Vẫn tin vào sự thật
Vụ án nhà báo Hoàng Hùng tạm khép lại bằng kết luận của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao (giữ nguyên án sơ thẩm) khiến những ai quan tâm đều không khỏi thất vọng. Dẫu vậy, ước muốn vụ án được làm sáng tỏ vẫn luôn cháy bỏng
Bà Nguyễn Thị Kim Nga thất vọng về sự thật vụ con mình bị sát hại chưa được làm rõ. Ảnh: Quang Liêm
“Vậy là xong rồi hả con?…” – bà Nguyễn Thị Kim Nga (mẹ của cố nhà báo Hoàng Hùng) thẫn thờ hỏi khi chúng tôi nắm tay dìu bà ra khỏi phòng xử án của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM chiều 22-6. Dù đã dự tính trước kết quả phiên xử nhưng trước câu hỏi chứa đựng sự thất vọng, hụt hẫng; trước dáng đi xiêu vẹo như chực ngã của người mẹ ấy, chúng tôi đã nghẹn lời…
Vì công lý, vì sự thật!
Từ ngày nhà báo Hoàng Hùng về công tác tại Báo Người Lao Động cho đến khi gặp nạn, chúng tôi – những đồng nghiệp sát cánh với anh trên mặt trận “thời sự- nội chính” – nhận rõ một điều: Gia đình luôn là hai tiếng thiêng liêng mà anh cố gắng gìn giữ, vun đắp, hy sinh. Chưa bao giờ anh than phiền với đồng nghiệp về người vợ đam mê cờ bạc, thiếu thủy chung. Thậm chí, những ngày thập tử nhất sinh trong Bệnh viện Chợ Rẫy, anh cũng chỉ biết rơi nước mắt, một mình ôm lấy nỗi đau, không nửa lời nghi ngờ vợ, dù có thể anh đã hiểu một phần nào đó nguyên do mình gặp nạn. Với lòng tự trọng của người đàn ông, anh không muốn bi kịch của gia đình mình bị người đời biết đến, soi mói.
Là đồng nghiệp, chúng tôi hiểu và tôn trọng ý nguyện của anh. Cũng vì lẽ đó, trong thâm tâm, chúng tôi không bao giờ mong muốn phải nói đi nói lại nhiều lần về vụ án này, bởi như thế chẳng khác nào khắc thêm nỗi đau cho người thân của anh và cả chúng tôi. Nhưng mỗi ngày qua đi, vụ án lại hé lộ nhiều bất thường mà với trách nhiệm của đồng nghiệp cũng như của người làm báo, chúng tôi không thể không truy tìm, với mong muốn duy nhất là làm sáng tỏ sự thật của vụ án.
Video đang HOT
Bỏ qua nhiều lời cảnh báo bóng gió, bỏ qua những khó khăn, hạn chế vì không dễ dàng tiếp cận được hồ sơ vụ án, chúng tôi đã cố gắng đi tìm, thu thập từng chứng cứ liên quan đến vụ án – dù nhỏ, lặn lội lên Lâm Đồng hay ra tận miền Bắc để tìm nhân chứng, ngồi mày mò đọc và nghiền ngẫm từng trang bút lục hồ sơ vụ án dày cộm, đi tìm những người làm trong ngành tố tụng để củng cố thêm kiến thức luật pháp… Hàng chục bài viết, đặc biệt là loạt bài “Lật lại hồ sơ vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại” đã phân tích những uẩn khúc, khó hiểu của vụ án, chỉ ra cách điều tra sơ sài, thu thập, đánh giá chứng cứ không khách quan, thiếu thuyết phục của các cơ quan tố tụng tỉnh Long An, ít nhiều đã có hiệu quả khi 2 lần VKSND và TAND tỉnh Long An trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Có thể nói, đó là những phân tích, đóng góp đầy trách nhiệm, vì công lý, vì sự thật, không phải vô căn cứ, nói lấy có để thỏa lòng hậm hực hay vì một mục đích gì khác. Rất may, trên con đường chông gai ấy, chúng tôi có được sự đồng hành, ủng hộ của rất đông bạn đọc gần xa.
