Vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ doanh nghiệp: Khó như lên trời
Thủ tục vay rườm rà và nhiều yêu cầu vô lý đã khiến hầu hết doanh nghiệp (DN) tại TPHCM không thể tiếp cận được vốn từ gói hỗ trợ vốn của Chính phủ dành cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cty TNHH Nước giải khát Thiên Tân (Đồng Nai) và nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
Nhiều điều kiện vô lý
Năm lần, bảy lượt làm đơn xin vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty May thêu Minh Long Hưng (Q.9), vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ. Là DN có tuổi đời hơn 40 năm trong lĩnh vực sản xuất quần áo trẻ em cho thị trường nội địa, ông Sinh chua chát bảo, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề như lúc này. Dịch COVID-19 khiến cho DN của ông Sinh kiệt quệ. Đầu tháng 2, khoản vay của Công ty Minh Long Hưng tại Ngân hàng MB nhảy qua nhóm nợ quá hạn.
Thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cuối tháng 2, khi quy định này có hiệu lực thì khoản vay bị nhảy nhóm của công ty không được hồi tố.
“Bây giờ chúng tôi muốn vay thêm vài tỷ đồng để nhập mẫu vải mới, sản xuất quần áo trở lại nhưng rất khó vì trước đó toàn bộ nhà xưởng đã thế chấp cho ngân hàng để vay đầu tư thiết bị, máy móc. Ngân hàng thừa tiền nhưng khó cho vay vì vướng nhiều quy định như tài sản đảm bảo, không có nợ xấu, hồ sơ thủ tục… theo quy định của từng ngân hàng thương mại. Rốt cuộc, đi nhiều ngân hàng đều không vay được đủ số tiền như mong muốn”, ông Sinh nói.
“ Du lịch giờ là chịu chết, vì không thể vay vốn”, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, than vãn. Theo ông Long, ngân hàng đánh giá du lịch là lĩnh vực nhiều rủi ro, trong khi tài sản thế chấp không có nên đồng nghĩa với việc DN vị “bít cửa” vay vốn rẻ. Để tồn tại và nuôi quân, ông Long đầu tư máy móc hiện đại và chuyển qua sản xuất khẩu trang y tế đạt chuẩn xuất khẩu, có đơn hàng ở thị trường nước ngoài. “Tôi vác đơn đi vay vốn hỗ trợ DN khó khăn do dịch bệnh, ngân hàng từ chối thẳng vì máy móc, nhà xưởng không được coi là tài sản đảm bảo. Trong khi tôi đầu tư hàng tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất nhưng ngân hàng vẫn lắc đầu. Ngược lại, các công ty tài chính lại sẵn sàng hỗ trợ vốn, nhưng tôi rất e dè, đắn đo vì không khéo sẽ mất cả chì lẫn chài vì lãi suất cắt cổ. Bây giờ chỉ còn biết vay từ bạn bè, người thân… “giật gấu vá vai” cầm cự”, ông kể.
Theo ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Công ty CP Thiên Anh (Q.12), trước đây, nếu thế chấp tài sản thì chỉ khoảng một tuần sau là hồ sơ vay được phê duyệt, nhưng nay ngân hàng ngâm hồ sơ gần một tháng mà vẫn chưa có câu trả lời. Ông nói rằng, đã đem giấy tờ nhà đi cầm cố để có tiền trả lương công nhân. “Mới đây nhất, một ngân hàng thông báo lãi suất cho vay ngắn hạn 9 tháng, có tài sản thế chấp là 7,5%/năm trong ba tháng đầu; sáu tháng tiếp theo lãi suất là 8,5%/năm. Đây là mức lãi suất vay thông thường, chứ chẳng phải ưu đãi”, ông Minh nói.
Để được xét duyệt hồ sơ vay ưu đãi từ gói 62.000 tỷ đồng, ông Minh được yêu cầu phải chứng minh 50% công nhân thuộc diện có BHXH nghỉ việc, chứng minh công ty không phát sinh doanh thu… “Dù rất khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng giữ người bằng cách giãn việc, nghỉ luân phiên, chứ không thể cho nghỉ hết được. Nếu được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng thì cán bộ, nhân viên sẽ có thêm khoản kinh phí trang trải, nhưng những quy định như trên chẳng khác nào đòi hỏi DN phải phá sản trước khi người lao động được hỗ trợ”, ông than.
