Vào lớp 1 như… thi hoa hậu
Một bà mẹ sau khi biết con mình trượt trong đợt thi tuyển vào lớp 1 ở Trường tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội đã than: “Thế là con đã gia nhập đội quân thất trận. Thôi lại tiếp tục ôn luyện để “chinh chiến” ở Trường thực nghiệm!”.
Một số bà mẹ có ý định cho con thi thử vào 4-5 trường tiểu học và buộc con quay cuồng với việc ôn luyện. Làm bài thi không tốt, ngoài áp lực thi cử nặng nề, nhiều đứa trẻ bắt đầu nếm trải mùi vị thất bại từ khi chưa bước chân vào lớp 1.
Giờ học của lớp 1A10 Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Học sinh muốn vào lớp 1 trường này năm học tới sẽ phải tham gia kỳ thi tuyển sinh ngày 28/5.
Căng thẳng như thi đại học
Hà Nội có tới chục trường tiểu học tư thục tuyển sinh lớp 1 bằng hình thức thi tuyển. Trong đó, Trường tiểu học Thực nghiệm có chỉ tiêu 180 học sinh nhưng trong ngày bán đơn, chưa tới 7g đã hết veo 600 đơn phát ra. Trong kỳ thi tuyển sắp tới vào trường, 420 học sinh sẽ bị loại, sức ép đè nặng lên những trẻ chưa một lần bước chân vào trường tiểu học.
Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm năm nay chỉ tuyển 400 chỉ tiêu, nhưng số lượng trẻ đăng ký vào lớp ôn luyện của trường này để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh ngày 28/5 đã lên đến 900 trẻ. Bà Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng trường này, cho biết năm học trước trường tuyển 500 chỉ tiêu nhưng có đến 1.600 hồ sơ dự thi. Năm nay rất có thể lượng đăng ký vào trường cũng tương tự.
Trường tiểu học Lê Quý Đôn có chỉ tiêu tuyển lớp 1 là 360 nhưng chỉ sau vài ngày đầu bán đơn, số lượng người mua đơn đăng ký dự thi cho con đã cao hơn rất nhiều so với mức sẽ tuyển…
Trường tiểu học Nguyễn Siêu tổ chức thi tuyển sớm nhất. Các bé lớp 1 được triệu tập đến trường trong vòng một ngày. Ngoài việc phải vượt qua các bài kiểm tra liên quan đến nhận biết về ngôn ngữ (tiếng Việt), tư duy toán học, tiếng Anh, kiểm tra năng lực quan sát, ghi nhớ, diễn đạt, trẻ phải qua phần kiểm tra sức khỏe (cân nặng), không bị dị tật, không nói ngọng, nói lắp. Trong một ngày tại trường, khi trẻ ăn, ngủ, chơi, giao lưu, cũng là lúc hội đồng tuyển sinh tiếp tục quan sát để “chấm điểm”. Một bà mẹ có con dự thi nhận xét “việc chấm điểm ăn, ngủ, chơi, giao lưu trong một ngày là sáng kiến mới của trường, cứ y như chấm thi hoa hậu!”.
Video đang HOT
Chị Minh, một phụ huynh vừa cho con thi tuyển vào Trường tiểu học Nguyễn Siêu (trong hai ngày 23 và 24/4), nhận xét: “Với tỉ lệ “chọi” 1/5, thi tuyển vào lớp 1 căng thẳng không kém thi đại học”.
Nhiều tháng “luyện thi”
Ngày công bố điểm thi, các ông bố, bà mẹ cũng hồi hộp lo âu như xem điểm thi đại học. Tại Trường Nguyễn Siêu, nhiều phụ huynh có con “thất trận” tuyên bố xanh rờn “Thua keo này, bày keo khác” và “Tiếp tục ôn luyện để chờ thi trường khác”. Có phụ huynh bày tỏ lộ trình tuyển sinh của con khiến không ít người ái ngại cho đứa trẻ: “Tôi phải cho con dự thi đủ tất cả các trường rồi chọn sau”.
Ngoại trừ những phụ huynh muốn con “thử nếm trải mùi vị trường thi”, nhiều người khác đặt mục tiêu rõ ràng bằng mọi giá phải vào trường nên từ sau Tết Nguyên đán đã bắt đầu chương trình “ôn thi vào lớp 1″.
Một phụ huynh kể: cả trong dịp nghỉ lễ cũng không dám cho cháu nghỉ. Ngoài việc ôn luyện theo mẫu đề thi chung của trường này năm trước, gia đình cho cháu đi học viết chữ, học toán, tiếng Anh. Trường Nguyễn Siêu là trường duy nhất trong số các trường “có thi tuyển lớp 1″ không mở lớp ôn thi tại trường nhưng do không yên tâm, nhiều phụ huynh mang con đến học lớp ôn của các trường Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Thực nghiệm…
Chị My (nhà ở ngõ 75, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết riêng tiền ôn tập của cháu từ tháng 2-2011 đến giờ đã tốn 3-4 triệu đồng, chưa kể còn thuê một gia sư kèm viết chữ.
