Về U Minh ăn cá
Về U Minh -Cà Mau “câu cá”, hoà mình với thiên nhiên hoang dã, ăn cá đồng “nướng lèo” như thời khẩn hoang là một lựa chọn thú vị! Bạn có thể làm một chuyến “phượt” ( du lịch bụi) về đồng bằng sông Cửu Long nếu như đã có ý tưởng.
Trước tiên bạn ghé Vườn Quốc gia U Minh Thượng…
Từ ngã ba Rạch Sỏi (Rạch Giá), rẽ trái qua phà Tắc Cậu, đi khoảng 20 km rẽ về Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Đi thêm khoảng non 20 km nữa chúng ta sẽ đến khu vực vùng đệm của rừng U Minh Thượng. Rừng nằm trong địa giới của các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang. Động, thực vật trong rừng rất phong phú, với 252 loài thực vật, 202 loài côn trùng, 24 loài thú, 185 loài chim.
Thưởng thức ẩm thực Nam Bộ giữa rừng U Minh Hạ.
Từ ngoài vùng đệm, đi sâu thêm 8 km vào trong vùng lõi của U Minh Thượng có rừng tràm nguyên sinh dầy đặc với nhiều gốc tràm có đường kính trên 60 cm. Các loài cây như: choại, dớn, sậy, mua, trâm bầu hiện diện khắp nơi trong rừng, tạo nên sự đa dạng sinh học…
Đường lộ nhựa xe 4 bánh đã chạy vào tận đây. Tại hồ Hoa Mai (trung tâm của Vườn Quốc gia U Minh Thượng) hiện đang có một đội tàu đưa khách đi tham quan rừng với giá vé 30.000 đồng/người.
Những chiếc “vỏ lãi” sẽ đưa khách thâm nhập vào sâu những ngõ ngách của U Minh rợp bóng tràm xanh. Khách sẽ chứng kiến vô vàn loài chim, thú… Vào mùa nước nổi, vỏ lãi nhỏ có thể len lỏi, lau lách trong rừng khá dễ dàng. Mùa khô, khách có thể đi trên những mặt đất phập phều với cảm giác thú vị.
Sau khi mua vé câu cá 40.000 đồng, du hành len lỏi trong rừng, trên những kinh rạch dài hút mắt, đầy bèo dại và lục bình, ngắm nhìn những dải lau sậy ngút ngàn, điểm xuyến những chùm hoa mua tím thơ mộng… bạn có thể tìm một chỗ “đắc địa” để buông câu làm ngư phủ và hãy kiên nhẫn chờ “cá cắn câu”…
Video đang HOT
Chiều ở rừng U Minh Thượng, bạn sẽ được chứng kiến các loài chim bay rợp trời về tổ, và có thể nghe xa xa tiếng hú của lũ khỉ, tiếng chim ríu rít gọi đàn giữa một khung cảnh hoang sơ, lãng mạn…
Chúng ta trở về khu nhà hàng của Vườn Quốc gia U Minh, bạn sẽ thưởng thức những món ăn đồng quê dân dã và cách chế biến thức ăn độc đáo từ những sản vật của rừng U Minh.
Tìm thưởng thức những món tươi, ngon, lạ của vùng đất phương Nam sẽ cho bạn nhiều thú vị với nghệ thuật ẩm thực dân dã nhưng không kém phần độc đáo. Cá được chế biến bằng nhiều cách, tự nhiên, đơn giản như: nướng trui, nướng rơm, nướng than hồng, nướng vĩ; nấu canh chua cơm mẻ, xoài, me, khế, trái bần, trái giác;…
Khách tham quan có thể ngủ lại qua đêm trong những nhà bán kiên cố nhưng rất “U Minh” ở hồ Hoa Mai. Đêm đến, bạn có thể thấy được những chú heo rừng và cầy cáo cẩn trọng, sục sạo kiếm ăn trên những con đường mòn, những triền bãi lau sậy dọc bờ kinh… Đặc biệt, loài khỉ ở đây rất dạn dĩ, chúng ưa tò mò, rón rén rình xem bạn đang làm gì!
Từ giã U Minh Thượng, ta có thể đi U Minh Hạ qua ngã Vĩnh Thuận (Quốc lộ 63). Đến U Minh Hạ bạn có thể thuê thuyền bơi sâu vào trong rừng để câu cá. Thường vào mùa hè và những ngày cuối tuần có khá nhiều khách ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác về thưởng thức thú ẩm thực rừng và câu cá thư giãn.
Vỏ lãi sẽ chở “ngư phủ” bỏ từng điểm trong rừng và hẹn giờ rước nhưng không quá 12 tiếng đồng hồ, nếu may, du khách có thể câu dính nhiều chú cá lóc hoặc cá bông trên dưới 1 kg, hoặc có khi nặng hơn là chuyện không phải hiếm.
Ở U Minh Hạ, cá tự nhiên còn khá nhiều do rừng được bảo tồn nghiêm nhặt. Cá rô, nếu câu khéo, có thể dính đến 2 kg đủ mua vé vào câu hoặc có thể còn “lời” hơn!
Thật thú vị, bạn sẽ có cảm giác như sống lại thời khẩn hoang khi ngồi dưới tán rừng tràm nướng cá lóc, rắn bông súng chấm với muối hột đâm nát, dầm ớt hiểm xanh nhậu lai rai! Rau rừng ở đây rất phong phú, du khách có thể tìm hái đọt choại, lá sen non, bông súng ma, rau mác, bông lục bình… hầu như có khắp nơi.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích 8.527,8 ha, trong đó phân khu du lịch hành chính rộng 819,4 ha. Đây là khu vực có hệ sinh thái mang nét độc đáo của vùng đất ngập nước, úng phèn trên lớp than bùn. Thực vật ở đây có khoảng 79 loài, đặc trưng nhất là cây tràm và các loại dây leo.
