Về Cà Mau nghe ngư dân kể chuyện rùa biển linh thiêng
Nhiều ngư dân vùng biển ở Cà Mau rất sùng tín và cầu mong trong lúc vươn khơi đánh bắt cá sẽ gặp được rùa biển. Theo họ, nếu gặp loài động vật quý hiếm này, công việc đánh bắt sẽ phất lên và gặp nhiều may mắn trong những chuyến biển về sau.
Không phải tự nhiên mà nhiều ngư dân miền biển ở Cà Mau liên tiếp giao nộp và thả những cá thể rùa biển “khủng” trở về tự nhiên bởi chúng ngoài yếu tố quý hiếm là loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, nằm trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo tồn, thì đối với ngư dân, mỗi khi ai gặp được loài động vật này nếu thả đi thì sẽ nhận được sự may mắn đối với bản thân và gia đình mình.
Anh Non cùng lực lượng kiểm lâm địa phương thả rùa khủng về tự nhiên – Ảnh: Anh Duy
Trái lại, theo bà con, nếu giết thịt, trao đổi mua bán nó thì sẽ gặp tai ương. Chính vì tâm niệm về sự linh thiêng ấy, nhiều ngư dân xứ biển đã tự nguyện chăm sóc, giao nộp những cá thể rùa biển “khủng” chỉ với mong ước được thay đổi vận mệnh của cuộc đời mình và có được cuộc sống sung túc hơn.
Gặp rùa như gặp thần may mắn
Một ngày cuối tuần trong tháng 4, sau khi tiếp nhận thông tin của chính quyền huyện Ngọc Hiển về việc địa phương này liên tiếp thả rùa biển khủng về tự nhiên, chúng tôi đã quyết định vượt quãng đường hơn 100km để tìm về ấp Mũi, xã Đất Mũi của huyện này. Sau nhiều lần hỏi đường, chúng tôi cũng đã tìm đến được nơi ở của gia đình anh Nguyễn Văn Non.
Trong căn nhà sàn “cao cẳng” (nét đặc trưng của vùng đất ngập nước mũi Cà Mau), đón tiếp chúng tôi là người đàn ông khắc khổ với thân hình gầy gò, da đen sạm vì nắng gió miền biển, trông già hơn cái tuổi 40 mà chúng tôi biết. Giọng chậm rãi, hiền hòa, đậm chất nông dân, anh kể: “Thật lòng, khi gặp rùa biển tôi tâm tư lắm, vừa muốn tìm mối lái để bán, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Hơn 40kg, nếu bán cũng gần 5 triệu là chuyện thường.
Nhưng tôi không làm như vậy. Một mặt, vì đây là loài quý hiếm, cần được bảo tồn, nếu bán mà cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị phạt, mất mặt lắm. Mặt khác, lâu nay ai cũng nói, đi biển gặp rùa “khủng” là điềm lành và mang lại cho mình điều tốt lành trong những chuyến tới. Vì vậy, tôi quyết định chăm sóc cá thể rùa cho thật khỏe mạnh, rồi đem giao nộp cho Đồn biên phòng Đất Mũi để thả rùa về tự nhiên, nhằm góp phần bảo tồn loài động vật quý hiếm này”.
Video đang HOT
Anh Non (thứ 3, từ phải sang) bàn giao cá thể rùa cho chính quyền địa phương với mong muốn có được sự may mắn khi đánh bắt – Ảnh: Anh Duy
Anh Non còn nói, ở vùng biển này, ngư dân đi biển đều rất tin vào tâm linh, vì giữa muôn trùng khơi mênh mông vô tận ấy, nếu gặp nạn thì điều xấu nhiều hơn là điều lành. Vì vậy, yếu tố tâm linh theo kinh nghiệm dân gian từ bao đời nay luôn mang lại may mắn cho nhiều ngư dân. May mắn mang lại trong những chuyến đi như gặp thời tiết thuận lợi, trúng mùa, được thần linh phù trợ…
“Trước đây, cũng ở xã này, một ngư dân đi biển bắt được rùa quý, nhưng không thả về tự nhiên mà giết thịt nhậu. Từ đó, cuộc sống của người này lâm vào cảnh nợ nần, túng quẫn. Trong một lần đi biển, anh ấy bị sóng biển đánh văng khỏi tàu, đến khi anh em trên ghe phát hiện, quay lại tìm thì không thấy. Tung tích của anh này đến nay vẫn còn là ẩn số”, anh Non kể.
