Vẻ đẹp ngỡ ngàng của rừng cây thay lá tại Lào Cai
Sang tháng 11, khi những đợt gió mùa đông bắc tràn về mang theo cái rét tái tê, những khu rừng ở vùng cao Lào Cai cũng bước vào mùa cây thay lá.
Nhiều du khách không bỏ lỡ dịp này lên rừng ngắm cảnh, tận hưởng bức tranh rừng thu thay lá mỗi năm chỉ có một lần. Thời điểm cuối thu, đầu đông những khu rừng già trên vùng cao Lào Cai vào mùa thay lá đầy màu sắc.
Nổi bật hơn cả là những cây phong trong rừng già Dền Sáng, Y Tý chuyển sang màu lá vàng tuyệt đẹp.
Một cây phong trong rừng già Dền Sáng mọc lá non đỏ rực.
Sau khi trút hết lá già, nhiều loài cây lên lộc non mơn mởn.
Video đang HOT
Một loài cây ra lá màu tím hồng trên núi Ky Quan San.
Vẻ đẹp thuần khiết của loài hoa lạ trong rừng già trên núi Nhìu Cù San ( xã Sàng Ma Sáo).
Những chùm rêu bám trên thân cây thiết sam cổ thụ chuyển từ màu xanh sang màu vàng sau đợt rét.
Cây mua rừng vẫn ra hoa tuyệt đẹp trong khi lá đã đỏ rực sắp rời khỏi cành.
Những chiếc lá vàng cuối cùng trên một thân cây cổ thụ trên núi Nhìu Cù San cho thấy sự bước đi của mùa từ thu sang đông.
Sự phối màu tuyệt vời của thiên nhiên tạo nên bức tranh tuyệt đẹp trong rừng già Y Tý.
Bất kỳ ai cũng phải mê mẩn trước vẻ đẹp của bức tranh rừng thu thay lá.
Mùa cây rừng thay lá thu hút đông du khách leo núi ngắm cảnh ở xã Sàng Ma Sáo, Y Tý, Trung Lèng Hồ…
Ai lên Y Tý mùa mưa này
Đang giữa mùa mưa, nhưng đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai vẫn quyết định lên Y Tý. Mùa mưa Y Tý có nét độc đáo riêng, vì thế mảnh đất cao trên 2000m so với mực nước biển này mang tên Y Tý, theo tiếng Hà Nhì là xứ mưa.
Toàn cảnh Ý Tý nhìn từ trên cao
Trong chúng tôi, những người đã biết Y Tý muốn thấy nơi này đổi thay ra sao sau nhiều năm chưa trở lại. Còn những người lần đầu lên Y Tý muốn mục sở thị phong cảnh, con người nơi đây hấp dẫn nhường nào mà du khách kéo nhau lên, nhất là vào mùa Thu vàng và dịp tuyết rơi. Ai cũng háo hức.
Các tuyến đường lên xứ mưa, đường nào cũng quanh co và dốc. Bắt đầu từ Tp. Lào Cai đến Bản Vược, "thủ phủ" cũ của huyện Bát Xát khá bằng phẳng. Rồi từ Bản Vược tỏa ra các tuyến đi Y Tý. Tuyến đường ngắn nhất là qua Cốc Mỳ - Trịnh Tường đến Y Tý. Tuyến đường vòng cung qua Mường Vi - Bản Xèo - Mường Hum - Sàng Ma Sáo - Dền Sáng là tuyến đường dài nhất. Tuyến đường từ Trịnh Tường qua Nậm Chạc - A Mú Sung - A Lù - Ngải Thầu là tuyến đường hiểm trở và dốc nhất. Chúng tôi chọn tuyến này, bởi đường chạy song song với sông Hồng ngược về đầu nguồn, nơi có suối Lũng Pô hợp dòng với sông chảy vào đất Việt, nơi có cột cờ Lũng Pô hiên ngang tung bay giữa xanh thẳm núi rừng. Ngồi trên xe quan sát, núi rừng, bản làng lúc ẩn, lúc hiện trong sương mờ, mọi người đều có cảm giác dường như xe cứ ngược lên mãi để được gần trời hơn.
Có lẽ đỉnh của tuyến đường là điểm tiếp giáp giữa hai xã Ngải Thầu và Y Tý. Ở đó, có bản Ngải Thầu Thượng, người dân gọi là Ma Cha Va nằm ở độ cao hơn 2.300m, nơi mà nhà báo Quốc Hồng, trong một bài viết của mình gọi là "làng ở đỉnh trời gió núi". Từ trên cao, trước mắt chúng tôi bao la là rừng, rừng nối nhau chạy từ đỉnh núi xuống thung sâu tiếp giáp biên giới. Có lúc bất chợt từ trên đỉnh núi, gió đem những đám mây trắng muốt xóa nhòa ranh giới giữa đất với trời tạo nên sự kỳ vĩ của thiên nhiên ngập chìm trong mênh mông.
