Về Canh Nậu thưởng thức món “Ngựa phi trên sàng”
Nói về cái tên mĩ miều “ Ngựa phi trên sàng” được đặt cho một món ăn tưởng chừng bình dị như thế..
ông Nguyễn Văn Giáp, một người cao tuổi trong làng cho biết, có cái tên như thế là do những chú chuột đồng sau khi được sơ chế, thui rơm vàng ruộm sẽ được bày bán trên những mẹt, sàng, nia, có nguyên chân, đuôi và đầu, nhìn như bốn vó ngựa đang sải bước.
Đặc sản của cả làng
Nếu ở trên thế giới, chuột thường là nỗi sợ của đa số thành phố, thì tại một ngôi làng ở ngoại ô thành phố Hà Nội có một món đặc sản làm từ thịt chuột, được gọi với cái tên mỹ miều “Ngựa phi trên sàng”. Cái tên khơi gợi bao nhiêu sự hiếu kỳ, thích thú của bất kỳ ai mới nghe lần đầu tiên, mà nếu như không hỏi lại thì cũng có rất nhiều người không hiểu. Ngôi làng đó là xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.
Nói về cái tên mĩ miều “Ngựa phi trên sàng” được đặt cho một món ăn tưởng chừng bình dị như thế, ông Nguyễn Văn Giáp, một người cao tuổi trong làng cho biết, có cái tên như thế là do những chú chuột đồng sau khi được sơ chế, thui rơm vàng ruộm sẽ được bày bán trên những mẹt, sàng, nia, có nguyên chân, đuôi và đầu, nhìn như bốn vó ngựa đang sải bước.
“Nhưng đây cũng là cách để người ta phân biệt chuột còn tươi hay chuột hỏng. Bên cạnh đó, cái tên ‘Ngựa phi trên sàng’ cũng đánh dấu sự trân trọng, thân thương của cha ông chúng tôi dành cho món ăn đặc sản quê mình”, ông Giáp cho biết
Theo cô Nguyễn Thị Bình, trưởng thôn 4, xã Canh Nậu, đối với người dân xã Canh Nậu, món thịt chuột là một món ăn truyền thống đã có từ lâu đời, cũng giống như thịt gà, thịt lợn, thịt bò vậy.
Vào thời kỳ trước, khi đường nước thủy lợi chưa được thuận tiện và bê tông hóa như nay, vào mùa tháng 9 đến tháng 12 Âm lịch hàng năm, người dân xã Canh Nậu lại rủ nhau đi bắt chuột. Dân trong làng vẫn thường hay lưu truyền kinh nghiệm, chuột vào thời điểm sau vụ mùa này thường béo, tròn, mẩy và đặc biệt thơm ngon hơn những mùa khác trong năm. Không cần những dụng cụ đặc biệt, chỉ cần những nông cụ thường ngày người dân trong xã vẫn hay dùng như: Thuổng, giỏ hay cuốc là đã đủ để họ “tác nghiệp”.
Ngày nay, khi hệ thống thủy lợi đã hoàn thiện, người dân trong làng đi bắt chuột quanh năm. Vào thời điểm mùa gặt, ra cánh đồng giáp với xã Hương Ngải, Dị Nậu sẽ thấy từng tốp người đi săn chuột với các công cụ hết sức đơn giản như bao tải, bẫy, cuốc… tạo nên quang cảnh rất rôm rả trên các cánh đồng mới gặt. Bây giờ, người ta chỉ cần tìm ra hang chuột rồi bịt lại các cửa hang chỉ để lại một miệng hang, sau đó đổ nước vào buộc chuột phải chui vào rọ. Chỉ chừng hơn 1 tiếng đồng hồ là có thể dễ dàng bắt được cả chục con chuột đủ cho một bữa đánh chén.
Video đang HOT
Nghề ăn cũng lắm công phu
Nói về món ăn này, người dân xã Canh Nậu thường bảo nhau nghề ăn cũng lắm công phu. Sau khi bắt được, người dân Canh Nậu đưa số chuột này về nhà, cho vào nước nóng. Tiếp đến, họ sẽ cho chuột vào đống rơm, rạ bật lửa thui cho sạch lông, tiếp đó mới chế biến thành các món ăn.