Thiếu một giải thích thuyết phục
Cho đến tận hôm nay, cùng với hai luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại: Luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật TNHH MTV Biển Đông) và luật sư Nguyễn Văn Bảy (Văn phòng Luật sư Quang Luật), có thể nói rằng trước và sau phiên tòa sơ thẩm, chúng tôi đã cố gắng hết sức có thể để mong tìm ra sự thật của vụ án. Kết quả cuối cùng chỉ còn trông chờ vào sự phán quyết công minh, rõ ràng, tôn trọng sự thật khách quan của HĐXX cấp phúc thẩm. Thế nhưng, mặc cho luật sư nhiều lần thiết tha đề nghị vị đại diện VKSND Tối cao tranh luận đến cùng những vấn đề còn uẩn khúc của vụ án cũng như những dấu hiệu vi phạm tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An, đại diện VKS và cả Tòa Phúc thẩm vẫn khăng khăng vụ án đã được điều tra, xét xử một cách khách quan, không bỏ lọt tội phạm mà “không thèm để ý” đến những câu hỏi luật sư nêu.
Cái cách HĐXX nhắc đi nhắc lại với đại diện hợp pháp của người bị hại rằng hãy chứng minh ai là đồng phạm, rằng nếu có chứng cứ thì báo ngay cho CQĐT, đừng nói lung tung, không đúng chỗ đã khiến cho không chỉ bà Nga mà cả những người dự khán phải… ngẩn ngơ. Vì lẽ gì mà những vấn đề luật sư đặt ra rất rõ ràng, cụ thể, hiển hiện trong hồ sơ vụ án, như những mâu thuẫn trong lời khai, việc CQĐT thu thập chứng cứ sau khi hồ sơ đã chuyển qua tòa án, thực nghiệm điều tra chưa tôn trọng sự thật khách quan, lời sinh cung được CQĐT ghi lại trong biên bản lại không đầy đủ…, lại bị HĐXX “né tránh” trả lời?
Và, chỉ sau 7 phút nghị án, HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm. HĐXX chỉ thừa nhận “cấp sơ thẩm có thiếu sót nhưng thiếu sót không làm thay đổi bản chất vụ án (?!)”.
“Phiên phúc thẩm này còn… thua phiên tòa sơ thẩm” – nhiều người dân tham dự phiên tòa nhận xét. Có thể sự so sánh này là khập khiễng, chưa chính xác, dẫu vậy cũng khiến cho những ai quan tâm đến vụ án phải suy nghĩ nhiều. Bởi một khi những lợn gợn, nghi vấn không được giải thích thỏa đáng, đến nơi đến chốn một cách tâm phục khẩu phục, nhiều người vẫn có quyền đòi hỏi và mong mỏi phải tìm ra sự thật, cho dù điều đó có khi là bất khả thi.
Có chết, tôi cũng phải làm! Trong quá trình đi tìm chứng cứ, nhân chứng phục vụ cho loạt bài: “Lật lại hồ sơ vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại”, chúng tôi may mắn gặp được một người bạn thân của nhà báo Hoàng Hùng, từng làm trong ngành tư pháp tỉnh Long An. Sau những phút e dè, biết được mục đích cuộc viếng thăm và nhân thân của chúng tôi, người này đã không ngần ngại kể lại cuộc nói chuyện “định mệnh” trước lúc nhà báo Hoàng Hùng bị nạn. Theo lời kể, anh Hoàng Hùng đã nhiều lần đăng ký mà không gặp được lãnh đạo TAND tỉnh Long An để hỏi về bản án ly hôn kỳ lạ nhất ở Việt Nam. Khoảng hơn 9 giờ ngày 18-1-2011, anh Hùng hớn hở báo cho người bạn thân nêu trên biết lãnh đạo tòa án hẹn trong tuần sẽ trả lời dứt điểm về vụ án. “Nghe xong, đáng lẽ tôi phải mừng cho Hùng nhưng không hiểu sao trong lòng tôi dấy lên nỗi lo lắng mơ hồ, rất khó diễn tả. Tôi buột miệng: “Vụ án không đơn giản đâu nghen! Thôi bỏ đi, coi như chưa từng biết đến chuyện này để còn nuôi vợ, nuôi con…”. Tôi nói chưa dứt lời, Hùng tức giận đứng lên vung tay: “Đâu có được? Có chết, tôi cũng phải làm!”. Sáng hôm sau, tôi nhận được tin Hùng gặp nạn.
