Vào cao đẳng với điểm cao hơn thủ khoa đại học
Năm nay, ở nhiều trường CĐ, số sinh viên nhập học tăng hẳn so với năm trước, số lượng rút hồ sơ do đậu ĐH cũng giảm, điểm đầu vào cao hơn nhiều trường ĐH.
Thí sinh nộp hồ sơ ở một trường CĐ – N.D
Nhiều học sinh giỏi chọn vào cao đẳng
26,6 là điểm của thí sinh (TS) Võ Thị Huyền, thủ khoa Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM. So với thủ khoa của một số trường ĐH, thì mức điểm này cao hơn. Ví dụ, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM là 26,25 điểm, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là 26,4 điểm… Với mức điểm đó, Huyền hoàn toàn có thể đỗ một trường ĐH tốp trên, nhưng đã chọn học CĐ.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, thông tin: “Đến thời điểm này, trường đã tuyển đủ 3.300 chỉ tiêu cho 11 ngành, nhanh hơn so với năm 2017. Năm nay, dù phổ điểm thi THPT quốc gia thấp hơn năm trước, nhưng số lượng TS đạt điểm trên 17 đậu vào trường chiếm 51%, trên 16 điểm chiếm 72%, nhiều TS trên 20 điểm”.
Tại Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, ông Lâm Văn Quản, Hiệu trưởng cho biết thủ khoa ở phương thức xét điểm THPT quốc gia của trường đạt 23,25 điểm, ở phương thức học bạ là 29,3 điểm. Theo đó, số TS thi đạt trên 15 điểm chiếm 86,2% chỉ tiêu xét điểm thi THPT quốc gia, số TS xét học bạ đạt trên 20 điểm chiếm 73,7%.
Ông Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, chia sẻ: “Năm 2017, trường cũng tuyển đạt chỉ tiêu, nhưng kéo dài đến hết tháng 8. Năm nay quá nhanh so với năm trước, khi đến 30.7 trường đã ngưng nhận hồ sơ do lượng TS nộp vào quá nhiều. Rất nhiều TS có điểm thi THPT quốc gia đạt 19 – 22 điểm. Có TS 12 năm liền là học sinh giỏi, điểm thi trên 20 nhưng cũng không học ĐH. Số lượng học sinh giỏi (8,0 trở lên) vào trường năm nay chiếm hơn 20%. Điều bất ngờ là một số em sẵn sàng nộp hồ sơ chờ sang năm 2019 vào học tại trường, do năm nay chỉ tiêu đã hết”.
Các trường CĐ: Kỹ thuật Cao Thắng, Công thương TP.HCM, Kỹ nghệ 2… đều đã đủ chỉ tiêu và bắt đầu chương trình học sớm.
Ở một số trường CĐ, thời điểm này năm 2017 còn chật vật, khó khăn chờ đợi TS thì nay đã tạm ổn với mức 60 – 70% chỉ tiêu. Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex, cũng cho hay đã có 1.100 sinh viên nhập học trên tổng số 1.500 chỉ tiêu. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, nhận định: “Năm nay trường tuyển được nhanh hơn, gọi nhập học từ trước 12.8. Nếu như năm ngoái các em nhập học rồi rút hồ sơ nhiều để đi học ĐH, thì năm nay rất hiếm, chỉ vài em”.
Video đang HOT
Phụ huynh ngày càng thực tế, hiểu khả năng của con em
Theo tiến sĩ Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đến thời điểm này các trường CĐ tại TP.HCM đã tuyển được 60 – 70% chỉ tiêu đề ra. Nhiều trường đạt 100% chỉ tiêu ngay từ đợt tuyển đầu như: Kỹ thuật Cao Thắng, Kinh tế đối ngoại, Kinh tế TP.HCM, Kỹ nghệ 2, Công nghệ Thủ Đức…
Ông Sự đánh giá: “Có nhiều nguyên nhân khiến năm nay tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khởi sắc. Thứ nhất, nội tại các trường thực hiện khá tốt công tác quảng bá, tư vấn tuyển sinh. Về phía thành phố, thực hiện việc tuyên truyền trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí liên tục từ tháng 6.2017 đến nay. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng có những chương trình truyền thông mạnh mẽ khiến cho xã hội, các bậc phụ huynh và TS có nhiều thông tin về học nghề, cũng như có nhận thức rõ hơn, đúng hơn về vấn đề này”.
Ông Sự cũng cho rằng trong mấy năm qua, kỳ thi tay nghề quốc gia thu hút sự quan tâm của xã hội, những người có tay nghề giỏi được nhà nước quan tâm và tôn vinh, các trường thì chủ động gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo, giải quyết việc làm tốt… Điều đó khiến phụ huynh có cái nhìn khác về học nghề.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành cũng nhìn nhận: “Năm nay cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp có sự quan tâm mạnh mẽ, đưa ra kế hoạch truyền thông, quảng bá rất tốt”. Ngoài ra, theo tiến sĩ Thành, những vị phụ huynh của thế hệ TS này đều còn trẻ, có nhận thức tốt và ngày càng thực tế, biết năng lực con mình phù hợp với bậc học nào để lựa chọn ngay từ đầu chứ không chạy theo học ĐH bằng mọi giá.
Bên cạnh đó, theo thạc sĩ Phan Bửu Toàn, còn có lý do là một số khối ngành bậc CĐ đang là điểm nóng nên rất thu hút TS, chẳng hạn như du lịch. Bên cạnh đó, khối kỹ thuật như: công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử, điện – điện tử có nhu cầu việc làm rất cao; khối y dược như điều dưỡng, dược sĩ không chỉ làm việc trong nước mà còn có cơ hội việc làm tại Đức, Nhật… với mức lương cao.