Video đang HOT
DN thoi thóp, ngân hàng quyết giữ lãi suất
Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng cho DN vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động ngừng việc (một trong những chính sách thuộc gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng) được triển khai từ cuối tháng 4 nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được.
Kinh doanh khó khăn, Công ty Du lịch Việt phải chuyển qua sản xuất khẩu trang để cầm cự
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM, khẳng định, chưa có DN nào trong ngành du lịch trên địa bàn thành phố tiếp cận được các gói hỗ trợ của Nhà nước. Khó khăn của DN du lịch là thường ít tài sản thế chấp; dòng tiền, doanh thu do bị tác động nặng của dịch bệnh nên suy giảm trầm trọng… “DN trong ngành du lịch mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời của ngành ngân hàng bởi những yếu tố này góp phần quyết định sự sống còn của DN kinh doanh du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn…”, bà Khánh nói.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), nói rằng, gần như chưa có DN nào tiếp cận được gói hỗ trợ từ Chính phủ. Các DN lớn còn trụ được thì bị giảm tới 50% đơn hàng, còn DN nhỏ đã phải đóng cửa hàng loạt. Bà Xuân cho rằng, những khó khăn mà DN phải đối mặt là không hề nhỏ. Nếu đến tháng 10, dịch bệnh qua đi, kinh tế dần phục hồi thì DN có hy vọng cầm cự. Nhưng nếu dịch bệnh vẫn kéo dài đến năm sau thì Nhà nước cần phải có phương án khẩn cấp hỗ trợ, đồng hành với DN.
Trao đổi với nhân viên tín dụng của một ngân hàng thương mại tại TPHCM, người này tiết lộ, gần như chưa có sự khác biệt khi giảm lãi với khoản vay hiện hữu so với trước dịch. Với các khoản vay mới, DN vẫn nhận được hỗ trợ từ ngân hàng nhưng cả lãi suất và điều kiện vay đều không thay đổi. Với các khoản vay trung dài hạn, lãi suất vẫn ở mức 8,5%/năm trở lên và phải có tài sản thế chấp. “So với trước dịch, lãi suất chỉ giảm tầm 0,1-0,2%/năm, DN không được giảm quá 0,5%, chứ chưa nói tới mức 1%”, người này nói.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank, cho rằng, trong điều kiện lãi suất huy động hiện nay, các ngân hàng khó có thể giảm lãi suất cho vay sâu hơn, đặc biệt là đối với các DN không có phương án kinh doanh tốt. Theo ông Tuệ, hầu hết DN hiện nay đều khó khăn nên các ngân hàng cũng chủ động giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, biên độ giữa lãi đầu vào và đầu ra tại các ngân hàng không còn nhiều.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cuối tháng 7 cho thấy, lãi suất cho vay bằng VNĐ trên thị trường hiện nay phổ biến ở mức 6-9%/năm với ngắn hạn; 9-11% với trung dài hạn. Mức lãi suất này gần như không thay đổi so với đầu tháng 5, thời điểm đợt dịch đầu tiên được khống chế. Thậm chí, lãi suất không giảm so với mức bình quân đầu năm 2020.
Nghiên cứu thêm các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Ngày 19/8, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về những nội dung chủ yếu của các dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các nước trên thế giới đều có các biện pháp giảm thiểu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhất là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Các gói hỗ trợ của các nước đều rất lớn. Do đó, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, các địa phương phải tập trung nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ kịp thời đủ mạnh đối với người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt hơn nữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mạnh mẽ, đặc biệt là chính sách tài khóa mở rộng với mức độ hợp lý để hỗ trợ kích thích tổng cầu, tạo việc làm, thu nhập và thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Phương án dự toán thu chi ngân sách Nhà nước năm 2021, thậm chí cả giai đoạn 2021- 2025 nếu dịch COVID-19 kéo dài phải tính đến các yêu cầu khoan thư sức dân, tiếp tục thực hiện chính sách giãn, hoãn, miễn giảm các loại thuế phí. Có chính sách khuyến khích tiêu dùng hợp lý thông qua chính sách thuế, phí, kể cả sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện nước, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế xả thải…
Mong tháo gỡ hàng rào thủ tục
Đến thời điểm hiện tại, chưa có DN nào tại tỉnh Đồng Nai có thể tiếp cận được gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng của Chính phủ, bởi những quy định đặt ra quá ngặt nghèo. Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, cho rằng, cần giảm bớt thủ tục chứng minh tình hình tài chính của người sử dụng lao động, tăng cường minh bạch trong khâu thẩm định hồ sơ vay vốn. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, địa phương đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, như: hỗ trợ chính sách tín dụng, lao động, bảo hiểm xã hội và đặc biệt là chính sách về thuế. Theo Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai, tính đến ngày 10/7, toàn tỉnh có hơn 22.700 người lao động được phê duyệt hỗ trợ với tổng số tiền hơn 22,7 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 10 người lao động thuộc diện tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ việc không hưởng lương được nhận hỗ trợ với số tiền 15,6 triệu đồng.
