Vào đại học không phải là ‘bình phong’ trốn nhập ngũ
Bên cạnh sự băn khoăn, nhiều người vẫn đồng tình với quy định nhập ngũ mới và cho rằng đi nghĩa vụ vì Tổ quốc quan trọng như việc vào đại học để xây dựng đất nước.
Gần đây, Bộ Quốc phòng và Bộ GD – ĐT vừa công bố Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ (từ 18-25 tuổi).
Thông tư này quy định nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học vào các trường cùng một thời điểm thì công dân vẫn thực hiện lệnh nhập ngũ. Nhưng kết quả thi đại học được bảo lưu, và sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ tiếp tục học tập. Đối với công dân sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập học mới nhận lệnh gọi nhập ngũ thì được tạm hoãn nhưng phải có xác nhận của hiệu trưởng và cơ quan quân sự địa phương.
Sau khi quyết định này được ban hành, nhiều ý kiến cho rằng bất hợp lý, ảnh hưởng đến con đường học tập của các nam sinh. Độc giả Thái Hoàng cho rằng: “Quốc gia cần nhân tài chiến đấu bằng tri thức hay cần những người hữu dũng vô mưu? Tại sao chúng ta không tạo điều kiện cho những người muốn học cao, học xa để rồi chúng ta có thêm những nhân tài trên nhiều lĩnh vực phục vụ cho quốc gia? Quốc phòng rất quan trọng nhưng như Bác Hồ đã nói “Quốc gia có giàu mạnh sánh vai với các cường quốc được hay không là nhờ công học tập của các cháu”. Vì vậy, đề nghị những người có thẩm quyền xem xét lại”.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc thực hiệnnghĩa vụ quân sự đối với Tổ quốc, đồng tình với quyết định và cho rằng thay đổi này là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Minh Đức, học sinh lớp 12 tại Nam Định đã khẳng định: “Đối với mỗi công dân, việc xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc là hai nghĩa vụ quan trọng. Vào đại học để xây dựng Tổ quốc, còn chấp hành nghiêm túc quy định về nghĩa vụ quân sự là bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, đi nghĩa vụ quan trọng không kém việc đỗ đại học. Mình có lực học khá, việc thi đại học cũng nằm trong khả năng. Tuy nhiên, nếu có giấy báo nhập ngũ, mình vẫn sẽ thực thi nghiêm chỉnh”.
Nhiều bạn trẻ đồng tình với quy định nghĩa vụ quân sự mới. (Ảnh minh họa)
Cùng quan điểm, độc giả Đức Tuấn chia sẻ: “Thực tế, lý do các gia đình cho con mình nhập là không có điều kiện về kinh tế để tiếp tục học, học kém không đủ trình độ thi đại học, cao đẳng, hư hỗn muốn nhờ môi trường quân đội để giáo dục lại. Như vậy, hầu như rất ít các bạn trẻ cho rằng việc tuân thủ quy định nhập là trách nhiệm đối với Tổ quốc. Nhận thức này cần được xem lại và nên thay đổi”.
Có quan điểm cho rằng nếu đi nghĩa vụ hai năm sẽ ảnh hưởng đến việc học, tuổi đời lập nghiệp, thậm chí không thể có cơ hội để thi vào đại học, cao đẳng bởi kiến thức đã “rơi rụng hết”. Ý kiến này ngay lập tức bị phản bác.
Nickname Kaka chia sẻ: “Nếu yêu nước thì không nên trốn tránh nghĩa vụ. Thực tế, thông tư này cũng quy định rất rõ nếu bạn đỗ đại học vẫn được quyền bảo lưu và sẽ tiếp tục đi học khi giải ngũ. Như vậy, cơ hội để bạn tiếp tục học cao không hề bị thu hẹp”.
Video đang HOT
Mặc dù không chịu ảnh hưởng bởi thay đổi này nhưng các nữ sinh cũng lên tiếng đồng tình. Lan Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay tuy đất nước đang trong thời bình, nhưng để có được điều đó lịch sử dân tộc đã ghi nhận xương máu của bao thế hệ phải đổ xuống. Hơn nữa, hiện tại nguy cơ bị xâm lược, lấn chiếm vẫn có thể xảy ra do tình hình thế giới ngày càng phức tạp. Vì vậy quy định này là cần được thực hiện để đảm bảo hòa bình cho đất nước”.
