“Về đi! Thầy điểm danh rồi!”
Đó là câu cửa miệng được các sinh viên truyền tai người bạn đi trễ – vào lớp sau khi thầy đã điểm danh.
Ngày nay, tình trạng sinh viên đi học chỉ để được điểm danh chứ không vì mục tiêu thu nạp kiến thức đang trở nên đại trà đến mức là “chuyện thường ngày ở lớp”.
Không muốn đi học nhưng lại muốn được điểm cao là động cơ cho sinh viên vẫn đến lớp hằng ngày, với mục tiêu kiếm con 10 tròn trĩnh cho cột điểm chuyên cần – có hệ số cao ngang ngửa với bài kiểm tra giữa khóa. Bởi “Đi học chỉ để điểm danh, không điểm danh thì… không nhất thiết phải đi học!” nên ở một số bộ môn được cho là “khó nuốt”, giảng viên phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để đảm bảo số lượng sinh viên lên lớp.
Điểm danh đầu giờ không được, điểm danh cuối giờ không xong, một số thầy phải đưa ra hạ sách “chặn đầu, chặn đuôi, chặn luôn khúc giữa (điểm danh sau giờ giải lao – theo cách nói vui của sinh viên)” để tránh tình trạng thầy đứng trên bục giảng nhìn xuống lớp trống.
Những tưởng chỉ là chuyện vui trong giới sinh viên, nhưng lại chạnh lòng khi nghĩ đến những người cha, người mẹ ở quê, lam lũ quanh năm lo tiền cho con ăn học. Hẳn họ không muốn học phí đóng cho con bị tiêu tốn cho những giờ con họ ngồi chiếu lệ trên lớp.
Video đang HOT
Đất nước đang trong cuộc đua toàn cầu, cần lắm đội ngũ trí thức trẻ có thực tài và ý thức tự thân nghiêm túc trong học tập, rèn luyện nhân cách. Trong khi đó, tại nhiều trường đại học, hằng ngày, hằng giờ vẫn còn rất nhiều trí thức tương lai học hành theo kiểu đối phó, kiếm điểm số bằng mọi cách. Sẽ không đơn thuần chỉ là chuyện nhỏ nữa…
Theo TTO
Dở khóc dở cười chuyện sinh viên đi học hộ
Học hộ... rất phổ biến
"Mai tớ về quê, cậu đi học hộ tớ 1 hôm nhé?"
"Mai bạn gái tớ ra chơi, cậu đi học hộ tớ 1 buổi nhé?"
"Ơ, bạn nào trong lớp mình mà lạ thế nhỉ? - Nói nhỏ thôi. Cậu ấy học hộ bạn Lan đó. Hôm nay người yêu cậu ấy ra đây chơi".
Những câu nói này đã trở lên quá quen thuộc với các bạn sinh viên hiện nay.Vì đã quen rồi nên cũng chẳng bạn nào ngại ngần nữa. Vì thế tình trạng sinh viên đi học hộ hiện nay khá phổ biến trong các lớp học của các trường đại học, cao đẳng.
Lí do thật đơn giản
Hầu hết các sinh viên nhờ người khác đi học hộ chỉ để điểm danh cho minh. Vì nếu nghỉ học mà thầy giáo điểm danh thì sẽ mất điểm chuyên cần. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sinh viên nghỉ quá 20% số tiết học thì sẽ không được thi môn đó. Điểm chuyên cần là điểm điều kiện để các bạn sinh viên được tham gia kì thi lần 1. Vì thế nên khi nghỉ học các bạn cũng không thể quên nhờ người khác đi học hộ cho mình. Đây là lí do chính của tình trạng học hộ trong giới sinh viên hiện nay.
Và với các bạn sinh viên thì có hàng ngàn lẻ một lí do để phải nghỉ học. "Vì là dịp cuối tuần nên mình muốn nghỉ ngày thứ 7 để về quê. Nếu đi học thì phải chiều mình mới về được, như thế muộn mất, và ở nhà được ít quá." - Vũ, Đại học Mỏ địa chất chia sẻ. Còn với Thủy, Đại học Thương mại Hà Nội thì chỉ đơn giản là: "Thỉnh thoảng người yêu mình lên chơi, mình phải ở nhà chứ."...Hay hôm đó mình phải đi chơi cùng mấy đứa bạn hồi cấp III, mình đi tham dự triển lãm ảnh...Có rất nhiều lí do tưởng chừng như rất chính đáng, nhưng cũng rất "sinh viên" được các bạn đưa ra để giải thích cho việc phải nhờ người khác đi học hộ của mình.
Không thể phủ nhận những bạn có lí do hoàn toàn chính đáng như ốm hay có việc bận đột xuất nhưng đa phần sinh viên nhờ bạn đi học hộ chỉ vì những lí do hết sức đơn giản trên mà thôi. Và nguyên nhân sâu xa của những lí do đó theo quan điểm chủ quan của người viết là do tư tưởng của các bạn đến lớp chỉ để điểm danh, lấy điểm chuyên cần cho đủ điều kiện dự thi mà thôi. Với các bạn đó thì có lẽ kiến thức trên lớp không quá quan trọng nên "ở nhà đọc giáo trình cũng hiểu" - Triều, Đại học Mỏ địa chất nói.
