Vẻ đẹp kỳ bí của miệng núi lửa triệu năm bên bờ biển Quảng Ngãi
Ở Quảng Ngãi có một miệng núi lửa cổ nằm sát bờ biển, rộng khoảng 30 mét vuông, còn khá nguyên vẹn, thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Mũi Ba Làng An (thuộc thôn Phú Quý, xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) cách trung tâm TP.Quảng Ngãi hơn 30 km về hướng đông bắc. Nơi này là điểm đến ưa thích của du khách, bởi dấu tích của miệng núi lửa cổ độc đáo nằm sát bờ biển, còn khá nguyên vẹn
Biến động địa chất cùng quá trình phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước đã hình thành nên mũi Ba Làng An. Các nhà khoa học phát hiện một miệng núi lửa cổ còn khá nguyên vẹn rộng khoảng 30 mét vuông, nằm sát bờ biển
Bên trong miệng núi lửa có rong rêu, cá, ốc… sinh sống như một quần thể. Các nhà khoa học nhận định miệng núi lửa này có niên đại sớm nhất khoảng 11 triệu năm
Xung quanh miệng núi lửa là bãi đá bazan, cột đá ba lát, đá nham thạch vô cùng độc đáo
Từ trên cao nhìn xuống, nơi đây có một vẻ đẹp quyến rũ, pha chút huyền ảo và kỳ bí. Làn nước biển xanh trong màu ngọc bích đang nô đùa cùng những tảng đá đen nhánh, vẽ nên một cảnh sắc vô cùng ấn tượng. Mũi Ba Làng An là địa điểm nổi tiếng hấp dẫn rất nhiều du khách đến tham quan, tắm biển và chụp hình
Chị Nguyễn Thị Sang (ở TP.Quảng Ngãi) cho biết, mũi Ba Làng An là địa điểm còn rất hoang sơ với trầm tích núi lửa độc đáo, đặc biệt là miệng núi lửa cổ. Đến đây, không khí trong lành, mát mẻ, lý tưởng để nghỉ ngơi cùng gia đình
Ngoài miệng núi lửa cổ, ở mũi Ba Làng An còn có ngọn hải đăng cũng là điểm đến hấp dẫn du khách. Ngọn hải đăng này được xây dựng từ năm 1982, đã qua nhiều lần tu sửa, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Ngãi định hướng
Video đang HOT
Ba Làng An là mũi đất được tạo ra từ những trầm tích của nham thạch đổ tràn thoải dần theo hướng biển. Đứng tại Ba Làng An có thể thấy rõ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) với 3 ngọn núi lửa sừng sững giữa biển khơi. Mũi Ba Làng An cũng được xác định là vị trí đất liền gần quần đảo Hoàng Sa nhất với khoảng cách 135 hải lý.
Trầm tích núi lửa kỳ thú ở đảo Lý Sơn
Các chuyên gia nhận định di sản địa chất ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ví như bảo tàng thiên nhiên núi lửa biển.
Miệng núi lửa Thới Lới cao 149 m, Giếng Sỏi cao 106 m, Giếng Tiền cao 86 m đều là những đài quan sát lý tưởng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Huyện đảo Lý Sơn được hình thành từ hoạt động của núi lửa từ hàng triệu năm trước. Sự phun trào và quá trình nguội tắt của núi lửa cùng những tác động của thiên nhiên hàng triệu năm ấy đã tạo nên nhiều bãi, vách đá trầm tích với muôn hình kỳ thú.
Lý Sơn có đảo Lớn, còn gọi Cù Lao Ré, do trước đây có nhiều cây ré mọc hoang thành rừng; đảo Bé nằm về phía tây bắc, còn gọi là Cù lao Bờ Bãi; và hòn Mù Cu về phía đông nam, là bãi đá chỉ có cây mù cu.
Đến nay người dân Lý Sơn còn truyền nhau câu ca: "Lý Sơn có Ngũ hành sơn/ Nằm day ra biển trùng dương đời đời/ Hòn Vung/ Hòn Sỏi/ Hòn Tai/ Giếng Tiền, Thới Lới ai ai đặt bày".
Theo Địa dư Lý Sơn của tác giả Phạm Châu, địa danh Ngũ hành sơn gắn với dáng hình và những truyền thuyết liên quan: "Đảo ta có một sơn hà/ Xưa kia Lao Ré nay là Lý Sơn... Cách một đỗi lên thì núi Sỏi/ Núi Giếng Tiền kế dõi Hòn Tai/ Núi Vung nhỏ nhất đứng ngoài/ Đất phơi thân thể cây cài áo khăn/ Nhìn phong cảnh băn khoăn nhớ cảnh/ Nghĩ giang san mà chạnh lòng riêng/ Núi Giếng Tiền có bàn cờ tiên/ Tiên đi đâu mất, Giếng Tiền tiền đâu?".
Sau nhiều năm dài khảo sát, nghiên cứu, ông Hoàng cùng các chuyên gia xác định huyện đảo Lý Sơn có địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích. Trong đó, huyện đảo này có 6 miệng núi lửa trên bờ gồm: Thới Lới (hai miệng núi lửa kép), Giếng Tiền, Hòn Sỏi, Hòn Vung, Hòn Tai. Ngoài ra, thềm biển xung quanh đảo Lý Sơn có 25 đến 30 miệng núi lửa có kích thước nhỏ hơn. Đặc biệt, "miệng núi lửa kép" trên đỉnh núi Thới Lới nơi lớn nhất có đường kính hơn 1.000m còn nguyên vẹn được xem là di sản độc đáo hiếm hoi thế giới.
