Về Bình Định thưởng thức song thằn – đặc sản bún tiến vua cực quý hiếm thời xưa
Không chỉ thơm ngon, loại bún này còn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Để liệt kê hết những món ngon đặc sản ở Bình Định, có lẽ phải cần không ít thời gian.
Từ bún chả cá, bánh tráng nước dừa, nem chợ Huyện, Bàu Đá…, mỗi lần nhắc đến lại khiến người nghe như muốn đặt ngay một vé để bay đến Bình Định mà thưởng thức cho thỏa lòng. Trong số đó, không thể bỏ qua đặc sản tiến vua ngày trước – bún song thằn nổi tiếng ở An Thái.
Bún song thằn đặc sản Bình Định trước đây còn được biết đến là bún tiến vua. (Ảnh: Bà Đầm Market)
Những người không biết hẳn sẽ rất thắc mắc trước cái tên lạ lẫm này. Có khá nhiều lời lý giải cho tên gọi song thằn. Dịch theo chữ, song là đôi, thằn là dây, cái tên được đặt dựa theo hình dạng và cách mà sợi bún này được làm ra, đó là khi làm bún, người ta thường bắt dây bún từng đôi một.
Cái tên song thằn được mọi người giải thích theo nhiều cách. (Ảnh: Bà Đầm Market)
Theo một cách lý giải khác, thời xưa, vì bún có vị ngon lạ lại bổ dưỡng nên được các vua Nguyễn ưa chuộng. Dù vậy, sau khi mời các người thợ về kinh đô Huế chế biến tại chỗ lại không thành vì thiếu gió nước sông Côn. Cũng từ đó, người dân gọi đây là bún “sông thần”, sau đọc trại đi thành “thằn”. Biệt danh “bún tiến vua” cũng từ đây mà ra.
Ngon miệng, bổ dưỡng và đắt đỏ nên loại bún này ngày xưa thường chỉ dành cho vua và giới quý tộc. (Ảnh: trang_queen)
Song thằn khác biệt với những loại bún thông thường ở chỗ thành phần chính là đậu xanh. Cả cách làm bún cũng vô cùng công phu, cầu kỳ.
Video đang HOT
Quá trình làm ra song thằn đầy công phu. (Ảnh: quynhonme)
Đậu xanh được đem đi phơi thật khô, sau ngâm với nước lạnh khoảng một ngày cho nở đều rồi mới đem xay. Quá trình xay cũng là cả một nghệ thuật đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm lâu năm. Sau nhiều công đoạn xay, đãi, lắng lọc nhiều lần mới được thành phẩm bột mềm dẻo.
Những sợi bún sau khi được chế biến rất tơi và không bị nhão. (Ảnh: Bà Đầm Market)
Trung bình 5kg đậu chỉ cho ra được khoảng 1kg bún thành phẩm nên giá thành của song thằn rất cao, đi cùng với hàm lượng dinh dưỡng cũng cao hơn nhiều so với bún gạo. Cũng vì vậy, thời xưa, chỉ có những gia đình quyền quý giàu có, hoặc vua chúa mới đủ điều kiện để thưởng thức đặc sản công phu và bổ dưỡng này.
Dù là chế biến với hình thức nào, bún song thằn vẫn giữ được vị thơm ngon. (Ảnh: duongcotien_live4food)
Bún song thằn có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau, và làm thành món gì cũng ngon, từ ăn với nước dùng thịt bò, heo, tôm hay xào với lươn, lòng gà…
Bún song thằn thường được dùng để nấu trong những dịp đám tiệc, lễ tết. (Ảnh: littlebamboo27)
Do được làm từ đậu xanh nên sợi bún dai, không bị dính và nhão khi chế biến, lúc nhai vẫn cảm nhận được cái sừng sực lạ miệng. Dù là xào hay nấu nước, hương thơm của đậu xanh và vị ngon độc đáo, bổ dưỡng của song thằn vẫn sẽ khiến thực khách không thể dừng đũa cho đến sợi bún cuối cùng.
Bánh hồng và dư vị ngọt ngào hạnh phúc lứa đôi ở Bình Định
Khi thưởng thức bánh hồng, người ăn cảm nhận được sự hòa quyện ngọt ngào trong mỗi miếng bánh giống như hương vị của hạnh phúc lan tỏa đến mọi người.
Bánh hồng là món được nhiều du khách chọn làm quà đem về mỗi khi đến Bình Định.
Bánh hồng là một món đặc sản lâu đời của miền đất võ Bình Định. Nó không chỉ là món tráng miệng hấp dẫn mà còn ẩn chứa giá trị văn hóa. Đây cũng là món được nhiều du khách chọn làm quà đem về mỗi khi đến Bình Định.
Muốn bánh ngon, trước hết phải chọn đúng loại nếp ngự dẻo thơm
Để ra được một mẻ bánh hồng ngon đúng vị đậm chất Bình Định đòi hỏi người làm phải chịu khó, tỉ mỉ và khéo léo. Không khéo sao được khi ngay từ khâu chọn nguyên liệu, họ đã phải tinh mắt. Nguyên liệu chính để làm nên bánh hồng là nếp, dừa, đường. Muốn bánh ngon, trước hết phải chọn đúng loại nếp ngự dẻo thơm. Dừa chọn loại không quá non, cũng không quá già. Dừa non quá thì cơm mỏng, ít ngọt, mà già quá thì cơm sẽ sạm cứng, dễ bị hôi dầu.