Theo NLD
Vụ án nhà báo Hoàng Hùng: Có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ
Việc CQĐT Công an tỉnh Long An bỏ qua việc thu thập nội dung các tin nhắn giữa Trần Thúy Liễu và ông Nguyễn Văn Tâm, hoặc chậm điều tra, tự làm khó mình như thế không đơn giản là thiếu sót về nghiệp vụ.
Ngày 22-6, vụ án nhà báo Hoàng Hùng (phóng viên Báo Người Lao Động) bị sát hại sẽ được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đưa ra xét xử. Nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án cũng như phiên tòa sơ thẩm, chúng tôi, cũng như nhiều luật sư, nhận thấy cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng tỉnh Long An chưa đi đến tận cùng sự thật, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án. CQĐT Công an tỉnh Long An đã bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng của vụ án, thậm chí có những chứng cứ khi chuyển qua VKSND và TAND cùng cấp không còn nguyên vẹn.
HĐXX phiên sơ thẩm vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị giết hại đã gây nhiều thất vọng cho người dự khán vì những câu hỏi không đi vào trọng tâm. Ảnh: Tấn Thạnh
Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, tiếp tục điều tra, chúng tôi được biết trong khoảng thời gian trước và sau vụ án xảy ra, ngoài liên lạc hàng trăm cuộc điện thoại với ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên cán bộ QLTT tỉnh Long An), bà Trần Thúy Liễu (vợ nhà báo Hoàng Hùng) còn liên lạc với nhiều người khác, trong đó có chủ thuê bao ở tận ngoài tỉnh Quảng Ninh. Có thể thấy rằng thiếu những chứng cứ này, không thể giải quyết được vụ án một cách khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.
Vậy nên, việc CQĐT Công an tỉnh Long An bỏ qua việc thu thập thông tin nội dung tin nhắn hoặc chậm điều tra, tự làm khó mình như thế không đơn giản là thiếu sót về nghiệp vụ.
Quan trọng hơn, băng ghi âm lời sinh cung của nạn nhân do CQĐT tiến hành ghi âm và biên bản mở băng ghi âm không giống nhau về nội dung lẫn hình thức. Câu hỏi đặt ra: Liệu CQĐT đã cung cấp đầy đủ băng ghi âm cho tòa án hay chưa khi có một số lời khai của nạn nhân không thấy thể hiện trong biên bản mở băng; ngược lại, có một số nội dung thể hiện trong biên bản mở băng lại không có trong những file băng ghi âm mà CQĐT cung cấp cho tòa án mà luật sư được tiếp cận?
Ngày 29-3, TAND tỉnh Long An xét xử sơ thẩm đã tuyên án chung thân đối với bị cáo Trần Thúy Liễu về tội giết người. Tuy nhiên, diễn biến phiên tòa đã gây thất vọng cho đa số người theo dõi.
Có một sự thật mà bất kỳ ai theo dõi phiên tòa cũng có thể thấy, đó là việc bà Liễu một mình thực hiện hành vi phạm tội hay có đồng phạm tham gia đã không được HĐXX làm sáng tỏ bằng những câu hỏi sắc sảo, trọng tâm, bóc trần sự thật và một nhận định thật sự thuyết phục đủ sức đánh tan những điểm nghi vấn, còn mờ ảo trong vụ án. Ngược lại, cơ quan tố tụng lại né tránh nhiều vấn đề luật sư đặt ra...
Chi tiết bài viết mời bạn đọc đón đọc trên báo giấy Người Lao Động số ra ngày mai, 21-6.
Theo NLD
Ngày 22-6, phúc thẩm vụ đốt nhà báo Hoàng Hùng Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM vừa quyết định ngày 22-6 sẽ xét xử vụ án nhà báo Hoàng Hùng (phóng viên báo Người Lao Động) bị vợ là bà Trần Thúy Liễu đốt chết. Bà Liễu tại phiên sơ thẩm - Ảnh: tư liệu Vụ án được xét xử theo trình tự phúc thẩm do có kháng cáo của bà...