Tại nhiều trường có thi tuyển vào lớp 1, việc tập hợp học sinh chuẩn bị vào lớp 1 được tổ chức dưới dạng “câu lạc bộ hè” bắt đầu ngay từ đầu năm mới và kéo dài bốn, năm tháng trời. Hầu hết các trường được hỏi đều khăng khăng “không tổ chức luyện thi, chỉ là cách để các em làm quen với môi trường mới”.
Nhiều cuộc cạnh tranh
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp (khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm I Hà Nội) cho rằng việc sàng lọc, lựa chọn học sinh đủ tiêu chuẩn mới nhận vào trường có thể phần nào đánh giá được giá trị thương hiệu của ngôi trường đó. Tuy nhiên, việc ẩn danh các “câu lạc bộ hè” để dành đất ôn luyện cho những trẻ chưa rời ghế mẫu giáo sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa người được ôn – người không được ôn luyện.
“Nhiều trường học Việt Nam cho rằng có học sinh này giỏi, học sinh kia dốt là không đúng. Quan niệm giáo dục hiện đại đánh giá mọi học sinh đều thông minh, mỗi người giỏi một lĩnh vực khác nhau. Nếu là các trường năng khiếu về âm nhạc, thể thao thì việc thi tuyển để đánh giá năng khiếu là cần thiết, nhưng giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện, đánh giá qua vài ba bài kiểm tra là hết sức sai lầm”.
Đạt điểm cao trong các phần thi khác nhưng một bé bị trượt khỏi kỳ thi lớp 1 chỉ vì nặng 18kg, không đạt chuẩn. Mẹ của bé này nói: “Phải mất nhiều thời gian để thuyết phục bé rằng “con rất bình thường như các bạn khác”, vì bé mặc cảm khi bị loại về sức khỏe”.
Một trường hợp khác cho biết sau khi trượt ở một trường, bé không còn tự tin thi trường khác nữa vì nghĩ mình kém hơn các bạn. Có những bé sau đợt ôn luyện căng thẳng, nghĩ đến chuyện đi học là sợ. Bắt con trẻ chịu một áp lực lớn và nếm trải cảm giác về sự thua thiệt, về thất bại khi mới ở điểm xuất phát là việc phản giáo dục, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ em.
Gà có mấy chân? Đề thi tuyển sinh vào lớp 1 của Trường Nguyễn Siêu năm nay yêu cầu học sinh đếm số chân các con vật trong hình và nối kết quả với các chữ số cho sẵn. Đề thi này đã đánh trượt nhiều học sinh vì đáp án không trùng với tư duy con trẻ. Đề yêu cầu học sinh đếm số chân từng loại con vật và phải biết cộng số chân đó theo số lượng con vật in trong hình.
Theo Vĩnh Hà – Ngọc Hà
Tuổi Trẻ
Cô giáo bận dạy thêm, nhờ nhân viên y tế đứng lớp
Có lần, cô giáo bận dạy thêm ở nhà, nhưng cùng thời điểm đó, cô vẫn tổ chức một ca ở trường nên phải giao bài tập cho học sinh. Cô đưa đề cho nhân viên Y tế đem xuống và trông lớp hộ.
Đó chỉ là 1 trong 1001 kiểu dạy thêm ôn luyên vào lớp 10 đang diễn ra tràn lan ở Hà Nội khiến học sinh thì quá tải còn phụ huynh thì bức xúc.
Giờ học "qua loa"- Chết nắng thì có!
Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THCS, nhiều trường đã tổ chức tiết "0" cho học sinh cuối cấp. Tiết học "0" có nghĩa là nhà trường tập trung toàn bộ học sinh cuối cấp dưới sân trường, cô giáo đứng trên sân khấu giảng bài bằng loa. Mỗi một tiết như vậy, có 5-10 học sinh được gọi lên trả bài. Số học sinh còn lại ngồi dưới nghe cô giảng bài qua loa. Thông thường, mỗi buổi sáng sẽ ôn tập một môn học.
Chỉ có số học sinh được gọi lên trả lời những câu hỏi nhỏ trong đề cương ôn tập là làm việc nghiêm túc. Khi cô giáo và học sinh ở trên sân khấu làm việc thì ở dưới số học sinh còn lại cười đùa và bình luận khi bạn mình trả lời.
Chỉ một số ít học sinh được gọi lên trả bài thì tham gia học chăm chỉ
Khi hỏi về chất lượng buổi học, một học sinh trường THCS Thanh Xuân Nam, nói: "Cô nói thì cứ việc nói, chứ có bạn nào nghe đâu. Có muốn nghe cũng chẳng nghe được, vì hàng trăm học sinh tập trung trước một không gian rộng, loa nói thì oang oang, chẳng rõ cô nói gì. Mà không nghe được thì làm sao chúng cháu hiểu được. Nhà trường cứ làm trò, ôn thi kiểu này làm sao mà có hiệu quả, chết nắng thì có".
