‘Vẽ đường’ cho học sinh xài smartphone, iPad nổi không, hay cứ cấm?
‘Tiết chào cờ trường em có các buổi sinh hoạt về nhiều vấn đề nhưng chưa bao giờ định hướng, nhắc nhở học sinh đừng lạm dụng martphone hay iPad’.
Nhiều trẻ em ở Việt Nam được tiếp xúc với smartphone, Ipad từ nhỏ – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là tâm sự của một học sinh lớp 10 trường điểm tại TP.HCM. Học sinh này cho biết bạn bè em thường lạm dụng smartphone và Ipad quá mức mà không ý thức được tác hại của nó.
“Lúc nào các bạn cũng phải có smartphone bên mình. Ngoài giờ học, các bạn xài smartphone mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi ăn hay đi vệ sinh, có bạn học bài cũng kè kè smartphone”- học sinh này nói.
“Thả” con ngay từ nhỏ
Huỳnh Ngọc Kathy đang học lớp 12 tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. 3 em trai của Kathy, một bé học lớp 7, một bé lớp 1 và bé út vừa tròn 1 tuổi.
Ba mẹ Kathy hầu như “thả” các con trong thế giới smartphone và iPad. Mỗi lần bé út ăn, ba mẹ đều lấy iPad ra dụ bé.
Còn bé lớp 7 thích chơi game, cứ vừa đi học về là mở iPad chơi game. Bé lớp 1 cũng hay coi Youtube và chơi game linh tinh trên máy. Nếu không có máy chơi hoặc máy hết pin, bé sẽ đòi cho bằng được, nếu không bé sẽ ăn vạ, phá đồ chơi.
“Hồi nhỏ mỗi lần bé ăn là ba mẹ hay đưa iPad để dụ bé ăn. Sợ bé đi lung tung phá phách và cũng không có thời gian chăm nên ba mẹ cứ đưa iPad cho bé để bé ngồi yên. Riết rồi thành thói quen khó bỏ tới giờ luôn” – Kathy chia sẻ.
Ba mẹ em cũng không đặt ra quy định sử dụng thiết bị điện tử với các em nên các em mặc sức sử dụng.
“Trước đây, ba mẹ còn có quy định tịch thu điện thoại lúc 22h đêm, nhưng dần không còn nữa. Đôi lúc ba mẹ có nhắc nhở khi thấy tụi nhỏ chơi quá nhiều nhưng kiểu nhắc cho có” – Kathy nói.
Hình ảnh thường gặp của trẻ em hiện nay: ngồi với nhau nhưng không trò chuyện mà mỗi em một máy – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trường học nơi cấm nơi không
Video đang HOT
Tại trường Kathy đang theo học, nhà trường quy định không được dùng điện thoại, iPad hay máy tính trong giờ học (trừ những giờ học đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin), còn giờ ra chơi và nghỉ trưa học sinh dùng bình thường.
Nếu bị phát hiện dùng thiết bị điện tử trong giờ học, học sinh sẽ bị hạ hạnh kiểm và tịch thu thiết bị, đến khi nào phụ huynh gửi giấy cam kết mới được nhận lại.
Thế là học sinh tranh thủ giờ ra chơi để xài smartphone, chơi game. Có em bỏ ăn sáng, em thì giờ nghỉ trưa ngồi hành lang chơi game tới tận chiều đi học… Nhiều em dù đã vào tiết vẫn lén chơi. Giáo viên dễ tính chỉ nhắc nhở hoặc cho qua, giáo viên khó tính thì tịch thu SIM, pin điện thoại hoặc đưa xuống giám thị.
Một nữ sinh THCS thì cho biết trường em có nội quy khắt khe hơn: học sinh không được mang điện thoại, iPad, máy tính đi học. Nếu vi phạm sẽ bị tịch thu máy đến hết học kỳ. Nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất các lớp học.
“Thầy cô em thỉnh thoảng có nói qua về việc dùng điện thoại, iPad chứ không hướng dẫn sử dụng như thế nào. Chỉ khuyên sử dụng ít lại và tránh lạm dụng thôi” – nữ sinh này chia sẻ.
“Em mong nhà trường có định hướng và hướng dẫn cụ thể việc sử dụng smartphone, iPad cho chúng em, như sử dụng như thế nào thì hiệu quả vì có những tiết học ứng dụng công nghệ thông tin chúng em cần thực hành. Nên giáo dục từ cấp THCS vì lúc này học sinh ý thức cao hơn mấy bé mầm non và tiểu học.
Còn về phần mấy bé nhỏ, cần có sự quan tâm, giáo dục nghiêm túc từ gia đình. Em thấy phụ huynh là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều trẻ nghiện smartphone. Phụ huynh cần trang bị kiến thức cho chính mình, lựa chọn trò chơi trên thiết bị và giới hạn sử dụng cho trẻ” – Kathy nêu ý kiến.
Trẻ em ở Việt Nam được tiếp xúc với smartphone, iPad từ nhỏ – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khó “vẽ đường” cho học sinh xài smartphone, iPad?
Theo một giáo viên giảng dạy lâu năm ở TP.HCM, hiện nay, hầu hết các trường công và trường tư đều cấm học sinh sử dụng smartphone và iPad trong trường.
Một số trường cấm nhưng không siết chặt, học sinh vẫn lén sử dụng. Một số trường lại thực hiện cực kỳ nghiêm khắc: học sinh chỉ được sử dụng laptop, iPad trong những tiết được yêu cầu (những tiết này đều được thông báo đến phụ huynh), sau tiết học đó học sinh sẽ phải tự bảo quản thiết bị và không được sử dụng tiếp tục trong những tiết học khác.
“Vì những giới hạn về cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế nên không phải học sinh nào cũng có iPad và nhà trường cũng không có khả năng cung cấp iPad đầy đủ cho các em nên rất khó “vẽ đường” cho học trò sử dụng iPad trong các tiết học STEM hay trong giờ học như các nước phát triển” – giáo viên này cho biết.
Theo tuoitre
Hiệu trưởng trường tư là ai?: Dễ 'mất ghế' mà không cần lý do!
Chỉ sau 4 tháng được bổ nhiệm, hiệu trưởng một trường ĐH tư thục phải viết đơn từ nhiệm. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp cho thấy làm người đứng đầu một trường tư không phải chuyện đơn giản.
Ngày 1.3.2017, Trường ĐH Hoa Sen chuyển giao từ HĐQT cũ sang mới. Sau đó, PGS-TS Lưu Tiến Hiệp làm hiệu trưởng thay TS Bùi Trân Phượng - ĐĂNG NGUYÊN
Áp lực từ nhiều phía
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho biết hiệu trưởng trường công qua làm hiệu trưởng trường tư sẽ có nhiều khó khăn nhất định. Trường tư tự chủ mọi thứ, trong khi hiện nay chỉ có một ít trường công thí điểm tự chủ chủ yếu về tài chính. Dịch chuyển từ trường công sang trường tự chủ hoàn toàn là một điều khó khăn. Chưa kể khác nhau về tâm lý quản trị. Trường công làm những gì được phép còn trường tư làm những gì không cấm. Nếu không thay đổi tư duy thì không kịp đổi mới, sáng tạo.
"Áp lực của trường tư cũng rất lớn. Một là hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm theo quy định chung như trường công. Hai là phải chịu trách nhiệm trước cổ đông, HĐQT. Ba là áp lực về tuyển sinh, đào tạo, giảng viên... Chỉ một trong 3 áp lực này không được hài lòng thì hiệu trưởng trường tư rất dễ phải chia tay trường. Đối với cơ quan nhà nước, muốn cho hiệu trưởng nghỉ việc phải có lý do rất chính đáng, thuyết phục cơ quan cấp trên. Trong khi đó, với trường ĐH tư thục, HĐQT cho hiệu trưởng nghỉ đôi khi không cần lý do gì", ông Tùng cho biết.
Nguyên hiệu trưởng trường công đang được mời về Trường ĐH Hoa Sen cho biết đây thật sự là một thử thách lớn. Lý do là khi làm hiệu trưởng trường công, chỉ phải lo những việc lớn, bao quát. Nếu làm hiệu trưởng trường tư, phải lo lắng cả những chuyện rất cụ thể như tuyển sinh, doanh số... Nhà đầu tư sẽ đưa ra những chỉ tiêu và hiệu trưởng phải cam kết đảm bảo những điều này.
"Thay ngựa giữa dòng" - chuyện bình thường
Ngày 12.7, UBND TP.HCM chính thức công nhận tiến sĩ Trần Đan Thư là Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen khi ông là Trưởng khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Nhưng chỉ 4 tháng sau, khi chỉ mới đủ thời gian làm quen và vạch ra những chiến lược phát triển mới thì trường này đổi chủ. Những người chủ mới có kế hoạch khác và cần hiệu trưởng khác phù hợp hơn nên tiến sĩ Thư từ nhiệm như một lẽ tất nhiên.
Vị trí hiệu trưởng một trường ĐH tư thục có tên tuổi như Trường ĐH Hoa Sen thật sự là "ghế nóng". Việc "thay ngựa giữa dòng" ở trường này đã từng diễn ra trước đó với nhiều tranh cãi. Ví dụ trường hợp tiến sĩ Bùi Trân Phượng, nguyên hiệu trưởng, người gắn bó với trường từ khi còn là một trường nghiệp vụ tin học và quản lý lên CĐ bán công và ĐH tư thục. Sự xuất hiện của những người mới sở hữu đa số cổ phần tại trường kéo theo sự thay đổi vị trí hiệu trưởng khi chưa hết nhiệm kỳ 2012 - 2017.
Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM cũng trải qua những cuộc thay đổi tương tự. Mặc dù được UBND TP.HCM công nhận chức vụ hiệu trưởng nhiệm kỳ 2016 - 2021 nhưng chỉ mới năm 2018, tiến sĩ Tạ Thị Kiều An đã viết đơn xin từ nhiệm. Người thay thế bà là PGS-TS Đỗ Văn Xê, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ. Tuy không nói rõ lý do nhưng theo các nhân viên trong trường, bà An chịu áp lực khá nặng nề từ HĐQT về sự phát triển của trường.
Việc "thay ngựa giữa dòng" này cũng liên tục diễn ra trong thời gian qua ở một số trường khác. Đó là ông Hà Hữu Phúc, nguyên Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM làm Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định thay tiến sĩ Nguyễn Hữu Ngọc, người được công nhận làm hiệu trưởng nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tiến sĩ Đàm Quang Minh thay tiến sĩ Nguyễn Đình Ngộ làm Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân (Huế)...
Khác với trường ĐH công lập, việc thay đổi hiệu trưởng tại các trường ĐH tư thụcdiễn ra rất bất ngờ và nhanh chóng. Điều này đa phần liên quan nhiều đến việc thay đổi chủ sở hữu các trường. Chủ mới sẽ có xu hướng sử dụng hiệu trưởng mới là người mình tin tưởng và phù hợp với định hướng phát triển của mình.
Nghỉ giữa nhiệm kỳ vì mâu thuẫn
Trong thời gian vừa qua, hơn 1.000 sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM mòn mỏi chờ bằng tốt nghiệp mà vẫn chưa được giải quyết do tiến sĩ Trần Quang Nam, Hiệu trưởng nhà trường, đã bị HĐQT tạm ngưng công việc cũng như miễn nhiệm chức vụ.
Trước đó, năm 2014, GS-TS Đào Văn Lượng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng bị HĐQT miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng. HĐQT trường gửi văn bản lên Bộ GD-ĐT đề nghị không công nhận hiệu trưởng đối với GS-TS Đào Văn Lượng. Lý do được phía HĐQT nhà trường đưa ra là "do thỏa thuận hiệu trưởng đã kéo dài gần hai nhiệm kỳ và các hoạt động điều hành của hiệu trưởng hiện nay không còn phù hợp". Trong khi trước đó, ông Lượng được cán bộ, giảng viên nhà trường bỏ phiếu tín nhiệm là hiệu trưởng xuất sắc với 92,2% số phiếu.
Từ thực tế này, tiến sĩ Lê Trường Tùng chia sẻ: "Để bảo vệ mình, những nhân sự được mời về làm hiệu trưởng cần tính toán một số cách thức làm sao không phải nghỉ giữa chừng. Vì khi bị cho nghỉ việc, uy tín cá nhân của người làm hiệu trưởng đã bị ảnh hưởng. Khi nhận "ghế nóng", cần đặt điều kiện rõ nhiệm vụ cụ thể như thế nào. Nếu đảm bảo được thì không được đổi người. Nếu thay đổi hiệu trưởng giữa chừng, trong khi vẫn đảm bảo nhiệm vụ thì được bồi thường ra sao".