TP HCM mở đường dây nóng tiếp nhận thông tin doanh nghiệp vay vốn gặp phiền hà
Nếu doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn, vướng mắc liên quan chính sách hỗ trợ... có thể phản ánh lên đường dây nóng 028.38.211.230 của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM vừa có văn bản phản hồi Sở Du lịch TP về việc phối hợp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về các nội dung đề xuất của Sở Du lịch với NHNN chi nhánh TP liên quan đến việc giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, áp dụng trần lãi suất... cho doanh nghiệp ngành du lịch, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP, nêu rõ trong văn bản phản hồi rằng những nội dung này đều đã được NHNN ban hành và ngành NH đang tổ chức triển khai.
Những kiến nghị và đề xuất của Sở Du lịch TP về mặt cơ chế chính sách đã được giải quyết và xử lý. Theo NHNN Chi nhánh TP, vấn đề ở khâu thực hiện và phối hợp thực hiện, NHNN Chi nhánh TP đã, đang phối hợp các hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN với nhiều chương trình được tổ chức trong thời gian qua...
Nhiều doanh nghiệp mong giảm lãi vay để bớt gánh nặng chi phí. Ảnh Linh Anh
Về danh sách doanh nghiệp phản ánh với Sở Du lịch TP bị thiệt hại do dịch Covid-19 nhưng đến nay chưa nhận được thông tin hỗ trợ, hướng dẫn của các NH, hiện NHNN Chi nhánh TP đang tổng hợp kết quả hỗ trợ của các tổ chức tín dụng và sẽ phản hồi lại kết quả trong tuần tới. Việc hỗ trợ cũng phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định, nhất là trong lĩnh vực tín dụng, lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, sử dụng tiền gửi của người dân để cho vay...
"Nếu khó khăn, vướng mắc thuộc khâu tổ chức thực hiện, liên quan đến hành chính, con người, làm phát sinh phiền hà cho doanh nghiệp thì kiên quyết xử lý và giải quyết tại đơn vị, tại nơi phát sinh nhằm hỗ trợ và tháo gỡ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể phản ánh qua số điện thoại đường dây nóng của NHNN Chi nhánh TP là 028.38.211.230" - lãnh đạo NHNN chi nhánh TP khẳng định.
Dù vậy, cơ quan quản lý này cũng lưu ý một số khó khăn từ phía doanh nghiệp như không đủ điều kiện vay vốn, có nợ xấu, sử dụng vốn không đúng mục đích, phương án kinh doanh không hiệu quả... Bởi các NH thương mại nếu cho vay không đủ điều kiện tín dụng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn phát sinh nợ xấu và gây nhiều hệ luỵ cho doanh nghiệp, NH và nền kinh tế.
Trước đó, trong văn bản của Sở Du lịch TP gửi NHNN Chi nhánh TP, cơ quan này cho biết nhiều doanh nghiệp đang có quan hệ vay vốn với ngân hàng, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chưa nhận được thông tin hỗ trợ về việc giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ; việc vay vốn mới để tiếp tục duy trì hoạt động cũng gặp khó...
Lập đoàn khảo sát việc miễn, giảm lãi vay
Chiều 18-4, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, cho biết vừa thành lập 3 đoàn khảo sát tình hình, việc thực hiện miễn, giảm lãi vay, cơ cấu nợ cho doanh nghiệp. Các đoàn do 3 phó giám đốc làm trưởng đoàn và từ tuần sau sẽ tiến hành khảo sát, nắm tình hình tại các ngân hàng để ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp về khó được giảm lãi vay, cơ cấu nợ...
Thái Phương
Gói tín dụng 250.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp Các ngân hàng thương mại đang triển khai gói tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn thị trường, cam kết cung ứng đủ vốn cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp Tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng...