Vào “lò ấp trứng” luyện thi
Chưa đầy 10 ngày nữa, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 bắt đầu. Thế nhưng, hàng trăm nghìn sĩ tử vẫn đang giam mình trong các lò luyện thi tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… mong “mọc” thêm “vây” kiến thức để vượt vũ môn.
Dù được khuyến cáo luyện thi cấp tốc không hiệu quả, nhưng nhiều thí sinh vẫn cố vào “lò” luyện để vững tinh thần cho kỳ thi sắp đến.
Thí sinh đang “hành xác” trong một lò luyện thi tại Hà Nội.
Hà Nội: Biết khổ mà vẫn phải theo
Hàng trăm sĩ tử nhồi nhét trong một căn phòng rộng chừng 35 m2, 8 quạt trần và 6 quạt treo tường hoạt động hết công suất. Đó là quang cảnh của lò luyện thi N5, ngõ 17, đường Tạ Quang Bửu chiều ngày 24/6. Trên bảng, thầy giáo phải dùng micro để giảng nhưng ngồi phía cuối vẫn rất khó nghe vì phòng bí, người đông, quạt chạy ầm ầm.
Thầy giáo dạy đại số tên Hưng, được quảng cáo là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đang hướng dẫn giải bài tập. Giải xong một bài, trong khi đợi HS ghi chép, thầy bắt đầu than thở về… nỗi khổ của giáo viên chạy sô mùa thi: “Một ngày tôi dạy 6 ca. Nói khản cổ, người mệt lử, rút ruột gan. Trong khi nghỉ hè người ta đi nghỉ mát thì tôi vẫn phải đứng đây giảng bài….” Màn “chia sẻ” của thầy kéo dài tới 10 phút. “Thầy có vẻ vui tính và giúp HS đỡ căng thẳng?”, tôi vừa gợi chuyện với sĩ tử ngồi bên cạnh thì cậu này phán xanh rờn: “Một chiêu câu giờ, ngày nào chẳng thế”.
Video đang HOT
So với mức 22.000 đồng/buổi của trung tâm này thì khu vực Xuân Thủy có phí cao hơn gấp đôi: 50.000 đồng một buổi học thử. Nguyễn Kim Ngân, ôn thi tại giảng đường 18, ngõ 175 Xuân Thuỷ, bức xúc: “Mất tiền, đắt đỏ nhưng chẳng được ngồi học cho tử tế, phải chen chúc trong một lớp gần 300 người, hơi nóng và hơi người hầm hập. Không đến sớm là phải ra hành lang ngồi nhòm qua cửa sổ, nắng xói vào. Đợt nắng nóng vừa qua, nhiều hôm mình phải bỏ vì ngồi học trong lò hun như thế này dễ bị ốm”. Cũng theo Ngân, so với thầy dạy toán lớp 12 của mình, thầy ở “lò” dạy không hay hơn nhưng “mình vẫn đi ôn cho yên tâm”.
Biết khổ nhưng vẫn vào “lò” để tự tin hơn cũng là chia sẻ của Nguyễn Thị Trang, quê Yên Bái. Năm nay là năm thứ 2 Trang thi đại học, kiến thức đã hòm hòm. “Học ở lò luyện chỉ để hệ thống lại kiến thức. Nếu mình tự ôn sẽ rất dàn trải”, Trang nói.
TP HCM: Ùn ùn ghi danh
Đến thời điểm này, nhiều trung tâm luyện thi ĐH tại TP HCM vẫn tiếp tục chiêu sinh vì thí sinh vẫn đang đổ về thành phố để luyện thi cấp tốc. Dù chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là đến kỳ thi, nhưng Trung tâm luyện thi ĐH Đô Thành, 313 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, đang ghi danh cho thí sinh. “Khoảng 1.000 thí sinh đang luyện thi. Mấy ngày nay vẫn có nhiều thí sinh đến ghi danh nên trung tâm sẽ xếp vào lớp cấp tốc 3 (khoá cuối cùng)”, một cán bộ của Phòng ghi danh Trung tâm luyện thi ĐH Đô Thành cho biết.