Những tình huống dở khóc dở cười
Hôm đó là tiết học môn "Cơ sở lí luận báo chí" của lớp tôi. Vừa đến lớp tôi đã thấy một bạn lạ. Vì đã quá quen với những chuyện đi học hộ nên tôi quay sang hỏi cậu bên cạnh: "Cậu kia đi học hộ ai vậy ?" - " Học hộ cậu B đó. Hôm nay cậu ấy về quê". Những tưởng buổi học cứ thế trôi đi, khi cô giáo đã điểm danh xong. Nào ngờ lại xảy ra tình huống dở khóc dở cười cho cậu bạn đi học hộ kia. Hôm nay cô giáo không lấy tinh thần xung phong như mọi hôm nữa mà gọi theo danh sách để lên bảng làm bài tập. Run rủi làm sao lại gọi đúng tên thật của cậu bạn đó. Thế là cậu quên luôn mất rằng mình đang đi học hộ cho bạn mình. Vì hôm đó cậu bạn lớp tôi có tên giống tên thật của cậu ấy thì lại nghỉ học. Thế nên chẳng ai tranh của cậu ta cả, nên cậu cứ hồn nhiên lên bảng trả lời câu hỏi. Cả lớp thấy lạ nhưng ai cũng hiểu cả nên chỉ im lặng. Chỉ đến khi cô gọi đến tên B thì cậu ta mới giật mình. Đó mới là tên của cậu ngày hôm nay. Mà lên bảng 2 lần thì không thể được. Cô giáo sẽ biết. Cậu bạn đỏ mặt, lúng túng. Nhưng cũng may là mấy cậu bạn ngồi cùng bàn nhanh trí nên đã đứng lên trả lời giúp.
Không chỉ dở khóc dở cười khi nhầm lẫn giữa tên thật của mình và tên người mình đi học hộ, mà khi đi học hộ phải làm bài kiểm tra hộ cũng thật đến khổ. Quyến, sinh viên Đại học Mỏ địa chất cũng từng phải rơi vào tình huống này khi đi học hộ cậu bạn cùng phòng. Quyến kể: "Cứ nghĩ đi học hộ cũng đơn giản như mọi lần trước thôi. Ai ngờ hôm đó lớp cậu ấy phải làm bài kiểm tra. Mà lại đề chẵn lẻ xen kẽ. Thật không biết phải làm như thế nào. Quay sang thì hai cậu bạn bên cạnh làm khác đề. Ngó lên bàn trên thì sợ thầy giáo chú ý. Thế là phải nhắn tin về hỏi cậu bạn kia. Nhưng cũng không làm được vì mình chưa được học".
Rủi ro khó lường
Khi được hỏi "đi học hộ các bạn không sợ bị các thầy cô phát hiện à?" thì hầu hết các bạn sinh viên đều có chung 1 câu trả lời: "Các thầy cô không nhớ được hết mặt sinh viên đâu. Giảng đường thì rộng, sinh viên thì đông, nhớ làm sao được." Vì thế tình trạng học hộ đến nay vẫn chưa có một lời giải đáp nào thỏa đáng. Sinh viên vẫn cứ hồn nhiên đi học hộ nhau với tinh thần "Bạn bè giúp đỡ nhau lúc khó khăn". Nhưng không biết các bạn có nghĩ rằng nếu bị phát hiện thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng? Nhẹ thì bị cảnh cáo, trừ hạnh kiểm, thậm chí bạn có thể bị đuổi học nữa.
Học hộ... bao giờ mới chấm dứt?
Vì tình trạng thầy không nhớ mặt trò, trò thì luôn "sẵn lòng giúp đỡ nhau" nên tình trạng sinh viên đi học hộ chẳng biết khi nào mới có thể chấm dứt. Mặc dù rất nhiều trường đã có những biện pháp cứng rắn nhưng vẫn không ngăn chặn được sinh viên học hộ. Vì sinh viên thường bao che cho nhau nên không dễ dàng có thể phát hiện ra những sinh viên đi học hộ để xử lí. Để ngăn chặn tình trạng đang ngày càng phổ biến trong sinh viên này có lẽ cần sự tham gia không chỉ của nhà trường, của các thầy cô giáo mà rất cần sự vào cuộc của những bạn sinh viên có tính thần, trách nhiệm với chính mình và bạn bè của mình.
Theo Mực tím
Sinh viên và nạn 'cắt, dán' mùa thi Mùa thi, tình trạng sinh viên dùng chiêu thức "cắt" và "dán" trong các bài thi làm tiểu luận, bài tập lớn ngày càng nở rộ. Mùa thi thành mùa luyện "cắt" và "dán" Xu hướng kết thúc môn học bằng cách làm tiểu luận hay bài tập lớn đang ngày càng phổ biến. Cách làm này được các giảng viên ủng hộ...