Anh Non bảo: “Có lẽ anh không tin, nhưng điều đó là có cơ sở. Ngư dân chúng tôi, dù không muốn tin, nhưng cũng phải ghê sợ, nếu gặp rùa mà không săn sóc, thả đi thì sẽ gặp biến cố thật đấy, tôi không đùa đâu”.
“Trước đây, tôi có người bạn chơi với nhau từ thuở nhỏ. Nó cũng đi biển, nghe đâu gặp được một con rùa khoảng hơn 20kg, nó tìm lái bán cho nhà hàng ở TP.HCM được chừng 6 triệu. Niềm vui chưa được bao lâu, thì tai họa ập đến, trong một lần đi biển, tàu của nó va vào cọc đáy, nó rơi xuống biển mất xác.
Năm nay là lần giỗ thứ 4 của nó rồi. Cuộc đời vô thường lắm. Bởi thế, tôi không muốn như bạn mình, tôi còn gia đình cần tôi để lo toan cuộc sống. Vì thế, khi gặp rùa tôi tâm tư ở chỗ ấy và tôi quyết định chăm sóc nó và giao nộp cho địa phương”, giọng anh Non đầy tâm trạng.
Đổi vận nhờ… thả rùa
Khi chúng tôi hỏi, từ khi anh thả rùa biển hơn 40kg về đại dương, đến nay kinh tế gia đình có gì thay đổi không. Anh Non cười hiền: “Gì mà nhanh dữ vậy, cũng phải có thời gian chứ, nhưng có một điều tôi nhận ra, từ hôm thả rùa cho đến nay, tôi ra biển được 2 lần (đi phương tiện nhỏ, hoạt động gần bờ), mỗi lần thu nhập hơn 2,5 triệu đồng/ngày. Chẳng biết có phải là may mắn hay không, nhưng những chuyến trước thì thu nhập không cao như vậy, có những chuyến còn lỗ cả tiền xăng dầu”.
Để hiểu rõ hơn về sự kỳ lạ mang yếu tố tâm linh, ẩn đằng sau việc ngư dân thả rùa biển quý hiếm về tự nhiên, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Nghĩa – ngư dân mà trước đó không lâu cũng giao nộp một cá thể rùa “khủng” nặng gần 60kg về tự nhiên. Trong căn nhà cấp 4, ở xã Tân Ân Tây, H.Ngọc Hiển, chúng tôi đợi một hồi lâu mới gặp được anh Nghĩa từ biển trở về sau 1 ngày đánh bắt cá.
Từ ngày thả rùa biển, đến nay đã gần 1 tháng, kinh tế gia đình tôi thay đổi hẳn ra. Tôi cũng không tin việc thả rùa mang lại may mắn, nhưng từ sau khi thả rùa tôi liên tục gặp may từ việc đánh bắt”, anh Nghĩa phấn khởi.
Theo người đàn ông này, rùa biển là loài động vật rất linh ứng, luôn mang lại những sự may mắn cho những ai gặp, giải cứu và thả rùa về tự nhiên.
“Hôm trước, trong lúc giặt lưới ngoài biển, tôi thấy cá thể rùa biển “khủng” mắc lưới, bị thương, nên tôi nhẹ nhàng tháo gỡ, mua thùng composit để chăm sóc con rùa cho khỏe mạnh, sau đó tôi mới giao nộp cho Hạt Kiểm lâm H.Ngọc Hiển. Khi rùa gặp nạn, tôi thấy được ánh mắt cầu cứu của nó và khi thả nó về tự nhiên tôi cũng cảm nhận được ánh mắt của nó tươi vui, linh hoạt hẳn ra”, anh Nghĩa chia sẻ.
Anh Nghĩa còn nói, hễ ai đi biển mà gặp rùa rồi làm điều tốt với loại động vật này, thì trong tương lai cuộc sống của người đó sẽ đổi vận, không ít thì nhiều, người đó sẽ gặp may. “Tôi có anh bạn ở xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, trước đây cũng làm nghề đóng đáy hàng khơi ngoài biển, cũng trong lúc giặt lưới anh phát hiện con rùa nặng gần 20kg bị kẹt lưới chảy máu chân.
Sau đó, anh đem về chăm sóc vết thương, rồi tự đem ra biển thả chứ không thông báo cho ai. Đến nay, đã gần 3 năm, anh ấy đã bỏ luôn nghề biển, lên bờ mở vựa thu mua. Bây giờ, bạn hàng của anh ấy nhiều lắm, ở khắp nơi, việc kinh doanh thuận lợi nên giàu dữ lắm”, giọng anh Nghĩa đầy tự tin.
Những chú rùa biển được phát hiện tại một cơ sở mua hải sản ở Phú Quốc – Ảnh: Hàm Yên
Ông Lê Minh Thùy, Chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây nói rằng: “Là con người, ai cũng mong muốn mình có cuộc sống sung túc, gặp nhiều thuận lợi trong việc làm ăn. Đó là lý do, vì sao khi gặp trắc trở trong việc làm ăn, mọi người đều khấn vái, cầu mong vào một đấng siêu nhiên nào đó để tìm vận may. Đối với người đi biển cũng vậy, họ rất tin vào điều linh thiêng, nên khi có một vài người minh chứng về vận mệnh khi gặp rùa biển là họ tin ngay”.
Theo ông Thùy, nếu ông là ngư dân, ông cũng sẽ tin vào yếu tố tâm linh vì bởi trước muôn trùng đại dương, thì ngư dân rất lo sợ những cơn thịnh nộ của biển. Biển có thể cho ta tất cả về đời sống, kinh tế được sung túc từ nguồn lợi dồi dào của đại dương, song biển cũng sẽ cướp đi của chúng ta tất cả, nếu không may gặp phải những khó khăn trong quá trình đánh bắt.
“Tôi thì không tin gặp rùa biển sẽ may mắn, nhưng tôi có nghe sơ sơ về chuyện thả rùa và ăn thịt rùa rồi, thật sự có linh ứng đấy”, ông Thùy nói. Nghề nào cũng có những yếu tố tâm linh và yếu tố này giúp cho con người có cảm giác yên tâm, có thêm động lực để lao động. Đặc biệt, yếu tố tâm linh sẽ giúp con người vượt qua khó khăn, để vươn lên trong cuộc sống bằng sức lao động của mình.
Chuyện về những ngư dân khi gặp rùa biển, nhưng cách xử lý của mỗi ngư dân khác nhau và vận mệnh họ nhận lấy ở 2 thái cực hoàn toàn trái ngược. Người thì gặp may mắn, đổi đời nhờ biển, người thì gặp tai ương cũng chính từ biển. Ngư dân vùng biển Cà Mau tin loài động vật này đem lại may mắn cho họ, nếu gặp phải chúng trong quá trình đánh bắt và thả về tự nhiên.
Theo Anh Duy (Motthegioi)
Thả rùa biển về môi trường tự nhiên tại cửa biển Lạch Vạn
Chiều 1-4, một con rùa biển nặng 7 kg đã được Đồn Biên phòng Diễn Thành, BĐBP Nghệ An phối hợp với địa phương và lực lượng chức năng thả về với biển.
Lực lượng chức năng tiến hành thả rùa biển về với tự nhiên tại vùng cửa biển Lạch Vạn. Ảnh: Phương Linh
Vào lúc 15 giờ ngày 1-4, trong lúc khai thác hải sản trên biển, ngư dân Trần Văn Bảy (trú tại xóm 10, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đã phát hiện 1 cá thể rùa biển nặng 7 kg bị mắc lưới. Sau khi đưa lên bờ, ngư dân Trần Văn Bảy đã thông báo với Đồn Biên phòng Diễn Thành, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng huyện Diễn Châu.
Sau khi tiếp nhận rùa biển từ ngư dân, Đồn Biên phòng Diễn Thành đã phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu tổ chức thả về với tự nhiên tại vùng cửa biển Lạch Vạn.
Phương Linh
Theo bienphong
Cà Mau: Thả "cụ" rùa nặng 60kg nằm trong sách đỏ về với tự nhiên Sáng 21.3, thông tin từ Phòng NNPTNT huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Hạt kiểm lâm, Đồn biên phòng Rạch Gốc và ngư dân thả một cá thể rùa về với biển. Trước đó, chiều 7.3, trong lúc vệ sinh đáy (dụng cụ bắt hải sản ngoài biển - PV), anh Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ xã...