Trước đây, những lần bắt chuột chủ yếu chỉ để làm món ăn phục vụ những bữa cơm gia đình, thì nay lại trở thành một món đặc sản. Trong quá trình đi tìm hiểu món ăn này, phóng viên đã có dịp ghé thăm và trò chuyện với cô Cấn Thị Hà, chủ một sạp hàng bán thịt chuột tại làng. Qua bàn tay sơ chế một cách thuần thục của cô, những chú chuột từ lông lá rậm rì đến trắng phau, lại đến vàng ươm, thơm nức mùi rơm rạ vụ mùa. Vừa xếp những chú chuột vàng rộm lên mẹt, cô vừa hồ hởi cho biết, người dân địa phương có thói quen ăn thịt chuột đã lâu, gần như cả xã từ người già đến trẻ, đàn ông đến phụ nữ đều thích ăn. Thế nên mỗi buổi chợ, số lượng chuột chỉ trong chốc lát đã được người dân mua hết. Trung bình mỗi buổi chợ, cô có thể bán được từ 5-7kg thịt chuột chưa kể những hôm trong xã có đám cưới thì số lượng tiêu thụ sẽ còn nhiều hơn thế. Bởi theo tục lệ ở đây, nhà nào có đám cưới thì nhất định trong mâm phải có món thịt chuột, như thế mới được coi là một mâm cỗ sang, ngon và đầy đặn.
Điểm đặc biệt nữa là ở đây thịt chuột được chế biến và bày bán rất nhiều. Giá thịt chuột rất đắt, đắt hơn cả thịt gà nhưng luôn bán rất chạy, có khi còn không có hàng để bán cho khách. Thịt chuột được bày bán theo cân chứ không bán theo con. Và với món đặc sản này, người mua cũng chẳng bao giờ mua theo từng con.
Những chú chuột vàng ươm được bày bán với giá từ 100 – 120.000/kg (đối với chuột chính vụ); 80.000 – 100.000/kg (đối với chuột trái vụ, chuột nhỏ). Với người dân làng Canh Nậu, từ thịt chuột dân làng có thể chế biến được rất nhiều món từ chuột hấp lá chanh, chuột quay, chuột nướng lu, chuột giả cầy, chuột xào xả ớt, rang giềng, nấu cháo, chiên hoặc luộc chấm lá chanh. Gia giảm cho món chuột cũng khá cầu kỳ, chọn lựa với giềng, sả, khế chua, mùi tàu, hành tươi, hành khô, ngổ, lá ớt, mơ lông… Mỗi món lại có cách chế biến khác nhau, nhưng tựu chung lại đều sử dụng những thứ gia vị có xung quanh nhà.
Cùng với quá trình xây dựng và đô thị hóa nhanh chóng, xã Canh Nậu còn được biết đến là một trong những làng nghề gỗ nổi tiếng của xứ Đoài. Bắt và chế biến món ăn từ chuột đồng giờ đây cũng không phải là một nghề để người dân mưu sinh, nhưng nó vẫn là một thói quen của dân làng. Chính vì vậy, giờ đây món ăn này cũng được dân làng chăm chút và đầu tư kỹ lưỡng hơn. Khi mà làn sóng thức ăn nhanh, tiện lợi được bày bán tràn lan, giao dịch nhanh chóng, thì người ta lại dễ hoài niệm về những gì xưa cũ. Những gì mang làn khói của đồng quê và mùi vị rơm vàng. Thật vừa vặn, món chuột đồng đã làm được điều giản dị ấy.
Về miền Tây thưởng thức đặc sản 'sóc khóm'
"Nhiều người ngại món "thịt ông Tí", nên bà con nông dân mới nghĩ ra chuyện đặt tên nó là "sóc khóm" để họ ăn cho mạnh miệng", Sáu Sang cười khà khà, phân trần.
Đặc sản 'sóc khóm' ướp muối ớt, bột ngọt nướng lửa than - Ảnh: Thanh Anh
Về vùng chuyên canh thưởng thức đặc sản "sóc khóm"
Bữa tiệc đang hồi rôm rả thì Sáu Sang đứng dậy, tuyên bố: "Nãy giờ nhậu thịt, cá ngán quá. Hồi tối đứa bạn ở xóm trong đặt bẫy bắt được mớ "sóc khóm", để tui kêu nó đem lại làm món đãi mấy anh Hai Sài Gòn nhậu chơi cho biết mùi đặc sản". Nói xong, Sáu Sang móc điện thoại, gọi oang oang: "Út hả ? Mớ "sóc khóm" có ai mua chưa vậy? Chưa hả, vậy để cho tui nhen. Nhớ làm sạch, bỏ da, đầu, chân cẳng, đồ lòng, rồi đem ra nhà tui giùm nghen, đang tiệc tùng khách khứa tùm lum, không có người làm".
Nghe Sáu Sang nói vậy, Tư Phương và mấy người bạn dân Sài Gòn tròn xoe mắt, hỏi dồn: "Sóc khóm là... con gì anh Sáu, từ trước đến giờ tụi tui có nghe ai nói đến con này đâu?". Chờ mọi người bớt xôn xao, Sáu Sang từ từ giải thích: "Sóc khóm chính là... con sóc sinh sống trong rẫy trồng cây khóm chớ con gì. Vùng quê Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) của tui lâu nay nổi tiếng là vùng đất trồng cây khóm nhiều và nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ, với hơn 16.000 héc-ta chuyên canh.
Mấy năm gần đây không biết đám sóc ở đâu kéo về đây sinh sôi trú ngụ đầy trong các rẫy khóm. Ban ngày, đám sóc ẩn núp ở đâu không biết, nhưng ban đêm thì kéo nhau ra ruộng ăn trái khóm chín cây. Tụi nó phá hại mùa màng dữ lắm nên nông dân bực bội, tìm mọi cách bắt chúng".
Những rẫy khóm bạt ngàn là nơi trú ngụ của chuột đồng, chuột cống nhum, đặc sản "sóc khóm" vùng Tân Phước, Tiền Giang - Ảnh: Thanh Anh
Theo Sáu Sang, nhờ ăn trái khóm chín cây nên thịt con sóc khóm có hương vị thơm ngon đặc biệt, khác hẳn con sóc ở trong vườn dừa, vườn mít Thái, trở thành món đặc sản của địa phương. Mấy năm qua nhiều người nhờ nghề săn "sóc khóm" mà có đồng ra đồng vô lúc nông nhàn, bởi mỗi ký "sóc khóm" chưa làm thịt có giá 70.000 - 80.000 đồng/kg, làm sạch sẽ giá lên tới 100.000 đồng/kg.
Sáu Sang đang thao thao kể chuyện sóc khóm thì 1 thanh niên chạy chiếc xe gắn máy cà tàng tới, tay xách theo chiếc túi đựng chừng 5 ký sóc khóm đã làm sạch, bỏ hết chân cẳng, đầu, da, đồ lòng như lời dặn của Sáu Sang, cho biết phải trả 80.000 đồng/kg vì là chỗ quen biết. Ngay lập tức, Sáu Sang, bảo khách khứa cứ ngồi nhậu thoải mái, chờ ông ta tự tay tẩm ướp các loại gia vị, thực hiện các món sóc nướng muối ớt, sóc xào lăn, chiên nước mắm... để thết đãi mọi người. Sợ một mình Sáu Sang làm không kịp nên Tư Phương xung phong xắn tay áo xông vào phụ việc.
Trong lúc phụ Sáu Sang ướp gia vị mớ sóc khóm, Tư Phương không giấu được thắc mắc, hỏi: "Anh Sáu à, sao tui thấy con sóc khóm... chẳng khác gì con chuột đồng vậy anh?". Nghe Tư Phương nói, Sáu Sang vội trấn an: "Con sóc khóm với con chuột đồng đều là loài gặm nhấm, thân hình cùng 1 cỡ với nhau, chặt hết đầu đuôi, chân cẳng thì... nhìn có khác gì nhau. Thôi, chút ăn thử rồi sẽ biết ngon hay dở. Nhưng tui nói thiệt, mấy ông hên lắm mới được thưởng thức thịt sóc khóm đó, bởi lũ sóc hình như đã "thành tinh", rất khó bắt, nếu xế chiều mang bẫy đi đặt mà lỡ miệng nói "đặt bẫy sóc" thì đêm đó đừng hòng dính được con nào".
Dở khóc dở cười vì quả lừa "sóc khóm"
Chừng 20 phút sau mớ "sóc khóm" ướp muối ớt bột ngọt nướng trên bếp lửa than tỏa ra mùi thơm ngào ngạt, khiến đám khách Sài Gòn tắc lưỡi, hít hà liên tục. Lúc mấy con sóc khóm nướng được bày lên bàn tiệc, cả đám xúm vô nếm thử rồi ngợi khen rối rít, giành giật nhau ăn, nên chẳng bao lâu dĩa "sóc khóm" sạch trơn. Tiếp đó, món sóc khóm xào lăn, chiên nước mắm vừa bày lên mâm thì chẳng bao lâu cũng hết. Mấy anh Hai "Sài Gòn" vừa ăn vừa khen thịt con sóc khóm quả là "tuyệt cú mèo", có hương vị rất đặc biệt, đúng hàng đặc sản thứ thiệt của vùng Tân Phước.
Cả ngày ăn nhậu no say, buổi chiều trước khi về Sài Gòn, Tư Phương và mấy ông bạn nài nỉ Sáu Sang: "Anh Sáu ơi! Làm ơn thì làm ơn cho trót, anh quen biết nhiều mối mang, tìm giúp vài ký sóc khóm để tụi này đem về Sài Gòn làm món đãi đám bạn nhậu cho tụi nó... lác mắt chơi". Từ chối hoài không được, Sáu Sang đành gọi mấy cú điện thoại đến những người quen biết, cuối cùng cũng tìm được khoảng 3 ký sóc khóm còn sống nguyên, giá 110.000 đồng/kg. Tư Phương và mấy ông bạn Sài Gòn mừng húm, kêu đem tới ngay. Chừng 15 phút sau, 1 anh nông dân chạy xe gắn máy tới, chở theo 1 chiếc lồng kẽm, bên trong chen chúc.... những chú chuột rất to, lông đen sậm, luôn miệng kêu khè khè hung dữ.
Nhìn thấy đám chuột, Tư Phương và đám bạn trợn mắt, lớn tiếng: "Tụi tui mua "sóc khóm", đâu có mua chuột. Hồi nãy anh Sáu đãi "sóc khóm" nướng muối ớt, xào lăn, chiên nước mắm, ngon tuyệt cú mèo, đâu phải chuột". Chẳng ngờ, anh nông dân bán chuột tính thiệt giải thích: "Dạ, con này là chuột cống nhum, nó với con chuột đồng đều ở trong rẫy khóm, ăn trái khóm chín, nên lâu nay nông dân vùng Tân Phước kêu tụi nó là... con "sóc khóm" cho vui".
Món thịt chuột nhìn khá hấp dẫn - Ảnh: Thanh Anh
Sáu Sang cười khà khà, tiếp lời: "Tui biết mấy ông có nhiều người ngại món "thịt ông Tí", nên mới kêu làm thịt "sóc khóm" để mấy ông ăn nhậu cho mạnh miệng. Hồi nãy mấy ông ăn thịt con chuột đồng, còn bây giờ con "sóc cống nhum" còn quý gấp nhiều lần con "sóc khóm" khi nảy, vì lâu lâu mới bắt được vài con".
Nghe tới đó, Tư Phương cùng đám bạn mặt mày tái xanh, nhiều ông vội vàng chạy ra bờ kênh trước nhà ráng hết sức móc họng để... ói ra cho hết món "sóc khóm đặc sản". Nhìn cảnh đó, Sáu Sang bước đến gần, lên tiếng an ủi: "Hồi nãy ăn "sóc khóm" mấy ông ai cũng khen là món ngon lần đầu mới được thưởng thức mà. Thôi, đã ăn vô bụng rồi thì ráng móc họng ói ra làm chi cho nó khổ thân, uổng lắm bạn hiền".
Một trong những món khoái khẩu của dân nhậu là món chuột nướng khìa nước dừa xiêm nấu. Riêng khâu chế biến món chuột khìa nước dừa thì khá là công đoạn. Trước tiên phải làm sạch chuột lấy 2 cục hạch ở 2 bẹn đùi, cắt hết lớp mở trắng nằm trên ổ bụng, chấy mở tỏi cho thơm vàng đổ vào thau ướp chuột.
Tiếp đó nêm gia vị gồm: ngũ vị hương, đường, tiêu, tỏi, ớt, nước mắm.. để cho chuột thấm khoảng 30 phút rồi đem khìa. Cầm con chuột vừa được khìa trên tay, mùi thơm tỏa ra khiến người ngồi kế bên không cầm lòng được... Rót 1 ly rượu gắp miếng thịt chuột dưới gốc tre già, hưởng cơn gió làng quê thì còn gì bằng.
Theo Motthegioi.vn
Những đặc sản hoang sơ của đại ngàn Kon Tum Những ai may mắn có dịp đặt chân đến với vùng đất Kon Tum không thể bỏ lỡ những món ăn đặc sản mang đậm hương vị núi rừng đại ngàn nơi đây. Theo VietQ