Vệ binh Quốc gia bám trụ Washington tới phiên tòa luận tội Trump
5.000 Vệ binh Quốc gia Mỹ sẽ ở lại thủ đô Washington tới giữa tháng 3 do lo ngại về an ninh khi diễn ra phiên tòa luận tội Trump.
Trong bối cảnh phần lớn trong 26.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia đang được trở về nhà sau khi tham gia bảo vệ lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, các quan chức hành pháp liên bang hồi tuần trước đưa ra yêu cầu duy trì một phần lực lượng này ở Washington, 4 nguồn tin cho biết.
Khoảng 5.000 binh sĩ sẽ tiếp tục bảo vệ tòa nhà quốc hội Mỹ khỏi “những lo ngại về an ninh” khi phiên tòa luận tội cựu tổng thống Donald Trump diễn ra, trong đó có nguy cơ nổ ra các cuộc biểu tình đông người khi Thượng viện mở phiên tòa từ ngày 9/2.
Binh sĩ Vệ binh Quốc gia cho biết chưa được cung cấp thông tin về việc kéo dài đợt triển khai. “Đây không phải vùng chiến sự, do đó các điều kiện chiến đấu không nên được áp dụng”, một lính Vệ binh Quốc gia cho biết, cho hay một số thành viên không “tự nguyện” kéo dài thời gian thực thi nhiệm vụ ở Washington.
Theo kế hoạch, khoảng 7.000 binh sĩ sẽ tiếp tục bám trụ thủ đô làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh và chống bạo động tới đầu tháng 2, sau đó giảm xuống khoảng 5.000 người vào thời điểm phiên tòa luận tội Trump bắt đầu.
“Chúng tôi sẽ không để xảy ra bất kỳ bất ngờ nào nữa”, một lính Vệ binh Quốc gia nói, đề cập đến việc thiếu chuẩn bị trong vụ bạo loạn ở tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1. Nhiều người lo ngại về nguy cơ bất ổn ngày 4/3, khi một số người theo thuyết âm mưu của nhóm cực hữu QAnon tin rằng đây là thời điểm Trump sẽ nhậm chức lần hai.
Cảnh sát quốc hội và Cục Vệ binh Quốc gia Mỹ chưa bình luận về thông tin.
Binh sĩ Vệ binh Quốc gia đi qua trước tòa nhà Quốc hội Mỹ, ngày 17/1. Ảnh: AP .
Video đang HOT
Vệ binh Quốc gia được triển khai tới thủ đô Washington sau vụ bạo động ngày 6/1 tại Đồi Capitol, khi người ủng hộ Trump quá khích xông vào bên trong tòa nhà trong lúc các nghị sĩ chứng thực kết quả bầu cử. Hạ viện Mỹ bắt đầu tiến trình luận tội Trump một tuần sau đó, cáo buộc cựu tổng thống Mỹ “cố ý kích động nổi loạn”.
Khoảng 25.000 lính Vệ binh Quốc gia Mỹ tham gia đảm bảo an ninh trong lễ nhậm chức của Tổng thống Biden hôm 20/1, nhằm ngăn chặn “các cuộc tấn công tương tự” vụ bạo động ở tòa nhà quốc hội. Một số vệ binh cho biết họ chưa thấy bất cứ hành vi bạo lực nào cho tới nay.
Một Vệ binh Quốc gia cho biết chưa nhận thông báo về bất cứ mối đe dọa cụ thể nào từ phía quân đội Mỹ, thay vào đó là mối quan ngại của chính quyền liên bang về “nguy cơ tiếp tục xảy ra bất ổn”. Binh sĩ này cho biết lực lượng dân quân cực hữu là nguyên nhân lớn nhất gây ra mối lo ngại trên.
Nhiều binh sĩ Vệ binh Quốc gia đang xuống tinh thần, một số cho biết phải mang đầy đủ trang bị và đứng gác nhiều giờ, lương thực và nước uống bị hạn chế, phải chờ vài giờ để lên xe về nơi ở và được ngủ rất ít. Một số phải bỏ tiền túi mua đồ ăn khi các bữa ăn hàng ngày không cung cấp đủ năng lượng cho họ, các bữa ăn khó tới được tay họ do vấn đề hậu cần và vận chuyển.
Vệ binh Quốc gia Mỹ cũng chật vật đối phó với Covid-19 khi không có chế độ xét nghiệm rõ ràng và một số binh sĩ buộc phải rời khu vực cách ly trước thời hạn. Ít nhất 200 binh sĩ dương tính với nCoV, cùng hàng trăm binh sĩ khác phải cách ly do tiếp xúc gần với ca nhiễm.
