Vẻ đẹp huyền ảo của ‘thành phố sương mù’ ở Trung Quốc
Núi, sương mù và lẩu là những từ khóa phổ biến nhất khi nhắc đến Trùng Khánh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía tây nam Trung Quốc.
Trùng Khánh là vùng đất khởi nguồn của Bayu, nền văn hóa đặc sắc ở thượng nguồn sông Dương Tử, tây nam Trung Quốc. Tên gọi Trùng Khánh bắt đầu xuất hiện vào năm 1189 để đánh dấu sự lên ngôi của hoàng đế Tống Quang Tông của triều đại Nam Tống. Trùng Khánh nằm dưới sự quản lý của tỉnh Tứ Xuyên từ năm 1954, nhưng đến năm 1997 đô thị này tách khỏi tỉnh và được chỉ định là thành phố trực thuộc Trung ương thứ tư của Trung Quốc (sau Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân).
Hiện nay, Trùng Khánh đã vươn lên từ đống tro tàn và trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại Trung Quốc. Vào năm 2017, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới đã chọn Trùng Khánh là thành phố du lịch phát triển nhanh nhất thế giới.
Trong giai đoạn 2015-2019, “thành phố sương mù” có sự tăng trưởng ổn định về số lượng du khách và doanh thu từ du lịch trước khi đại dịch Covid-19 tàn phá ngành du lịch toàn cầu.
Hang động Hongya là nơi có bến tàu đầu tiên của Trung Quốc cổ đại, và trở thành pháo đài quân sự dưới thời nhà Minh. Địa điểm này giờ đây là quần thể nhà sàn được xây dựng trên vách đá dựng đứng mang phong cách truyền thống ở vùng Bayu. Tòa nhà 11 tầng dọc theo bờ sông Gia Lăng có diện tích 46.000 m2, tích hợp nhiều tiện ích bao gồm ăn uống, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm… Ngoài ra, du khách có thể ghé qua phố 1980 nơi phục dựng cảnh sinh hoạt của người dân Trùng Khánh hay ngắm nhìn hang động Hongya lên đèn vào buổi tối.
Tượng khắc đá Đại Túc nằm cách trung tâm thành phố Trùng Khánh 167 km, được xây dựng từ cuối nhà Đường đến đầu triều Tống. Hầu hết 50.000 bức tượng chạm khắc tại đây lấy chủ đề Phật giáo, mô tả cuộc đời Đức Phật và nhiều câu chuyện được kinh Phật ghi chép. Trong đó, những bức tượng nổi tiếng nhất được khắc trên núi Bảo Đỉnh, Bắc Sơn, Nam Sơn, Thạch Môn và Thạch Triện. Tượng khắc đá Đại Túc được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.
Bên cạnh tượng khắc đá Đại Túc, Trùng Khánh còn sở hữu di sản thế giới khác là Công viên địa chất quốc gia Karst Vũ Long. Danh thắng này là kho báu quý giá tạo hóa đã ban tặng cho Trùng Khánh, bao gồm ba dạng địa hình karst tiêu biểu. Động Phù Dung là hang động đá vôi với những măng đá, nhũ đá và thác nước lộng lẫy. Ba cây cầu tự nhiên (Thanh Long, Thiên Long và Hắc Long) nằm trong hẻm núi dài 1,2 km, được tạo thành do quá trình hòa tan và sự nâng lên của mảng kiến tạo. Houping Tiankeng là hệ sinh thái karst với hố sụt khổng lồ, hẻm núi, hang động ngầm…
Từ Khí Khẩu (Ciqikou) là ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Gia Lăng, cách Trùng Khánh 14 km về phía tây. Trên diện tích khoảng 1,2 km2, ngôi làng nổi tiếng với sản xuất đồ sứ còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc từ thời Minh và Thanh. Các viên gạch xanh lam, bức tường trắng tương phản với cánh cửa đỏ son, hay những tấm bảng đen và chiếc đèn lồng trong mỗi ngôi nhà gợi nhắc truyền thống độc đáo của Từ Khí Khẩu. Du khách nên ghé qua 3 điểm đến nổi bật của ngôi làng là xưởng thêu Shu, quán trà và xưởng vẽ.