Tiếp đến là công đoạn bắt tay vào làm bánh. Làm bánh theo tỉ lệ cứ 1 kg nếp thì dùng 1kg đường. Trước tiên, ngâm nếp 8 giờ để nếp được mềm hoàn toàn, rồi đem xay thành bột. Sau đó, đăng bột cho thật ráo nước, rồi đổ bột ra mâm. Bốc bột thành từng nắm cho vào nồi nước đang sôi để luộc chín. Luộc bột phải thật khéo, sao cho bột không được chín bấy, cũng không được sống bên trong. Nếu bột chín bấy, bánh hồng khuấy lâu tới, dễ bị chảy nước. Còn luộc bột sống, bánh hồng lợn cợn vón cục, không mịn màng mặt bánh.
Bốc bột thành từng nắm cho vào nồi nước đang sôi để luộc chín
Sên dừa là công đoạn tỏa hương nhất vì công đoạn này người làm sẽ cảm nhận được hết tinh túy của hương dừa. Để sên dừa ngon, trước hết phải trộn dừa đã bào thành sợi với đường, rồi để trong 30 phút. Việc này là để đường được thấm đều hết vào sợi dừa. Sau đó, cho vào nồi sên đến khi nào sợi dừa chuyển màu trong lại là được.
Tiếp đến, đun nước sôi, rồi cho đường vào đun tiếp cho đến khi phần đường tan hết hoàn toàn. Lúc này, cho từng nắm bột đã luộc vào nồi nước đường đang nóng, dùng đũa đánh thật nhanh để các nắm bột tan ra trộn lẫn vào nước đường. Sau khi bột đã tan đều thì hạ lửa riu riu và cứ thế mà đánh. Khi nào bột dẻo lại thì cho phần dừa sên đường từ trước đó vào đánh chung. Đánh đến khi hỗn hợp bột và dừa quếnh lại, dùng tay sờ vào bột không bị dính tay là tắt bếp.
Để sên dừa ngon, trước hết phải trộn dừa đã bào thành sợi với đường, rồi để trong 30 phút
Công đoạn tiếp theo là rải bột nếp khô lên mâm, sau đó cho phần bột vừa làm lên trên, rồi dùng tay dạt đều ra mâm. Dạt bánh dày hay mỏng tùy ý nhưng thường là dạt dày khoảng 2 đến 3 cm. Cuối cùng, rưới lên trên mặt bánh một lớp mỏng bột nếp khô, vậy là có bánh hồng.
Bánh hồng có màu trắng trong của bột nếp. Đôi khi người làm cũng pha màu để bánh có màu xanh, màu vàng, màu hồng nhìn bắt mắt. Đợi bánh nguội, cắt bánh và thưởng thức. Thường thì người làm sẽ cắt bánh thành những miếng nhỏ hình thoi và hình dáng này đã được mặc định gắn liền với bánh hồng Bình Định.
Đôi khi người làm cũng pha màu để bánh có màu xanh, màu vàng, màu hồng nhìn bắt mắt.
Món bánh hồng có mùi thơm rất đặc trưng từ nếp, ăn vào dai dai dẻo dẻo, vừa sần sật, béo ngậy của dừa sợi làm nên một món tráng miệng hấp dẫn. Người Bình Định thường hay làm bánh hồng vào những ngày đám tiệc. Sau khi đãi tiệc mặn xong, họ thường hay mời khách tráng miệng bằng bánh hồng. Nhâm nhi vài miếng bánh hồng bên những ly trà nóng, tạo nên một trải nghiệm ẩm thực rất thanh tao, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế.
Đặc biệt, khi thưởng thức bánh hồng, người ăn cảm nhận được sự hòa quyện ngọt ngào trong mỗi miếng bánh giống như hương vị của hạnh phúc lan tỏa đến mọi người. Bởi vậy, người Bình Định bảo nhau rằng, nếu có ai nói "sớm cho bà con ăn bánh hồng", tức là mong cho cô gái hay chàng trai ấy sớm tìm được người kết duyên đôi lứa.
Bánh hồng còn như một món quà người dân Bình Định muốn gửi đến thực khách gần xa
Bánh hồng không chỉ là một món tráng miệng thông thường, mà chứa đựng cả tấm lòng san sẻ niềm vui của người Bình Định và như một món quà người dân nơi đây muốn gửi đến thực khách gần xa.
Món bánh dây đặc sản Bồng Sơn: Trông dân dã mà đã ăn là không thể dừng đũa Nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là món bún xào, nhưng câu trả lời là nhầm rồi nhé! Bình Định vẫy gọi du khách với không ít cảnh đẹp và món ngon từ bánh xèo tôm nhảy đến bánh ít lá gai... Thế nhưng, một khi đã đến Bồng Sơn, có món bánh mà nhất định phải thử đó chính là bánh dây....