Ý kiến
Không nên lấy người vào, không hợp lại thải đi
Hiệu trưởng trường tư là người thực hiện các quyết định mà HĐQT đưa ra. Vì thế, một trong những tố chất quan trọng của hiệu trưởng là phải có sức khỏe, muốn có sức khỏe thì phải trẻ. Nhưng cũng không được trẻ quá, vì yếu tố khác chi phối là phải có tích lũy tốt về chuyên môn, có kinh nghiệm quản lý, muốn thế thì ít ra cũng phải trên 40 tuổi. Nhưng tìm người trẻ là rất khó.
Chúng tôi cũng không muốn tìm nguồn lãnh đạo ở các vị đã nghỉ quản lý bên trường công vì khi đến được với chúng tôi thì họ đã quá già. Nên nguồn hiệu trưởng và thành viên tham gia ban giám hiệu của chúng tôi thường là người có học vị tiến sĩ ngoài 50 tuổi, chúng tôi lấy họ vào để sau một thời gian quen với cách điều hành ở trường tư thì bổ nhiệm họ lên sau. Chúng tôi thường ưu tiên người đã có thời gian làm việc ở trường đủ lâu, để họ hiểu nhà trường, hiểu những người làm việc cùng. Chúng tôi không có quan điểm cứ lấy người, nếu thấy không hợp thì thải đi, vì cách đó dễ khiến nhà trường rơi vào tình trạng mất ổn định, thiếu đoàn kết.
GS Hoàng Xuân Sính
( Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long)
Nhiều người trẻ dám chịu thử thách ở môi trường tư
Tính chuyên nghiệp của một hiệu trưởng thể hiện ở năng lực điều hành, năng lực tạo được tiếng nói đồng thuận, sự ủng hộ trong tập thể, hiểu biết các quy định của nhà nước về hoạt động của một trường ĐH. Nếu chọn hiệu trưởng là những người mà mình nể nang, hay là con cháu trong nhà, thì sẽ có cái khó là khi hiệu trưởng điều hành tồi, mình rất khó thay đổi. May mắn cho các nhà đầu tư là hiện nay môi trường ĐH công lập không còn hấp dẫn người trẻ tài năng như trước đây. Ngày càng nhiều người trẻ giỏi dám chịu thử thách, dám mạo hiểm để khởi nghiệp ở những môi trường năng động, chứ không chỉ lo bám vào cái suất ổn định ở trường công.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến
( Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập)
Làm quen với "nghề hiệu trưởng" và "nghề tuyển hiệu trưởng"
Trước đây, các nhà đầu tư thường mời các thầy về hưu làm hiệu trưởng nhưng xu thế nên là chuyên nghiệp, cũng giống như sự phát triển của các trường phổ thông tư thục, ban đầu hiệu trưởng thường là các thầy về hưu nhưng nay đã dần thay thế bằng những người trẻ, làm việc một cách bài bản.
Có thể xem hiệu trưởng các trường tư giống người quản lý các đội bóng. Sẽ có người cả cuộc đời sự nghiệp với một trường nhưng sẽ có người làm ở nhiều trường khác nhau. Bên cạnh đó, các trường tư yếu đều cần cải tổ và thay đổi nên cần những người có chuyên môn và kinh nghiệm về cải tổ. Chúng ta sẽ phải quen với việc có nghề làm hiệu trưởng và cả nghề tuyển hiệu trưởng.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh
( Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân)
Quý Hiên (ghi)
Theo thanhnien
Cô dạy tôi 'Ai cũng chọn việc nhẹ, gian khổ dành phần ai?' Tuổi học trò của mỗi người có lẽ ai cũng từng lưu trong tâm trí của mình ít nhất hình ảnh một thầy cô giáo. Riêng với tôi, gần 20 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ cô An - cô giáo dạy môn giáo dục công dân. Minh họa: NGỌC NHI Khoảng năm 1999, tôi đang là học sinh lớp 10. Tôi được...