Trước nhu cầu “nhồi” kiến thức cấp tốc, nhiều trung tâm luyện thi không bỏ qua cơ hội “vét” thí sinh dù họ biết rằng, luyện vào thời điểm này không giúp ích gì nhiều cho các em. Nhiều trung tâm luyện thi cho thí sinh học tuỳ thích từ sáng đến tối. Phan Trung Cương, quê Lâm Đồng, đang luyện thi tại Trung tâm Đô Thành, cho biết: em đang “cày” mỗi ngày 9 tiết, kể cả thứ 7 và chủ nhật. Nhân viên của trung tâm này nói rằng, thí sinh đã đăng ký cứ có lớp thì vào học, bất kể ngày đêm.
Nhiều phụ huynh chia sẻ, dù thời gian này đã muộn nhưng vẫn cho con em đi luyện để an tâm. “Nếu HS muốn đạt kết quả tốt vào kỳ thi ĐH thì cần ôn tập, vững căn bản từ năm học lớp 10. Còn nếu bây giờ đi luyện thi thì cũng rất khó đạt được kết quả. Nhiều phụ huynh có thể không yên tâm nên cố cho con lên Sài Gòn luyện để vững tinh thần”, ông Ngô Tương Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, quận 4, TP HCM, nói.
Đà Nẵng: Mất tiền vào… “lò ấp trứng”
Tại Đà Nẵng, “lò” luyện thi của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng thực ra chỉ là một căn nhà cấp 4 được cải tạo thành nhiều phòng học cho thí sinh. Mỗi phòng học rộng chừng 20 – 25 m2 nhưng chứa gần 80 học viên. Thầy giáo thao thao bất tuyệt, còn sĩ tử lúi húi ghi chép. Do nắng nóng, phòng học chật, người đông, nên cả thầy và trò mồ hôi nhễ nhại. Trong tuần nước rút cho kỳ thi ĐH, trung bình mỗi ngày có khoảng 130-150 sĩ tử có mặt tại “lò” luyện này.
Cùng cảnh ngộ, tại Trung tâm luyện thi đại học chất lượng cao Khoa Học, mặc dù lớp học đã đông nghịt, nhưng nhân viên ở đây vẫn tiếp tục ghi danh thí sinh. Bạn Nguyễn Thị Xê (quê Đông Hà, Quảng Trị) cho biết: “Khi mới đăng ký, trung tâm nói với bọn mình mỗi lớp chỉ có 35 – 40 thí sinh. Nhưng học mới hơn một tuần, họ đã nhét lên gần 100 người. Định tìm chỗ khác nhưng vì Trung tâm không trả lại tiền học phí nên đành cố”. Kết thúc buổi luyện thi môn Vật lý, thí sinh Trần Quang Đại, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa, tặc lưỡi: “Trong lớp nóng nực không khác mấy so với lò ấp trứng, ở nhà tự ôn có khi chất lượng còn tốt hơn”. Để vào “lò” luyện thi như thế này, ít nhất mỗi thí sinh phải mất từ 3 – 5 triệu đồng, trong đó, tiền học phí cho 3 môn học khoảng 600.000 đồng, 700.000 đồng tiền phòng và tiền ăn cho một tháng.
Sở GD-ĐT Đà Nẵng mới cấp giấy phép cho 5 cơ sở luyện thi ĐH, nhưng theo khảo sát, hiện có gần 50 “lò” luyện thi đang hoạt động “chui” tại các ngõ ngách của TP này.
Theo PLXH
Teen 12 và "lò luyện siêu tốc"
Giờ đây khi thời gian không còn nhiều cho các kì thi sắp tới, họ tìm đến các lò luyện siêu tốc để cứu vãn tình thế, với hy vọng đánh nhanh thắng nhanh. Liệu các teen này có đạt được những gì mình mong muốn tại các lò luyện này?
1. Cấp tốc = siêu tốc độ!
Sau nhiều tháng còn nấn ná, không muốn bước vào ôn luyện vội, N.Quỳnh cũng bị mẹ thuyết phục tham gia vào một lớp luyện thi cấp tốc để bù lại quãng thời gian bỏ phí ban đầu. Với lời quảng cáo khá hấp dẫn, chỉ cần ba tháng là hoàn thành xong chương trình thi tốt nghiệp lẫn thi đại học, Quỳnh như mở cờ trong bụng vì "chỉ ba tháng mà bằng cả quãng thời gian mà những bạn khác miệt mài ôn luyện". Thế nên, dù chi phí khá cao, nhưng hai mẹ con Quỳnh vẫn quyết định tham gia.