5 giờ Nhà Trắng dọn dẹp đón tân tổng thống
Vào 12h01 trưa 20/1, vài giờ sau khi Trump rời Washington, đồ đạc của nhà ông cũng sẽ được chuyển khỏi Nhà Trắng để nhường chỗ cho gia đình tân tổng thống.
Đến cuối ngày 20/1, khi Joe và Jill Biden bắt đầu ngày đầu tiên sống ở Nhà Trắng, khu sinh hoạt sẽ phải được dọn dẹp, làm vệ sinh kỹ càng, đồ đạc, hành lý được sắp xếp và thực phẩm yêu thích của họ lấp đầy tủ lạnh.
Đó là công việc diễn ra 4 hoặc 8 năm một lần, khi đệ nhất gia đình mới chuyển đến và một gia đình khác dọn đi, được thực hiện bởi 90 nhân viên Nhà Trắng trong 5 giờ.
Nhân viên chuyển thùng lên xe tải bên ngoài Nhà Trắng tuần trước. Ảnh: NYTimes .
Những người tham gia vào quá trình này cho biết ngày chuyển nhà năm nay phức tạp hơn vì cần thêm các biện pháp an toàn và vệ sinh do lo ngại về nCoV. "Các nhân viên nằm ngủ trên giường gấp, ở khu vực cầu thang. Dù họ có chuẩn bị kỹ đến đâu, tình hình vẫn luôn hỗn loạn", Anita McBride, từng là chánh văn phòng cho đệ nhất phu nhân Laura Bush, cho biết.
Các xe tải chở đồ của nhà Biden không được phép bắt đầu dỡ hàng cho đến khi tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức, mặc dù một số đồ đạc của gia đình đã được cất trong kho chứa ở Maryland kể từ cuối tuần. Khu sinh hoạt của Nhà Trắng sau đó sẽ được các nhân viên hối hả sắp xếp để nó giống như nhà của gia đình tân tổng thống vào thời điểm họ về đến vào buổi chiều.
Quy trình này còn gặp khó khăn hơn trong năm nay vì yếu tố chính trị. Nhà Biden chưa bao giờ được mời đến gặp các nhân viên Nhà Trắng hay tham quan trước tầng hai, nơi có 16 phòng và 6 phòng tắm, sẽ là nơi sinh hoạt của họ. Trong khi đó, Michelle Obama đã đến Nhà Trắng hai lần theo lời mời của bà Bush trước lễ nhậm chức năm 2009 của chồng mình.
"Bà Melania lẽ ra nên mời bà Jill đến uống cà phê", Capricia Marshall, từng là thư ký xã hội của Nhà Trắng thời chính quyền Clinton, nói. "Thông thường, đệ nhất phu nhân tương lai sẽ chuẩn bị sẵn các câu hỏi, bà sẽ gặp và nói chuyện với đầu bếp, người giúp việc và đó là cơ hội để họ làm quen. Hành động này vốn là một phép lịch sự, nhưng về mặt hậu cần, nó cũng vô cùng hữu ích. Nhưng điều đó không xảy ra năm nay".
Tuy nhiên, nhóm chuyển giao quyền lực của Biden đã liên hệ với tổng quản Nhà Trắng Timothy Harleth để điều phối việc chuyển đồ. Harleth được Melania chọn làm người giữ chức vụ này vào năm 2017, sau khi ông làm giám đốc quản lý phòng tại Khách sạn Quốc tế Trump ở Washington. Việc bổ nhiệm Harleth vào vị trí này là điều khá bất thường, vì tổng quản Nhà Trắng thường là một công chức phi chính trị, có nền tảng quân sự và không thay đổi theo chính quyền. Do mối quan hệ của Harleth với Tập đoàn Trump, một số người suy đoán ông sẽ rời đi cùng tổng thống mãn nhiệm.
Trong khi chưa thảo luận về tương lai với Jill Biden, Harleth dự kiến tạm thời ở lại Nhà Trắng để xử lý các vấn đề nhân sự, lên thực đơn cho gia đình và quản lý ngân sách cho dinh thự. Harleth đã nói rõ rằng ông rất mong muốn ở lại lâu dài và không muốn bị coi là người trung thành với Trump, mặc dù ông đã tuyển nhiều nhân viên từ các doanh nghiệp của Trump. Harleth nói với mọi người rằng ông chưa bao giờ gặp gia đình Trump cho đến khi được phỏng vấn để làm việc tại Nhà Trắng.