Một bạn trẻ khác cũng ủng hộ: “Phải thay đổi như thế thì an ninh quốc gia mới phát triển mạnh và có chỗ đứng vững chắc được. Bởi nếu chỉ tuyển những “vô công rỗi nghề” ở các địa phương sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng quân đội. Đặc biệt, thông tư này cũng quy định các bạn sau khi giả ngũ về thì có được 1 khoản tiền nhỏ trang trải cuộc sống và có thể dùng vào việc học tập”.
Thay đổi cần thiết và không mới
Nhiều bạn trẻ cho rằng quy định này “không giống ai”, nhưng trên thực tế, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… cũng là điều bắt buộc đối với công dân của họ.
Cụ thể, tại Hàn Quốc, việc thi hành nghĩa vụ quân sự là bình đẳng, bất kể là dân thường hay ngôi sao. Những ngôi sao nổi tiếng như Won Bin, Hyun Bin, Bi Rain, Kim Jae Won…, đều đã phải chấp hành mặc dù thời điểm đó sự nghiệp đang ở đỉnh cao. Thậm chí, họ vẫn có thể bị xử lý theo quy định nếu vi phạm kỷ luật quân đội.
Ở Hàn Quốc, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự không phân biệt dân thường hay người nổi tiếng.
Độc giả Trương Trung Kiên cũng nhận thức được điều này cho biết: “Ở nhiều nước, bất chấp bạn đang đi làm hay đi học thì đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sựtheo quy định. Vì vậy, sửa đổi này là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết”. Hay ý kiến của Tuấn Anh (Định Công, Hà Nội) cũng cho rằng: “Các nước khác đã làm điều này hàng bao năm nay và họ vẫn phát triển. Cho nên không có lý do gì mà chúng ta không thực hiện quy định này”.
Ngày 7/3, Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực. Dù còn rất nhiều ý kiến trái chiều và thắc mắc từ phía xã hội, nhưng nhìn một cách khách quan, việc thay đổi này có ý nghĩa tích cực trong việc bảo vệ Tổ quốc và cần được đồng tình, ủng hộ.
AN HOÀNG
Theo Infonet
Trúng tuyển đại học vẫn phải đi nghĩa vụ quân sự
Quy định tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ thời bình vừa được sửa đổi đã khiến một số học sinh THPT hoang mang lo lắng. Dân trí đã trao đổi với Đại tá, Tiến sĩ, Nguyễn Thiện Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng, Bộ GD-ĐT để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Đại tá, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng - Bộ GD-ĐT.
PV: Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ vừa ban hành đã khiến nhiều học sinh hoang mang lo lắng. Xin ông cho biết vì sao có sửa đổi bổ sung này?
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Minh: Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT của Bộ Quốc phòng, Bộ GD-ĐT bổ sung, sửa đổi một số điều về tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ của Thông tư liên tịch số 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT xuất phát từ nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính qui ,từng bước hiện đại đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc trong tình hình mới.
Để thực hiện được nhiệm vụ trọng đại trên, nguồn nhân lực phục vụ quân đội hiện nay đòi hỏi chất lượng ngày càng cao về thể lực và tri thức. Đất nước đã có hơn 30 năm hòa bình, quân đội ta trong thời bình luôn nêu cao cảnh giác, xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, không để bị động bất ngờ trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao thực hành chiến đấu, hợp đồng tác chiến quân binh chủng trong chiến tranh công nghệ cao hiện nay, phải tuyển chọn những công dân ưu tú, có sức khỏe, có trình độ văn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nếu trong kháng chiến chống Mỹ, ai có trình độ văn hóa lớp 10, sinh viên đại học ưu tiên cho binh chủng pháo binh, không quân, bộ binh trình độ văn hóa thấp hơn, thì ngày nay chiến sĩ bộ binh có trình độ văn hóa lớp 12 còn vất vả trong học tập, huấn luyện chiến đấu, chưa nói đến các binh chủng, quân chủng được ưu tiên trang bị vũ khí hiện đại như phòng không - không quân, hải quân, tác chiến điện tử... Đó chính là lý do Thông tư liên bộ 13 ra đời để đáp ứng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho quân đội trong giai đoạn mới.