Tại “thành phố núi”, du khách có thể tham quan những địa điểm nổi tiếng khác, bao gồm: Sở thú Trùng Khánh, nơi bảo tồn hơn 230 loài động vật, trong đó có khu vực mô phỏng tự nhiên cho Gấu trúc, quốc bảo của Trung Quốc; bảo tàng Tam Hiệp giới thiệu về lịch sử và văn hóa của Trùng Khánh, cũng như mô hình đập thủy điện lớn nhất thế giới; hay thưởng ngoạn cảnh sắc 3 hẻm núi của sông Dương Tử là Wu, Qutang và Xiling…
Video đang HOT
Lẩu Trùng Khánh nổi tiếng với vị cay và đậm đà. Trước đây, lẩu là thực phẩm để chống lại cơn gió lạnh buốt của mùa đông, nhưng hiện nay món ăn này được người dân từ khắp các vùng miền yêu thích. Đặc trưng của lẩu Trùng Khánh là nước dùng chủ yếu từ dầu ớt đỏ làm từ mỡ bò để giảm vị cay của ớt và tiêu Tứ Xuyên. Với người Trùng Khánh, ăn lẩu là cách tốt nhất để bày tỏ niềm vui sum họp với gia đình và bạn bè.
Những thị trấn "sông chảy trong lòng" hết sức lãng mạn ở Trung Quốc
Dọc theo sông Dương Tử, vô số làng mạc, thị trấn mọc lên, lối sống người dân bám vào sông nước từng hàng ngàn năm qua không thay đổi.
Khu vực miền Đông Trung Quốc gần Thượng Hải nổi tiếng với những thành thị nhỏ xinh, dãy phố nằm sát bên dòng sông chảy chậm và cả những con kênh nhân tạo được đào nối với sông chính. Những ngôi nhà vôi trắng dung dị, những cây cầu đá bắc qua, những con phố nhộn nhịp bên dòng nước.
Nhiều người hay gọi đây là "Venice của phương Đông", tuy nhiên đây là một câu nói sáo rỗng bởi vì những khu phố này không nhái ai cả, tự chúng mang vẻ đẹp riêng cho mình. Ảnh: Chris Rubey/Lonely Planet.
Các khu phố này được gọi chung là Giang Nam, nghĩa là "phía Nam sông Dương Tử". Người dân địa phương tại đây vẫn duy trì lối sống từ bao thế hệ, giặt đồ bên sông, đánh bắt cá, di chuyển bằng ghe,... Nhìn chung, các thị trấn đều có chung một kiểu kiến trúc, song mỗi nơi lại biến tấu khác nhau rất độc đáo, gây ấn tượng cho du khách.
Nằm sát Thượng Hải, Tô Châu và Hàng Châu, khu Giang Nam vẫn không sợ ế khách vì vẻ đẹp yên bình, tĩnh lặng vì không có quá đông du khách. Thời gian đẹp nhất để đến đây là mùa xuân và mùa thu, khi những tán lá bung xòe, những vườn hoa rực rỡ sắc màu khoe sắc và không khí trở nên mát mẻ.
Cụ bà đang gói bánh ú đặc sản của vùng, làm từ nếp, thịt heo gói trong lá tre ở khu phố cổ Giang Nam.
Zhujiajiao (Chu Gia Giác)
Ngay sát Thượng Hải, sở hữu 36 cây cầu cổ xưa, những căn nhà đầy mê hoặc và những khu vườn xinh đẹp, Chu Gia Giác thật sự mang đến một sự tương phản rất thú vị với sự hiện đại của trung tâm Thượng Hải ở bên cạnh.
Nằm ở vị trí thuận lợi tại giao điểm của nhiều con sông, Chu Gia Giác phồn thịnh nhờ lúa và vải được vận chuyển bằng thuyền từ các vùng nông thôn xung quanh. Với lịch sử hơn 1.700 năm, những gì còn tồn tại cho đến ngày nay là sự pha trộn quyến rũ của những con hẻm nhỏ, cầu đá bắc qua sông và kiến trúc từ nhà Minh và nhà Thanh. Tất cả những điều đẹp đẽ này được gói gọn trong một khu vực đủ nhỏ để có thể tản bộ từ đầu đến cuối chỉ trong khoảng ba tiếng.
