ khâu tiếp phẩm đến chế biến và chia thức ăn. Nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn được đảm bảo nguồn gốc rõ ràng từ công ty được kiểm định. Trường cũng thành lập Ban An toàn thực phẩm gồm ban giám hiệu nhà trường, 1 cấp dưỡng, 1 kế toán và 1 nhân viên y tế để thực hiện các khâu từ tiếp phẩm, giám sát chế biến, lưu nghiệm... Cùng với đó, 7 cấp dưỡng của trường được tập huấn thường xuyên kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật nấu ăn.
Còn Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Bình Tân) đang thực hiện phương thức ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài đến nấu ăn tại trường. Thầy Lê Thành Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành giáo dục, trong đó, trách nhiệm của nhà trường là rất lớn. Để thực hiện công tác này, nhà trường thành lập Ban Chỉ đạo về công tác an toàn thực phẩm trong trường, phân công rõ ràng nhiệm vụ cho từng thành viên. Cùng với kiểm soát thực phẩm đầu vào, quá trình chế biến theo quy trình bếp ăn một chiều đảm bảo vệ sinh. Trường cũng lắp camera để hiệu trưởng theo dõi thường xuyên quá trình chế biến thức ăn, phân chia thức ăn và các hoạt động diễn ra trong bếp ăn, nhà ăn.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Bình Tân chia sẻ, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học, ngay từ đầu năm học Phòng đã triển khai nghiêm túc nhiệm vụ đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn bán trú trong nhà trường. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo nguồn lực để củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất và các điều kiện, đáp ứng nhu cầu gửi bán trú của phụ huynh học sinh, nâng cao chất lượng công tác bán trú. Trong đó, tại các trường học đều thành lập Ban An toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra giám sát các đơn vị cung cấp thực phẩm, căng - tin trường học. Các trường hợp đồng với cơ sở cung cấp thức ăn sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm tươi sống thuộc chuỗi thực phẩm an toàn hoặc chứng nhận VietGAP, GlobalGAP để chế biến món ăn.
Cùng với hình thức tổ chức bếp ăn bán trú, ở hầu hết các trường đều có căng - tin phục vụ nhu cầu của học sinh. Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) cũng đang ký hợp đồng với một công ty để cung cấp thực phẩm cho căn tin trong trường. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, mặc dù không tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh nhưng để đảm bảo an toàn thực phẩm trong căng - tin của trường, nhà trường chỉ ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm chất lượng, được kiểm định. Cùng với cam kết của đơn vị cung cấp đảm bảo nguồn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trường cũng thường xuyên giám sát...
Cân bằng dinh dưỡng
Khâu chia thức ăn tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Bình Tân). Ảnh: Thu Hoài/TTXVN
Song song với việc phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, việc cung cấp bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ cũng cần được chú trọng với thực đơn khoa học, đảm bảo cho trẻ phát triển khỏe mạnh. Theo ông Trần Nguyên Thục, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, thực đơn bữa ăn bán trú cho học sinh được quy định rõ ràng theo phần mềm dinh dưỡng do Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Dinh dưỡng Quốc gia xây dựng. Sở đã triển khai phần mềm dinh dưỡng này đến các địa phương từ năm 2016. Những trường không thực hiện theo phần mềm dinh dưỡng này sẽ có một bộ phận phụ trách cấp dưỡng chịu trách nhiệm chính về việc lên thực đơn cho học sinh hàng ngày.
Thầy Lê Thành Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Bình Tân) cho biết, việc đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong thực đơn mỗi bữa ăn rất quan trọng nhằm đảm bảo cho trẻ phát triển khỏe mạnh. Trường đang thực hiện theo phần mềm bằng dinh dưỡng với thực đơn thay đổi hàng ngày. Trong đó, Hiệu trưởng có trách nhiệm giám sát, ký duyệt thực đơn hàng tuần, hàng tháng.
Thực tế, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiếp tục lan rộng khiến nhiều phụ huynh lo lắng về sự an toàn trong mỗi bữa ăn của trẻ tại trường. "Cả tuần nay, rất nhiều phụ huynh đến trường và bày tỏ mong muốn nhà trường loại bỏ thịt lợn trong thực đơn bữa ăn hàng ngày tại trường, do lo sợ dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nhà trường không chủ trương "bài trừ" loại thực phẩm này, mà yêu cầu đơn vị đối tác phải cam kết, đảm bảo cung cấp thực phẩm vào trường có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để phụ huynh yên tâm. Bởi trẻ vẫn cần thực đơn đa dạng để cân bằng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn" - cô Nguyễn Thị Thanh Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Trị Đông (quận Bình Tân) bày tỏ.
Trong khi đó, trước yêu cầu của nhiều phụ huynh, một số trường tư thục đã linh hoạt loại bỏ thịt lợn trong thực đơn bán trú. Về vấn đề này, ông Trần Nguyên Thục, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành giáo dục và đào tạo thành phố tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát nguồn thực phẩm vào các bếp ăn ở các trường học, đồng thời đề nghị các trường học chú ý trong việc lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, Sở không chỉ đạo loại bỏ hoàn toàn thịt lợn trong bữa ăn bán trú mà khuyến cáo các đơn vị chú trọng lựa chọn nguồn thực phẩm đạt chuẩn và đảm bảo truy xuất được nguồn gốc rõ ràng để tránh tình trạng ngộ độc cho học sinh.
Bài 2: Phối hợp chặt chẽ trong quản lý, giám sát
Thu Hoài - Đinh Hằng
Theo TTXVN
Những màn chống gian lận thi cử 'bá đạo' theo phong cách các nước trên thế giới Chống gian lận thi cử không chỉ là giám thị nghiêm, kiểm tra chặt chẽ mà các trường học trên toàn thế giới còn nghĩ ra đủ các phương pháp độc, lạ áp dụng vào kỳ thi khiến học sinh không dám 'ho he'. Ở bất cứ nước nào cũng vậy, gian lận thi cử là vấn nạn xảy ra không ít và...