Trải qua biến thiên lịch sử, huyện đảo Lý Sơn được hình thành từ nhiều đợt phun trào, núi lửa tạo thành nhiều lớp dung nham có bề dày khác nhau.
PGS.TS Vũ Cao Minh, Viện Địa Chất - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam từng nhận định đây có thể xem là bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa hiếm có trên thế giới, xứng tầm là công viên địa chất toàn cầu. Di sản địa chất nơi đây như bảo tàng thiên nhiên núi lửa biển. Miệng núi lửa Thới Lới cao 149 m, Giếng Sỏi cao 106 m, Giếng Tiền cao 86 m đều là những đài quan sát lý tưởng hấp dẫn du khách.
Trong khi đó miệng núi lửa ngầm ở độ sâu 40-50 m phía nam đảo Lý Sơn có đường kính tương đương với miệng núi lửa Thới Lới trên mặt đất.
Phía tây đảo Lớn cũng có núi lửa ngầm dưới biển nhô cao gần khu vực thắng cảnh Giếng Tiền. Đây là nguồn tài nguyên quý cần được khai thác phục vụ phát triển du lịch lặn biển khám phá núi lửa biển.
Riêng ba vách đá Hang Cau, chùa Hang, Giếng Tiền trải dài hàng trăm mét có giá trị lớn về khoa học, cảnh quan kỳ vĩ. Tài nguyên du lịch địa chất, địa mạo ở Lý Sơn là độc đáo hiếm hoi thế giới. Cụm núi lửa từ Thới Lới đến chùa Hang có cấu tạo đặc biệt, hai núi lửa chồng lên nhau.
Trong khi đó, GS Nakada (Nhật Bản), Phó chủ tịch Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu ghi nhận, các tiêu chí về di sản địa chất ở đảo Lý Sơn và Bình Châu hết sức độc đáo, hội đủ điều kiện trở thành công viên địa chất toàn cầu.
Các chuyên gia đề xuất xây dựng Lý Sơn là huyện đảo độc đáo, kỳ thú về du lịch núi lửa biển; quy hoạch và xây dựng kiến trúc công trình lấy cảm hứng từ núi lửa; gắn với quy định độ lớn và chiều cao công trình nhằm bảo tồn di sản thiên nhiên.
Từ trên cao nhìn xuống, miệng núi lửa Giếng Tiền hệt như "chiếc chảo khổng lồ" nhô lên giữa biển trời huyện đảo Lý Sơn. Miệng núi lửa này rộng hàng trăm mét, cao 30-40 m nghiêng về phía bắc, có niên đại khoảng 1 triệu năm.
PGS.TS Vũ Cao Minh (Viện Địa Chất - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết riêng huyện đảo này có 10 miệng núi lửa. Trong số này, 6 miệng núi lửa ở đảo Lớn, 1 miệng ở đảo Bé và 3 miệng còn lại ngầm dưới đáy biển.
Vách đá hang Câu kỳ vĩ uốn lượn bao bọc dấu tích miệng núi lửa Thới Lới. Miệng núi lửa có hồ nước trên đỉnh núi Thới Lới phun nổ cách nay 1 triệu năm, có đường kính 0,35 km, cao 149 m. Đây là đài quan sát lý tưởng hấp dẫn du khách khi đến huyện đảo Lý Sơn.
Miệng núi lửa cổ Hang Cau và chùa Hang phun nổ sớm khoảng 9-11 triệu năm. Núi lửa cổ này phun lên lượng đá basalt lớn tạo nên phần nền cả đảo Lý Sơn hiện nay. Còn miệng núi lửa có hồ nước trên đỉnh Thới Lới phun nổ cách nay 1 triệu năm.
Các chuyên gia đề xuất xây dựng Lý Sơn là huyện đảo độc đáo, kỳ thú về du lịch núi lửa biển; quy hoạch và xây dựng kiến trúc công trình lấy cảm hứng từ núi lửa; gắn với quy định độ lớn và chiều cao công trình nhằm bảo tồn di sản dễ tổn thương, khôi phục cảnh quan và di sản địa chất đã bị xâm hại.
Theo các chuyên gia, từ 2.000 năm trước, cư dân văn hóa Sa Huỳnh biết chọn phía nam chân núi Thới Lới và gần với nguồn suối nước ngọt để sinh sống, khai thác thủy sản dồi dào từ biển và nguồn rau, củ, quả từ núi.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Lý Sơn là nơi lưu giữ nhiều bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Dòng chảy lịch sử lưu truyền, hòa quyện bản sắc riêng có của các tộc người nối tiếp nhau cộng cư trên mảnh đất này. Hoạt động phun trào núi lửa đã tạo nên hình thế Lý Sơn độc đáo với thềm địa chất hàng triệu năm.
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho thấy cụm núi lửa ở Lý Sơn - Bình Châu và vùng phụ cận phát lộ nhiều loại đất đá, nham thạch tiêu biểu cho các chế độ phun trào khác nhau trong giai đoạn Kỷ đệ tứ, khoảng 11 triệu đến 4.500 năm trước.
Kỳ bí Gò Ma Vương ở Quảng Ngãi Gò Ma Vương là doi đất, dáng như con kình ngư trong tư thế lao ra biển, ở vùng Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Bãi biển Sa Huỳnh hoang sơ và kỳ bí. Phần nhô ra biển là Gò Ma Vương. Ảnh: Đoàn Ngọc Viên Vì sao có tên Gò Ma Vương kích thích trí tưởng tượng...