Hệ động vật tương đối phong phú. Hiện nay, nơi đây đã có nhiều hạng mục công trình như: khu văn hoá truyền thống, đài quan sát, nhà hàng ẩm thực dân gian, bến bãi câu cá và các công trình phục vụ vui chơi giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu khách du lịch ngày càng tăng.
… Khi đêm về, ngồi quanh bếp lửa hồng trong rừng tràm hay ngả lưng trên chiếc ghế mây của khu nhà sàn ẩm thực, du khách sẽ được nghe những người dân địa phương, những “lão lâm” một thời ngang dọc trên những cánh rừng bạt ngàn tràm hoang, lau sậy kể chuyện đường rừng.
Giữa rừng khuya hoang vắng lạnh lẽo, bên ánh lửa bập bùng nghe tiếng gió thổi vi vu qua đồng bưng, đầm lầy cùng với thi thoảng tiếng chim kêu, khỉ hú, du khách như thấy lại thời quá khứ, thuở tiền nhân ta khai khẩn đất phương Nam./.
Theo Đặng Hoàng Thám (Cà Mau Online)
Cá cấn kho lá nén, món ngon xứ Quảng
Cá cấn kho lá nén là "món ăn nhà nghèo", nhưng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người miền Trung, nhất là những đứa con xa quê hương lâu ngày.
Cá cấn là loại cá đồng, thường sống thành từng đàn trong các con lạch nhỏ ở vùng quê miền Trung. Cá nhiều nhất là vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, khi những con mưa cuối mùa xuất hiện, cá cấn theo dòng nước len lỏi trong các đồng ruộng hay những con lạch, suối nhỏ. Những ngày này, thế nào trong bữa cơm của người dân xứ Quảng cũng có nồi cá cấn kho.
Mùa cá cấn xuất hiện trên đồng cũng là lúc những vồng nén (một loại củ làm gia vị của miền Trung) bắt đầu xanh mướt. Đây là nguyên liệu chính làm nên nồi cá cấn kho thơm ngon và hoàn hảo. Bởi lá nén hơi hăng nồng, nhiều người không ăn được, nhưng khi kết hợp với cá cấn thì lại bắt vị hơn cả.
Cá cấn bắt về con tươi sống, để nguyên con, rửa sạch và kho với lá nén.
Để có một nồi cá cấn kho "đúng điệu", những bà nội trợ ở quê phải dậy thật sớm, đứng chờ những người đi đơm cá sớm mai về để mua cho được những chén cá cấn còn tươi sống đang nhảy lách tách trong rổ. Cá cấn chỉ bằng ngón tay út, con to nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái, không béo, không nhiều thịt. Tuy nhiên, qua bàn tay chế biến khéo léo của những người phụ nữ ở đây, cá cấn lại trở thành món tốn cơm nhất trong những ngày mưa dầm gió lạnh cuối năm.
Mua được cá cấn về, cho vào nước rửa nhẹ nhàng cho hết nhớt, vớt ra rổ để ráo. Gia vị kho món ăn này là nghệ tươi, hành, tỏi, các loại gia vị và dĩ nhiên là không thể thiếu củ nén. Đi ra vườn nhà, nhổ bụi nén còn nguyên củ rửa sạch. Nghệ tươi, củ nén, hành tỏi ..tất cả đâm nhuyễn ướp đều vào cá kèm mắm muối. Lá nén rửa sạch, xắt khúc lót dưới đáy nồi, cứ thế một lớp cá, một lớp lá nén xếp đều đặn trong nồi đất.
Trộn đều cá cấn với các loại gia vị và kho trong nồi đất.
Cá ướp xong thường được để từ nửa tiếng đến một giờ cho ngấm gia vị rồi đặt lên bếp lửa. Trên bếp than liu riu, mùi cá kho quyện mùi nén, mùi nghệ thơm lừng một góc bếp. Khi nước vừa rút hết, cho vài muỗng dầu phụng nguyên chất và ít tiêu hột đâm nhuyễn lên trên là nồi cá kho đã hoàn thành.
Bữa cơm ngày đông, mở vung cá kho đã thấy ấm áp và thơm lừng cả gian nhà. Từng con cá nho nhỏ vàng ươm màu nghệ và thơm nồng hương lá nén rất hấp dẫn. Cá kho nguyên mật có vị hơi nhân nhẩn đắng, nhưng sau đó là vị ngọt nhẹ rất ngon. Cá cấn kho lá nén bình dị và đơn giản vậy thôi, nhưng hương vị thơm ngon của nó thì thấm vào trong từng kỉ niệm, để rồi khi xa quê, những chiều đông lạnh lại thấy nhớ đến nao lòng hương thơm của món ăn này.
Bài và ảnh: Như Diệu
Theo VNE
Đến Cà Mau căng bụng với ẩm thực biển, rừng Hiện nay, đến huyện U Minh (Cà Mau), bạn sẽ được thưởng thức đặc sản biển, rừng. Hải sản thì nhiều, nhưng người địa phương "ưa" đãi bạn một món hết sức phổ thông là hẹ bông xào mực. Tiếp theo, bạn sẽ được thưởng thức đặc sản cá đồng. U Minh là xứ nổi tiếng chụp đìa vào những tháng cận Tết...