Về đâu cử nhân miền Tây?
Từ nhiều năm qua, các địa phương ĐBSCL tập trung triển khai nhiều chính sách giáo dục, đào tạo nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Trong khi đào tạo tràn lan, cử nhân thường thiếu việc, thất nghiệp gia tăng
Ngày 30-6-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1033/QĐ-TTg về việc phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015. Bốn năm qua, các tỉnh quyết liệt triển khai quyết định này. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.
Thừa giáo viên, thiếu bác sĩ
Hệ thống trường CĐ, ĐH mọc lên ngày càng nhiều ở các địa phương ĐBSCL trong vài năm qua nhưng theo đánh giá chung, chất lượng đầu ra chưa bảo đảm, mất cân đối giữa các ngành nghề. Điển hình là 2 ngành y và sư phạm.
Video đang HOT
Các địa phương ĐBSCL đang thiếu hụt bác sĩ Ảnh: NGỌC TRINH
Hằng năm, nhiều trường ở ĐBSCL tuyển sinh khối sư phạm với chỉ tiêu rất cao, như Trường ĐH Cần Thơ khoảng 800 chỉ tiêu, Trường ĐH An Giang 400, Trường ĐH Bạc Liêu khoảng 360… Hệ quả là sau đào tạo thừa ra một lượng lớn giáo viên, dẫn đến nhiều người không được bố trí việc làm. Nguyễn Cẩm Th. (quê Sóc Trăng) tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn của Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) từ 2 năm nay vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên bục giảng. Th. tâm sự: “Học xong, cứ ngỡ có tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi sẽ dễ xin việc nhưng hỏi chỗ dạy thì nơi nào cũng bảo đã đủ giáo viên. Tháng 10-2014, tôi may mắn xin vào dạy mầm non theo hợp đồng với lương 2,1 triệu đồng/tháng do một cô giáo nghỉ thai sản. Vừa rồi, cô giáo ấy đi làm lại, tôi hết hợp đồng nên giờ cứ loay hoay tìm việc”. Nguyễn Lâm Đức Huy (ngụ Cà Mau) tốt nghiệp ngành sư phạm vật lý của Trường ĐH Cần Thơ 2 năm 2013, đến nay gửi hồ sơ đến nhiều trường cũng không có nơi đâu nhận. “Giờ kiếm nơi dạy khó quá. Trong khi chờ tìm được việc, tôi đi dạy kèm, làm gia sư…” – Huy bộc bạch.
Trong khi ngành sư phạm thừa giáo viên thì ngành y lại than trời do thiếu y – bác sĩ. TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, nhận định: “Từ năm 2008, nhà trường đã tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ để đào tạo sinh viên theo địa chỉ sử dụng cho các cơ sở y tế cả vùng ĐBSCL. Trung bình mỗi năm, trường đào tạo từ 1.800-2.000 bác sĩ, dược sĩ cho vùng nhưng chỉ đáp ứng mới 20% nhu cầu”. Bác sĩ Trần Văn Dễ, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Cần Thơ, than thở: “Hiện nay, BV đang thiếu rất nhiều bác sĩ ở tất cả khoa, phòng, nhất là bác sĩ chuyên về ngoại nhi như: niệu, tim mạch, gây mê, hồi sức… Dự kiến cuối năm nay, BV sẽ dời về trụ sở mới với quy mô 500 giường, đang cần tới 30-40 bác sĩ nhưng không biết tìm đâu ra”.
Hệ thống BV ở các địa phương BĐSCL hiện thiếu nghiêm trọng bác sĩ ở 5 chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh. Đây là những chuyên ngành rất ít người muốn theo học. Theo một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, tỉnh đã xây dựng thêm nhiều BV chuyên khoa như lao, tâm thần, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2015 nhưng còn thiếu đến 75 bác sĩ.
Học nông nghiệp, đi bán phân bón
Nhân lực du lịch cũng là một vấn đề đang được lãnh đạo các địa phương quan tâm. Toàn vùng chỉ có Trường CĐ Nghề Du lịch Cần Thơ là đào tạo chuyên sâu, hằng năm cung cấp khoảng 250 nhân sự cho ngành du lịch. Trong khi đó, các địa phương ở ĐBSCL đang thực hiện chương trình kích cầu du lịch và du lịch xanh nên rất cần đội ngũ nhân lực này. Tại Phú Quốc (Kiên Giang), tính đến cuối năm nay, nơi này dự kiến có khoảng 3.300 phòng lưu trú, cần khoảng 7.000 lao động qua đào tạo du lịch trong khi hiện tại mới chỉ có 2.000 người. Theo ông Phùng Xuân Mai, Tổng Giám đốc điều hành resort 4 sao Sài Gòn – Phú Quốc, tại resort này có đến 18 người quản lý trung, cao cấp đã sang nơi khác làm việc. “Vì thiếu người nên hễ có khách sạn nào khai trương tại Phú Quốc là người bên chỗ tôi chạy sang nơi đó. Mất quản lý cấp cao thì tổn thất rất lớn” – ông Mai nói.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ sinh viên vùng ĐBSCL theo học các ngành nông nghiệp, thủy sản bậc ĐH chỉ khoảng 10% và CĐ 5%. Ngược lại, hơn 30% sinh viên theo học các ngành kinh tế và 20% ngành kỹ thuật công nghệ. Trong khi đó, vùng chuyên về nông nghiệp, thủy sản nên việc đào tạo khuyết lệch như thế này vô tình làm thiếu nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp và dôi dư số lượng sinh viên ở khối ngành kinh tế. GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, nhìn nhận: “Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng nguồn nhân lực qua đào tạo phục vụ trong lĩnh vực này chủ yếu đi bán phân bón, thuốc trừ sâu cho các doanh nghiệp tư nhân. Những người có năng lực thật sự đã ít lại rất khó vào làm việc tại các đơn vị nhà nước”.
Một cô y tá ở một tỉnh miền Tây tâm sự với GS-TS Võ Tòng Xuân rằng muốn vào làm việc trong BV công lập thì phải chi khoảng 50 triệu đồng. Nhiều người chấp nhận bỏ tiền ra để mong vào làm việc cho cơ quan nhà nước.
Kỳ tới: Nhân tài đi rồi không về
Thiếu nhân lực cho kinh tế biển
Kiên Giang là tỉnh có thế mạnh về biển nhưng thiếu nguồn lực khai thác được tiềm năng này. Qua điều tra của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, đối với nguồn lực để khai thác được kinh tế biển hiện nay có 39 người sau ĐH nhưng chưa có người nào là tiến sĩ nghiên cứu khoa học đề tài này. TS Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhìn nhận: “Ngay cả lực lượng sau ĐH đưa ra nước ngoài trong 5 năm vừa qua cũng không có người nào nghiên cứu về biển. Do đó, phải nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực để phát triển kinh tế biển trong thời gian tới”.
Theo NLĐO