Trong Thông tư 13 có quy định, trường hợp công dân nhận được Lệnh gọi nhập ngũ và Giấy gọi nhập học cùng một thời điểm, thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ, không thuộc đối tượng xét tạm hoãn gọi nhập ngũ. Ông có thể giải thích kỹ hơn về quy định này? Cụ thể thời điểm như thế nào?
Thông tư liên tịch số 13 qui định nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học vào các trường cùng một thời điểm thì thực hiện lệnh nhập ngũ, báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo cho nhà trường (nơi phát hành giấy báo nhập học) được bảo lưu kết quả nhập học theo khoản 4 điều 56 Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS), sau khi hoàn thành NVQS sẽ tiếp tục học tập.
Trường hợp cùng nhận được Giấy báo nhập học thời hạn phải có mặt nhập học trước, Lệnh gọi nhập ngũ có thời gian qui định có mặt sau thời gian nhập học, công dân vẫn thực hiện Lệnh gọi nhập ngũ; công dân sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập học mới nhận được Lệnh gọi nhập ngũ thì được tạm hoãn nhưng phải có xác nhận của hiệu trưởng và cơ quan quân sự địa phương.
Trường hợp công dân nhận được Giấy báo nhập học đại học sau khi có Lệnh gọi nhập ngũ, có được ưu tiên đi học không thưa ông?
Không được vì trái với khoản 4 Điều 46 Luật NVQS.
Đi Nghĩa vụ quân sự là thực hiện tốt nghĩa vụ thiêng liêng của công dân với Tổ quốc. Trong ảnh: Thanh niên TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh trong ngày nhập ngũ. (Ảnh: QĐND)
Nhiều thí sinh lo lắng sau 2 năm thực hiện NVQS, sẽ quên kiến thức để thi đại học và họ cho rằng không nên áp dụng cho hệ đại học, cao đẳng chính quy, ông nghĩ sao ?
Mọi công dân Việt Nam đều có nhiệm vụ thiêng liêng thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Nếu được phục vụ quân đội 2 năm hoàn thành nghĩa vụ của mình, có mai một ít kiến thức nhưng góp phần xây dựng quân đội bảo vệ vững chắc Tổ quốc; sau khi hoàn thành nghĩa vụ, họ còn cả một cuộc đời để học hành thực hiện ước mơ, hoài bão của mình để xây dựng Tổ quốc.
Công dân sau khi hoàn thành NVQS khi thi đại học có được hưởng ưu tiên không? Những người trốn tránh thực hiện NVQS thì xử lý như thế nào ?
Tuy thực hiện NVQS là chấp hành Luật nhưng Đảng, Chính phủ có nhiều chính sách ưu tiên công dân hoàn thành NVQS như: quân nhân công tác tại biên giới hải đảo, người dân tộc thiểu số, người lập công suất sắc trong khi phục vụ tại ngũ... được cử tuyển đào tạo cao đẳng, đại học, quân nhân xuất ngũ được cấp thẻ học nghề trị giá bằng 12 tháng lương tối thiểu (hiện nay là 12.600.000 đồng), sau khi học tập được ưu tiên giới thiệu việc làm...
Những công dân trốn tránh thực hiện NVQS, những ai tạo điều kiện cho công dân trốn tránh NVQS sẽ bị xừ lý theo pháp luật của Nhà nước.
Tôi cho rằng học sinh không nên hoang mang. Cần tin tưởng họ sẽ thực hiện tốt nghĩa vụ thiêng liêng của mình.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Hạnh ( thực hiện)
Theo dân trí
Chị em song sinh cùng đỗ ĐH, cùng vào Đảng Hai chị em sinh đôi cùng đậu đại học và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng cùng một lần - đó là Nguyễn Thị Trà Giang và Nguyễn Thị Trà Anh,cựu học sinh lớp 12A7, Trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh. Hai chị em sinh đôi Trà Giang và Trà Anh sinh ra trong một gia đình nghèo,...