Luzhi (Lộc Trực)
Đi đến đây rất dễ chỉ bằng một chuyến xe khách từ Tô Châu, Lộc Trực nhỏ nhắn và thanh tao, rất nhiều ngôi nhà giữ được nguyên bản từ thời nhà Minh và nhà Thanh, chưa từng được tái xây dựng như ở nhiều nơi khác. Thị trấn đáng yêu đến nỗi nó đã được thi ca hóa trong bài thơ "Cảnh Phủ Lý" (Puli, tên cũ của Luzhi) thời nhà Minh: "Cầu dài, cầu ngắn có liễu; Suối trước, suối sau có sen; Người ở chợ, ở hàng rượu đông dần; Mòng biển tiễn tàu, tiễn ngư dân ra biển."
Bài thơ này được sáng tác từ rất lâu, song vẫn miêu tả chính xác ở thời điểm hiện tại. Được nhắc đến trong văn học là vậy, Lộc Trực vẫn ít được biết đến hơn so với các thị láng giềng, nghĩa là du khách không quá đông đúc và bạn có thể tận hưởng được bầu không khí thuần khiết nhất của nơi đây.
Tongli (Đồng Lý)
Đây chắc chắn là một trong những thị trấn sông chảy trong lòng nổi tiếng nhất ở miền Đông Trung Quốc. Được bao quanh bởi năm hồ lớn ở ngoại ô, thành Đồng Lý được xây dựng trên một mạng lưới gồm 15 con kênh chia nơi này thành bảy hòn đảo nhỏ, có nghĩa là mọi căn nhà đều được xây dựng trên hoặc bên một con kênh.
Hơn 40 cây cầu được xây dựng từ các triều đại nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh, liên kết các hòn đảo nhỏ này với nhau. Khung cảnh phố thị bên sông tuyệt đẹp cứ nằm sẵn chờ du khách tới thưởng lãm.
Được thành lập hơn 1.000 năm trước dưới triều đại nhà Tống như phần lớn các phố cổ ở khu Giang Nam, nhưng Đồng Lý lại nằm gần thủ phủ của tỉnh Tô Châu hơn, giúp nơi đây phát triển thịnh vượng.
Ngày nay, nơi này được kết nối với tàu điện ngầm của Tô Châu, du khách trong và ngoài nước đến đây rất tiện, đặc biệt là vào cuối tuần. Tuy vậy, hãy trượt khỏi con đường chính và đi vào những con hẻm nhỏ nhất của Đồng Lý, bạn sẽ thấy được nơi này còn đẹp hơn rất nhiều.
Wuzhen (Ô Trấn)
Ô Trấn nằm ở trung tâm cái gọi là "tam giác vàng" của Thượng Hải, Tô Châu và thủ phủ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang, và là một phần của Đại Vận Hà - con kênh đào dài nhất thế giới và từng là tuyến đường thương mại chính nối Hàng Châu với Bắc Kinh.
Mặc dù phần lớn thị trấn ngày nay đã được trùng tu hoặc xây mới, nhưng khoảng một nửa số nhà là những công trình kiến trúc vẫn còn giữ nguyên từ quá khứ hoặc vẫn mang không khí của lịch sử lâu đời 1.300 năm.
Phần lớn phong cách xây dựng ở Ô Trấn có từ cuối triều đại nhà Thanh và đầu thời kỳ cách mạng ở Trung Quốc (1912-1949). Văn sĩ Mao Thuẫn nổi tiếng lớn lên ở đây và du khách có thể đến thăm nhà gia đình của ông, ông là một nhà văn cách mạng đã có công lớn chuyển Trung Quốc từ chế độ phong kiến thành một nước cộng hòa nhân dân, sau này ông trở thành bộ trưởng văn hóa đầu tiên của đất nước.
Ô Trấn bị chia cắt bởi các tuyến đường thủy thành bốn phần theo các hướng bắc, nam, đông và tây. Phần phía bắc và phía đông là nơi được ghé thăm nhiều nhất, trong khi phía tây là nơi ít đông đúc hơn và có nhiều khách sạn, nhà nghỉ hay homestay đẹp mê hồn trong các ngôi nhà cổ.
