Vệ tinh bí mật của Nga nổ tung trên quỹ đạo
Lực lượng Không gian Mỹ thông báo một vệ tinh Nga thực hiện nhiệm vụ bí ẩn, đã nổ tung trên quỹ đạo địa cầu và tạo ra đám mây mảnh vỡ có thể đe dọa các vệ tinh khác trong suốt một thế kỷ.
Mô phỏng sự cố một vệ tinh nổ tung trên quỹ đạo trái đất . ESA
Phi đoàn Phòng thủ Không gian số 18 thuộc Lực lượng Không gian Mỹ đầu tuần thông báo trên Twitter về việc một vệ tinh có tên gọi Kosmos 2499 đã nổ tung thành 85 mảnh, theo báo điện tử Insider hôm 8.2.
Những vụ va chạm trước đây khiến một số vệ tinh nổ tung từng tạo ra những đám mây mảnh vỡ ở phạm vi lớn hơn và nguy hiểm hơn trên quỹ đạo. Tuy nhiên, các mảnh vỡ của Kosmos 2499 đang xoay quanh trái đất ở độ cao 1.200 km và vì thế Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho rằng chúng sẽ bám trụ trên quỹ đạo khoảng 1 thế kỷ hoặc hơn.
Kosmos 2499 là một trong ba vệ tinh được Nga phóng một cách bí mật từ năm 2013 đến 2015. Kể từ đó, vệ tinh được cho thực hiện những chuyển động và thao tác “đáng nghi ngờ” trên quỹ đạo.
Khởi đầu bí ẩn
Video đang HOT
Ngày 25.12.2013, Nga phóng tên lửa đẩy Rokot cỡ nhỏ từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở Mirny, cách Moscow khoảng 800 km về hướng bắc. Tổng cộng 3 vệ tinh liên lạc được mang theo trong lần phóng này.
Ban đầu, vụ phóng diễn ra bình thường, cho đến khi các bên theo dõi không gian phát hiện Rokot đưa vật thể thứ 4 vào quỹ đạo, theo nhà báo Anatoly Zak đưa tin trên trang Russianspaceweb.com.
Vài tháng sau, Nga thừa nhận trước Liên Hiệp Quốc về việc phóng vệ tinh thứ tư, tên gọi Kosmos 2491. Không rõ hoạt động của vệ tinh này.
Tháng 5.2014, Nga tiếp tục phóng vệ tinh bí ẩn và nó nhanh chóng tự di chuyển trên quỹ đạo, hạ thấp và nâng độ cao cho đến khi tiến gần tầng tên lửa đã đưa nó vào quỹ đạo. Quân đội Mỹ đặt tên cho vệ tinh này là Kosmos 2499.
Trong gần nửa năm, vệ tinh bí ẩn bám theo tầng tên lửa và lặp lại việc thu ngắn khoảng cách với mục tiêu. Kế đến, Kosmos 2499 truyền dữ liệu về trái đất bằng mã Morse.
Hành vi kỳ lạ của Kosmos 2499 khiến Mỹ hoài nghi Nga lúc đó thử nghiệm công nghệ theo dấu các vệ tinh khác, trang Space.com đưa tin.
Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) khi đó là ông Oleg Ostapenko vào tháng 12.2014 trấn an thế giới rằng Kosmos 2491 và Kosmos 2499 không phải là “vũ khí diệt vệ tinh”.
Đến năm sau, một vệ tinh bí ẩn khác được Nga phóng vào quỹ đạo, chưa rõ tên.
Vệ tinh bí ẩn đầu tiên là Kosmos 2491 đã vỡ tung vào năm 2019. Đến tháng 2 năm nay, Kosmos 2499 vừa chịu chung số phận.
Lực lượng Không gian Mỹ chưa rõ nguyên nhân khiến hai vệ tinh này nổ tung.
Mỹ không phát hiện được 4 khinh khí cầu trước đây của Trung Quốc
Chỉ huy Bộ tư lệnh Phòng thủ Hàng không vũ trụ Bắc Mỹ và Bộ tư lệnh phương Bắc của Mỹ (NORTHCOM) xác nhận các khinh khí cầu nghi của Trung Quốc đã bay qua Mỹ ít nhất ba lần dưới thời Tổng thống Donald Trump và một lần trước đó dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua không phận Billings, Montana, Mỹ ngày 2/2. Ảnh: AFP/TTXVN
"Tôi phải nói với các bạn rằng chúng tôi đã không phát hiện ra những mối đe dọa đó. Đó là lỗ hổng về mức độ cảnh giác mà chúng tôi phải tìm ra", Tướng Glen VanHerck phát biểu trong cuộc họp báo ngày 6/2 và từ chối giải thích chi tiết thêm về vị trí của những quả khinh khí cầu trước đó.
Nhà chức trách nói thêm tình báo Mỹ đã xác định được những lần bay của khinh khí cầu trước đó sau khi thu thập thêm thông tin bổ sung.
Về phần mình, cựu Tổng thống Trump phủ nhận sự việc 3 lần khinh khí cầu nghi của Trung Quốc bay trên bầu trời nước Mỹ mà không bị phát hiện khi ông còn đương nhiệm. Thay vào đó, ông Trump lại lên tiếng chỉ trích chính quyền hiện tại.
Thông tin trên được công bố trong bối cảnh Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ thông báo rằng họ đã thiết lập một khu vực an ninh tạm thời ở vùng biển ngoài khơi bãi biển Surfside, bang Nam Carolina - nơi khinh khí cầu bị bắn hạ - để đội thợ lặn của Hải quân Mỹ tìm cách thu hồi các mảnh vỡ.
"Các mảnh vỡ chủ yếu rơi xuống độ sâu 14 mét. Công tác thu hồi các mảnh vỡ được đánh giá là tương đối dễ dàng. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho các mảnh vỡ trong trường hợp rơi xuống vùng nước sâu hơn nhiều", Tướng VanHerck nói, đồng thời cho biết thêm mảnh vỡ sẽ rải rác ít nhất trong bán kính 11 km.
Tuần trước, một khinh khí cầu của Trung Quốc mà Mỹ khẳng định làm nhiệm vụ do thám, đã được phát hiện ở bang Montana của Mỹ và bị máy bay chiến đấu F-22 bắn hạ ngày 4/2.
Vụ việc đã đẩy quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh rơi xuống một cấp độ mới khi Trung Quốc khẳng định khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng. Bắc Kinh nhấn mạnh việc khinh khí cầu dân sự này xuất hiện trong không phận Mỹ là ngoài ý muốn, do ảnh hưởng của gió và khả năng tự điều chỉnh hạn chế nên khinh khí cầu đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến.
Vụ việc vẫn gây ra tranh cãi ngoại giao, khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến công du tới Trung Quốc.
Hàn Quốc lên kế hoạch phóng vệ tinh đa năng vào cuối năm 2023 Vụ phóng vệ tinh đa năng Arirang 6 dự kiến được tiến hành vào quý 4 năm nay vì Vega-C vẫn đang được điều tra về lý do mất kết nối trong lần phóng ra mắt hồi tháng 12 năm ngoái. Vệ tinh Arirang 5 của Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap) Ngày 1/2, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin-Truyền thông Hàn Quốc...