“Năm nay tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp có nhiều khởi sắc…, có những chương trình truyền thông mạnh mẽ khiến cho xã hội, các bậc phụ huynh và TS có nhiều thông tin về học nghề, cũng như có nhận thức rõ hơn, đúng hơn về vấn đề này”
Tiến sĩ Đặng Minh Sự, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM
Theo thanhnien.vn
Nữ thủ khoa dân tộc Mường từ bỏ ước mơ Đại học vì gia đình quá nghèo
Từng là học sinh giỏi nhiều năm liền, trúng tuyển đại học với vị trí thủ khoa nhưng nữ sinh sẽ phải nghỉ học để đi làm phụ gia đình.
Giáo viên chủ nhiệm tiếc cho trò nghèo
"Đã mấy đêm rồi cô mất ngủ vì suy nghĩ miên man về những học trò nghèo khó nhưng hiếu học. Trong 12 năm đi dạy, chưa bao giờ cô có học sinh đậu thủ khoa như năm nay. Nhưng cô chẳng dám vui vì em bảo rằng: "Cô ơi! Em cũng muốn được đi học đại học lắm nhưng điều kiện gia đình quá khó khăn nên em sẽ đi làm". Cô đã cố gắng động viên gia đình em để em được tiếp tục thực hiện ước mơ nhưng.... Cô buồn quá em à!", cô Lê Thị Hoa (giáo viên trường THPT Thọ Xuân 5, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ dòng trạng thái trên Facebook khi hay tin học sinh lớp mình đỗ thủ khoa nhưng không có khả năng nhập học.
Từ dấu chấm lửng trên dòng tâm sự của cô giáo Lê Thị Hoa, chúng tôi được biết gia cảnh của thí sinh đỗ thủ khoa Hà Thị Nhung thật thương cảm.
Thí sinh Hà Thị Nhung, trường THPT Thọ Xuân 5 (tỉnh Thanh Hóa) vừa đỗ thủ khoa ngành Tâm lý giáo dục của học viện Quản lý giáo dục (TP.Hà Nội) với 25,75 điểm.
Dù là con út trong gia đình nghèo, nhưng nữ sinh luôn ý thức học hành chăm chỉ và đạt học lực giỏi.
Nhung kể, em là học sinh giỏi liên tục trong 3 năm ở bậc phổ thông. Đây là năm học mà em háo hức nhất vì sau kỳ thi THPT Quốc gia này, em sẽ chọn cho mình một ngành học yêu thích để có nghề nghiệp ổn định trong tương lai.
Tuy nhiên, vì gia cảnh quá khó khăn nên khả năng em buộc phải tạm gác lại ước mơ ngồi trên giảng đường đại học.
Cô giáo chủ nhiệm tiếc cho học trò của mình vì hoàn cảnh mà gác lại giấc mơ giảng đường đại học.
"Em là dân tộc Mường, hiện sống tại thôn Làng Pheo, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, có tất cả 7 anh chị em, em là con út. Bố mẹ em đã ngoài 60 tuổi, bố thì bị bệnh tim nặng phải đi viện hàng tháng, không làm được gì. Mẹ em làm nông trên mảnh đất nhỏ phải thuê mướn của người ta nên cuộc sống rất khó khăn", Nhung kể về gia cảnh khốn khó.
Sẽ nghỉ học đi làm công nhân trước
Được biết, thôn Làng Pheo thuộc vùng sâu, vùng xa nhất của xã Xuân Phú. Nơi đây đất đai cằn cỗi, cư dân thưa thớt và là địa bàn có nhiều người Mường sinh sống. Phần đông các gia đình nơi đây đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc cũng chỉ đắp đổi qua ngày.
Nhận xét về học sinh Nhung, cô Lê Thị Hoa giáo viên chủ nhiệm của em cho biết: "Nhung là học sinh rất ngoan hiền, luôn nỗ lực hết mình. Em sống rất tốt và có mối quan hệ hòa nhã với bạn bè, thầy cô. Em có hạnh kiểm Tốt, học lực Giỏi. Em đạt giải nhì cấp trường và giải khuyến khích cấp tỉnh môn Địa lý năm 2017 - 2018".
Gia đình của nữ sinh được chính quyền địa phương xác nhận là hoàn cảnh khó khăn thực sự
Bên cạnh đó, em còn nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào của trường lớp. Em luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hầu hết thầy cô giáo trong trường đều thấu hiểu và thương yêu em".
Hiện tại Nhung đang đi làm may để phụ giúp gia đình và có thêm chút tiền trang trải cho cuộc sống. Em cho biết, vì mới đi làm được mấy ngày nên em cũng không biết sẽ được chủ trả lương cho bao nhiêu.
"Nếu có một phép màu, được ra TP.Hà Nội học, em sẽ cố gắng hết sức học tập để tốt nghiệp đúng thời hạn. Sau này ra trường, em không mong muốn gì nhiều, chỉ cần kiếm được công việc ổn định mà mình yêu thích, đó là trở thành nhà tư vấn tâm lý hay dạy kỹ năng sống cho học sinh là được rồi", Nhung thật thà chia sẻ.
Theo phununews.vn
Chuẩn bị cho con vào lớp 1 ở các nước như thế nào? Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác trên thế giới, phụ huynh cũng rất coi trọng việc chuẩn bị cho con vào lớp 1. Cùng tìm hiểu xem họ chuẩn bị và chọn trường cho con như thế nào? Nhật Bản: Ở Nhật sau khi hoàn tất các lớp mầm non, phụ huynh sẽ đăng ký cho con vào bậc...