Bản người Hà Nhì ở Y Tý - Ảnh Ngọc Dương
Sang chiều, giai điệu mưa ngàn hòa cùng vũ điệu gió núi. Gió rì rào, lá rừng rung rinh mắt biếc. Mưa giăng trắng trời. Trời se lạnh! Trong không gian mưa, cây cối khoác một màu xanh thẫm từ đỉnh Lảo Thẩn ở độ cao 2.860m xuống đến mép suối Lủng Pô. Tạm biệt trung tâm Y Tý, chúng tôi "mã hồi" theo tuyến đường xuyên qua rừng già nối Y Tý với Dền Sáng để về Mường Hum. Đây là tuyến đường mở năm 1996. Mặc dù không muốn thu hẹp diện tích rừng nguyên sinh để làm đường, nhưng không còn cách nào khác khi xung quanh toàn là núi đá dựng đứng nên các nhà hoạch định đành phải thiết kế đường xuyên qua rừng già với yêu cầu ít chặt phá rừng nhất, những người mở đường phải cam kết làm đúng thiết kế, không xâm hại cây cối ngoài phạm vi nền đường, không được làm tổn hại đến rừng dưới sự giám sát chặt chẽ của đồng bào Hà Nhì. Con đường lớn được hoàn thành, mở ra hướng sản xuất hàng hóa cho đồng bào trong vùng mà vẫn giữ được hơn 8.000ha rừng già, vẫn giữ được vẻ hoang sơ, huyền bí vốn có của những cánh rừng thiêng Y Tý ngàn năm tuổi để trở thành điểm du lịch sinh thái ở phía Tây Bắc tỉnh Lào Cai.
Xuyên qua rừng già, xe chúng tôi lọt thoỏm giữa mênh mông rừng. Dừng xe giữa rừng tĩnh mịch, tận hưởng những phút giây thư thái, cảm giác khoan khoái, hít thở không khí trong lành, mát dịu và ngắm cảnh sắc thiên nhiên huyền ảo như mơ. Ngước nhìn bạt ngàn cây cổ thụ hai ba người ôm cao vút, tán lá xòe rộng che chở cho các tầng cây thấp hơn, trên nhiều cành cây các loại phong lan đợi dịp khoe sắc, thấp hơn là những cây đỗ quyên đại thụ chen nhau núp bóng, chờ mùa đơm hoa, tạo nên thảm hoa đỏ rực không lồ, điểm xuyết là những chùm hoa đỗ quyên trắng tinh khiết. Giữa rừng già u tịch, bỏ xa những ồn ã của thị tứ, phố chợ, chỉ có tiếng suối róc rách, tiếng chim lảnh lót gọi bạn khiến chúng tôi ngẩn ngơ như lạc vào vườn cổ tích. Ở rừng mới thấy giá trị của rừng. Rừng là vàng, là cuộc sống của đồng bào nơi đây. Chả thế mà rừng Y Tý đã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, nhiều hộ còn giàu lên từ một loại cây thảo dược có giá trị kinh tế cao. Với đặc điểm của khí hậu á nhiệt đới gió mùa, nhiều loài động thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam cùng nguồn dược liệu tự nhiên phong phú đã tạo nên sự giàu có độc đáo và vẻ đẹp nguyên sơ của rừng Y Tý.
Một nghi thức trong lễ hội Khô già già -Ảnh Gia Chiến.
Ở xã Y Tý, dân tộc Hà Nhì chỉ có 8 bản, chiếm hơn 54% dân số, nhưng bản nào cũng có khu rừng thiêng để thờ thần rừng với quan niệm rừng và cây rừng, các loài vật trong rừng đều có sinh mạng như con người.. Người Hà Nhì ý thức được rằng rừng là tài sản chung nhưng không vô tận, nên việc khai phá đất rừng canh tác cũng nằm trong giới hạn, ngay cả khi khai thác cây rừng phục vụ đời sống đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, nếu người nào khai thác sai số lượng, chủng loại và sử dụng không đúng mục đích thì sẽ bị phạt vĩnh viễn không được vào rừng khai thác bất cứ thứ gì. Biện pháp giữ rừng của người Hà Nhì tuy đơn giản nhưng đạt hiệu quả cao và được đồng bào các dân tộc trong vùng làm theo. Vì thế, rừng vẫn giữ được nguyên sơ, vẫn xanh màu xứ sở, bao bọc cuộc sống của đồng bào các dân tộc Y Tý qua nhiều thế hệ.
Biết rằng, lên Y Tý khi đã qua mùa nước đổ, khi chưa tới mùa vàng dịu của Thu là chưa đúng mùa du lịch, nhưng lên Y Tý giữa mùa mưa là sự trải nghiệm thú vị trong mơn man của nước trời cho cây rừng, đất núi thẫm xanh để hồi tưởng về những năm tháng xưa kia khoác áo mưa, chống gậy trèo đèo, lội suối đến với bản làng vùng cao chót vót trong sương mờ ba cùng với người dân.
Y Tý của hôm nay vẫn nguyên dáng vẻ vạm vỡ, gồ ghề đang chờ bàn tay, khối óc con người khơi dậy những tiềm năng ẩn sâu trong tầng tầng, lớp lớp mây bay, trong đại ngàn rừng già để tạo nên diện mạo mới của khu đô thị du lịch hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của cội nguồn hoang sơ. Có lẽ sau một vài thập niên nữa, Y Tý không chỉ quyến rũ du khách bởi Thu vàng hoặc trắng trời hoa tuyết mà mùa mưa ở xứ mưa này sẽ có nhiều điều mời gọi: Ai lên Y Tý xứ mưa mùa này!
Sa Pa: Mãn nhãn thác nước cao hơn trăm mét đổ xuống từ đỉnh núi Thác nước cao hơn trăm mét nằm sâu trong bản Séo Trung Hồ Dao (Sa Pa, Lào Cai), được chảy từ đỉnh núi xuống khiến bất kỳ ai tới đây đều phải xuýt xoa với vẻ đẹp hùng vỹ của thiên nhiên. Nằm sâu trong bản Séo Trung Hồ Dao (Sa Pa, Lào Cai), con thác được người dân nơi đây thường gọi...