Thế nhưng, khi bước vào thực tế, Quỳnh mới vỡ mộng. Luyện cấp tốc nên cái gì cũng...tốc độ. Đa phần những lò luyện này đều dạy theo kiểu dồn dập, nhồi nhét thật nhiều kiến thức cho học sinh, trong khi Quỳnh lại mất căn bản nghiêm trọng. Quỳnh cho biết "Những buổi học tại trung tâm cứ giống như mê cung. Mình chẳng hiểu những công thức đó từ đâu ra, cũng chẳng biết tại sao lại sử dụng cách giải đó mà không phải cách khác. Tốc độ dạy thì như...tên bay nên mình chẳng kịp nuốt trôi thứ gì và cũng không có cơ hội hỏi lại do thầy bận...dạy cho kịp tiến độ".
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
2. Cưỡi ngựa xem hoa
Đó là những gì mà T.Nhi (quận 10) cảm nhận được từ khóa luyện thi cấp tốc của mình. Ngay từ hè, cô nàng đã vạch ra kế hoạch "Chơi cho đã rồi chừa lại vài tháng cuối vào các lò luyện cấp tốc vậy là xong, vừa tiết kiệm được thời gian ôn, vừa không bỏ lỡ những cuộc chơi, những thú vui của mình quá sớm". Thế nhưng, khi bắt tay vào luyện thi, cô nàng mới phát hoảng. Trong giới thiệu ghi rất rõ "Dạy từ căn bản đến nâng cao". Thế nhưng, những kiến thức chỉ được giới thiệu lướt qua theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa". Nhi cho biết "Thầy cô ở đây cứ như là nghĩ rằng chúng mình đã biết tất tần tật nên chỉ dạy theo kiểu nhắc lại, hoặc giới thiệu sơ qua. Cứ tưởng vào đây sẽ được học lại những công thức từ cơ bản đến nâng cao nhưng kiểu này thì nền móng còn chưa có huống chi xây nền".
3. Thời gian đảo lộn
Dù rất siêng năng ôn bài ngay từ hè, nhưng thấy bạn bè ồ ạt đi luyện thi cấp tốc, C.Thiện (trường NT) cũng đã ghi tên tham gia để...chắc ăn. Thế nhưng, cách giảng dạy cũng như những kiến thức ở đây lại có phần không đồng nhất với những gì Thiện học ở trường. Thế nên khi mang cách giải ở trung tâm vào áp dụng trong lớp thì lại bị cho là không đúng bài bản. Ngược lại thì bị cho là dài dòng. Thời gian học cũng chi phối khá nhiều thời gian biểu của Thiện. Anh chàng cho biết "Vừa phải chạy sô trong lớp, vừa phải chạy sô ở trung tâm. Mình chẳng còn thời gian đâu để ôn bài nên kiến thức cứ vào tới tấp nhưng lại chẳng tiêu thụ được gì".
Luyện thi cấp tốc tuy được xem như là giải pháp kịp thời cho những teen muốn rút ngắn thời gian nhưng lại không phải là cứu cánh hiệu quả. Bởi lẽ kiến thức là cả một quá trình tích lũy lâu dài chứ không phải chỉ trong thời gian ngắn là có thể bù lại tất cả. Vì thế, các teen đừng đặt quá nhiều hy vọng vào các lò luyện mà hãy cố gắng hết sức mình để có thể đạt được kết quả cao nhất!
Không ở lò luyện, teen sẽ làm gì? Sau kì thi tốt nghiệp, các teen 12 lại kéo nhau vào các lò luyện để chuẩn bị cho kì thi đại học đang đến gần. Tuy nhiên, lò luyện chưa hẳn là lựa chọn duy nhất cho teen lúc này. 1.Tự ôn tại gia Đó là lựa chọn có phần "mạo hiểm" của X.Linh (trường THPT LL). Trái với thái độ vồn...