Trước thực trạng trên, một phụ huynh trường THCS Thanh Xuân Nam (Thanh Xuân - Hà Nội), bức xúc nói: "Trường THCS Thanh Xuân Nam sân rộng, cây nhỏ và ít, nắng thế này mà tập trung học sinh giữa sân trường, người lớn còn không chịu được huống gì các cháu. Kết quả thì chưa thấy, nhưng con bé nhà tôi đã bị cảm nắng vì tiết "0" rồi".
Còn đa số học sinh ngồi dưới... thích làm gì thì làm
Nhân viên y tế đứng lớp dạy thêm
Tuy không có lò luyện thi ở các trung tâm luyện thi lớn như bậc đại học, nhưng giáo viên dạy lớp 9 tự mở "lò".
Chị Mai Anh (Tây Hồ, Hà Nội) nhiều tháng nay như "ngồi trên đống lửa" tìm thầy luyện cho con thi vào lớp 10 trường Hà Nội - Amsterdam. Chị cho biết: Theo lời bạn bè, tôi tìm được cho con "lò" của một thầy tên V - giáo viên của trường Trường Hà Nội - Amsterdam (phố Núi Trúc - Hà Nội), một tuần con học 1 buổi 3 tiếng", học phí đóng theo buổi. Sĩ số học sinh không giới hạn, chẳng kém gì "lò" luyện thi của mấy trung tâm luyện thi đại học".
Thực tế, quy định của ngành GD-ĐT, đối với THCS, không được bắt học sinh học thêm quá 3 buổi/tuần (bao gồm tất cả các môn), mỗi buổi không quá 2 tiết (90 phút). Tuy nhiên, một số giáo viên vẫn tổ chức ca 1, ca 2 cho các môn Văn, Toán và mỗi buổi 4 tiết (180 phút).
Học sinh một trường THCS ở quận Thanh Xuân, phản ánh: "Quy định của trường là mỗi tuần chúng em học 3 buổi (Văn , Toán, Anh văn (hoặc môn khác). Nhưng cô Vũ H., giáo viên Toán trường này, dạy 3 buổi Toán/tuần. Chúng em rất căng thẳng.
Phụ huynh lớp em cũng bức xúc có đơn gửi Ban giám hiệu nhà trường. Chưa hết, có lần cô dạy thêm ở nhà, nhưng cùng thời điểm đó, cô vẫn tổ chức một ca ở trường nên phải giao bài tập cho học sinh. Cô đưa đề cho nhân viên Y tế đem xuống và trông lớp hộ".
Học phí ngất trời
Học phí học thêm các trường thu ít nhất từ 500 đến 700.000đ/tháng. Riêng trường THCS Khương Thượng (Than Xuân - Hà Nội) học phí có lớp thu tới 1.300.000đ/tháng.
Một phụ huynh trường THCS Khương Thượng, phàn nàn: "Giáo viên chủ nhiệm lớp con tôi hàng tháng thu tiền học thêm ngoài nhà trường là 1.300.000đ/tháng, nhưng riêng tháng 5,6 thu liền 2 tháng, cộng với 1.000.000đ tiền học thêm ở trường và 400.000đ tiền liên hoan lớp, tổng cộng là 4.000.000đ...".
Phụ huynh chóng mặt vì đóng góp, còn học sinh mệt mỏi" vì "sự học". Một học sinh trường THCS Đền Lừ (Hai Bà Trưng - Hà Nội), phàn nàn: "Đối với các cô giáo môn nào cũng quan trọng, nên môn nào cũng tăng tiết, tăng giờ. Học nhiều, nhưng hiệu quả lại ít mà chúng em rất mệt mỏi. Nhất là mấy ngày hôm nay trời nắng nóng, di chuyển nhiều. Học ở lớp vừa tan, e vội vàng đạp vội về nhà ăn cơm, rồi lại cấp tốc đạp xe đến nhà cô học thêm buổi chiều. Nhiều hôm, đến trường mắt cứ nhắm tít lại, vì thèm ngủ cô ạ!".
Có thể nói luyện thi vào 10 ngày càng "nóng" không kém giới luyện thi vào ĐH. Các "lò" luyện thi vào lớp 10 còn sôi động hơn luyện thi đại học, và không loại trừ có "lò" mượn danh thầy X, cô Y....để thu hút học sinh kiếm lời.
Theo GDVN
Cấm thi ĐH, CĐ 2 năm nếu giả mạo hồ sơ Tước quyền vào học và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những thí sinh có hành vi giả mạo hồ sơ để hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực hoặc theo đối tượng trong tuyển sinh. Đó là một trong những nội dung xử...