Các cố vấn của Biden còn có nỗi lo khác, họ muốn dinh thự phải được vệ sinh thật kỹ càng để bảo vệ những cư dân mới trước nCoV. Một số người thậm chí khuyên Biden không nên chuyển đến vào ngày 20/1 mà ở lại nhà khách chính phủ Blair House, nơi ông và gia đình sẽ ở lại tối 19/1.
"Tất cả không gian của đệ nhất gia đình đều được dọn dẹp và vệ sinh mọi lúc, bao gồm ngày 20/1", phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere nói.
Gia đình Biden sẽ chuyển đến Nhà Trắng vào ngày 20/1 nhưng họ chưa có kế hoạch trang trí lại nội thất hoặc bắt đầu cá nhân hóa không gian. Betty Monkman, người phụ trách nội thất Nhà Trắng trong hơn ba thập kỷ, đã giám sát quá trình chuyển giao quyền lực năm 2001 từ Bill Clinton sang George W. Bush, cho biết: "Đôi khi giường phải được mang đến, phòng khách được chuyển đổi thành phòng ngủ. Cực kỳ gấp rút".
Monkman nói thêm rằng những người phụ trách thuộc Hiệp hội Lịch sử Nhà Trắng sẽ biên soạn những cuốn sách cung cấp thông tin và ảnh chụp những món đồ trong các bộ sưu tập mà đệ nhất gia đình có thể mượn để bày biện, cũng như những bản thiết kế trình bày bố cục phòng để nhà Biden xem xét. Gia đình Jimmy Carter đã chuyển đến Nhà Trắng với rất ít đồ đạc của mình, chủ yếu chọn các món đồ từ những bộ sưu tập có sẵn.
Nhiệm vụ của các nhân viên Nhà Trắng có thể còn khó khăn hơn vì các hoạt động chào mừng Ngày nhậm chức năm nay sẽ được giảm bớt quy mô và có thể rút ngắn thời gian. Thông thường, họ sẽ bắt đầu hối hả làm việc vào khoảng 10h30, sau khi tổng thống và đệ nhất phu nhân mãn nhiệm đến Đồi Capitol để tham gia lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Năm nay, không có cuộc diễu hành và không có tiệc trưa tại Đồi Capitol, có nghĩa là thời gian để sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị nơi sinh hoạt cũng có thể bị cắt ngắn.
Việc chuyển đi luôn căng thẳng hơn nếu tổng thống rời Nhà Trắng sau một nhiệm kỳ. "Gia đình Bill Clinton (người giữ chức hai nhiệm kỳ) biết chắn chắc họ sẽ rời đi. Không có bất cứ nghi ngờ nào về điều đó. Vào năm cuối nhiệm kỳ, họ đã lên sẵn kế hoạch chuyển đi", Marshall nói.
Nhưng đối với Trump, người dành phần lớn giai đoạn chuyển giao quyền lực để thách thức kết quả bầu cử, việc chuẩn bị rời Nhà Trắng không phải là mối quan tâm lớn của ông.
Sự ra đi của tổng thống mãn nhiệm thường là những khoảnh khắc buồn vui lẫn lộn của các tổng thống và những nhân viên đã phục vụ họ. Khi dọn dẹp tủ quần áo trong những giờ cuối ở Nhà Trắng, Clinton đã ngồi với quản gia và những người giúp việc, chọn ra những chiếc cà vạt để tặng lại cho họ. Pete Souza, cựu nhiếp ảnh gia của Nhà Trắng, đã chia sẻ bức ảnh Barack Obama ôm hôn người phụ nữ đã chuyển thư cho ông mỗi ngày khi ông nói lời từ biệt.
Không rõ Trump có kế hoạch nói lời tạm biệt với các nhân viên mà ông chưa bao giờ đặc biệt thân thiết hay không, vì ông dự định đến Palm Beach vào sáng sớm 20/1. Tuy nhiên, việc ông rời đi sớm có thể là món quà cho các nhân viên, những người sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị đón tân tổng thống.
"Tin tốt là có một quá trình, có một danh sách điều cần làm cụ thể", McBride nói. "Các nhân viên biết họ phải làm gì. Và gia đình Biden cũng hiểu Nhà Trắng và quen biết một số người. Họ từng đến đó rất nhiều lần vào thời Obama".
Hơn 300 kẻ bạo loạn Đồi Capitol bị điều tra Giới chức Mỹ điều tra hơn 300 nghi phạm từ hình ảnh liên quan vụ bạo loạn Đồi Capitol, nhưng chưa tìm thấy nhiều bằng chứng về âm mưu phối hợp. Số nghi phạm bị điều tra tăng lên nhanh chóng do các cơ quan hành pháp liên bang nhận được hỗ trợ đáng kể từ vô số bằng chứng từ ảnh chụp,...