Zhouzhuang (Chu Trang)
Cùng với Đồng Lý, Chu Trang là thị trấn bên sông nức tiếng của tỉnh Giang Tô với lịch sử 900 năm tuổi. Nơi đây được biết đến rất nhiều nhờ các bức tranh của họa sĩ Chen Yifei (Trần Dật Phi), ông qua đời năm 2005, sinh thời ông khắc họa một thị trấn yên tĩnh lên các tác phẩm của mình rồi vô tình kéo mọi người đến đây để "chứng thực".
Bất chấp đông đúc, Chu Trang vẫn giữ được vẻ quyến rũ đáng kể của thế giới xưa cũ với những ngôi nhà cổ được bảo tồn cực kỳ tốt và 14 cây cầu đá có niên đại từ triều đại nhà Nguyên đến nhà Thanh.
Các nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia đến đây luôn đặt một mục tiêu, đó là chụp được những gì mà họa sĩ Trần từng thấy và vẽ: cảnh sáng sớm khi 800 cư dân địa phương bắt đầu ngày mới của họ, những âm thanh sinh hoạt đời thường, cảnh sắc thiên nhiên chuyển màu rất êm đềm.
Nanxun (Nam Tầm)
Ít nổi tiếng hơn các thị trấn khác trong vùng, có thể nói đến Nam Tầm, không chắc chính quyền địa phương có muốn nhận khách du lịch hay không, nhưng nếu đến đây bạn sẽ cảm nhận được những gì chân thật nhất: cảnh dân địa phương giặt quần áo, nhâm nhi trà, chơi cờ,... mà không có tiếng máy ảnh hay tiếng du khách cười nói, xô bồ.
Nam Tầm từng là một thị phát triển rất mạnh mẽ trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh, lúc bấy giờ nó là một trung tâm sản xuất tơ lụa quan trọng và giống như Ô Trấn có bến tàu thương mại quan trọng dọc theo Đại Vận Hà.
Nhiều ngôi nhà trước đây vì quá cũ nên đã đổ sập hoàn toàn, nay được xây dựng theo phong cách hấp dẫn pha trộn giữa kiến trúc Trung Quốc và châu Âu, cũng là một thú chơi của giới thượng lưu thời ấy. Biệt thự sang trọng của Zhang Shiming, một trong những người đàn ông có ảnh hưởng nhất ở Nam Tầm, được ốp kính màu nhập khẩu từ Pháp.
Xitang (Tây Đường)
Cách Thượng Hải và Tô Châu khoảng một giờ đi xe, trấn cổ Tây Đường được thành lập hẳn từ thời Chiến Quốc (476-221 trước Công nguyên). Điều khác biệt của Tây Đường với các phố sông khác là có lángpéng (lang bằng), là những con đường ven sông có mái che độc đáo, để người dân và du khách thoải mái tản bộ dù trời mưa hay nắng.
Chiều dài lớn nhất của những công trình kiến trúc bằng gỗ và đá này là 1,3 km. Fan cuồng điện ảnh có thể nhận ra đây là địa điểm quay của những cảnh rượt đuổi cuối cùng trong phim "Mission: Impossible III" (Nhiệp vụ bất khả thi 3) năm 2006.
Mặc dù là một địa điểm du lịch nổi tiếng và luôn ồn ào, tấp nập, khách nội địa Trung Quốc ở đây đông hơn hẳn so với khách ngoại, nhưng Tây Đường vẫn đủ yên tĩnh để giữ vẹn nguyên lối sống ven biển của người bản địa.
Dân Tây Đường phần lớn sống trong những ngôi nhà nằm dọc theo 122 con hẻm nhỏ xíu chạy dọc theo đường thủy. Con đường nổi tiếng nhất trong số này là Shipi, nơi hẹp nhất của nó chỉ rộng 80cm chỉ đủ cho một người qua lại.
Ngỡ ngàng khung cảnh tượng Phật từ thiên nhiên huyền diệu Khung cảnh thiên nhiên hoàn toàn không có sự can thiệp của con người nhưng lại mang hình dáng Phật ngủ sinh động như thật khiến người xem phải trầm trồ. Cứ vào trung tuần tháng 3 và tháng 9 hàng năm, trước và sau Xuân phân và Thu phân, vào chạng vạng tối khoảng 6 giờ, cùng với cảnh mặt trời đang...